Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 02/7/2020

10:50 02/07/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 02/7/2020:

TP. Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ cho hơn 89.000 lao động tự do

Theo báo Người Lao Động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP vừa đề xuất lên UBND TP bổ sung gói hỗ trợ cho 89.312 người thuộc 280 công việc khác nhau. Đây là số lao động tự do, không có hợp đồng lao động bị mất việc bởi dịch Covid-19 nhưng nằm ngoài 6 nhóm ngành nghề được hỗ trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất TPHCM hỗ trợ những người làm thợ hồ, phụ hồ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất TPHCM hỗ trợ những người làm thợ hồ, phụ hồ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Sau khi rà soát, xác định tiêu chí đối tượng, điều kiện hỗ trợ, phân nhóm ngành nghề, công việc của người lao động tự do bị mất việc làm, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề nghị mở rộng việc hỗ trợ tới nhiều nhóm công việc.

Những công việc nằm trong gói đề xuất hỗ trợ gồm: giúp việc gia đình, bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê, bán hàng tại chợ; thợ nề, thợ mộc, thợ sơn, tài xế, phụ xe, nhân viên kinh doanh vận tải, người làm biển (kéo lưới, đan lưới, bắt cá, cào nghêu); người làm tại các cơ sở chế biến thực phẩm, may, thủ công mỹ nghệ, làm đẹp...

Nếu được thông qua, mỗi người sẽ nhận 1 triệu đồng mỗi tháng, tối đa không quá 3 tháng từ ngân sách TP. Để được hỗ trợ, người lao động ngoài bị mất việc còn có thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo TP (3 triệu đồng/người/tháng) trong thời gian từ 1/4 đến 30/6/2020.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Lê Minh Tấn, việc bổ sung gói hỗ trợ nói trên thật sự cần thiết, nhằm giảm gánh nặng, khó khăn cho lao động tự do, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.

Đề ra phương án xử lý tình huống doanh nghiệp cắt giảm hàng loạt lao động

Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn cho biết, Sở vừa trình UBND TP phương án xử lý tình huống doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19 cho nhiều người lao động thôi việc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Dự báo về tình hình lao động trong 6 tháng cuối năm 2020, ông Lê Minh Tấn phân tích, có 2 tình huống.

Lượng người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TPHCM tăng mạnh, lên 90.000 người trong 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lượng người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TPHCM tăng mạnh, lên 90.000 người trong 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tình huống 1, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Lúc đó, các DN hoạt động trong một số ngành sẽ gặp nhiều khó khăn như: khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…), khu vực công nghiệp – xây dựng (ngành dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, xây dựng…). Dự kiến có khoảng 4.800 – 5.000 DN bị ảnh hưởng với 160.000 - 180.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.

Tình huống 2, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tích cực, tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp… vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất – nhập), bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, không tìm được đối tác triển khai đơn hàng tại các thị trường ngoài nước. Dự kiến, có khoảng 4.400 DN bị ảnh hưởng với quy mô 100.000 - 120.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.

Theo đó, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn đề nghị, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP, UBND quận - huyện tiếp tục chủ động có phương án hỗ trợ DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 phải cho nhiều người lao động thôi việc.

Trường hợp phát sinh tình huống phức tạp, hoặc có DN sử dụng đông lao động (trên 500 người), gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng do dịch Covid-19, phải cho nhiều người lao động thôi việc, thì các sở, ngành, quận, huyện cùng phối hợp giải quyết.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về phía Sở sẽ thành lập 3 tổ công tác nhanh để cùng phối hợp với các sở - ngành, quận - huyện trong tổ chức tiếp xúc, tham vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; tổ chức sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người lao động tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi công việc, học tập nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm…

TP. Hồ Chí Minh: Nhu cầu hỗ trợ vốn tăng mạnh

Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 704 trường hợp DN gặp khó khăn, thiệt hại do Covid-19 gửi về các Sở, ngành và đang xử lý 165 trường hợp.

Có 539/704 trường hợp đã có kết quả xử lý, trong đó 65 trường hợp DN được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2 điểm phần trăm/năm so với lãi suất đang áp dụng trước đó; 14 DN được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 32 trường hợp được cho vay mới; 3 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 2 trường hợp giảm chi phí dịch vụ; 84 DN đang xem xét hồ sơ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong số này, 49 trường hợp không đủ điều kiện vay vốn hoặc không thuộc khách hàng mục tiêu của NH; 4 trường hợp không đủ điều kiện cơ cấu nợ hoặc giảm lãi; 10 trường hợp không có dư nợ tại NH.

Trả lời báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết từ giữa cuối tháng 5/2020 đến nay, số lượng DN, tổ chức, cá nhân cần hỗ trợ do các quận, huyện gửi đến tăng mạnh, đã tạo áp lực rất lớn cho NHNN TP cũng như các tổ chức tín dụng trong việc tiếp nhận và giải quyết.

NHNN TP đang chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn tiếp nhận thông tin DN, tổ chức, các nhân từ các quận, huyện gửi đến để xem xét, đánh giá, thẩm định khách hàng và hỗ trợ theo quy định. NHNN TP cũng đã làm việc với một số DN đang gặp khó khăn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc mà DN đang gặp dẫn đến chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước, từ đó làm căn cứ để tìm cách hỗ trợ DN hiệu quả hơn.

TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thêm 4 tuyến metro

Báo Pháp Luật TP cho hay, bên cạnh việc tăng tốc tuyến metro số 1, gấp rút giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đang tích cực triển khai thêm bốn tuyến đường sắt đô thị để dần hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng TP.

Bốn tuyến metro được triển khai tiếp theo sẽ góp phần dần hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị và làm thay đổi diện mạo giao thông công cộng TP.HCM.
Bốn tuyến metro được triển khai tiếp theo sẽ góp phần dần hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị và làm thay đổi diện mạo giao thông công cộng TP.HCM.

Theo MAUR, các tuyến metro sẽ được triển khai tiếp theo lần lượt: tuyến số 3a (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến số 5- giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn), tuyến số 4b-1 (tuyến nhánh kết nối sân bay Tân Sơn Nhất) và tuyến số 5- giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc).

Lý giải vấn đề vì sao không giải quyết dứt điểm tuyến metro số 1 và số 2, sau đó mới triển khai các tuyến metro khác, TS Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư (thuộc MAUR) cho rằng để hoàn tất thủ tục một dự án metro phải mất 5-6 năm. Theo đó, các dự án mà TP đang lập báo cáo tiền khả thi thì ít nhất năm 2026 mới có thể triển khai thi công được. Lúc này, tuyến metro số 2 đã vận hành, tuyến metro số 1 đã vận hành từ năm 2021.

Tuyến metro số 1 đang được gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Tuyến metro số 1 đang được gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Ý kiến về việc nghiên cứu và triển khai các tuyến metro mới, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết hệ thống metro có vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận tải hành khách công cộng của TP. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì cần có sự kết nối giữa hệ thống giao thông công cộng với các nhà ga metro.

Theo ông Sơn, các tuyến metro làm sau có thể rút kinh nghiệm từ các tuyến metro làm trước như tăng hiệu quả nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và khai thác quỹ đất hiệu quả dọc dự án.

Bên cạnh đó, TP cần tính toán thực hiện các tuyến metro nào tiếp theo để tạo sự liên kết với các tuyến metro đã xây dựng. Từ đó, TP lên kế hoạch thực hiện, không nên đầu tư lần lượt theo thứ tự các tuyến metro.

Báo động bỏng, viêm da do kiến ba khoang

Bệnh viện (BV) Da liễu TP.Hồ Chí Minh cho biết nếu như những tháng trước đây, số người đến khám do viêm da tiếp xúc côn trùng rất hiếm thì từ tháng 6 trở đi, con số này tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 80 -100 ca bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Thông tin trên báo Pháp Luật TP.

BS Chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Da liễu TP cho hay, bệnh nhân thường đến khám với tình trạng da có sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da.

Kiến ba khoang. Ảnh: Internet
Kiến ba khoang. Ảnh: Internet

Theo BS Thảo, vết thương do tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang sẽ mất tầm một tuần đến 10 ngày là lành thương, ít để lại sẹo nhưng có vết thâm do tăng sắc tố sau viêm. Mụn mủ là phản ứng viêm da bình thường của cơ thể, không nên cố nặn ra để lại vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng và để lại sẹo.

BS Thảo lưu ý kiến ba khoang chứa dịch tiết độc nên tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, bỏng da. Do đó, khi phát hiện kiến ba khoang bò trên da, tuyệt đối không được đập vào da khiến cho chất độc phát tán và lan rộng mà cố gắng chỉ đuổi nhẹ. Khi đã bị tổn thương do tiếp xúc kiến ba khoang, tuyệt đối không nên sờ vào vị trí tổn thương vì rất dễ làm vết thương lan rộng.

Viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh zona thần kinh hay còn gọi là giời leo.

Để tránh tiếp xúc kiến ba khoang, BS Thảo khuyến cáo vào mùa này, những người có thói quen đi ra ngoài vườn cây để làm vườn thì nên bận quần áo dài tay, tốt nhất là mang găng tay, găng chân để bảo vệ che chắn các vùng da trên cơ thể. Sau khi làm vườn xong, nên tháo găng tay chân ra, rửa tay chân lại liền, tốt nhất là tắm rửa sơ qua rồi thay đồ ngay.

Giải nhất ý tưởng thiết kế Nhà hát Thủ Thiêm sẽ nhận được 1,2 tỉ đồng

Theo báo Tuổi trẻ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP vừa có tờ trình gửi UBND TP về kế hoạch và kinh phí tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dự kiến sẽ có khoảng 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín được mời tham gia thi chọn thiết kế kiến trúc cho Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm.

Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: TỰ TRUNG
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: TỰ TRUNG

Về cơ cấu giải thưởng: giải nhất trị giá 1,2 tỉ đồng; giải nhì 700 triệu đồng; giải ba trị giá 300 triệu đồng và giải khuyến khích 100 triệu đồng.

Hội đồng thi tuyển có đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, Ban Đô thị HĐND TP, Trường ĐH Kiến trúc, các Sở Xây dựng, Sở Văn hoá Thể thao, UBND quận 2, Nhà hát nhạc Giao hưởng, nhạc và vũ kịch...

Dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch nói trên có vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, đặt ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 10/2018.

Tin cùng chuyên mục