Lượng máu dự trữ tại TPHCM đã ổn định
Sau 7 ngày vận động người dân hiến máu nhân đạo, đến nay, lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu TP đã ổn định.
Trao đổi với báo Người Lao Động, đại diện Ngân hàng máu TP cho biết, trước khi UBND TP có công văn vận động người dân hiến máu vào ngày 3/6, số lượng máu dự trữ tại đây ở ngưỡng thấp báo động. Những ngày qua, người dân TP đã nhiệt tình tham gia hiến máu, do đó tình hình tiếp nhận máu đã trở lại bình thường.
Mỗi ngày Ngân hàng máu tiếp nhận 1.000 - 1.200 túi máu. Đến nay, lượng máu trong kho đạt hơn 7.500 túi, đảm bảo đáp ứng nhu cầu truyền máu và các chế phẩm máu của 150 bệnh viện trên địa bàn TP.
Để duy trì nguồn máu dự trữ ổn định, không thiếu cục bộ và đảm bảo an toàn cho người dân trong dịch Covid-19, Ngân hàng máu khuyến khích người dân đăng ký lịch trên website trước khi đến hiến máu. Việc này nhằm tuân thủ quy định như chia nhỏ số lượng người hiến theo khung giờ để đảm bảo mỗi thời điểm tối đa từ 20 người và quy định 5K.
Gỡ phong tỏa hẻm có trụ sở của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp
Thông tin từ VOV.vn, ngày 10/6, hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp - nơi có trụ sở của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được gỡ phong tỏa sau 14 ngày cách ly.
Ngay khi nhận được thông báo gỡ phong tỏa, 32 hộ dân của con hẻm đều rất vui mừng, đặc biệt là các em nhỏ. Những hộ dân này đã vượt qua 14 ngày tuân thủ cách ly nghiêm ngặt để cùng TPHCM chống dịch và tất cả đều khỏe mạnh.
Đại diện UBND phường 3 đã đến đọc quyết định và trao hoa chúc mừng cho các cư dân của con hẻm này. Người dân cũng cảm ơn chính quyền và đoàn thể địa phương đã đồng hành, chăm lo đời sống chu đáo cho bà con trong suốt 2 tuần cách ly.
Trước đó, hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp đã bị phong tỏa từ đêm 26/5. Vì là nơi có trụ sở sinh hoạt của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng nên đây là con hẻm đầu tiên của quận Gò Vấp bị phong tỏa trong quá trình truy vết chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo này.
Bệnh viện lập khu chạy thận cho người đang cách ly
Thông tin khác trên VOV.vn, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 cũ, TP Thủ Đức), vừa đưa vào hoạt động khu chạy thận dành cho bệnh nhân đang cách ly tại nhà hay nơi phong tỏa. Mô hình này góp phần giải quyết tạm thời bài toán số lượng bệnh nhân lọc máu định kỳ trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia tăng các khu vực cách ly, phong tỏa ở TP.
Tại khu chạy thận dành cho bệnh nhân đang cách ly, tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ.
Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ. Mỗi giường bệnh bảo đảm khoảng cách 2m. Mỗi ca chạy thận kéo khoảng từ 3-4 giờ.
Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh và hệ thống chạy thận. Sau khi khử khuẩn, 2 giờ tiếp theo mới tiếp nhận ca chạy thận mới, tất cả nhằm bảo vệ tối đa cho bệnh nhân, bảo đảm việc phòng chống dịch Covid-19.
Yêu cầu xử lý tình trạng bến xe lậu tại 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh
Báo Giao thông cho hay, ngày 10/6, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo về xử lý vi phạm và trách nhiệm liên quan đến tình trạng “xe dù, bến cóc” tại bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh).
Theo đó, giao Sở Giao thông Vận tải TP xem xét nội dung báo cáo của UBND quận Bình Thạnh và Công an TP, căn cứ chỉ đạo của UBND TP và các quy định có liên quan để chủ động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền thì đề xuất UBND TP giải quyết.
Về vấn đề tồn tại 2 bãi xe lậu trong nhiều năm, Công an TP có trách nhiệm đề xuất UBND TP xem xét chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Tư pháp tham mưu UBND TP làm rõ pháp lý quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh, hành vi vi phạm bên trong 2 bãi xe.
Về phạm vi nằm ngoài khu vực 2 bãi xe này, trên các tuyến đường, địa bàn giao thông công cộng, Công an TP, Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Theo báo cáo của Công an TP, tại bãi xe 391 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, hàng ngày có khoảng 30-40 xe khách ra vào gồm các xe đi Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Đắk Nông. Bãi xe 397 hàng ngày có khoảng 20-30 xe khách đi các tuyến Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Quảng Ngãi.
Sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác
Để phù hợp với tình hình thực tế, UBND TP đã ban hành Quyết định 09/2021/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Trong đó, sửa đổi bổ sung về giá dịch vụ công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý CTRSH. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Cụ thể, giá dịch vụ thu là giá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành để thu từ cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhằm tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ và bù đắp một phần cho ngân sách đã chi trả chi phí cho dịch vụ vận chuyển xử lý CTRSH.
Giá dịch vụ thu sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ phù hợp với đặc điểm của TP.HCM để tiến đến giá thu được tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường.
UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn một trong 3 hình thức thu giá dịch vụ sau:
Thứ nhất, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ do đơn vị mình thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Thứ hai, UBND phường, xã, thị trấn tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ trên địa bàn quản lý cho các đơn vị cung ứng theo quy định.
Thứ ba, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn có pháp nhân tổ chức thu và chi trả giá thu gom tại nguồn và giá vận chuyển trên địa bàn do đơn vị mình thực hiện theo quy định. Đơn vị thu gom tại nguồn không có pháp nhân thì giao cho đơn vị đang cung ứng dịch vụ vận chuyển trên địa bàn cấp quận, huyện tổ chức thu và chi trả giá thu gom tại nguồn và giá vận chuyển theo quy định.
Đối với các hình thức khác, UBND cấp quận - huyện sẽ đề xuất và chủ động triển khai thực hiện để đảm bảo các quy định hiện hành và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.
Về giá dịch vụ chi, mức giá này do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở để đấu thầu, ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý CTRSH.
TPHCM cần 137.638 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông năm 2021
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, UBND TP vừa ra quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đề án, trong năm 2021, kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phấn đấu đạt tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 12,76%. Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,26km/km2. Tổng mức đầu tư dự kiến 137.638 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 63.750 tỉ đồng, vốn khác (ODA, PPP, nguồn từ Trung ương...) khoảng 73.888 tỉ đồng.
Các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2021 như: Công trình xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy)...
Một số công trình nổi bật khác như sửa chữa và nâng cấp đường tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội, cầu Long Kiểng, xây dựng mới cầu Hang Ngoài, quận Gò Vấp, cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ...
Các dự án trọng điểm, cấp bách được lập và trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021 gồm: đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; vành đai 2: đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội); đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng), đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh).
Ngoài ra, còn có các tuyến quốc lộ là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa), dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); Nút giao thông, cầu gồm nút giao An Phú, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái, cầu đường Bình Tiên, cầu Rạch Dơi, cầu Bình Quới...
Đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa, Q.Tân Bình đến đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh), đường trên cao số 5 (đoạn nút giao trạm 2 - An Sương) cũng cần khẩn trương lập để trình thông qua chủ trương.
Triệt phá vụ vận chuyển ma túy ngụy trang bên trong giỏ đựng xoài
Theo báo Thanh Niên, ngày 10/6, Công an TP phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP vừa triệt phá vụ vận chuyển khoảng 20 kg ma túy từ Đồng Tháp lên TPHCM.
Theo điều tra, khoảng 7 giờ ngày 10/6, lực lượng chức năng phát hiện tài xế Nguyễn Ngọc L. (34 tuổi, quê Đồng Tháp) chở theo một người đàn ông trên xe ô tô màu trắng BS 66A - 122.19 chạy trên đường Võ Văn Kiệt và An Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) có biểu hiện nghi vấn. Cơ quan công an đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra phương tiện và đưa về trụ sở Công an P.An Lạc làm việc.
Qua kiểm tra xe ô tô, công an phát hiện trong cốp xe có chứa một giỏ xách trong đó có 20 túi có bao bì là túi trà nhưng bên trong chứa ma túy với trọng lượng khoảng 20 kg. Tại đây, Võ Văn H. (39 tuổi, quê quán Campuchia, người ngồi trên xe) khai nhận số hàng trên của mình. Để qua mặt lực lượng chức năng, H. bỏ những bịch đựng trà chứa ma túy nằm phía dưới, đồng thời bỏ xoài lên trên.
Bước đầu, H. cùng L. khai nhận vận chuyển số ma túy này từ Đồng Tháp lên TPHCM. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Vân Anh - Huyền Mai (Tổng hợp)