Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/12/2021

09:07 01/12/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 01/12:

Đầu tư hạ tầng để giảm chi phí logistics

Báo Tuổi Trẻ cho biết, hội thảo "Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP" do Hiệp hội Logistics TPHCM tổ chức chiều 30/11, thu hút sự quan tâm của các sở ngành, chuyên gia và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đến tham dự.

Lãnh đạo UBND TP tham dự hội thảo "Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP" - Ảnh: Thu Dung
Lãnh đạo UBND TP tham dự hội thảo "Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP" - Ảnh: Thu Dung

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP - nhấn mạnh ngành logistics ở TP đang trên đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên hiện việc đầu tư cho lĩnh vực chưa nhiều, hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy chậm đầu tư, sân bay quá tải từ lâu. Do tính cục bộ đó, chi phí nhân lực, chi phí logistics cao... ngành logistics chưa thể bứt phá.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết TP đang nghiên cứu chính sách phát triển hạ tầng giao thông, hoàn chỉnh quy hoạch pháp lý xây dựng 7 trung tâm logistics chuyên nghiệp. TP hoàn toàn đủ năng lực tự tổ chức dịch vụ cạnh tranh với các nước trên thế giới. Khi hạ tầng giao thông đáp ứng đầy đủ, chi phí logistics giảm, theo đó chúng ta chủ động liên kết vùng thành đòn bẩy tăng cường dịch vụ cung ứng, chuyên môn hóa…

Kết luận buổi hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhận định, TP vừa trải qua đại dịch, hoạt động logistics vẫn duy trì các chuỗi cung ứng vật tư, y tế hàng hóa... Ngành logistics phải được đầu tư phát triển đúng với tiềm năng của ngành.

"Trong sự phát triển kinh tế - xã hội TP thời gian tới không thể thiếu hoạt động logistics. Tôi mong Hiệp hội Logistics căn cứ thực tế đưa ra kiến nghị về chính sách, đầu tư... Sở Công thương TP luôn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ giúp ngành logistics đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thậm chí vượt xa mục tiêu đó", ông Mãi khẳng định.

Các doanh nghiệp sẵn sàng cho Ngày hội du lịch TPHCM trực tuyến

VOV thông tin, chỉ còn vài ngày nữa là Ngày hội du lịch TPHCM lần thứ 17 sẽ diễn ra (ngày 4/12/2021 - 25/12/2021). Đây là năm đầu tiên sự kiện này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 112 doanh nghiệp và đơn vị đăng ký tham gia Ngày hội. Các doanh nghiệp đều sẵn sàng các gian hàng ảo cho sự kiện này.

Hiện tại đã có 112 đơn vị đăng ký gian hàng ảo tại Ngày hội du lịch TP.HCM năm 2021. (Ảnh: Sở DL TP.HCM)
Hiện tại đã có 112 đơn vị đăng ký gian hàng ảo tại Ngày hội du lịch TP.HCM năm 2021. (Ảnh: Sở DL TPHCM)

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty du lịch Saco cho biết, vì là lần đầu tiên tham gia ngày hội theo hình thức trực tuyến nên doanh nghiệp cũng gặp một chút lúng túng, khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, đến nay thì mọi việc cơ bản đã hoàn tất.

“Chúng tôi cũng tiếp cận với công nghệ mới và dành thời gian để làm quen với các hoạt động của gian hàng. Nhờ công tác tư vấn, giải đáp thắc mắc chu đáo của Ban tổ chức là Sở Du lịch TP đã giúp các doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận dễ dàng. Đến hiện tại thì gian hàng ảo của chúng tôi cũng đã hoàn thành được 90%”, ông Tấn cho biết.

Để khắc phục hạn chế không thể gặp trực tiếp khách hàng và tiếp thị, giới thiệu, tư vấn sản phẩm như hình thức truyền thống, các doanh nghiệp đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ mới, đầu tư hơn về mặt hình ảnh, hiệu ứng để thu hút khách đến với gian hàng ảo, cũng như giúp du khách có những trải nghiệm trực quan, sinh động nhất có thể. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp đều có đội ngũ trực gian hàng ảo, sẵn sàng giải đáp, tư vấn và hỗ trợ các giao dịch cho khách.

“Công tác đầu tư cho hình ảnh, các video clip, các nội dung online cũng như bày trí gian hàng ảo để tăng sự thu hút trực quan với khách hàng rất quan trọng. Ngoài ra, công tác quảng bá trực tuyến cũng được công ty chú trọng để gia tăng tối đa các cơ hội tiếp thị online với khách hàng”, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty lữ hành Fiditour-Vietluxtour cho biết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia Ngày hội đều cam kết sẽ mang đến nhiều sản phẩm và chương trình khuyến mãi ưu đãi cho khách tham quan, mua sắm. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc phòng Tiếp thị - Truyền thông Công ty lữ hành Saigontourist cho biết năm nay đơn vị mang nến ngày hội khoảng 10 sản phẩm tour tuyến lấy tiêu chí “an toàn” và gia tăng trải nghiệm làm yếu tố trọng tâm để thu hút khách.

Công an TPHCM bàn giao 7.745 trụ nước chữa cháy

Báo Công an TP đưa tin, ngày 29/11, Công an TPHCM (CATP) phối hợp với Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV và các đơn vị chủ đầu tư (CĐT) khác tổ chức lễ bàn giao 7.745 trụ nước chữa cháy.

Theo đó, CATP có trách nhiệm khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị, KCN và phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước chữa cháy để XD phương án quản lý, sử dụng hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh lễ bàn giao
Quang cảnh lễ bàn giao

Đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước tập trung vào các trụ nước chữa cháy lắp đặt trên các tuyến ống do mình quản lý.

