Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/8/2021

09:11 10/08/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 10/8

Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax

Chinhphu.vn đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.

Vắc xin phòng COVID-19 Nanocovax được Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020 và giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/8/2021 - Ảnh 1

Theo TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đang thực hiện đánh giá 3 yếu tố, gồm tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên tình nguyện viên Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.

Trong đó, giai đoạn 3a tiêm cho 1.000 đối tượng, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch, tỉ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vaccine trên nhóm tiêm giả dược là 6:1. Giai đoạn 3b được tiêm trên 12.000 người, tỉ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vaccine trên nhóm tiêm giả dược là 2:1.

Dự kiến, trước ngày 15/8 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a.

Trên cơ sở này, các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vacccine của giai đoạn 3a.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gửi thư biểu dương biệt đội taxi cấp cứu F0, Trung tâm cấp cứu 115

Theo báo SGGP, trong thư, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ, những ngày vừa qua, TPHCM phải căng mình đối phó với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều ca F0 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ được theo dõi điều trị tại nhà, khi chuyển nặng cần kịp thời ứng cứu.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra hệ thống vận chuyển bệnh nhân tại Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra hệ thống vận chuyển bệnh nhân tại Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: CAO THĂNG

Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM đã tổ chức các Tổ y tế ứng cứu với tên gọi "Biệt đội cấp cứu 115" bằng phương tiện taxi chuyển đổi, các thành viên biệt đội đã hành động với tấm lòng nhân ái, vì sự sống của người bệnh. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức và các quận, huyện hiện nay cũng tổ chúc những Tổ phản ứng nhanh tiếp nhận, ứng cứu kịp thời cho những ca F0 chuyển nặng.

Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ sự trân trọng những hành động, tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của tất cả những đội viên tình nguyện của các Tổ phản ứng nhanh quận, huyện, TP Thủ Đức, các thành viên "Biệt đội cấp cứu 115".

Đội xe cấp cứu khẩn cấp bệnh nhân Covid-19 của TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đội xe cấp cứu khẩn cấp bệnh nhân Covid-19 của TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cảm ơn đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã tranh thủ từng giây từng phút, giành lại sự sống cho bệnh nhân. “Việc làm của các bạn thể hiện trách nhiệm với cả tấm lòng, mang tính nhân văn sâu sắc, những nghĩa cử cao đẹp ấy là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghĩa tình của Thành phố chúng ta”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nhân đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kêu gọi "Mỗi tổ chức một hành động tốt, mỗi người dân một nghĩa cử đẹp", chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, kinh tế TPHCM ổn định và tiếp tục phát triển. Đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi chúng ta - công dân TPHCM.

TPHCM nằm trong nhóm dẫn đầu về xử lý hành vi tham nhũng

Báo SGGP cho biết, ngày 9/8, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2019 (PACA 2019), giai đoạn từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2019, tập trung vào 4 nội dung đánh giá: công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng; kết quả thực hiện; phát hiện các hành vi tham nhũng; xử lý các hành vi tham nhũng. 

Theo kết quả đánh giá, tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu cả nước về kết quả xử lý tham nhũng, ngược lại, địa phương thấp nhất là Tuyên Quang. Tỉnh Sóc Trăng có kết quả phát hiện ra tham nhũng cao nhất, thấp nhất là Cà Mau.

Trong khi đó, kết quả phát hiện hành vi tham nhũng, các địa phương dẫn đầu lần lượt là Sóc Trăng, TPHCM và Thái Nguyên. TTCP đánh giá, Sóc Trăng và TPHCM đạt được kết quả cao do làm tốt công tác kiểm tra nội bộ. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra 3 địa phương còn yếu kém trong việc phát hiện hành vi tham nhũng: Cần Thơ, Hòa Bình và Bạc Liêu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng theo kết quả thống kê của PACA 2019, có tới 42 địa phương không phát hiện được hành vi tham nhũng trong việc tự kiểm tra nội bộ. TTCP cho biết, nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về xử lý hành vi tham nhũng, gồm: Ninh Thuận, TPHCM, TP Hà Nội, Kon Tum, Tiền Giang. 

Nhìn chung, cơ quan thanh tra đánh giá, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng, nhưng vẫn còn rất chậm, các địa phương thực hiện vẫn ở mức trung bình thấp. Đặc biệt, việc tổ chức tiếp dân vẫn là hạn chế của nhiều Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cho phép nhân viên siêu thị ra đường sau 18 giờ

Zingnews cho hay, ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong có chỉ đạo khẩn về việc điều chỉnh thời gian lưu thông của nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong thời gian thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo đó, chấp thuận chủ trương cho một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

TP.HCM thắt chặt kiểm soát người ra đường sau 18h từ ngày 24/7. Ảnh: Thuận Thắng.
TP.HCM thắt chặt kiểm soát người ra đường sau 18h từ ngày 24/7. Ảnh: Thuận Thắng.

UBND TP giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan xác nhận danh sách nhân viên được phân công nhiệm vụ; tích hợp danh sách này vào hệ thống trên cổng thông tin của Sở Công Thương nhằm quản lý, truy xuất và đối chiếu khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Căn cứ danh sách do Sở Công Thương xác nhận, người đứng đầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi cấp thẻ công tác hoặc giấy xác nhận công tác cho những nhân viên này.

Công an TP cùng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các trạm, chốt đảm bảo lưu thông cho nhân viên thuộc hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo danh sách do Sở Công Thương xác nhận.

Thêm 3 chợ truyền thống được mở cửa bán thực phẩm

Tin trên báo Người Lao Động, báo cáo nhanh của các quận, huyện, TP Thủ Đức về tình hình tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa (chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu) cho thấy, tính đến 12 giờ ngày 9/8, trên địa bàn TPHCM có thêm 3 chợ truyền thống khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống cho người dân.

Chợ Bình Thới (quận 11) vừa khôi phục lại hoạt động từ ngày 1/8
Chợ Bình Thới (quận 11) vừa khôi phục lại hoạt động từ ngày 1/8

Cụ thể, chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh; chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) tổ chức cho 16 tiểu thương hoạt động; chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) tổ chức cho 4 tiểu thương hoạt động.

Việc mở cửa trở lại 3 ngôi chợ này đã nâng số chợ đang hoạt động trên địa bàn TP lên con số 37/234 chợ truyền thống.

Cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 cách ly tại nhà mới nhất

Ngày 9/8, Sở Y tế TPHCM có văn bản cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 cách ly tại nhà. Nội dung đăng tải trên báo Thanh Niên.

Theo đó, F0 cách ly tại nhà phải mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.

Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn tay, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo.

Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử".

F0 cách ly tại nhà cần biết cách chăm sóc sức khỏe, nâng cao dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng/ ẢNH: DUY TÍNH
F0 cách ly tại nhà cần biết cách chăm sóc sức khỏe, nâng cao dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng/ ẢNH: DUY TÍNH

Các đơn vị hướng dẫn các thuốc thiết yếu cần có cho F0 cách ly tại nhà, gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền).

Ngoài ra có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định. Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống đối người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở hoặc nhịp thở hơn 20 lần/phút, hoặc Sp02 dưới 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Khi F0 cách ly tại nhà có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài “1022” (bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành") hoặc gọi số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.

Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 dưới 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà), người thân liên hệ ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

TPHCM nhận 600.000 liều vắc xin AstraZeneca, tổ chức tiêm ngay từ ngày 9/8

Trao đổi với báo Người Lao Động, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, sáng ngày 9/8, TPHCM nhận 600.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Viện Pasteur TP. Ngay khi nhận được số vắc xin này, TP đã phân bổ cho các quận, huyện và TP Thủ Đức trong ngày để công tác tiêm chủng trên địa bàn không bị gián đoạn.

TPHCM bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin đợt 6 cho người dân từ ngày 3/8. Đây là đợt tiêm đặc biệt dành cho tất cả người dân từ 18 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8 với sự hỗ trợ của Chính phủ. Đợt tiêm này, TP tiếp tục sử dụng 3 loại vắc xin AstraZeneca, Moderna và Pfizer để tiêm cho người dân. Trong tháng 8/2021, nếu đảm bảo nguồn vắc-xin, TP sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng 70%-80% dân số.

Tiêm vắc-xin cho người lao động tại khu chế xuất-khu công nghiệp ở TP HCM (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Tiêm vắc-xin cho người lao động tại khu chế xuất-khu công nghiệp ở TP HCM (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Huy động nhân viên y tế cư trú tại khu phong tỏa tham gia chống dịch

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân vừa ký văn bản gửi các đơn vị về triển khai bố trí nguồn nhân lực của ngành y tế hiện cư trú tại các khu phong tỏa trên địa bàn TP tiếp tục tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Sở Y tế, các bệnh viện khẩn trương thông báo huy động và bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc hiện cư trú tại các khu phong tỏa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo quy định tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công.

UBND TP Thủ Đức, quận, huyện khẩn trương thông báo huy động và bố trí các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Phòng Y tế, các Trạm Y tế phường, xã, thị trấn và người lao động thuộc hệ thống y tế tư nhân (nếu có nguyện vọng tham gia) hiện cư trú tại các khu phong tỏa có kết quả xét nghiêm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được phân công; hỗ trợ công tác xét nghiệm, điều trị và tiêm vắc-xin; các nhiệm vụ liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cán bộ y tế tiêm vaccine cho người dân trong khu phong toả ở TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cán bộ y tế tiêm vaccine cho người dân trong khu phong toả ở TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với trường hợp chưa thể rời khu phong tỏa, các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành y tế trực tiếp tham gia hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong khu phong tỏa.

Sở Y tế, các bệnh viện, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện chủ động bố trí nơi lưu trú tạm thời phù hợp, ngoài khu phong tỏa đối với lực lượng nêu trên cho đến khi hết thời hạn phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền.

Kiến nghị liên thông các loại thẻ thanh toán tự động

Theo báo Giao Thông, UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT và Bộ KH&CN về những nội dung liên quan đến khung tiêu chuẩn hệ thống thu soát vé tự động trong hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.

UBND TP cho hay, trong thời gian tới, các hệ thống thu phí tự động (AFC) của nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác nhau sẽ hoạt động như: đường sắt đô thị, xe buýt nhanh...

Nguồn vốn thực hiện các dự án trên được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó phát sinh vấn đề là mỗi dự án sẽ phát hành 1 loại thẻ thu phí.

Vì chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho hệ thống thu soát vé tự động; công nghệ thu soát vé của mỗi dự án là khác nhau, dẫn đến khó liên thông thanh toán tự động giữa các hệ thống thu soát vé.

TP.HCM thí điểm dùng thẻ thanh toán điện tử trên tuyến xe buýt số 86.
TP.HCM thí điểm dùng thẻ thanh toán điện tử trên tuyến xe buýt số 86.

Do vậy, để đảm bảo tính liên thông thanh toán, UBND TP thấy cần thiết phải định hướng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các hệ thống thu soát vé tự động (gọi tắt là khung tiêu chuẩn).

UBND TP đề nghị Bộ GTVT có ý kiến về thẩm quyền quyết định khung tiêu chuẩn cho hệ thống AFC hoạt động vận tải hành khách công cộng TP và nội dung dự thảo khung tiêu chuẩn.

Đồng thời, đề nghị Bộ KH-CN hướng dẫn, có ý kiến về tính khả thi phát triển theo dự thảo khung tiêu chuẩn (phần yêu cầu kỹ thuật) thành quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho hệ thống AFC và nội dung dự thảo khung tiêu chuẩn.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục