Quận 2 sẽ có đường mang tên GS-TS Nguyễn Thiện Thành
Báo Người Lao Động thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến, thống nhất với UBND TP về việc đặt tên 180 tuyến đường trên địa bàn TP năm 2020 (tại các quận 1, 2, Bình Thạnh, Tân Phú và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi).
Theo đó, TP HCM chọn tên của 172 Mẹ Việt Nam anh hùng để đặt tên cho 172 tuyến đường (Hồ Thị Nhung, Lê Thị Tám, Huỳnh Thị Đồng, Nguyễn Thị Gởi, Nguyễn Thị Hảo, Lê Thị Năm…). Ngoài ra, 8 đường còn lại được đặt theo tên của nhà chính trị lão thành cách mạng, danh sĩ, Thượng tướng, Bộ trưởng, liệt sĩ, họa sĩ…
Trong đó, tên của GS-TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thiện Thành (1919-2013) sẽ được đặt cho Đường ven sông Sài Gòn (R3) ở quận 2 với lộ giới hơn 28 m, chiều dài 2.787 m. Điểm đầu là Đại lộ vòng cung, điểm cuối là Đường vòng quanh khu 2C.
Năm 1974, ông Nguyễn Thiện Thành được phong quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1975, ông là Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương kiêm Viện trưởng Bệnh viện Thống Nhất; Đại biểu Quốc hội khóa VI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội.
Năm 1980, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư; Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật của Quốc hội. Năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Sở Giao thông vận tải yêu cầu khẩn phòng dịch COVID-19 ở bến xe
Ngày 1/12, Sở GTVT TP có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách liên tỉnh và các đơn vị trực thuộc về tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, Sở GTVT TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị đôn đốc, nhắc nhở hành khách phải đeo khẩu trang tại khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe và trên mọi phương tiện giao thông công cộng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời tiếp tục tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện “Thông điệp 5K” gồm: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ trong phòng dịch Covid-19
Ghi nhận của phóng viên báo SGGP tại TPHCM ngày 1/12, đa phần người dân đã chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân, một số cơ sở có tâm lý chủ quan, lơ là.
Khảo sát tại một số siêu thị, bệnh viện, trường học trên địa bàn TP, nhìn chung người dân thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Tại siêu thị Lotte Mart (quận Gò Vấp), nhân viên tổ chức đo nhiệt độ đồng thời yêu cầu khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào mua sắm. Tại các Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương (quận 5), Da liễu (quận 3)… vẫn duy trì công tác phòng chống dịch Covid-19 khá nghiêm ngặt kể từ đầu mùa dịch. Tại cổng ra vào, luôn có các nhân viên y tế túc trực, liên tục thông báo, nhắc nhở người dân thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và khai báo y tế trước khi vào bệnh viện để thăm khám.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tại nhiều quán cà phê, công viên, bến xe ở TPHCM vẫn có tình trạng người dân không đeo khẩu trang. Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lúc 16 giờ chiều có rất đông hành khách đến mua vé và gửi hàng. Trong đó, rất nhiều hành khách chủ quan không đeo khẩu trang.
Tại một số điểm công cộng ở TPHCM như trước công viên Tao Đàn (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3), các quán ăn, cà phê…, có khá nhiều trường hợp không đeo khẩu trang hoặc có sử dụng khẩu trang nhưng kéo xuống quá dưới cằm.
Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 11-2020, quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Bình chọn Thương hiệu vàng TPHCM năm 2020
Theo báo Pháp Luật TP, ngày 1/12, Sở Công Thương TP cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn công bố chương trình Thương hiệu vàng TP.HCM năm 2020.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương cho biết, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, chương trình Thương hiệu vàng TPHCM nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp (DN) có thành quả xây dựng thương hiệu, sản phẩm ấn tượng gắn với sự nhận diện về Sài Gòn-TPHCM.
Ban tổ chức cho biết, đối tượng tham gia là thương hiệu sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm có uy tín trên thị trường thuộc sở hữu của DN TPHCM, thể hiện bản sắc, đặc điểm gắn liền với TP. Nhắc đến thương hiệu, người tiêu dùng có thể nhận biết, hình dung ngay là sản phẩm của TP.HCM. Ngoài ra, sản phẩm của bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu được ưu tiên xem xét bình chọn.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, giải thưởng sẽ được tổ chức hàng năm.
Thời hạn nhận hồ sơ đến ngày 21/12. Giải thưởng dự kiến vinh danh vào tháng 1-2021.
DN đăng kí tham gia gia thưởng yêu cầu lập hai bộ hồ sơ gửi đến Sở Công Thương TP.HCM, số 163 Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM hoặc Thời báo kinh tế Sài Gòn, 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM.
Tuyên phạt 3 người tổ chức cho người Trung Quốc ở trái phép
Theo Viennamplus, ngày 1/12, Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, tuyên phạt Trần Chí Hạo 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thành Trung 7 năm tù, Nguyễn Quang Thắng 7 năm tù cùng về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba bị cáo đã tổ chức, môi giới cho 21 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại 2 căn nhà thuộc quận Bình Tân trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Đà Nẵng vừa qua.
Đây là vụ án tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép do Trần Chí Hạo và đồng phạm thực hiện từ ngày 15/6/2020 đến ngày 30/7/2020 thì bị phát hiện, ngăn chặn.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi tổ chức, môi giới cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và lưu trú ở TPHCM nhằm thu lợi bất chính trong tình hình đang diễn ra dịch COVID-19 trong cộng đồng là nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định về quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội đối với người nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Hành vi này của Trần Chí Hạo, Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Quang Thắng cần phải bị xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Bất chấp lệnh cấm, nhiều xe vẫn còn dừng, đỗ sai quy định
Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động, vẫn còn tình trạng xe khách dừng, đỗ không đúng nơi quy định trong ngày đầu cấm dừng, đỗ xe tại 12 tuyến đường trên địa bàn TP.
Đường Bàu Cát 4 (đoạn từ Đồng Đen đến Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình, TPHCM) cấm dừng và đỗ xe khách theo 2 hướng. Tuy nhiên, trong sáng 1/12, một chiếc xe giường nằm của nhà xe Văn Thuận vẫn đỗ trên đoạn đường này (trước trụ sở sinh hoạt khu phố 6, phường 14, quận Tân Bình).
Đường Đồng Đen (đoạn từ đường nội bộ tiếp giáp đường Âu Cơ) điều chỉnh từ cấm đỗ thành cấm dừng và cấm đỗ đối với xe khách theo 2 hướng. Đoạn đường này là điểm trung chuyển của nhiều nhà xe như Trần Hòa, Phương Trang, Tiến Oanh… nên thường xuyên có nhiều xe khách đừng, đỗ. Sáng 1-12, thời điểm phóng viên có mặt, thì đoạn đường này thông thoáng, không có xe khách dừng đỗ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ôtô con và xe tải đỗ trên vỉa hè.
Cách đó không xa, đường Hồng Lạc (đoạn từ đường Đồng Đen đến đường Ni Sư Huỳnh Liên) cấm dừng và đỗ đối với xe khách, cấm đỗ đối với ôtô con và xe tải. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng xe tải và ôtô con đỗ trên vỉa hè.
Trước đó, Sở GTVT ra thông báo cấm dừng, đỗ xe cả 2 chiều lưu thông tại 12 tuyến đường trên địa bàn TP. Đây là những điểm "nóng" về tình trạng "xe hợp đồng trá hình" hoạt động tuyến cố định tại các quận 5, 6, 10, Tân Bình và Tân Phú.
Đại diện Sở GTVT cho biết việc cấm dừng, đỗ xe tại 12 tuyến đường trên nhằm đảm bảo trật tự giao thông ở những nơi thường xuyên có tình trạng đón, trả khách của các nhà "xe hợp đồng trá hình" hoạt động tuyến cố định trên địa bàn TP.
Vụ 4 du khách bị lũ cuốn trôi: Mời công ty bán tour lên làm việc
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 29/11, nhóm 4 du khách tham gia tour khám phá Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà không may bị nước lũ cuốn trôi làm 2 người mất tích.
Đến chiều 1/12, lực lượng cứu hộ cho biết đã tìm thấy thi thể 1 trong 2 du khách mất tích khi tham gia tour khám phá Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)
Liên quan đến vụ việc, chiều cùng ngày, một lãnh đạo Thanh tra Sở Du lịch TP cho biết đã mời Công ty TNHH Gutrip (địa chỉ quận 8) - đơn vị bán tour lên làm việc để làm rõ một số nội dung.
"Theo đăng ký trong giấy phép kinh doanh, công ty này có ngành nghề là đại lý du lịch, nếu chỉ là đại lý du lịch thì không được khai thác tour. Dù vậy, muốn xác định công ty này có vi phạm khi bán tour cho khách hay không phải xem hồ sơ; xem tour hôm đó là doanh nghiệp tự ký hợp đồng với khách rồi đưa khách đi hay phối hợp với một đơn vị khác?", vị lãnh đạo Thanh tra Sở Du lịch TP cho hay.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về vụ việc du khách gặp nạn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết công ty Gutrip phối hợp với Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà) tổ chức tour cho du khách, chưa được cấp phép kinh doanh lữ hành theo quy định.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Gutrip do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp, trong đó ngành nghề đăng ký kinh doanh là đại lý du lịch, điều hành tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Quy định tại Nghị định 45 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng và biện pháp khắc phục bổ sung là buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên...
Nhóm du khách TPHCM mắc kẹt trên núi Tà Giang đã trở về an toàn
Một thông tin khác liên quan tới du lịch trên báo Tiền Phong đưa, chiều 1/12, nhóm du khách, người dân bị mắc kẹt và mất liên lạc khi khám phá núi Tà Giang đã trở về an toàn. Nhóm này có 57 người (thông tin ban đầu là 45 người - PV), trong đó có 42 du khách và còn lại là người dân địa phương dẫn đường.
Trước đó, nhóm du khách đã liên hệ một nhóm người dân địa phương dẫn đường và vận chuyển đồ đạc để đến Tà Giang leo núi, khám phá từ ngày 28/11. Khi nhóm du khách này vượt núi Tà Giang từ huyện Khánh Sơn sang huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hoà) thì bị mắc kẹt do mưa lũ. Khu vực trên núi địa hình cao, không có sóng điện thoại, nên nhóm mất liên lạc. Đến khoảng 10 giờ sáng 1/12, lực lượng cứu nạn địa phương đã tiếp cận đoàn khách để đưa về trung tâm xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn. Tại đây, đoàn khách có sức khỏe ổn định, đã lên xe ô tô về lại TPHCM.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết huyện đã có biển cảnh báo cấm du lịch tự phát nhưng do địa hình đồi núi, các đoàn tự liên hệ với người dân địa phương để leo núi nên rất khó kiểm soát. “Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, huyện sẽ tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là đối với các đoàn tự phát. Huyện sẽ bố trí lực lượng dân quân thường xuyên chốt chặn ở khu vực đường này để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các đoàn du lịch tự phát”, ông Nhuận nói.