Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 03/7/2020

12:30 03/07/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 03/7/2020:

Đề nghị cho 437 người nước ngoài nhập cảnh

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an xem xét, hỗ trợ nhập cảnh cho 437 người nước ngoài của 100 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến làm việc tại TP. Trong số này có 16 nhà đầu tư, 304 chuyên gia kỹ thuật, 37 lao động tay nghề cao, 51 nhà quản lý doanh nghiệp và 29 người là thân nhân của những người nêu trên.

Người nước ngoài khai báo y tế tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất
Người nước ngoài khai báo y tế tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất

UBND TP cũng cho hay, người lao động nước ngoài vào TP làm việc phải thực hiện cách ly có thu phí tại cơ sở y tế tập trung ở các khu cách ly của TP bao gồm: Khu cách ly Cần Giờ, Củ Chi, Sư đoàn 317, Trung đoàn 10. Đối với đoàn bay 919 – Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cách ly tại Khách sạn IBIS Saigon Airport hoặc Park Royal, tất cả phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo quy định.

Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí y tế và các chi phí khác có liên quan đến việc thực hiện cách ly cho người lao động nước ngoài.

Khảo sát chất lượng học sinh khối 5, 9 và 12

Thông tin từ website Đài Tiếng nói Nhân dân TP: Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành khảo sát trình độ học sinh và phỏng vấn hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh học sinh tại 53 trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TP.

Học sinh tìm thông tin phòng thi trước khi làm bài khảo sát tại trường Trần Đại Nghĩa. Ảnh: T.Nhung
Học sinh tìm thông tin phòng thi trước khi làm bài khảo sát tại trường Trần Đại Nghĩa. Ảnh: T.Nhung

Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tiểu học tổ chức gặp gỡ học sinh lớp 5 để thông báo về bài khảo sát, thông báo cho giáo viên, phụ huynh thời gian tham gia, trả lời phiếu hỏi. Học sinh lớp 5 thực hiện bài khảo sát ngày 8/7, gồm làm bài khảo sát hai môn Toán, Tiếng Việt và trả lời phiếu hỏi.

Với học sinh khối 9, bài khảo sát diễn ra trong hai ngày 9 và 10/7, gồm các môn Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Toán.

Riêng học sinh khối 12, thời gian khảo sát cũng diễn ra trong hai ngày 9 và 10/7, với số môn nhiều hơn gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và trả lời phiếu hỏi.

TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành 32 dự án giao thông trọng điểm trong năm nay

Trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (BQLDA) cho biết, hiện đang quản lý 252 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Trong năm 2020, BQLDA đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch thực hiện thi công 59 dự án và phấn đấu hoàn thành 32 dự án cầu đường trọng điểm. Song song đó, BQLDA sẽ hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, điều chỉnh 18 dự án; hoàn tất các thủ tục khởi công 31 gói thầu, dự án; trình HĐND TP các dự án trọng điểm: cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, 2 cây cầu trên tuyến đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 2 đoạn đường Vành đai 2, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50, cải tạo quốc lộ 22 và cầu đường Nguyễn Khoái nối các quận 1- 4 - 7.

Hiện nay, một số dự án triển khai chậm là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái) tại quận 9 và quận Thủ Đức; dự án xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân và hiệu quả dự án, BQLDA cho biết sẽ phối hợp với các quận huyện để tháo gỡ vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo UBND TP giải quyết, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. BQLDA cũng kiến nghị UBND TP hỗ trợ, ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021-2025 góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của TP.

Khơi kênh, cải tạo cống vòm chống ngập

Nương theo tự nhiên, giữ và phát huy thoát nước từ hệ thống sông, rạch đang là sự lựa chọn cho giải pháp chống ngập nhanh nhất của TP. Hồ Chí Minh. Những công trình nào đang được ưu tiên thực hiện trước? Đó là vấn đề được đặt ra trên báo Tuổi Trẻ, số ra hôm nay.

Theo báo này, TP mở rộng quy hoạch thoát nước gấp 3 lần so với hiện trạng (từ 650km2 lên 2.095km2); tập trung nạo vét, khơi thông các tuyến kênh rạch bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, cải thiện môi trường.

Công nhân kiểm tra cống vòm trước khi cải tạo hệ thống cống cổ khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: VĂN BÌNH
Công nhân kiểm tra cống vòm trước khi cải tạo hệ thống cống cổ khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: VĂN BÌNH

Trong đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bị bồi lắng nặng, gây mùi hôi khi nước triều xuống. Bùn ô nhiễm tích tụ lâu ngày, mưa đầu mùa thường xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Hiện TP đang triển khai dự án nạo vét con kênh này từ đường Út Tịch, Q.Tân Bình đến ngã ba sông Sài Gòn, Q.Bình Thạnh.

Đại diện Trung tâm quản lý đường thủy cho biết, khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 122.000m3, tổng kinh phí khoảng 36,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong 75 ngày. Kênh sẽ được nạo vét sâu khoảng 1m, bề rộng 25-42m. Bùn thải sẽ được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Theo chuyên gia, nếu đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nạo vét với độ sâu 1m, dài 9km, rộng 25m thì dung tích nước mà kênh này có thể chứa thêm lên đến 225.000m3, khả năng thoát nước của dòng kênh cũng được tăng lên.

Và nếu như nhiều con kênh khác trên địa bàn TP cùng được nạo vét, các khu vực trữ nước được gia tăng đáng kể. Đây cũng là dạng hồ điều tiết góp phần đáng kể vào các giải pháp chống ngập cho TP. Đặc biệt là khi quy hoạch chống ngập trên địa bàn TP được xác định sẽ mở rộng ra gần như các quận huyện trong tương lai.

Ngoài ra, khu vực trung tâm TP hiện còn đến 113km hệ thống cống vòm được xây dựng từ năm 1870-1954 và trên 777km đường cống xây dựng từ trước năm 1975. Thành phố cũng đang có kế hoạch phục hồi hệ thống cống vòm này. Phương pháp thi công sẽ không đào đường nên sẽ hạn chế đáng kể việc ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.

Thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn Q.Tân Bình - Ảnh: TỰ TRUNG
Thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn Q.Tân Bình - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngoài các dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, TP đang triển khai "hồi sinh" thêm nhiều hệ thống kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp.

Một số dự án đang được thực hiện như khôi phục kênh Hàng Bàng (qua Q.5, Q.6), kênh A41 (Q.Tân Bình). 10 con kênh bị ô nhiễm ở Q.Bình Tân được khôi phục cải tạo, 4/18 tuyến kênh rạch tại Q.12 cũng đã được nạo vét, kiên cố hóa và hoàn thành vào tháng 5 vừa qua.

Rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát là hai dự án lớn đang được TP đôn đốc thực hiện để giải quyết ô nhiễm, cải thiện cảnh quan và tăng khả năng tiêu thoát nước.

Theo Trung tâm quản lý đường thủy (Sở GTVT), sau khi cải tạo xong kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ tiếp tục lập dự án cải tạo kênh Bến Nghé.

Hơn 2.000 hộ dân quận Phú Nhuận hiến đất mở hẻm, tổng trị giá hơn 900 tỉ đồng

Đó là thông tin tại Hội nghị sơ kết 10 năm Chương trình mở rộng đường, hẻm trên địa bàn theo phương thức "nhân dân tự nguyện hiến đất, nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật" giai đoạn 2010-2019 của quận Phú Nhuận - Báo Người Lao Động đưa tin.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho biết trong 10 năm qua, quận đã thực hiện 54 dự án mở rộng đường, hẻm; đưa vào sử dụng 43 công trình.

Bí thư Quận ủy Phú Nhuận Phạm Hồng Sơn tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác vận động người dân hiến đất mở hẻm (Ảnh: Phan Anh)
Bí thư Quận ủy Phú Nhuận Phạm Hồng Sơn tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác vận động người dân hiến đất mở hẻm (Ảnh: Phan Anh)

Điều đáng trân trọng là để có đất mở đường, mở hẻm, đã có hàng ngàn hộ dân trên địa bàn quận tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất. Cụ thể, 2.114 hộ dân đã hiến đất với tổng diện tích hơn 10.000 m2, tương ứng giá trị trên 900 tỉ đồng. Tính từ năm 2003 đến nay, người dân quận Phú Nhuận đã hiến hàng chục ngàn m2 đất, có giá trị gần hàng nghìn tỉ đồng.

"Nhiều hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đã được đầu tư mở rộng từ 4,5 - 8 m. Việc mở rộng hẻm thông thoáng, khang trang ngoài chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan, cải thiện an ninh trật tự cho địa bàn… còn giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân. Sau khi tuyến hẻm được mở rộng, không ít hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để sản xuất, kinh doanh tại nhà giúp cải thiện thu nhập" – Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho hay.

Xử phạt trên 1.000 vụ vi phạm pháp luật về quản lý thị trường

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến nay đã kiểm tra hơn 8.900 vụ chuyên ngành và liên ngành, giảm 34,43% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng số vụ kiểm tra chuyên ngành giảm gần 60%. Qua đó, QLTT TP đã xử phạt 1.181 vụ vi phạm, bao gồm kinh doanh hàng cấm, hàng giả mạo thương hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Thông tin được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một kho hàng nhập lậu trên địa bàn
Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một kho hàng nhập lậu trên địa bàn

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Trung Cang, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển hàng nhập lậu theo đường hàng không. Một số doanh nghiệp thuê mặt bằng kho bãi của các công ty lớn làm nơi cất giấu hàng hóa. Hàng nhập lậu được vận chuyển trên các chuyến bay nội địa, đường sắt từ Bắc vào Nam với số lượng lớn, được chủ hàng ủy thác cho doanh nghiệp vận tải nên khi phát hiện đều không tìm được chủ sở hữu. Thêm nữa, cũng có tình trạng hàng kém chất lượng, giả mạo thương hiệu được gắn mác hàng thật để kiếm lời.

Mới đây, QLTT TP cũng đã xử lý 19 vụ lập trang web điện tử nhưng không thông báo với cơ quan chuyên trách. Tổng số tiền xử phạt vi phạm gần 22 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát, xóa quy hoạch không khả thi

Liên quan đến loạt bài “Lối ra nào cho 14.000 ha đất vướng quy hoạch?” được đăng tải trên báo Pháp Luật TP, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có những trao đổi về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hai chức năng quy hoạch đất hỗn hợp (ĐHH) và đất dân cư xây dựng mới (DCXDM).

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, ĐHH, đất DCXDM là các thuật ngữ thể hiện chức năng sử dụng đất theo quy hoạch, chỉ có trong các đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000, 1/5.000. Luật Đất đai không có những thuật ngữ này.

TP.HCM sẽ kiến nghị cấp phép xây dựng chính thức, bồi thường đối với nhà, đất trong quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây dựng mới.
TP.HCM sẽ kiến nghị cấp phép xây dựng chính thức, bồi thường đối với nhà, đất trong quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây dựng mới.

Hiện nay, cách tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch nói chung cũng như quy hoạch ĐHH, đất DCXDM nói riêng hiện nay còn mang tính áp đặt, chưa đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Vì vậy, những phản ánh của người dân bị ảnh hưởng bởi hai chức năng quy hoạch này là đúng.

Lâu nay chính quyền TP cũng đã thấy được vướng mắc này, đã chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục nhưng vẫn còn lúng túng trong xử lý, giải quyết chưa căn cơ gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với gần 14.000 ha đất vướng hai quy hoạch này làm ảnh hưởng đến người dân, ông Võ Văn Hoan cho biết, giải pháp quan trọng nhất là phải rà soát tất cả khu vực có hai chức năng quy hoạch này. Sau đó đánh giá, phân loại, đưa ra điều kiện cụ thể từng nhóm, đánh giá mức độ ảnh hưởng quyền, lợi ích của người dân, để từ đó có hướng giải quyết cụ thể cho từng nhóm.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định: Quy hoạch là cần thiết, là định hướng để phát triển đô thị bền vững ổn định, cũng là lợi ích của cộng đồng, của người dân. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch phải chặt chẽ, giải quyết được sự mâu thuẫn giữa quy hoạch với thực tế đang diễn ra, làm sao người dân phải sống được trên mảnh đất của mình, quyền lợi của người dân không bị hạn chế.

TP.HCM sẽ rà soát, đánh giá, những khu vực quy hoạch nào không khả thi thì phải điều chỉnh, xóa quy hoạch để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 
TP.HCM sẽ rà soát, đánh giá, những khu vực quy hoạch nào không khả thi thì phải điều chỉnh, xóa quy hoạch để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

Quan điểm của chính quyền TP là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người dân trong khi chưa kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư. Do đó cần phải chi tiết, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 nhằm xác định cụ thể vị trí, ranh giới từng chức năng sử dụng đất trong ĐHH. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẽ được thực hiện theo phương thức Nhà nước và người dân cùng làm.

Đối với chức năng quy hoạch đất DCXDM, Sở, ngành, địa phương cần phải quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ nhằm thực hiện quy hoạch đúng theo quy định của pháp luật.

Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh

Tin cùng chuyên mục