Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/6/2021

10:40 10/06/2021

(HMC) - Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 10/6.

Chuyển đổi công năng 2 bệnh viện để điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo Vietnamplus, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố đang diễn biến rất phức tạp với hơn 500 ca mắc và dự kiến sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, ngày 9/6, Sở Y tế TP đã quyết định chuyển đổi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện huyện Củ Chi thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Sở Y tế TP yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới dành 400 giường bệnh để tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 với 46 giường hồi sức; chuyển đổi công năng các khoa, phòng của bệnh viện; tạm chuyển người bệnh nội trú mắc các bệnh khác (ngoại trừ bệnh nhân đang điều trị uốn ván) đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khác trên địa bàn thành phố có khoa nhiễm để ưu tiên tiếp nhận người mắc Covid-19.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đồng thời, bệnh viện chủ động tập huấn cho toàn thể nhân viên, triển khai độc lập 2 nhóm nhân viên y tế ở khu vực tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 và khu vực điều trị bệnh nhân uốn ván nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Đối với Bệnh viện huyện Củ Chi, Sở Y tế yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên tiếp nhận người bệnh mắc Covid-19 với quy mô tối đa là 500 giường (20 giường cấp cứu, hồi sức); chủ động liên hệ với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho người mắc Covid-19; phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; hồi sức cấp cứu cho người bệnh nặng.

Bệnh viện huyện Củ Chi cần thông báo cho người dân (kể cả khám bảo hiểm y tế) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn huyện Củ Chi.

Bệnh viện phải xét nghiệm Covid-19 với người đến khám có triệu chứng sốt, ho

Vietnamplus cũng đưa tin, ngày 9/6, Sở Y tế TP có văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện trên địa bàn TP về việc không bỏ sót người bệnh có yếu tố dịch tễ và nguy cơ, đảm bảo vận chuyển người bệnh nghi mắc Covid-19 an toàn.

Theo Sở Y tế TP, tính đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện thuộc Sở đã tiếp nhận hơn 500 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và dự kiến còn gia tăng trong thời gian tới với khoảng 3,5% trường hợp có diễn tiến nặng.

Để không bỏ sót các trường hợp có yếu tố nguy cơ, tránh quá tải người bệnh tại các buồng cách ly của bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh trong chuyển tuyến, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện khi có người bệnh từ địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến khám bệnh, các cơ sở y tế phải được xem là có yếu tố dịch tễ, được thăm khám tại buồng khám sàng lọc và tầm soát Covid-19.

Trong giai đoạn hiện nay, khi người bệnh không có yếu tố dịch tễ nhưng có một trong các triệu chứng thường gặp của COVID-19 như sốt, đau họng, ho, thay đổi vị giác, khứu giác… cần xem như người bệnh có yếu tố nguy cơ, sau đó lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên và Realtime RT-PCR).

Thêm 99 tỉ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Theo báo Pháp Luật TP, ngày 9/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM- đã tiếp nhận hơn 99 tỉ đồng ủng hộ từ 25 đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Đây là đợt tiếp nhận thứ 10 những đóng góp của toàn xã hội cho công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, cộng đồng các doanh nghiệp đã chấp hành rất tốt các quy định về giãn cách, cũng là chấp nhận sự thiệt thòi để chia sẻ cùng TP trong lúc quyết liệt chống dịch.

Ủy ban MTTQ TP.HCM tiếp nhận sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp cho quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: QUỐC THANH 
Ủy ban MTTQ TP.HCM tiếp nhận sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp cho quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: QUỐC THANH 

“Với tất cả sự trân quý những tấm lòng đó, chúng tôi cam kết thực hiện đúng quy chế, quy định để Quỹ hoạt động hiệu quả, đến đúng người, đúng đối tượng và công khai minh bạch. Đồng thời luôn sẵn sàng chuẩn bị để người dân TP tiếp cận vaccine sớm nhất và có thể chia sẻ với các tỉnh”, bà Châu bày tỏ.

Box: Từ ngày 20/3/2020 đến nay, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã tiếp nhận ủng hộ công tác phòng chống dịch gần 292 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 195,4 tỉ đồng tiền mặt và hơn 95,7 tỉ đồng hàng hóa và trang thiết bị. Đồng thời, quỹ tiếp nhận đăng ký ủng hộ hơn 2.288 tỉ đồng cho Quỹ vaccine ngừa Covid-19.

2 trường Đại học của TPHCM được xếp hạng ĐH quốc tế uy tín QS WUR 2022

Theo báo Chính phủ, trong kỳ xếp hạng QS WUR 2022, 2 trường Đại học của TPHCM có mặt trong bảng xếp hạng là ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Tôn Đức Thắng (thứ hạng trong nhóm 1001-1200). Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM 4 năm liên tiếp có mặt trong bảng xếp hạng này.

Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Tôn Đức Thắng

Tiêu chí xếp hạng của QS WUR nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong, ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).

Trong kỳ xếp hạng này, QS WUR 2022 xếp hạng cho 1.300 trường trong tổng số 1.673 cơ sở giáo dục thuộc 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, 145 trường lần đầu tiên tham gia xếp hạng.

Dữ liệu phục vụ xếp hạng được lấy từ 2 triệu đề cử của học giả và 450.000 đề cử của nhà tuyển dụng, thu thập 130.000 phản hồi của học giả và 75.000 nhà tuyển dụng toàn cầu, phân tích 96 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2015-2020) từ 14,7 triệu bài báo (trong giai đoạn 2015-2019).

Nhiều quận triển khai mô hình ATM gạo

Theo báo Tuổi Trẻ, nhằm hỗ trợ người dân khó khăn và chung tay đẩy lùi Covid-19, quận đoàn Phú Nhuận đã phối hợp cùng Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận khởi động “ATM gạo” tại Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận.

Cụ thể, những người dân khó khăn trên địa bàn được phát phiếu nhận gạo trước đó 1 ngày. Mỗi phường được quy định một khung giờ nhận gạo, mỗi giờ không quá 5 người, mỗi người nhận được 2kg gạo. Tại điểm nhận gạo có khu vực đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ để người dân đảm bảo khoảng cách và khai báo y tế đầy đủ trước khi nhận gạo.

Người dân khó khăn nhận gạo từ máy ATM gạo
Người dân khó khăn nhận gạo từ máy ATM gạo

Còn trên báo SGGP cho hay, đoàn viên, thanh niên quận 4 đã tổ chức phát gạo từ máy “ATM gạo” cho người dân khó khăn. Mỗi người dân được nhận miễn phí 3kg gạo. Hoạt động này diễn ra từ 8 giờ đến 18 giờ trong ngày 9/6.

Tại Nhà Thiếu nhi quận 7, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7 phối hợp với Ban Thường vụ Quận đoàn, LĐLĐ quận tổ chức chương trình ATM gạo cùng gian hàng 0 đồng phục vụ hộ nghèo, công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chương trình tặng gạo kéo dài 10 ngày (từ ngày 9/6 đến hết ngày 18/6), buổi sáng bắt đầu từ 8g đến 10g và buổi chiều từ 14g đến 16g.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn quận 7 đến đây sẽ được nhận 3kg gạo/người kèm theo phiếu nhận gạo, mì gói, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt tại gian hàng 0 đồng.

Thực hiện giãn cách, hồ sơ hành chính chuyển qua bưu điện tăng vọt

Ngày 9/6, trả lời phóng viên báo SGGP, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TP cho biết, trong 1 tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, TPHCM tăng giải quyết hồ sơ trực tuyến và khuyến khích tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện, qua đó, lượng hồ sơ tiếp nhận và trả qua bưu điện tăng mạnh, đạt 140.000 hồ sơ/tuần.

Nhân viên bưu điện TPHCM đến tận nhà người dân ở quận 1 (TPHCM) để chi trả chính sách cho người có công với cách mạng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhân viên bưu điện TPHCM đến tận nhà người dân ở quận 1 (TPHCM) để chi trả chính sách cho người có công với cách mạng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách, Giám đốc Bưu điện TP cho hay, toàn bộ đội ngũ 3.700 bưu tá, giao dịch viên, nhân viên của Bưu điện TP làm việc tại bưu điện và “đi lại như con thoi”. Cùng với tiếp nhận hồ sơ và phát trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà dân, nhân viên bưu điện còn đến tận nhà để chi trả chế độ chính sách cho người có công với cách mạng ngay trong những ngày đầu tháng 6/2021.

Bà Vân cho biết, ngành bưu điện có cấp kinh phí để bưu tá, người lao động tự trang bị phòng hộ cá nhân. Ngành cũng có chính sách phù hợp đối với người lao động đi làm trong thời điểm cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, giúp người lao động yên tâm công tác. 

Chỉ thị việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy

Một thông tin khác trên báo Pháp Luật TP cho hay, UBND TP vừa ra chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Ban Quản lý các Khu chế xuất – công nghiệp và Khu công nghệ cao chọn một số doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc ngay tại nhà máy, xí nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch được tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Công nhân tại công ty PouYuen được tổ chức làm việc giãn cách để phòng chống dịch. Ảnh: LÊ THOA
Công nhân tại công ty PouYuen được tổ chức làm việc giãn cách để phòng chống dịch. Ảnh: LÊ THOA

Bên cạnh đó, cần yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức diễn tập phương án ứng phó phòng chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, phù hợp với điều kiện thực tế phòng chống dịch. Đồng thời, xây dựng phương án trong tình huống phát hiện người lao động bị nhiễm Covid-19 và đề xuất các chế độ chính sách đối với người lao động trong tình hình dịch.

Chính quyền TP cũng yêu cầu triển khai ký cam kết phòng chống dịch giữa doanh nghiệp với Ban Quản lý và chính quyền địa phương. Từ đó, theo dõi và giám sát chặt chẽ việc chấp hành các cam kết đã ký.

Ngoài ra, Ban Quản lý phải yêu cầu các cơ sở sản xuất, lao động thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm; kiểm tra giám sát thường xuyên công tác phòng dịch tại nhà máy, nhà xưởng sản xuất; kiên quyết dừng hoạt động đối với các nơi không đáp ứng điều kiện phòng dịch.

Chú ý khi lưu thông qua chợ Thủ Đức

Báo Pháp Luật TP đưa tin, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình thi công, Sở GTVT thông báo kể từ ngày 12/6 đến ngày 8/4/2022 sẽ tổ chức lại giao thông trên đường Võ Văn Ngân (đoạn từ đường Thống Nhất đến đường Đặng Văn Bi).

Theo đó, giao thông được điều chỉnh như sau: Hướng lưu thông từ ngã tư Thủ Đức đến chợ Thủ Đức sẽ tổ chức cho xe hai bánh lưu thông vào 1,5 m mặt đường trong cùng sát vỉa hè. Cấm các loại xe ô tô lưu thông qua phạm vi rào chắn (xe buýt vẫn được phép lưu thông).

Lộ trình thay thế cho các xe ô tô: Võ Văn Ngân - Thống Nhất - Đặng Văn Bi - Võ Văn Ngân. Hướng từ chợ Thủ Đức đến ngã tư Thủ Đức vẫn lưu thông bình thường.

Thông báo lưu ý, người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông phải chấp hành theo hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường hoặc theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, điều tiết giao thông.

Hỗ trợ khó khăn cho hơn nửa triệu xe ôm, bảo mẫu, bán vé số

Báo Tiền Phong cho hay, Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) TP vừa có văn bản khẩn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách hỗ trợ cho các trường hợp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Theo đó, đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/người.

Đối với giáo viên, nhân viên (kể cả bảo mẫu) làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi phí thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.

Lãnh đạo huyện Hóc Môn trao tiền hỗ trợ cho những người bán vé số dạo gặp khó khăn trong đợt dịch COVID-19 đầu năm 2020
Lãnh đạo huyện Hóc Môn trao tiền hỗ trợ cho những người bán vé số dạo gặp khó khăn trong đợt dịch COVID-19 đầu năm 2020

Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.

Đối với trẻ em mắc Covid-19, trẻ em phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tiền ăn là 90.000 đồng/em/ngày với thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021.

Các hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động từ 22/5 để phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND TP thì mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/hộ/tháng (3.000 hộ). Thời gian hỗ trợ tối đa không quá ba tháng.

Những người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập giảm sâu hoặc không có thu nhập do thực hiện chế độ xã hội hóa. Những người lao động này đang làm một trong các công việc như: bán hàng rong; thu gom rác và phế liệu; bốc xếp, vận chuyển hàng hóa; điều khiển xe mô tô 2 bánh chở khách, xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; lao động tự do hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực ăn, nghỉ, du lịch, y tế (kể cả bảo vệ); làm những công việc thuộc lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM (khoảng 230.000 người). Mức hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng / người.

Các thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thời điểm đầu năm 2020 được rà soát, thống kê đến ngày 31/5 (111.136 người) sẽ nhận mức hỗ trợ được đề xuất là 250.000 đồng/người/tháng, chi trả một lần cho 3 tháng liên tục.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng với mức hỗ trợ được đề xuất là 500.000 đồng/người/tháng, chi trả một lần cho 3 tháng liên tục...

Như vậy, với hơn nửa triệu lao động được đề xuất hỗ trợ như trên, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ là hơn 1.075 tỉ đồng. Trong đó kinh phí ngân sách TPHCM hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là hơn 905 tỉ đồng, còn lại là ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc.

Gói an sinh xã hội này dự kiến sẽ được UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp cuối tháng này. Đây là gói an sinh xã hội thứ hai TPHCM triển khai sau gói an sinh xã hội đã thực hiện trong đợt dịch đầu tiên vào năm 2020.

Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục