Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/06/2021

11:02 01/06/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 01/06:

193 hồ sơ tham gia Giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2021

Ngày 31/5, đại diện Ban Thi đua khen thưởng TPHCM cho biết, sau thời gian phát động, Ban tổ chức Giải thưởng sáng tạo TPHCM đã nhận được 193 đề án, công trình, giải pháp, đề tài đăng ký tham gia Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần 2, năm 2021. Thông tin trên báo SGGP.

Theo đó, các công trình tham gia thuộc 7 lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế) có 4 công trình; lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh) có 4 công trình; lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước) có 34 công trình; lĩnh vực 4 (truyền thông) có 13 công trình; lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật) có 32 công trình; lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật) có 68 công trình; lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo) có 38 công trình.

Tổ thư ký Giải thưởng sáng tạo họp triển khai kế hoạch giải thưởng
Tổ thư ký Giải thưởng sáng tạo họp triển khai kế hoạch giải thưởng

Theo Ban tổ chức giải thưởng, từ ngày 1 đến 1/6, Hội đồng các lĩnh vực sẽ thực hiện chấm sơ tuyển theo từng lĩnh vực để chọn ra các công trình đủ chất lượng.

Từ ngày 11 đến 15/6, Hội đồng cấp thành phố họp xét chọn các hồ sơ đủ tiêu chuẩn vào vòng chung kết và trình Ban tổ chức giải thưởng xét chọn những công trình đạt giải thưởng.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM là giải thưởng danh giá nhất của TPHCM, được trao cho các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm dịch vụ sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. Dự kiến, Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 2 sẽ được trao vào tháng 7/2021.

Thảnh thơi mua sắm trong ngày đầu giãn cách

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, trong ngày đầu tiên TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, các chợ, siêu thị đều thưa vắng người, khác hẳn với hình ảnh chen chúc, ùn ùn đi mua sắm trước đó.

Ngày 31/5, các cửa hàng thực phẩm, siêu thị ở TPHCM vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Tại một siêu thị tại quận Bình Tân, người dân bắt buộc phải khai báo y tế trước khi vào mua sắm. Sau đó có nhân viên đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, khách phải mang khẩu trang mới được vào bên trong.

Bên trong các siêu thị trong ngày 31/5 khá thưa vắng
Bên trong các siêu thị trong ngày 31/5 khá thưa vắng

Bên trong các siêu thị trong ngày 31/5 khá thưa vắng, người dân thảnh thơi lựa chọn món hàng ưng ý. Gía cả các mặt hàng không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng giảm giá như bắp cải chỉ 6.300 đồng/kg, su su 14.300 đồng/kg, bầu 13.900 đồng/kg...

Trong khi đó, chợ truyền thống của Thành phố cũng buôn bán bình thường, tuy nhiên lượng khách đến chợ trong ngày 31/5 có thưa vắng hơn trước.

Tại chợ truyền thống, lượng khách mua cũng thưa thớt
Tại chợ truyền thống, lượng khách mua cũng thưa thớt

Nhiều loại thực phẩm như rau xanh có phần ít hàng hơn, do trước đó (ngày 30/5), lượng khách mua tăng đột biến nên tiểu thương chưa kịp nhập thêm hàng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sẽ ưu tiên công tác phòng, chống dịch và dập dịch; Nhà nước tham gia điều phối cung ứng nguồn hàng, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu; tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, ghim hàng gây biến động thị trường, giá cả.

Sáng 1/6, chốt kiểm soát lại ùn tắc, hàng loạt xe không thể ra vào Q.Gò Vấp

Liên quan đến thông tin giao thông tại quận Gò Vấp, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ 6 giờ 30 phút ngày 1/6, hàng dài xe kẹt tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị nhiều xe phải quay đầu, một số người chỉ xuất trình thẻ nhân viên công ty không có địa chỉ rõ ràng nên không được giải quyết. Một số khác được giải quyết cho vào quận Gò Vấp làm việc nhưng chiều về phải có giấy của công ty.

Sáng 1/6, rất nhiều xe tập trung trước chốt kiểm soát dịch để trình bày lí do muốn ra - vào Gò Vấp. ẢNH: ĐỘC LẬP
Sáng 1/6, rất nhiều xe tập trung trước chốt kiểm soát dịch để trình bày lí do muốn ra - vào Gò Vấp. ẢNH: ĐỘC LẬP

Có nhiều người đi hướng từ quận Bình Thạnh sang quận 12 muốn đi ngang quận Gò Vấp được yêu cầu đi vòng lối khác.

Mặc dù các lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ dân phố…nỗ lực hết sức để hướng dẫn giải thích cho người dân nhưng đến 6 giờ 50 phút, lượng xe vẫn còn ùn ứ, dòng xe hướng ra khỏi Q.Gò Vấp kéo dài khoảng 100m, xe máy, ô tô cùng xếp hàng.

Trước đó, từ 0h ngày 31-5, UBND quận Gò Vấp đã thiết lập 10 chốt kiểm soát y tế để thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo chỉ đạo của UBND TP.

Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên, lực lượng chức năng tại các chốt đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát. Sau đó UBND quận Gò Vấp đã phải tạm thời cho người dân đi ra, đi qua và vào Gò Vấp bình thường.

 Theo Tuổi Trẻ, sau cuộc họp với các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Trí Dũng chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết sẽ lập lại các chốt kiểm soát từ 21h ngày 31-5 để kiểm soát người và phương tiện ra vào Gò Vấp.

Trong thời gian làm việc, ngoài xuất trình khai báo y tế điện tử, người dân ra vào và đi qua Gò Vấp phải trình thẻ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nơi làm việc được phép hoạt động theo chỉ thị 16 và chỉ đạo của UBND thành phố.

Riêng khoảng thời gian từ 20h tối đến 5h sáng hôm sau, người dân phải mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu. Mục đích việc kiểm soát này là để hạn chế người từ Gò Vấp ra ngoài, cũng như người từ bên ngoài vào Gò Vấp không thật sự cần thiết.

Tòa án, viện kiểm soát trong ngày đầu giãn cách

Theo báo Pháp Luật TP, trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội (31/5), TAND TP vẫn xét xử hai vụ án hình sự theo lịch đã được lên trước đó. Hai phiên tòa này đều tổ chức trong phòng xử chỉ giới hạn 10 người. Một số phiên xử dân sự kết thúc sớm vì vắng mặt các đương sự không đến tòa liên quan đến việc giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tại trụ sở VKSND TP, người ra vào đều phải chấp hành việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế theo quy định.

Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh cho biết đơn vị mình thuộc khu vực giãn cách theo Chỉ thị 15. Vì thế, cơ quan chỉ hạn chế người đến liên hệ công việc hay mời đương sự làm việc. Ngoài ra, các công chức, người lao động đang thuộc các diện F2, F3 sẽ được cho nghỉ ở nhà, tuân thủ theo quy định chung của y tế trong tình hình phòng chống dịch.

Phòng chống dịch tại TAND TP Thủ Đức ngày 31/5. Ảnh: HY
Phòng chống dịch tại TAND TP Thủ Đức ngày 31/5. Ảnh: HY

Với tính đặc thù là cơ quan có ba cơ sở đặt tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ, ông Vinh cho biết ở mỗi cơ sở đều có bố trí lãnh đạo để kịp thời giải quyết mọi công việc.

Tại VKSND quận Gò Vấp, do đặc thù công viêc, có những việc không thể làm ở nhà nên VKS sắp xếp đảm bảo được 1/3 cán bộ, công chức, người lao động thuộc các mảng chuyên môn khác nhau làm việc tại trụ sở. Các nhóm sẽ thay phiên đến cơ quan làm việc, đồng thời tại cơ quan luôn có lãnh đạo trực.

Ngày 31/5, chánh án TAND TP có chỉ đạo về việc phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện giãn cách xã hội tại TPHCM. Theo đó, từ 0 giờ ngày 31/5 đến hết 24 giờ ngày 15/6, chánh án TAND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, chánh án các tòa chuyên trách, trưởng bộ phận thuộc TAND TP.HCM thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Riêng TAND quận Gò Vấp và quận 12 tạm dừng xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc, trừ các trường hợp cấp bách phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Ví dụ giải quyết yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam...

Trưng dụng 7 ký túc xá làm khu cách ly

Báo Người Lao Động thông tin, UBND TP có văn bản gửi ĐHQG TP HCM và các trường ĐH, CĐ đề nghị hỗ trợ, chấp thuận việc trưng dụng cơ sở vật chất ký túc xá của các trường để làm khu cách ly tập trung

Việc trưng dụng các khu ký túc xá (KTX) của các trường ĐH, CĐ để thiết lập lại các khu cách ly dự phòng cho những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2, chuẩn bị cho tình huống 100-300 ca bệnh.

Qua khảo sát và đề xuất của Sở Y tế TP, hiện TP có KTX của các trường ĐH, CĐ sẵn cơ sở vật chất như phòng, giường nằm, điện, nước và mặt bằng rộng rãi thoáng mát.

Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP HCM tiến hành thu dọn đồ đạc. Ảnh: KTX ĐHQGTPHCM
Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP HCM tiến hành thu dọn đồ đạc. Ảnh: KTX ĐHQGTPHCM

Để chuẩn bị cơ sở vật chất làm khu cách ly tập trung, ngày 31/5, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG TPHCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP tiến hành thu dọn đồ đạc, vật dụng tại phòng ở sinh viên.

Đối với đồ đạc, vật dụng, tài sản sinh viên để trong tủ, đã khóa cẩn thận của sinh viên đã rời KTX, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP HCM sẽ giữ nguyên, KTX sẽ làm việc với các đơn vị trong công tác bảo quản đồ đạc trong phòng ở khi trưng dụng làm khu cách ly.

Trung tâm quản lý Ký túc xá ĐHQG TP HCM sẽ thông báo đến sinh viên khai báo tài sản trên website: http://svktx.vnuhcm.edu.vn/ đồng thời cho thu gom, đóng thùng (đối với đồ đạc chưa đóng), niêm phong và di chuyển đến các kho để cất giữ.

Khai báo y tế khi đến cơ quan nhà nước

Thực hiện các chỉ thị về phòng chống dịch COVID-19 của TP, các quận, huyện trên địa bàn TP đã khởi động “hàng rào” bảo vệ hoạt động tiếp dân trước dịch bệnh.

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, những ngày cuối tháng 5 tại UBND quận Bình Tân, trước khi vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ, người dân phải khai báo y tế (KBYT) thông qua mã QR code hoặc khai báo trực tiếp bằng giấy. Còn tại bộ phận một cửa, người dân được kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn và hướng dẫn ngồi cách xa nhau.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Tại điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại khu vực III, TP Thủ Đức, từ nhiều ngày nay đã áp dụng việc KBYT bằng cách quét mã QR code hoặc khai báo trực tiếp (dành cho người không sử dụng điện thoại thông minh). Cùng đó là việc thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, đảm bảo giãn cách giữa những người dân đến làm thủ tục.

Trong khi đó, UBND quận Bình Thạnh bố trí người dân ngồi giãn cách và đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Ở cổng ra vào, người dân được yêu cầu KBYT, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào trong, đồng thời bố trí bộ phận hỗ trợ phân luồng cho người dân ra vào khu vực làm thủ tục.

Tương tự, người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận cũng được yêu cầu KBYT, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và ngồi giữ khoảng cách tối thiểu 2 m để đảm bảo an toàn.

Tạm dừng chở khách đến 3 điểm bằng đường thủy

Một thông tin khác trên báo Pháp Luật TP cho biết, Sở GTVT TP vừa có văn bản khẩn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong lĩnh vực đường thủy trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở GTVT đề nghị tạm dừng hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách đi đến các chùa Hội Sơn - Phước Long (TP Thủ Đức), Miếu Nổi (quận Gò Vấp) và Đình Bình Đông (quận 8) kể từ ngày 31/5 cho đến khi có thông báo mới.

Các bến khách ngang sông chùa Hội Sơn - chùa Phước Long, Miếu Nổi và Đình Bình Đông chỉ được phép hoạt động phục vụ cho những người của nhà chùa có nhu cầu đi lại cần thiết.

Sở GTVT đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện liên quan phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý. Đặc biệt tại các bến phà, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa đưa rước hành khách.

Đối với bến phà Bình Khánh, bến phà Cát Lái và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa đưa rước hành khách đang hoạt động tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Sở TT&TT làm việc với đại diện của bà Phương Hằng

Theo Zing News, ngày 31/5, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP cho biết cùng ngày Sở đã có cuộc làm việc với đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Phương Hằng. Do giãn cách xã hội và đang ở Bình Dương nên bà Hằng không thể trực tiếp làm việc với sở.

Nội dung buổi làm việc liên quan đến những phát ngôn được phát trực tiếp (livestream), trình bày trên các clip (đoạn phim video) được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Facebook và kênh Youtube.

Bà Phương Hằng chuẩn bị tài liệu chi tiết khi livestream. Ảnh chụp lại từ buổi livestream ngày 25/5.
Bà Phương Hằng chuẩn bị tài liệu chi tiết khi livestream. Ảnh chụp lại từ buổi livestream ngày 25/5.

Đại diện sở nhận định các thông tin này có nội dung không chuẩn mực, phản cảm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và cá nhân khác. Tại cuộc làm việc này, đại diện theo ủy quyền của bà Hằng cho biết bà sẽ rút kinh nghiệm, cam kết không có những phát ngôn gây ảnh hưởng đến người khác.

Trước đó, ngày 25/5, bà Nguyễn Phương Hằng đã trở thành hiện tượng livestream khi có hơn 270.000 lượt xem cùng lúc trên video trực tuyến. Trong những buổi livestream (phát sóng trực tiếp), bà Hằng thường xuyên kể câu chuyện hậu trường showbiz, nhắc tới nhiều nghệ sĩ, trong đó có nhắc tới vụ từ thiện 13 tỷ đồng của NSƯT Hoài Linh...

Khang Minh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục