Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/5/2021

10:26 04/05/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 04/5:

Tạo điều kiện giúp cử tri tìm hiểu kỹ để “chọn mặt gửi vàng”

Ghi nhận của PV báo SGGP, ngày 3/5, TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đồng loạt niêm yết danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cùng việc niêm yết tại các điểm bỏ phiếu, các địa phương cũng niêm yết tại nhiều khu vực đông dân cư nhằm giúp người dân tiếp cận, tìm hiểu thông tin thuận tiện. Nhiều nơi đã ép plastic danh sách ứng cử viên để tránh mưa gió làm hư hỏng.

Cử tri tìm hiểu thông tin các ứng cử viên được niêm yết tại trụ sở UBND phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Cử tri tìm hiểu thông tin các ứng cử viên được niêm yết tại trụ sở UBND phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Cụ thể, sáng 3/5, phường Tam Phú (TP Thủ Đức) đã tổ chức niêm yết tại 10 điểm bầu cử ở trụ sở tổ dân phố, khu phố, 2 đình làng, 1 chung cư, 2 điểm trường tiểu học, 1 trường trung cấp nghề và tại trụ sở UBND phường.

Tại huyện Củ Chi, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện cho biết, trong ngày 3/5, toàn bộ danh sách các ứng cử viên đã niêm yết ở 222 điểm bỏ phiếu và trụ sở UBND các xã, thị trấn và những nơi đông người qua lại. “Huyện sẽ gửi bản tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên tới từng gia đình để cử tri thuận tiện nghiên cứu”- ông Nguyễn Văn Nghĩa thông tin.

Còn ở huyện Nhà Bè, sau khi niêm yết danh sách ứng cử viên, huyện còn phát thông tin này đến tận nhà dân và sắp xếp để các buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử sắp tới đây diễn ra chu đáo, hiệu quả. Hiện nay, danh sách ứng cử viên được niêm yết ở 65 khu vực bỏ phiếu và trường học, quán cà phê đông người...

Cử tri thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, xem danh sách các ứng cử viên. Ảnh: THANH TÂM
Cử tri thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, xem danh sách các ứng cử viên. Ảnh: THANH TÂM

Riêng huyện Cần Giờ (nơi xa nhất của TPHCM), danh sách các ứng cử viên 4 cấp đã được niêm yết xong. Bên dưới danh sách các ứng cử viên, huyện niêm yết tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên. Đồng thời, tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên được gửi đến tận nhà người dân.

Huyện cũng chú trọng tuyên truyền đến những người dân đi biển, hộ gia đình giữ rừng ngập mặn Cần Giờ, hộ nuôi cá lồng bè, các phương tiện thủy neo đậu trên địa bàn, các hộ ở các ấp thuộc xã đảo xa địa bàn dân cư… nhằm giúp các cử tri nắm bắt đầy đủ thông tin về bầu cử và các ứng cử viên.

Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM 4 tháng đầu năm 2021 có chuyển biến tích cực so cùng kỳ năm trước (đạt 6.524 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ). Nội dung trên báo Hà Nội Mới.

Trong đó, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, nối quận 1 với quận Bình Thạnh có tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ đồng, đã thông xe ngày 30/4 vừa qua. Đây là dự án chống ngập rất quan trọng, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông thành phố.

Các dự án trọng điểm như: Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt trên 85%; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến khởi công vào giữa năm 2022; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPCHM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (10.000 tỷ đồng) đạt trên 91%…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điểm du lịch phải lập 'đội phản ứng nhanh' chống dịch

Đây là một trong những yêu cầu đặt ra của Sở Du lịch TPHCM cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn nhằm hướng dẫn xử lý tình huống phát sinh, ngăn chặn lây lan ra cộng đồng, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như người lao động. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Tại văn bản gửi các quận, huyện, ban lãnh đạo có khu, điểm du lịch đang đón khách, ngoài việc yêu cầu nhân viên điểm du lịch tuân thủ quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19, Sở này cũng yêu cầu các điểm tham quan, khu vui chơi thường xuyên sử dụng loa phóng thanh nhắc nhở khách và nhân viên của khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm quy tắc "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách". Bắt buộc khử trùng bằng dung dịch Cloramin B trong khuôn viên khu, điểm du lịch với tần suất 4 lần/tháng.

Các điểm du lịch trên địa bàn TP.HCM phải có "đội phản ứng nhanh" chống dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các điểm du lịch trên địa bàn TP.HCM phải có "đội phản ứng nhanh" chống dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Văn bản cũng hướng dẫn quy trình xử lý các tình huống tại khu, điểm du lịch trong trường hợp bình thường và trường hợp khách có vấn đề về sức khỏe.

Theo đó, thực hiện cách ly ngay lập tức nếu du khách có thân nhiệt cao trên 37,5 độ C. Tại phòng cách ly, theo dõi nhiệt độ, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Cấp thuốc hạ sốt và cho bệnh nhân nghỉ ngơi.

Trường hợp không giảm sốt, khu, điểm du lịch liên hệ và thông báo ngay với trạm y tế phường/cơ quan chức năng về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của TP nhằm có các biện pháp xử lý, kiểm tra dịch bệnh cho khách theo đúng quy trình tiếp theo.

Thực hiện ngay các biện pháp phun khử khuẩn tại các khu vực tiếp xúc bệnh nhân và tại phòng cách ly. Đồng thời thực hiện phun sát khuẩn toàn bộ công viên.

Có báo cáo về trường hợp trên và các biện pháp đã xử lý cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) nắm tình hình.

Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy giúp Lào chống dịch Covid - 19

Theo Vietnamplus, ngày 3/5, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hội quân tại Hà Nội cùng đoàn công tác của Bộ Y tế nhận nhiệm vụ trước khi lên đường sang Lào vào sáng 4/5 để hỗ trợ nước bạn trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân Covid -19.

Đội phản ứng nhanh có 4 thành viên, gồm bác sỹ Nguyễn Văn Thuận (Khoa Bệnh nhiệt đới - tổ trưởng), bác sỹ Nguyễn Hữu Quân (Khoa Hồi sức tích cực khu D), điều dưỡng Huỳnh Nhứt Hữu (Khoa Nội thần kinh) và điều dưỡng Đặng Mỹ Ngân (Khoa Chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu).

Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy chụp ảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi ra Hà Nội hội quân cùng đoàn công tác Bộ Y tế để sang Lào hỗ trợ chống dịch. (Ảnh: TTXVN phát)
Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy chụp ảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi ra Hà Nội hội quân cùng đoàn công tác Bộ Y tế để sang Lào hỗ trợ chống dịch. (Ảnh: TTXVN phát)

"Chuyến đi này rất đặc biệt đối với mình bởi đây là chuyến đi hỗ trợ vượt ra khỏi biên giới đất nước. Việc có mặt để hỗ trợ nước bạn trong tình hình dịch bệnh phức tạp là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là niềm tự hào về ngành y tế Việt Nam" - bác sỹ Nguyễn Văn Thuận chia sẻ trước giờ lên đường.

Bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là lần đầu tiên một đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy ra nước ngoài hỗ trợ nước bạn chống dịch Covid-19. Trước đó, trong hơn một năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử nhiều đội phản ứng nhanh đến các địa phương trong nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Gia Lai, Kiên Giang... để cứu chữa các bệnh nhân bệnh nặng cũng như tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Công an TP bắt sới gà ‘khủng’ ở Cần Giờ

Báo Pháp Luật TP cho hay, ngày 3/5, phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM phối hợp với Công an huyện Cần Giờ lập hồ sơ, sàng lọc xử lý đối với 128 người về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc tại vườn xoài ở ấp Đồng Hòa. Ngoài ra, nhiều người khác đang bị xem xét xử lý về các hành vi liên quan.

Nhóm người này bị bắt quả tang khi đang sát phạt dưới hình thức đá gà, bán nước, đồ ăn vào 16 giờ ngày 2/5. Lúc công an ập đến, nhiều người bỏ cả tài sản, vật dụng, tháo chạy theo nhiều hướng. Công an đưa tổng cộng 139 người về trụ sở làm việc, trong đó có 11 người phụ nữ bán nước, đồ ăn và tạm giữ 134 xe máy, gần 690 triệu đồng tiền tang vật.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/5/2021 - Ảnh 1

Hiện vật bảo tàng kể chuyện truyền thông trong chiến tranh

Thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ, Bảo tàng TPHCM vừa ra mắt chuyên đề triển lãm 'Truyền thông trong kháng chiến', như một dịp giới thiệu mặt trận truyền thông đa dạng, phong phú, độc đáo và hiệu quả trong chiến tranh. Triển lãm mở cửa tại 65 Lý Tự Trọng, quận 1 đến hết tháng 6/2021.

Chuyên đề giới thiệu các cụm hiện vật, hình ảnh: ấn phẩm sách báo cách mạng, truyền đơn, biểu ngữ; trang thiết bị in ấn từ thô sơ đến hiện đại; các thiết bị truyền tin... từng được sử dụng trên chiến trường ở cả hai cuộc kháng chiến thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Khách tham quan chiếc máy đúc chữ Sudo đang trưng bày - Ảnh: L.ĐIỀN
Khách tham quan chiếc máy đúc chữ Sudo đang trưng bày - Ảnh: L.ĐIỀN

Đằng sau những hiện vật, hình ảnh là những câu chuyện được lưu giữ như một phần không thể xóa bỏ của cuộc chiến; là hình ảnh con người trên mặt trận truyền thông. Có khi không phải là người lính chuyên nghiệp, nhưng họ đã không quản bom rơi đạn nổ, lao mình vào thực tế chiến trường và không ít trường hợp đã hi sinh...

Công chúng sẽ có dịp xem lại những hình ảnh của "điện ảnh Bưng Biền" - những người lính - nghệ sĩ mở đầu nền điện ảnh cách mạng Nam Bộ.

Đó là hình ảnh người phóng viên đang ghi hình chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đánh trận Mộc Hóa - Long An tháng 8-1948; là cảnh in phim bằng ánh sáng đèn măng-xông vào năm 1949; độc đáo có hình ảnh chiếc ghe được sử dụng làm buồng tối (buồng ảnh) để tráng phim...

Và đa dạng các sách báo, truyền đơn...

Chiếc ghe được sử dụng làm buồng tối của điện ảnh Bưng Biền
Chiếc ghe được sử dụng làm buồng tối của điện ảnh Bưng Biền
Đội chiếu bóng lưu động thuộc Phòng Điện ảnh giải phóng trên đường đi phục vụ các đơn vị quân Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn
Đội chiếu bóng lưu động thuộc Phòng Điện ảnh giải phóng trên đường đi phục vụ các đơn vị quân Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn
Máy chiếu phim 16 ly của Đội chiếu phim Sao Mai thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định
Máy chiếu phim 16 ly của Đội chiếu phim Sao Mai thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định
Báo ảnh Giải Phóng số đặc biệt do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát hành chào mừng thắng lợi Hội nghị bốn bên ở Paris, tháng 1-1973
Báo ảnh Giải Phóng số đặc biệt do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát hành chào mừng thắng lợi Hội nghị bốn bên ở Paris, tháng 1-1973

Tranh thủ nghỉ lễ 'khám bệnh' cây xanh

Ngay trước mùa mưa bão, nhiều trường đã chủ động vào cuộc nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy đến với học sinh. Đặc biệt, các trường đã tranh thủ kỳ nghỉ lễ để rà soát cơ sở vật chất, "khám bệnh" cho cây xanh, từ đó kịp thời có những giải pháp ứng phó. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Trong dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4, Trường THCS Lê Lợi (Quận Tân Phú) tận dụng thời gian học sinh được nghỉ để rà lại toàn bộ cây xanh và cơ sở vật chất trong khuôn viên. Quá trình kiểm tra được tiến hành khẩn trương, rốt ráo khi TP đang trong những ngày chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa.

Ở Trường THPT Nguyễn An Ninh (Quận 10), chuyện mé nhánh (cắt bỏ bớt hợp lý một phần cành nhánh nhằm làm giảm lực cản gió để bảo vệ cây không bị sức gió mạnh quật ngã) đã được thực hiện từ rất sớm. Ông Tống Phước Lộc, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh cho biết từ đầu năm, trường cho mé nhánh hai cây bàng lớn, đồng thời sẽ duy trì kiểm tra trong mùa mưa nhằm phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường.

Cây xanh được cắt tỉa, mé nhánh gọn gàng tại Trường mầm non TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Cây xanh được cắt tỉa, mé nhánh gọn gàng tại Trường mầm non TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) chia sẻ, hằng năm khi bắt đầu có những cơn mưa trái mùa, trường lập tức đẩy mạnh những biện pháp phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trường học. Mới đây, trường kết hợp với các cơ quan chức năng mé nhánh ba cây cổ thụ trong trường. Mọi bước đều được làm cẩn trọng và không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu nào. Theo ông Phú, những công việc trên có tính định kỳ, nhưng tuyệt đối không thể chủ quan. Nếu làm thật kỹ có thể hạn chế được những rủi ro đến mức thấp nhất với học sinh.

Trong tháng 4/2021, Sở GD-ĐT TP đã đưa ra kế hoạch triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP trong năm 2021. Trong đó, Sở yêu cầu các trường cần xây dựng kế hoạch chi tiết với phương án triển khai cụ thể, nhằm ứng phó với các loại hình thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tổ chức khảo sát, đánh giá thường xuyên về cơ sở vật chất, thảm cây xanh... Khi xảy ra bất thường cần đề nghị nhà trường khắc phục, hoặc cùng với các cơ quan có thẩm quyền khắc phục, đặc biệt khi mùa mưa năm 2021 đang cận kề.

Làm rõ vụ cháy nhà khiến một người chết trên đường Trần Hưng Đạo

Ngày 3/5, nguồn tin của báo Tuổi Trẻ xác nhận Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 đã triệu tập, tạm giữ một số người để làm rõ vụ cháy xảy ra trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 vào ngày 1/5 khiến 1 người chết, 5 người bị thương.

Theo điều tra, nơi xảy ra hỏa hoạn là chung cư cũ, từng được nhiều người thuê để kinh doanh mở quán cà phê, bar. Vào đầu tháng 4, người chủ mới đã thuê một nhóm thợ đến sửa chữa nhưng không có giấy phép. Ngày 13/4, tổ kiểm tra của UBND phường Phạm Ngũ Lão đã lập biên bản, đình chỉ thi công. Đến sáng 1/5, nhóm thợ lén lút sửa chữa rồi xảy ra cháy.

Hai nạn nhân bỏng được lực lượng PCCC đưa ra ngoài - Ảnh: M.H.
Hai nạn nhân bỏng được lực lượng PCCC đưa ra ngoài - Ảnh: M.H.

Nhận tin báo cháy, lực lượng PCCC quận 1 (Công an quận 1) và Đội PCCC và cứu nạn cứu hộ khu vực 1 thuộc Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP đã điều 9 xe chữa cháy chuyên dụng và 56 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau ít phút.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục