Xử phạt 841 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng
Theo Vietnamplus, sau 5 ngày áp dụng quy định xử phạt đối với các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, đến ngày 10/8, tại TP. Hồ Chí Minh, 841 người đã bị xử phạt vi phạm hành chính do không chấp hành quy định này.
Trong đó, huyện Củ Chi là địa phương có số trường hợp bị xử phạt nhiều nhất với 123 trường hợp. 03 địa phương là Quận 9, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ chưa xử phạt trường hợp nào.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đề nghị các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt người dân không chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, nhằm tăng cường ý thức phòng dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 người có hội chứng cúm
Ngày 10/8, Sở Y tế TP ban hành “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện (BV) để BV không trở thành nơi lây nhiễm Covid-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại”. Báo Thanh Niên đưa tin.
Theo đó, Sở Y tế lưu ý các BV tăng cường tầm soát và chỉ định xét nghiệm tim SARS-CoV-2 đối với người đến khám hoặc đang điều trị có biểu hiện của hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính diễn tiến nhanh, viêm phổi do vi rút.
Sắp có 3 chuyến bay đưa hơn 700 du khách mắc kẹt rời Đà Nẵng
Hãng hàng không Vietnam Airlines dự kiến sẽ thực hiện ba chuyến bay trong các ngày 12 và 13/8, chở hơn 700 khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng trở về Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Các chuyến bay này được các cơ quan chức năng phối hợp cùng Vietnam Airlines thực hiện.
Đây là những chuyến bay nội địa đầu tiên của Vietnam Airlines chở khách mắc kẹt tại địa phương trong nước vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Báo Pháp Luật TP đưa tin.
Khách trên các chuyến bay này chủ yếu là người đi du lịch bị kẹt tại Đà Nẵng do thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có nhiều trẻ em. Các hành khách, phi hành đoàn sau khi trở về phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, dự kiến tổng cộng hai chuyến bay ngày 12/8 chở hơn 400 người trở về Hà Nội và một chuyến ngày 13/8 chở hơn 300 người trở về TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, chuyến bay về TP. Hồ Chí Minh được hãng sử dụng máy bay thân rộng Airbus A350 để vận chuyển.
Công trình dân sinh thi đua về đích sớm
Các đơn vị, địa phương của TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các nội dung thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng các cấp, đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nổi bật là việc nhiều công trình dân sinh, chăm lo đời sống người dân đã hoàn thành vượt kế hoạch. Nội dung được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Trong chặng 2 (từ ngày 1/5 đến 30/7) của đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng các cấp, các quận huyện, sở ngành, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả nhiều nội dung. Đặc biệt, nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” tiếp tục đạt kết quả ấn tượng.
Đơn cử, đến nay toàn bộ 12/12 xã, thị trấn ở huyện Hóc Môn đã đạt tiêu chí “xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”. Từ kết quả này, Huyện ủy Hóc Môn tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp xây dựng ít nhất 1 xã (xã Nhị Bình) đạt mô hình “xã sạch và xanh, thân thiện” được công nhận trước ngày 23/9 (thời điểm kết thúc đợt 200 ngày thi đua).
Cùng nội dung này, tại quận 2 đã có 7/11 phường đạt tiêu chí “sạch, không xả rác ra đường kênh rạch”. Ban Thường vụ Quận ủy yêu cầu khi kết thúc đợt thi đua 200 ngày, các phường còn lại phải đạt tiêu chí, đồng thời phấn đấu có 2 phường đạt “phường sạch và xanh, thân thiện” theo tiêu chí của UBND thành phố. Từ đầu năm đến nay, quận xóa hơn 25 điểm tồn đọng rác, nhiều nơi mảng xanh đã hình thành, thay cho những đống rác ô nhiễm trước đó. Ngoài ra, quận cũng thực hiện các mô hình: “cột điện nở hoa”, “mảng tường tuyên truyền”, “thu gom vỏ hộp sữa giấy”, “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần” đạt hiệu quả tích cực.
Tại quận Bình Tân, các nội dung thi đua được Quận ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là việc đưa vào sử dụng Trường THCS Bình Hưng Hòa và Trường Tiểu học Bùi Hữu Nghĩa phục vụ năm học mới 2020-2021 trước thời hạn. Sau hai chặng, nhiều trong số 132 công trình thi đua cấp quận cũng về đích trước hạn. Nhiều công trình mang ý nghĩa dân sinh, được người dân đồng tình ủng hộ.
Tại quận Thủ Đức, đến hết chặng 2, quận có 5 nội dung đăng ký thi đua cấp TP đã hoàn thành. Trong đó có công trình xây dựng Trường Mầm non Thỏ Ngọc (phường Linh Xuân); công trình kè chống sạt lở ven sông Sài Gòn (phường Hiệp Bình Phước) dài hơn 700m, có 115m là khu vực sạt lở nghiêm trọng, kinh phí hơn 191 tỷ đồng. Ngoài ra, đến hết chặng 2, có 147/337 công trình, phần việc, giải pháp thi đua cấp quận đã hoàn thành.