Để triển khai thực hiện quy định quản lý, bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn TPHCM ban hành kèm theo QĐ 23, CATP và Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV tổ chức bàn giao trụ nước chữa cháy từ CATP sang Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV để quản lý, duy tu bảo dưỡng theo quy định.

Lên phương án cải tạo 14 chung cư cũ

Zingnews cho hay, về tiến độ thực hiện Chương trình sửa chữa, cải tạo 14 chung cư cũ cấp D (cấp nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào, cần di dời khẩn cấp) tại TPHCM, theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình, UBND các quận có chung cư cấp D được yêu cầu rà soát, báo cáo đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gửi Sở Xây dựng tổng hợp, xử lý theo quy định.

Một chung cư cũ xuống cấp tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.
Một chung cư cũ xuống cấp tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Để có cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ rà soát, đề xuất chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của toàn bộ 14 chung cư trên. Đơn vị này cũng cần đề xuất điều chỉnh chức năng của các khu đất chung cư có diện tích, quy mô nhỏ, không đáp ứng các tiêu chí cải tạo, xây dựng lại chung cư.

TP giao Thường trực Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP (Sở Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án thực hiện. Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, đề xuất cụ thể danh mục những chung cư cũ cần thiết phải kiểm định bổ sung để tránh lãng phí ngân sách.

Nguồn vốn sửa chữa các chung cư trên do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất thực hiện. Trong khi đó, Sở tài chính tham mưu, đề xuất nguồn chi thường xuyên phục vụ cho công tác kiểm định chung cư.

Nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

Thời gian qua, TPHCM đã từng bước triển khai nhiều nhiệm vụ biện pháp để quản lý phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề triển khai các kế hoạch cụ thể về giảm thiểu loại khí thải độc hại này. Nhiều giải pháp đã và đang được TP kiên trì thực hiện bằng những công việc rất cụ thể. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Theo UBND TP, TP đã triển khai việc tập huấn theo đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tuyên truyền các nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại 11 khu công nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2014-2015. TP đã lần đầu tiên tổ chức kiểm kê khí nhà kính cho năm 2013 và bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng, nhất là kinh nghiệm trong phương pháp thu thập dữ liệu.

Giai đoạn 2015-2017 và 2018-2019, TP đã tích cực tham gia dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia. Dự án này có tên SPI-NAMA do Bộ TN&MT và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.

TP.HCM chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ Diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: TT
TP.HCM chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ Diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: TT

Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TPHCM, TP đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.

Mục tiêu khác là lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và TP, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Trong giai đoạn 2021-2025, TP tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH; kế thừa và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra.

Mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước BĐKH và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

Đồng thời, TP triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp…

Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng điều 20 tổ quân y hỗ trợ TPHCM chống dịch

Báo Tuổi Trẻ cũng cho biết, 20 tổ quân y gồm 60 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) lên đường tăng cường cho 3 quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú chống dịch COVID-19.

Đây là lần thứ 5 Bệnh viện Quân y 175 tăng cường lực lượng cho TPHCM với khoảng 600 nhân viên y tế tham gia trên các mặt trận lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đại tá Trần Quốc Việt, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chào các y bác sĩ trước khi lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: Quân Chính
Đại tá Trần Quốc Việt, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chào các y bác sĩ trước khi lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: Quân Chính

Đại tá Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết 60 nhân viên y tế lên đường thay thế các đơn vị quân y phía Bắc đóng tại các trạm y tế lưu động vừa rút quân, đảm bảo xuyên suốt vai trò chăm sóc, tư vấn, cấp phát các túi thuốc cho F0 tại cộng đồng.

20 tổ quân y gồm 60 nhân viên y tế sẽ tăng cường cho 3 quận, gồm Gò Vấp (10 tổ, 30 người), Bình Tân (4 tổ, 12 người) và Tân Phú (6 tổ, 18 người). Đây đều là những y bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị nòng cốt của Bệnh viện Quân y 175. Đặc biệt, hầu hết đều tham gia các công tác phòng chống dịch trong thời gian cao điểm vừa qua.

Nhiều đường bay nội địa sẽ được tăng tần suất khai thác từ ngày 1/12

Theo Vietnamplus, Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định cho phép tăng tần suất khai thác trên nhiều đường bay nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nhiều đường bay nội địa sẽ được tăng tần suất từ ngày 1/12. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nhiều đường bay nội địa sẽ được tăng tần suất từ ngày 1/12. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cụ thể, trên đường bay trục Hà Nội-Đà Nẵng, Hà Nội-TPHCM và Đà Nẵng-TPHCM từ ngày 1/12 đến hết ngày 14/12/2021 sẽ được khai thác với tần suất không vượt quá 16 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay. Từ ngày 15/12/202, tần suất trên từng đường bay không vượt quá 20 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Các đường bay khác được khai thác tần suất khai thác không vượt quá 9 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

“Tùy tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh tần suất trên các đường bay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm 2022, gửi Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 25/12/2021,” quyết định do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

TPHCM chuyển đổi hơn 901ha đất lúa

Thông tin trên Báo SGGP, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng vừa cho biết, trên cơ sở đề xuất của UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, sở vừa có văn bản báo cáo UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua danh mục dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa: SGGP
Ảnh minh họa: SGGP

Có 43 dự án cần thu hồi đất, 21 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trong đó có 3 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa), 6 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha, 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ dưới 20ha (11,43ha tại huyện Cần Giờ), 32 dự án cần điều chỉnh diện tích thu hồi đất và điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.

Hiện có 901,20ha đất trồng lúa của hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, cụ thể: quận Bình Tân (19,84ha), huyện Nhà Bè (60,77ha), Hóc Môn (395,80ha), Cần Giờ (60,82ha), Củ Chi (78,13ha), Bình Chánh (128,36ha) và TP Thủ Đức (142,19ha).

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục