Chủ tịch nước nói về 4 giải pháp để TPHCM phát triển
Báo Pháp Luật TP đưa tin, chiều 10/5, trao đổi với cử tri thuộc Sư đoàn 317 (Quân khu 7) đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn về việc nhiều nguồn lực phát triển của TPHCM chưa được khai thác đúng tiềm năng và giải pháp khắc phục, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn phát huy được tiềm năng và lợi thế, khơi thông nguồn lực thì TPHCM cần làm ngay bốn giải pháp.
Thứ nhất, cần có khát vọng phát triển. Mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân từ quân nhân, thanh niên, sinh viên, công nhân… đến các cán bộ đều phải có ước mơ xây dựng, đóng góp cho sự phát triển của TP và đất nước. “Khát vọng này cần làm tốt hơn nữa, chứ không phải anh làm lấy lệ” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thứ hai, phải có nguồn nhân lực tốt và vận dụng tốt nguồn nhân lực, trước hết là từ trong nhân dân, phát huy vai trò của tài năng trẻ, không bỏ sót vị trí nào.
Thứ ba, phải vận dụng công nghệ cao trong phát triển trên nền tảng kinh tế số, xã hội số và phát huy hiệu quả chính quyền điện tử. “Giờ mà nói con trâu đi trước, cái cày theo sau thì không bao giờ thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp. Phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ tư, có thể chế, chính sách tốt để người có khả năng đều có thể cống hiến cho đất nước, giải phóng được nguồn lực phát triển. Cùng với đó, cần bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo Chủ tịch nước, “Muốn thế phải khuyến khích người tài, người giỏi, người có năng lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.
Thủ tục nhà đất rút gọn từ 10 bước còn 2 bước
Từ ngày 10/5, Quyết định 08/2021 của UBND TP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định giải quyết thủ tục liên quan hồ sơ đất đai chính thức có hiệu lực. Từ đó, thủ tục làm giấy tờ liên quan đến nhà đất ở TP từ 10 bước còn 2 bước, giúp quá trình xử lý hồ sơ nhà đất diễn ra trơn tru và nhanh chóng, người dân không còn phải lui tới cơ quan chức năng nhiều lần như trước.
Cũng theo quy định mới, 22 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện được phép ký, cấp sổ đỏ và sổ hồng thay vì chuyển về Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Việc này sẽ giúp giải quyết một lượng lớn hồ sơ tồn đọng. Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, lượng hồ sơ trễ hẹn có thể giảm tới 70%.
Bên cạnh đó, quy trình ký và cấp giấy tờ cho người dân cũng được rút gọn thêm nhiều bước. Cụ thể, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện được phép trực tiếp ký, đóng dấu 11 thủ tục được sửa đổi, bổ sung liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Trao đổi với PV báo Người Lao Động, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, cho rằng quy định ủy quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện là giải pháp vừa chia việc cho đơn vị cấp dưới vừa giúp hồ sơ giải quyết một cách nhanh chóng.
Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện hạn chế chuyển tuyến
Thông tin khác trên báo Người Lao Động, Sở Y tế TP vừa có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển lên bệnh viện tuyến cuối khi diễn biến nặng vượt quá năng lực điều trị của bệnh viện, phải thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh trước khi thực hiện việc chuyển tuyến.
Khuyến cáo người dân nên đến tuyến ban đầu để khám bệnh, triển khai đăng ký trực tuyến, hẹn giờ khám…
Ngoài ra, với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, khuyến khích các bệnh viện kê đơn dài ngày từ 1 đến 3 tháng, bảo đảm cung ứng đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh đến khi có lịch tái khám tiếp theo.
Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện giãn cách. Hạn chế tối đa người thân đến bệnh viện, hạn chế nhập viện nội trú khi không cần thiết, đồng thời rà soát bố trí khoa phòng không để người bệnh phải nằm ghép, bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường, bảo đảm không khí tự nhiên trong buồng bệnh.
Hiện tại, tất cả các bệnh viện tại TPHCM đều yêu cầu người dân phải khai báo y tế điện tử trước khi vào khám bệnh. Sở Y tế khuyến cáo cần hạn chế việc nhân viên y tế khai báo giùm người nhà. Trong trường hợp, không có điện thoại di động bệnh viện cần trang bị các thiết bị, phương tiện giúp người bệnh tự khai báo.
Nhà hàng The King ở quận 1 bị phạt 65 triệu đồng
Trao đổi với PV báo Người Lao Động chiều 10/5, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Mai Thị Hồng Hoa cho biết quận đã có quyết định xử phạt hành chính nhà hàng The King (102 đường Lê Lai, phường Bến Thành) vì để khách hát karaoke trá hình và vi phạm quy định phòng chống, dịch Covid-19 với tổng số tiền phạt là 65 triệu đồng.
UBND quận cũng chỉ đạo UBND phường Bến Thành chịu trách nhiệm đảm bảo việc ngừng kinh doanh của nhà hàng The King và đề nghị các đơn vị rà soát lại hàng loạt giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng này (giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, sổ quản lý lao động, giấy tác quyền âm nhạc, thang bảng lương…).
Từ sự việc nhà hàng The King, UBND quận 1 yêu cầu UBND 10 phường trên địa bàn quận, cảnh sát khu vực thường xuyên kiểm tra các cơ sở tạm ngừng kinh doanh theo quy định và các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu biến tướng.
Với khách Trung Quốc chưa hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú đến nhà hàng The King, UBND phường Bến Thành đã gửi công văn đề nghị UBND xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành, Long An), nơi người khách này làm việc, để xử phạt về hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết, UBND quận 1 cũng đã báo cáo để đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TP nghiên cứu thu hồi giấy phép hoạt động của nhà hàng The King.
Học sinh cuối cấp ở TPHCM đến trường trong điều kiện phòng chống dịch
Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo cho học sinh cuối cấp ôn thi một cách tốt nhất, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn TP tiếp tục cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đến trường với các biện pháp phòng chống dịch. Nội dung trên VoV.vn.
Ngay khi UBND TP yêu cầu các trường thực hiện kế hoạch học tập phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid-19, Trường THPT Nguyễn Tất Thành ở quận 6 đã cho các khối lớp 10, 11 dừng đến trường. Riêng khối 12 vẫn tiếp tục học tập trung đến hết ngày 22/5 để đảm bảo đầy đủ kiến thức.
Thầy Trần Quang Vũ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vì chỉ còn học sinh khối 12 đi học nên nhà trường dễ dàng hơn trong thực hiện giãn cách các lớp học và giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện 5K chặt chẽ hơn. Học sinh phải khai báo y tế trên tờ khai y tế và báo về giáo viên chủ nhiệm để cập nhật những em có đi đến những nơi có khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.
Còn tại trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), hơn 600 học sinh khối 12 vẫn được trường tổ chức ôn tập tại trường để đảm bảo kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Theo thầy Nguyễn Đức Chính - Hiệu trưởng nhà trường, việc tổ chức ôn tập lần này dựa trên tổ hợp mà học sinh đã chọn thi tốt nghiệp gồm 1/3 số lượng đăng ký tổ hợp môn Khoa học Xã hội và 2/3 còn lại là tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên. Ngoài việc yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhà trường cũng điều chỉnh lịch học, sĩ số học sinh từng phòng học cho phù hợp tình hình thực tế.
Nhiều trường tiểu học dạy trực tuyến để hoàn thành chương trình
Cũng trên lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, theo ghi nhận của PV báo Tuổi Trẻ, sáng 10/5, nhiều trường tiểu học ở TP tổ chức học trực tuyến, giảng dạy trên Internet nhằm đảm bảo đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng để hoàn tất chương trình năm học 2020-2021.
Thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, cho biết học sinh sẽ học trực tuyến trong một tuần để hoàn thành theo khung chương trình năm học. Trước đó, trường đã hoàn tất các bài kiểm tra học kỳ 2, các thầy cô hiện đang chấm bài, làm điểm. Riêng học sinh xét lên lớp 6 không bị ảnh hưởng, vướng mắc nào trong quá trình xét kết quả chuyển cấp.
Trong khi đó, gần 2.000 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 7, tiếp tục được nghỉ hai ngày (ngày 10 và 11/5) trước khi bước vào một tuần bổ sung kiến thức để hoàn thành chương trình năm học. Việc dạy trực tuyến sẽ được tiến hành sau hai ngày nghỉ.
Tại Thành phố, nhiều trường cũng đang dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học, như Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1); Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp), Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận)...
Tháo ùn tắc cho nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
Báo Thanh Niên cho hay, Sở GTVT TP vừa đưa ra một số giải pháp để kéo giảm áp lực xe lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh và tạo điều kiện cho việc triển khai thi công các giai đoạn tiếp theo của dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông này.
Theo đó, Sở GTVT điều chỉnh giao thông khu vực hai bên hông cầu Ông Lớn (đầu cầu hướng đường Nguyễn Hữu Thọ). Tại đây sẽ tổ chức lưu thông hai chiều các loại xe, cấm xe tải trên 2,5 tấn lưu thông, cấm dừng dỗ xe. Thời gian thực hiện từ ngày 25/5.
Trên đường Nguyễn Văn Linh, bố trí điểm mở dải phân cách tim đường (vị trí giữa Trạm thu phí và đường Nguyễn Hữu Thọ) để các loại xe ô tô lưu thông từ hướng huyện Bình Chánh đến quận 7 quay đầu; hạn chế lưu thông vào giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Khu vực trước Trường đại học RMIT, kéo dài dải phân cách biên (theo hướng lưu thông từ quận 7 đi huyện Bình Chánh). Việc này để tránh ô tô từ phần đường hỗn hợp cắt ngang các làn đường chính quay đầu xe về hướng quận 7. Thực hiện trong tháng 5.
Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chủ động rà soát hệ thống báo hiệu giao thông tại khu vực để thực hiện việc lắp đặt, bổ sung hoặc thu hồi các biển báo, vạch kẻ đường… không còn phù hợp với phương án điều chỉnh nêu trên; bổ sung biển báo chỉ hướng từ xa trên đường Nguyễn Hữu Thọ (khu vực cầu Kênh Tẻ) để chỉ dẫn hướng lưu thông vào đường D1 nhằm hạn chế lượng xe lưu thông tập trung giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)