Vi phạm xây dựng giảm mạnh
Từ sau Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy TPHCM (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng), đến cuối tháng 7/2020, quận Bình Tân có 33 trường hợp vi phạm xây dựng, giảm 95,73% so với cùng kỳ năm 2019. Quận Thủ Đức cũng kéo giảm vi phạm xây dựng còn 0,31 vụ/ngày, giảm 73,7% so với cùng kỳ. Tương tự, quận 2 còn bình quân 0,166 vụ/ngày, giảm gần 80% so với trước. Đặc biệt, UBND huyện Hóc Môn triển khai bộ 5 quy trình theo dõi, quản lý, xử lý các công trình vi phạm xây dựng, xử lý trách nhiệm cán bộ; vi phạm xây dựng giảm hơn 81%, còn bình quân 0,08 vụ/ngày.
Đến cuối năm 2020, cần khoảng 105.000 chỗ làm việc
Vietnamplus đưa tin, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 172.561 lượt người và tạo ra 78.651 chỗ việc làm mới/135.000 chỗ việc làm theo kế hoạch năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động được giải quyết việc làm giảm 16.789 lượt người so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải quyết việc làm giảm 5,6%; số chỗ việc làm mới giảm 5.826 chỗ, tỷ lệ tạo việc làm mới giảm 6,72%.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP (Falmi), nhìn nhận thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh từ giữa tháng 2/2020 đến nay, với mức giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo khảo sát của Falmi, từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu nhân lực của Thành phố cần khoảng 105.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh-thương mại, dịch vụ-phục vụ, dệt may-giày da, chế biến lương thực-thực phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng, marketing, xây dựng, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng, kinh doanh bất động sản… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó Đại học chiếm 20%, Cao đẳng chiếm 21%, Trung cấp 30%, Sơ cấp 13,5%.
Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ… Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Truy tố 9 bị can trong đường dây sản xuất tân dược giả
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 10/8, Viện KSND TP cho biết đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 9 bị can trong đường dây sản xuất tân dược giả “khủng”.
Các bị can Nguyễn Đình Lạc Thư (SN 1975, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Đình Thái Dương (SN 1978, em ruột Thư), Nguyễn Đình Kính Thư (SN 1983, em ruột Thư), Lê Văn Khôi (Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đ.D.V.) cùng 5 đồng phạm bị truy tố về các tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”, “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”, “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”.
Trước đó, vào ngày 25/7/2018, các trinh sát của Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP bắt quả tang Nguyễn Đình Thái Dương đang giao nhận 20 thùng carton, trong đó có 4.000 hộp thực phẩm chức năng giả tại căn nhà nằm trong hẻm 64 đường Hòa Bình, phường 5, quận 11. Bên trong căn nhà này, công an bắt quả tang các đối tượng đang sản xuất thực phẩm chức năng giả.
Cùng lúc, một tổ trinh sát khác tiến hành kiểm tra khu xưởng sản xuất của Công ty TNHH Dược phẩm Đ.D.V. ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Tại đây, công an phát hiện Khôi cùng một số đối tượng khác đang sản xuất thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu.
Đồng thời, nhiều mũi trinh sát khác tiến hành đột kích vào nhiều địa điểm khác nhau ở các quận 8, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; thu giữ nhiều tang vật phục vụ cho việc sản xuất thuốc giả như: máy cán UV dùng để cán dấu bóng lên tem, nhãn của sản phẩm thuốc lợi gan, mật, khuôn kim loại để sản xuất vỏ chai nhựa, lượng lớn thực phẩm giả, nhiều tài liệu liên quan đến việc sản xuất tân dược...
Đại diện các nhãn hàng sản xuất viên giải rượu, sâm nhung bổ thận... xác định toàn bộ tân dược, thực phẩm chức năng thu giữ tại các cơ sở liên quan đến Nguyễn Đình Lạc Thư đều là giả, không phải hàng của công ty.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đình Lạc Thư khai nhận bắt đầu sản xuất, buôn bán tân dược giả và thực phẩm chức năng giả các loại vào tháng 2/2018. Thư đặt các đối tượng bên ngoài xã hội làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng, sâm nhung bổ thận; đồng thời thuê Nguyễn Đình Thái Dương quản lý, điều hành việc sản xuất, buôn bán hàng giả và thuê Nguyễn Đình Kính Thư giao hàng. Lê Văn Khôi sản xuất, buôn bán nhiều loại tân dược, thực phẩm chức năng giả vào tháng 10/2018.
Cơ quan điều tra xác định đường dây do Nguyễn Đình Lạc Thư cầm đầu đã sản xuất, buôn bán tân dược giả, thực phẩm chức năng giả có giá trị hơn 1,9 tỷ đồng.
Vực dậy xe buýt, bao giờ?
Báo Người Lao Động cho hay, UBND TP vừa phê duyệt bổ sung hơn 141 tỉ đồng để trợ giá xe buýt, nâng tổng tiền trợ giá năm 2019 lên 1.247 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được giải ngân trước ngày 15/8.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, sẽ dành gần 117 tỉ đồng trong khoản tiền trên để bù chênh lệch đơn giá, còn lại 24 tỉ đồng dùng tăng tiền lương.
Một số doanh nghiệp (DN) cho biết khoản trợ giá này sẽ giúp họ vượt qua khó khăn vì thời gian qua, nhiều DN và HTX xe buýt không đủ tiền trả lương nhân viên và mua nhiên liệu.
Hiện TP có 128 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó 91 tuyến có trợ giá. Từ năm 2018 đến nay, 11 tuyến xe buýt đã ngưng hoạt động.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết trong quý III và IV/2020, sẽ tiến hành đấu thầu 47 tuyến xe buýt có trợ giá (có 33 tuyến hiện hữu và 14 tuyến mới). Việc này vừa giúp nâng cao chất lượng xe buýt vừa minh bạch số tiền trợ giá. DN được thanh toán tiền hỗ trợ dựa trên những tiêu chí như xe mới, sạch sẽ, chạy đúng giờ, lộ trình...
Mới đây, đề xuất của Sở GTVT TP về tổ chức 6 tuyến buýt mini (thuộc đề án cung cấp dịch vụ vận chuyển xe buýt có sức chứa nhỏ tích hợp ứng dụng công nghệ do DN khai thác) đã bị Bộ GTVT bác bỏ. Bộ GTVT khẳng định đề xuất này không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong khi đề xuất này gắn với tình hình thực tế TP. Hồ Chí Minh cũng như mô hình xe buýt ở nhiều TP lớn trên thế giới, tiện lợi cho việc trung chuyển khách từ các tuyến đường hẻm ra trục đường chính...
Rõ ràng, tìm được sự đồng thuận để vực dậy hoạt động xe buýt TP là không phải dễ. Xe buýt TP cần một lối ra thông thoáng hơn, thoát khỏi vòng luẩn quẩn lâu nay. Điều đó đòi hỏi một hệ thống giải pháp mạnh mẽ và khả thi, chú trọng đến việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia. Dù với giải pháp nào, cũng phải được thiết kế với tầm nhìn xa, huy động nguồn lực mạnh và quản lý minh bạch. Phải làm sao để xe buýt là phương tiện gần gũi, thuận tiện, được người dân lựa chọn hàng đầu.
Nguyên nhân xuất hiện hố tử thần 'khủng' giữa giao lộ ở Gò Vấp
Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Sở Xây dựng TP vừa có báo cáo gửi UBND TP về sự cố hố sụp tại giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp vào tối ngày 6/8 khi có mưa lớn.
Cụ thể, theo Sở Xây dựng TP, vào lúc 22 giờ thứ năm, ngày 6/8 tại giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò vấp) xuất hiện một hố sụp có kích thước rộng khoảng 5m, dài 6m và sâu 5m.
Nguyên nhân gây sự cố hố sụp là do hệ thống thoát nước đường Phan Văn Trị tại vị trí giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh có kích thước D 1500 mm đã cũ kỹ. Tuyến cống này thoát vào hệ thống thoát nước đường Phạm Huy Thông.
"Tuyến cống D1500 mm này là cống tôn được đầu tư xây dựng trước năm 1975. Thời điểm xảy ra sự cố hố sụp, trên địa bàn quận Gò Vấp xảy ra mưa lớn (vũ lượng mưa đo được tại trạm Dưong Quảng Hàm: 189,7mm). Bên cạnh đó tuyến cống tôn được đầu tư đã lâu, một số đoạn bị mục, ri sét nên gây ra sự cố hố sụp vị trí cống này. Sự cố không gây ra thiệt hại về người và tài sản" - báo cáo Sở Xây dựng nêu rõ.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị bố trí hàng rào, đèn hiệu cảnh báo, cô lập hiện trường, phân luồng giao thông.
Sau đó, các đơn vị tiến hành điều động các phương tiện như xe cẩu, xe đào... nhân lực đến hiện trường để tiến hành xử lý sự cố như đào bỏ đoạn cống bị mục, ri sét và thay thế bằng cống bê tông cốt thép (BTCT).
Đến 14 giờ ngày 7/8, cơ quan chức năng đã lắp đặt hoàn chỉnh 2 đốt cống BTCT dài 6m có kích thước tương đương cống hiện hữu và hoàn thành công tác tái lập mặt đường theo hiện trạng đảm bảo an toàn giao thông sau đó.
Sở Xây dựng cũng cho biết qua kiểm tra rà soát, hiện nay trên địa bàn TP, Sở hiện đang quản lý khoảng 126m cống tôn cũ (thuộc đường Phan Văn Trị đoạn từ Nguyễn Oanh đến Phạm Huy Thông, quận Gò vấp) được xây dựng trước năm 1975.
Để không xảy ra các trường hợp sự cố tương tự, Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP yêu cầu các đơn vị thuê bao quản lý vận hành hệ thống thoát nước tăng cường công tác tuần tra, phát hiện vả xử lý kịp thời các đoạn cống bị hư mục.