Theo Zing news, ngày 31/8, tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức lễ trao tặng 100 tấn oxy y tế lỏng và 300 máy tạo oxy cho Chính phủ Việt Nam để phòng, chống dịch Covid-19. Số hàng trên được vận chuyển bằng tàu chiến INS AIRAVAT của Hải quân Ấn Độ.
Tham dự buổi lễ tiếp nhận có ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Đại diện phía Ấn Độ có TS Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Cộng hòa Ấn Độ tại TP.HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi chia sẻ những khó khăn mà nhân dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là chính quyền và nhân dân TPHCM đang trải qua do sự bùng phát của dịch Covid-19. Ông Sethi cho rằng những món quà này thể hiện tình cảm và mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa Chính phủ và nhân dân hai nước
Ngay sau khi tiếp nhận, số vật tư y tế nói trên được chuyển về kho tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tổ chức phân bổ cho các địa điểm điều trị bệnh nhân Covid-19.
Buổi lễ tiếp nhận diễn ra nhanh gọn nhưng trang trọng, đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Báo Tuổi Trẻ thông tin, Sở GD-ĐT TPHCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho học sinh 12-18 tuổi với nguồn vắc xin phù hợp.
Việc tiêm vắc xin cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2. Số lượng đề xuất tiêm vắc xin là hơn 642.000 học sinh.
Theo sở, việc này nhằm đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học; đặc biệt đối với học sinh khó khăn về cơ sở vật chất hoặc không có người thân hỗ trợ trong khi học tập trực tuyến.
Đồng thời, việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-18 tuổi cũng nhằm đảm bảo cho học sinh TP được an toàn, an tâm; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Cảnh báo tình trạng sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích
Báo Thanh Niên cho hay, theo Công an TPHCM, từ 0 giờ ngày 23/8 đến 6 giờ ngày 31/8, lực lượng CSGT TP đã tiến hành tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Cụ thể, tổng kiểm soát 360.350 trường hợp, trong đó lập biên bản xử lý 2.028 trường hợp, tạm giữ 383 phương tiện.
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT cũng đã phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông hoặc làm giấy đi đường giả để lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết, đối với các trường hợp người dân sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản xử lý theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời thu hồi giấy đi đường. Đối với các đối tượng làm hoặc sử dụng giấy đi đường giả thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập hồ sơ bàn giao cho Cơ quan CSĐT để điều tra xử lý theo quy định.
PC08 cảnh báo việc sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích hoặc sử dụng giấy đi đường giả tràn lan tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do việc lưu thông không được kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch và nỗ lực của toàn xã hội.
Không tổ chức dạy học trực tuyến 2 buổi/ngày trong 2 tuần lễ đầu năm học
Theo báo SGGP, ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trên internet, hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên internet có thể học tập tại nhà.
Song song đó, trường học phải xây dựng kịch bản tổ chức dạy học cho tất cả phương án dạy học gồm dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và dạy học trực tiếp nhằm linh động ứng phó trước tình hình dịch bệnh, xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học cho từng đối tượng học sinh.
Cụ thể, các tổ/nhóm chuyên môn rà soát, thống nhất nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tham mưu lãnh đạo đơn vị để tổ chức hoạt động dạy học sát với thực tế, không quá tải và có sự phù hợp với các đối tượng học sinh.
Đối với hai bậc THCS và THPT, từ ngày 1 đến 4/9/2021,các trường xây dựng kế hoạch, phân công đội ngũ, chuẩn bị nội dung, tài liệu dạy học qua môi trường internet và tài liệu học tập cho học sinh học tại nhà (do không thể tham gia học trên internet). Đồng thời, các trường tiến hành điều tra, lập danh sách học sinh học trên internet và học sinh không thể tham gia học tập trên internet, tìm hiểu những trường hợp gia đình đang gặp khó khăn để phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ.
Từ ngày 6 đến 18/9/2021, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, triển khai các chủ đề dạy học trên internet và gửi tài liệu hướng dẫn cho học sinh học tập tại nhà.
Cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch học tập trên hệ thống quản lý học tập để giúp học sinh hoàn thành các chủ đề học tập theo kế hoạch giáo dục nhà trường trong giai đoạn này. Việc dạy học phải đáp ứng các yêu cầu gồm hướng dẫn chu đáo, dạy học nhẹ nhàng, lắng nghe chia sẻ, không tạo áp lực thực hiện chương trình, hướng dẫn tự học và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, trường học tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn thời khóa biểu khi học trực tiếp vì sẽ gây quá tải cho người dạy, người học, không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên internet.
'Đi chợ hộ' vào cuộc, sẵn sàng giao 100.000 combo nông sản giá 100.000 đồng
Ngày 31/8, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho biết sau khi liên hệ, kết nối thành công với các tổ “Đi chợ hộ” với nhiều cơ quan, đơn vị đặc biệt là các tổ “Đi chợ hộ” tại TPHCM, chương trình nông sản combo 10 kg/túi giá 100.000 đồng sẽ có 2 ngày giao hàng với khối lượng cực lớn.
Cụ thể trong ngày các ngày 2/9 và 4/9, mỗi ngày chương trình nông sản combo 10 kg/túi giá 100.000 đồng sẽ giao trên 100.000 đơn (số đơn hàng đã chốt tính đến ngày 30/8, chưa tính phát sinh những ngày tới) đến người tiêu dùng tại TPHCM.
Cũng theo Tổ công tác 970, sau khi kết nối với các tổ “Đi chợ hộ” tại TPHCM, tốc độ giao nông sản combo đã được đẩy nhanh hơn. Trong ngày 30/8, 41.000 túi hàng đã được giao thành công cho người dân tại Q. 7, Q.11, H.Nhà Bè và TP.Thủ Đức.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Kinh tế đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (CCD), thành viên Tổ công tác 970, cho biết khởi đầu là gói combo 10 kg/túi giá 100.000 đồng nhưng do nhu cầu người dân đa dạng hơn nên combo có thêm mức giá từ 150.000 - 400.000 đồng. Ngoài 10 kg rau, củ quả tươi còn có thêm trứng, gạo, thủy sản.
Chương trình nông sản combo đến nay đã giúp các tỉnh ĐBSCL tiêu thụ nông sản dồn ứ do dịch Covid-19, cũng như tạo được nguồn cung ứng rau xanh, thực phẩm cho người tiêu dùng tại TP.HCM trong đợt giãn cách.
Trao túi thuốc cho F0 tại nhà
Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 31/8, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và Quận ủy Quận 3 phối hợp tổ chức Lễ ra mắt chương trình “Chăm sóc toàn diện F0 tại nhà”.
Tại chương trình, Hội DNT Việt Nam đã trao 1.000 túi thuốc điều trị tại nhà đến Quận 3. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “ATM Túi thuốc cứu người” nhằm tư vấn, hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế.
Theo đó, các bệnh nhân F0 tại TPHCM đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được tặng túi thuốc và kết nối với y bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM để được tư vấn, điều trị. Mỗi túi thuốc có chứa nhiều loại dược phẩm điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: Paracetamol, vitamin C và vitamin tổng hợp, Bromhexine, Methylprednisolone, Rivaroxaban, Omeprazole, Amoxicillin, Amoxicilin + acid clavulanic…
Anh Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Thời gian tới, Hội DNT Việt Nam sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội để mua thêm nhiều “Túi thuốc cứu người”, trao tận tay người bệnh F0.
Không những vậy, người bệnh F0 sau khi nhận thuốc còn được các y, bác sĩ thành viên Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM tư vấn, hướng dẫn nhằm đạt hiệu quả trong quá trình chữa bệnh tại nhà.
Tăng cường và trực vận hành sửa chữa điện 24/24 giờ
Báo Pháp Luật TP cho biết, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa có văn bản báo cáo UBND TP về công tác đảm bảo cung cấp điện trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 trên địa bàn TP.
Theo đó, EVNHCMC cam kết không thực hiện các công tác gây gián đoạn cung cấp điện trên địa bàn TP kể từ ngày 2/9 đến hết ngày 5/9, trừ các trường hợp xảy ra sự cố hoặc có yêu cầu đặc biệt khác.
EVNHCMC đã yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TPHCM lập phương án vận hành giữ điện ưu tiên trên địa bàn TP và là tổng chỉ huy điều hành lưới điện trong kỳ nghỉ lễ.
Đồng thời, trước đó các công ty điện lực quận, huyện tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lưới điện để đảm bảo cung cấp điện cho TP; chuẩn bị đầy đủ về phương tiện thi công, vật tư thiết bị dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc (điện thoại, bộ đàm) thông suốt để đảm bảo công tác vận hành, xử lý sự cố trong dịp lễ.
Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng đã lập danh sách trực lãnh đạo, trực tăng cường và trực vận hành sửa chữa điện 24/24 giờ trong thời gian này. Các nhân viên vận hành, sửa chữa và đơn vị trực thuộc tham gia trực đảm bảo điện kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh đều đã được Công an TP.HCM quan tâm xem xét, hỗ trợ, cấp giấy đi đường để lưu thông và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, an toàn cho TP.