Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/3/2021

09:45 10/03/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 10/3:

Đã có 4 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 2 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 9/3, Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức phiên họp thứ IV.

Báo cáo tại phiên họp, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Tiểu ban Hành chính - tổng hợp, cho biết tính đến ngày 8/3, Ủy ban Bầu cử TPHCM đã tiếp nhận 4 hồ sơ tự ứng cử ĐBQH khóa XV, 2 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND TP.

Cũng theo ông Phong, đã có 19 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu để 21 người ứng cử ĐBQH khóa XV và 60 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu để 64 người ứng cử đại biểu HĐND TP khóa X.

TP Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi hiện nay chưa có người tự ứng cử. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng cho phép thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ ở TP.Thủ Đức

Thông tin trên báo Thanh Niên, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các dự thảo Nghị định quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ và UBND TPHCM, Thủ tướng đồng ý thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ thuộc UBND TP.Thủ Đức để phù hợp với vị trí, vai trò và quy mô của TP.Thủ Đức, trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thống nhất phương án số lượng cấp phó của các phòng chuyên môn thuộc UBND TP.Thủ Đức tối đa 3 người. Số lượng Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về lâu dài, căn cứ đặc điểm, quy mô, vị trí của TP.Thủ Đức, UBND TP báo cáo Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện cho TP.Thủ Đức phát triển thuận lợi.

UBND TP.Thủ Đức có thêm Phòng Khoa học - Công nghệ để phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai. ẢNH: SỸ ĐÔNG
UBND TP.Thủ Đức có thêm Phòng Khoa học - Công nghệ để phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai. ẢNH: SỸ ĐÔNG

Đề xuất mua 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19

Theo Vietnamplus, mới đây, Sở Y tế TPHCM đã đàm phán với Công ty Moderna (Hoa Kỳ) và được công ty này đồng ý cung cấp 5 triệu liều vaccine mRNA-1273 trong quý 3/2021. Đây là vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng trên 18 tuổi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận an toàn, đạt hiệu quả cao, không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Theo tài liệu của FDA và Moderna, vaccine mRNA-1273 có thể ngăn ngừa các ca nhiễm không triệu chứng sau mũi đầu tiên. Tỷ lệ hiệu quả của vaccine này là 94,1% trong số 30.000 người thử nghiệm.

Đối với người 65 tuổi trở lên, mức độ hiệu quả của vaccine này là 86%. Các tác dụng phụ phổ biến nhất gồm: sốt, nhức đầu, đau cơ và khớp.

Do đó, Sở Y tế đề xuất UBND TP cho phép mua vaccine phòng Covid-19 do Công ty Moderna sản xuất, nhập khẩu bởi chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma Việt Nam tại TPHCM.

Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguồn kinh phí mua sắm vaccine được huy động từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động phòng, chống dịch và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân do MTTQVN TP tiếp nhận.

Trước đó, Bộ Y tế đã phân bổ cho TPHCM hơn 9.000 liều vaccine AstraZeneca trong lô 117.000 liều đầu tiên nhập về Việt Nam. Trong số đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP được phân bổ 900 liều, 150 liều cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và 8.000 liều phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Tuy nhiên, số lượng vaccine này dự kiến không đủ đáp ứng nhu cầu của TP.

Mở rộng "phạt nguội" trên địa bàn Thành phố

Báo Người Lao Động cho hay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đang thực hiện lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trình UBND TP về Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (gọi tắt là đề án) với tổng mức đầu tư dự kiến 454 tỉ đồng từ vốn ngân sách và các nguồn khác, chia làm 2 giai đoạn.

Theo đó, đề án sẽ ứng dụng 3 giải pháp công nghệ, gồm công nghệ xử lý hình ảnh qua camera, công nghệ nhận diện biển số xe tự động và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử phạt giao thông. Ba giải pháp này ngoài chức năng ghi hình, nhận diện biển số còn giúp nhận diện và phân loại tất cả phương tiện, tính toán tốc độ, lưu lượng xe, người đi bộ không tuân thủ tín hiệu giao thông, phân tích hành vi đi sai hướng, dừng xe sai quy định…

Phạm vi đầu tư là 180 điểm trên 30 tuyến đường gồm, các tuyến Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trương Định, Lý Tự Trọng, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1)….

Dữ liệu thông tin từ camera giúp CSGT giám sát tình hình vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông Ảnh: LÊ PHONG
Dữ liệu thông tin từ camera giúp CSGT giám sát tình hình vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông Ảnh: LÊ PHONG

Ngoài ra, đề án cũng đề xuất thí điểm "xử phạt nguội" phương tiện vi phạm tải trọng thông qua các trạm cân tự động theo hướng tập trung xử phạt đối với chủ phương tiện và thí điểm "xử phạt nguội" các hành vi vi phạm của phương tiện kinh doanh vận tải thông qua camera và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cũng trên Vietnamplus, UBND TP vừa ban hành Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đề án hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nển tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển sản phẩm chủ lực của TP, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45-50%.

Đề án đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 như: hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Các gian hàng triển lãm tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. (Nguồn: khoinghiepsangtao.vn)
Các gian hàng triển lãm tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. (Nguồn: khoinghiepsangtao.vn)

Để đạt mục tiêu trên, UBND TP đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính gồm: phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo UBND TP, việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của TP, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực và kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo chuẩn quốc tế

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030". Nội dung trên báo SGGP.

Theo đó, Đề án hướng đến mục tiêu có 90% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022. Ngoài ra, tại các trường phổ thông khác có 40% học sinh theo học và 20% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, có 100% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 50% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, có 50% học sinh được đáp ứng nhu cầu học tin học và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, 100% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 80% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, có 80% học sinh được đáp ứng nhu cầu học tin học và 50% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong một giờ học với máy tính
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong một giờ học với máy tính

Đề án được dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách TP, ngân sách quận, huyện theo phân cấp kết hợp với xã hội hóa để đảm bảo triển khai một cách hiệu quả.

Sở GD-ĐT TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm thẩm định và cho phép các trường phổ thông trực thuộc triển khai chương trình trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện của học sinh và phụ huynh.

Ba quán nhậu ở TPHCM bị xử phạt vì mở nhạc quá lớn

Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 9/3, UBND quận Bình Thạnh cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính chủ ba quán nhậu Cali Beer, Havana và Xing Fu trên đường Phạm Văn Đồng vì mở nhạc quá công suất cho phép.

Để xử lý được các cơ sở này, lực lượng chức năng đã thực hiện đo độ ồn, lập biên bản xử phạt theo Nghị định 167/2013 với hành vi làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng sau 22h.

Quán nhậu mở nhạc làm ồn bị phạt.
Quán nhậu mở nhạc làm ồn bị phạt.

Lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho biết, trong thời gian tới, đoàn liên ngành của quận gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và Công an quận tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm tiếng ồn tại 20 phường trên địa bàn. Khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đoàn liên ngành sẽ yêu cầu giữ nguyên hiện trường, đo độ ồn bằng máy chuyên dụng.

Quận Bình Thạnh sẽ tiếp tục xử lý quán nhậu gây ồn quá mức cho phép.
Quận Bình Thạnh sẽ tiếp tục xử lý quán nhậu gây ồn quá mức cho phép.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục