Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 11/1/2022

09:38 11/01/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 11/1/2022 :

Tháng 3/2022, trình Quốc hội dự án đường vành đai 3 TPHCM

Báo Pháp Luật TP đưa tin, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đường vành đai 3 và 4 có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển cho TPHCM và kết nối trực tiếp năm địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên tiến độ triển khai dự án vẫn còn chậm.

Để sớm đầu tư khép kín các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu TPHCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tích cực, chủ động hơn trong công tác triển khai thủ tục đầu tư.

Lãnh đạo Chính phủ giao TPHCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với đường vành đai 3.
Lãnh đạo Chính phủ giao TPHCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với đường vành đai 3.

Đối với đường vành đai 3, lãnh đạo Chính phủ giao TPHCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát kỹ chi phí đầu tư xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp nhất về tổng thể và đối với từng đoạn tuyến; phấn đầu hoàn thành, trình Quốc hội vào tháng 3/2022.

Đối với đường vành đai 4, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành có dự án đi qua chủ động tổ chức thực hiện đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính

Báo Pháp Luật TP cũng thông tin, UBND TP vừa ban hành kế hoạch triển khai đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2021. Mục đích của kế hoạch nhằm xác định chỉ số cải cách hành chính của TP năm 2021 dựa trên các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần đã được phê duyệt theo quyết định của bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Màn hình để người dân đánh giá sự hài lòng đối với việc phục vụ của công chức tại Sở Xây dựng TPHCM - Ảnh: Tự Trung
Màn hình để người dân đánh giá sự hài lòng đối với việc phục vụ của công chức tại Sở Xây dựng TPHCM - Ảnh: Tự Trung

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực phụ trách, các Sở, ngành cần tham mưu cho UBND TP các nội dung tự đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính của TP năm 2021 và chịu trách nhiệm trước UBND TP về phần đánh giá theo lĩnh vực phụ trách.

UBND TP yêu cầu Sở Nội vụ TP tổng hợp kết quả chấm điểm, tự đánh giá từ các Sở, ngành, trình UBND TP báo cáo Bộ Nội vụ tự đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của TP năm 2021 trước ngày 12/2. 

TPHCM đã phân loại 350 biệt thự cũ

Báo SGGP cho hay, UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP. Đây là đợt phân loại thứ 7, với 44 biệt thự cũ. Trong đó, nhóm 1 có 1 biệt thự cũ tại số 12B Bà Huyện Thanh Quan, quận 3; nhóm 2 có 8 biệt thự cũ; nhóm 3 có 33 biệt thự cũ nằm chủ yếu ở quận 1 và quận 3.

Tính đến nay, TPHCM đã phân loại được khoảng 350 biệt thự cũ, chủ yếu ở quận 1, 3 và rải rác ở TP Thủ Đức, quận 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh. UBND TPHCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở.

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phân loại biệt thự cũ trên địa bàn
UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phân loại biệt thự cũ trên địa bàn

Theo đó, các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ. Chủ sở hữu không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng.

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại, chủ sở hữu phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ. Đồng thời, không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

TPHCM cần 45.000 lao động sau Tết Nguyên đán

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, sau Tết, TPHCM cần khoảng 45.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, da giày, điện tử cơ khí, điện lạnh… Để chủ động về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán, Sở đang chỉ đạo các trung tâm việc làm, cơ quan chuyên ngành nắm lại danh sách người lao động ở các doanh nghiệp về quê ăn Tết; tiếp tục triển khai tiếp sức người lao động trở lại TP. Thông tin trên VOV.

TPHCM cần 45.000 lao động sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà An.
TPHCM cần 45.000 lao động sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà An.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cho hay, ngay sau Tết âm lịch, Trung tâm dịch vụ việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại TP và lực lượng lao động tại chỗ giới thiệu với các doanh nghiệp để có nguồn lao động ổn định.

TPHCM giảm khoảng 7 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2021

Thông tin với báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, cho biết năm 2021, TPHCM có 8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), độ bao phủ đạt 91% dân số (năm 2020 là 7,8 - 7,9 triệu người).

Cũng trong năm qua, có hơn 12 triệu lượt người khám chữa bệnh, trong đó ngoại trú hơn 11 triệu lượt và nội trú hơn 1 triệu lượt. Dự toán khám chữa bệnh BHYT của TP trên 20.000 tỉ đồng, nhưng tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ 16.700 tỉ đồng (quỹ BHYT chi trả 14.000 tỉ đồng, số còn lại là bệnh nhân đồng chi trả). 

Sau thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19 tại TPHCM, người dân đã đi khám chữa bệnh đông trở lại. Ảnh: Duy Tính
Sau thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19 tại TPHCM, người dân đã đi khám chữa bệnh đông trở lại. Ảnh: Duy Tính

Trong khi đó, năm 2020 TP có hơn 19 triệu lượt khám chữa bệnh; tổng chi khám chữa bệnh trên 23.000 tỉ đồng, riêng quỹ BHYT chi trả 19.200 tỉ đồng.

Theo bà Thu Hằng, hằng năm bệnh nhân ở các tỉnh lên TPHCM khám chữa bệnh chiếm đến 49%, nhưng năm 2021 do tình hình dịch bệnh nên số lượng này giảm đáng kể. Do đó năm nay, số tiền chi dưới mức dự toán sẽ được quỹ BHYT điều chuyển về các tỉnh để chi. Mặt khác, dù bệnh nhân khám chữa bệnh năm 2021 ít hơn năm 2020, nhưng các ca nhập viện có nhiều ca bệnh nặng nên thời gian nằm viện dài, dẫn đến một số bệnh viện vượt tổng mức thanh toán.

TPHCM sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp

Báo Tuổi Trẻ cho biết, trong kế hoạch triển khai chương trình phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn thời gian tới của UBND TP, TPHCM sẽ rà soát, tổ chức, sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.

Theo UBND TP, quá trình này phải bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Trọng Nhân
Sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Trọng Nhân

TP sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước của TP dành cho giáo dục, đào tạo; chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật để đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.

TPHCM cũng đặt yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống dự báo nhu cầu lao động và cập nhật, xây dựng dữ liệu mở về khung năng lực cho các ngành nghề, về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo.

Đặc biệt, cần tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng các trường được lựa chọn xây dựng chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm, gắn với các lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới như công nghệ thông tin - truyền thông - trí tuệ nhân tạo; tự động hóa - robot; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; du lịch.

Ngoài ra, cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa "Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp" trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hàng quán tăng quy mô mở xuyên Tết

Ghi nhanh trên báo Tuổi Trẻ, đại diện chuỗi đồ uống The Coffee House cho biết, hiện tại chuỗi 148 cửa hàng trên cả nước phần lớn bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, riêng 80 cửa hàng tại TPHCM tăng hết công suất hoạt động để phục vụ nhu cầu cuối năm và dự kiến mở cửa bình thường trong dịp Tết.

Ảnh minh họa: Báo Tuổi Trẻ.
Ảnh minh họa: Báo Tuổi Trẻ.

Tương tự, đại diện Trung Nguyên Legend cũng cho hay, số lượng cửa hàng nhượng quyền tăng mạnh so với trước và chuỗi này sẽ mở cửa xuyên Tết.

Trong khi đó, nhiều nhà hàng ẩm thực như chuỗi hà hàng lẩu gà 109, chuỗi nhà hàng bò tơ Năm sánh Quyết Thắng… cũng đang có phương án, kế hoạch mở rộng quy mô cuối năm và hoạt động cả trong Tết ở nhiều điểm bán để “bù lại” giữa năm.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục