Doanh nghiệp TPHCM mong chính sách gia hạn thuế kéo dài
Theo Vov.vn, đề xuất giãn thuế từ 3-5 tháng của Bộ Tài Chính khiến nhiều doanh nghiệp ở TP mong chờ. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thời gian giãn thuế kéo dài ra hơn 24 tháng, bởi nếu chỉ giãn từ 3-5 tháng như đề xuất, hiệu quả sẽ không cao.
Được biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở TP gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng. Sau dịch, để khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp đều rất cần vốn và chính nguồn tiền được để lại từ chính sách giảm, giãn thuế đã giúp nhiều doanh nghiệp xoay sở phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng giám đốc Công ty CP Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Trần Việt Anh cho rằng, những doanh nghiệp chưa “chết”, còn hoạt động được sẽ cần giãn thuế ít nhất 24 tháng mới có thể hồi phục sau bán hàng thu tiền. Khi doanh nghiệp quay vòng vốn cho thị trường ổn định, tiền thu về họ sẽ trích ra và nộp thuế dần.
Ông cũng đề xuất một cách hỗ trợ doanh nghiệp khác là tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay tiền nộp thuế, kỳ nào xong kỳ đó, doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi để trả tiền vay nộp thuế như doanh nghiệp nợ ngân hàng.
Cục trưởng Cục Thuế TP Lê Duy Minh, cho biết, hiện nay Cục thuế TP cũng chuẩn bị sẵn các phương án, nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giãn thuế, sẽ thực hiện ngay và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được hưởng chính sách này.
Tổ chức tập trung và trực tuyến Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8
Thông tin từ báo SGGP, Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 sẽ được kết hợp cả hình thức tổ chức tập trung và trực tuyến nhằm đa dạng hóa các hình thức phát hành để đưa sách đến với người dân. Lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 diễn ra vào lúc 10 giờ ngày 18/4 tại Đường Sách TPHCM.
Trước đó, vào lúc 9 giờ ngày 17/4, “Hội sách trực tuyến quốc gia 2021” sẽ được khai mạc trên sàn book365.vn để chào mừng Ngày Sách Việt Nam.
Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam sẽ có các sự kiện giao lưu, tọa đàm, hội thảo theo chuyên đề, giới thiệu sách, giao lưu tác giả - tác phẩm với bạn đọc, giới thiệu trao đổi về văn hóa đọc, chuyển đổi số trong xuất bản và cách tiếp cận sách trong thời đại công nghiệp 4.0…
Ngoài ra, sẽ có “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8” trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động nhằm tạo sự lan tỏa, hưởng ứng tham gia của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và cộng đồng.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song nhờ việc áp dụng hình thức chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến nên vẫn duy trì được hoạt động phát hành sách, phát triển văn hóa đọc. Năm 2020, toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với năm 2019).
Kiến nghị hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo dục
Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 11/3, tại buổi làm việc của UBND TP với Sở Giáo dục và Đào tạo TP về việc duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở, kiến nghị hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn.
Trong đó, kiến nghị sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu công nghiệp - khu chế xuất. Do dịch Covid-19, năm học 2019 - 2020 kết thúc chậm, các địa phương khó khăn trong thống kê giờ công, nên đề xuất thực hiện chế độ bị chậm.
Bên cạnh đó, UBND TP sớm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về tuyển dụng nhân viên y tế, kế toán trường học và những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học với lộ trình và các giải pháp cụ thể; thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp song song với quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội.
Sở cho rằng đây là giải pháp nền tảng để thực hiện yêu cầu 100% học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được học 2 buổi/ngày và giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp vẫn còn diễn ra cục bộ.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều vấn đề liên quan đến danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập; giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; việc điều chỉnh các quy định về diện tích đất/trẻ tối thiểu của trường mầm non tại Thông tư số 13/2020; hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa…
Tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì và mắc tật khúc xạ vẫn còn cao
Theo báo Giáo dục & Thời đại, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, hàng năm, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho khoảng 90% học sinh trên toàn TP. Kết quả thống kê, tình hình sức khỏe của học sinh TP về chiều cao, thể lực có cải thiện tốt hơn so với trước đây nhưng có 2 vấn đề rất đáng quan tâm.
Theo bác sĩ Hưng, nếu tỷ lệ suy dinh dưỡng trong học sinh hiện nay đã rất thấp và có xu hướng giảm thì tỷ lệ béo phì vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tùy từng cấp học, tỷ lệ này là 15-32%.
Vấn đề thứ hai là tỷ lệ tật khúc xạ (loạn thị và cận thị), trong đó, phần lớn học sinh bị cận thị. Qua nhiều năm, tỷ lệ này vẫn chưa giảm, trung bình 20-30%, tùy cấp học.
Để giải quyết tình trạng béo phì của học sinh, hàng năm Sở Y tế phối hợp với UBND quận - huyện để tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp các tài liệu để làm sao tăng cường giáo dục dinh dưỡng cho cân đối.
Đối với việc ngày càng nhiều học sinh mắc tật khúc xạ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chỉ ra nguyên nhân tỷ lệ tật khúc xạ cao là do học sinh TP sử dụng nhiều thiết bị điện tử, ít vận động và ngồi không đúng tư thế. Phó Giám đốc Sở Y tế TP kiến nghị trường nào còn chưa có bàn ghế phù hợp với từng lứa tuổi học sinh thì cần cố gắng trang bị.
Bộ Xây dựng trình quy hoạch thoát nước mới cho TPHCM
Báo Tuổi Trẻ thông tin, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thoát nước mới tại TPHCM trước sự biến đổi khí hậu gây nên các hình thái thiên tai ngày càng phức tạp, đặc biệt vấn đề ngập nước, sụt lún bị vượt khỏi kiểm soát của quy hoạch cũ.
Theo đó, quy hoạch thoát nước cũ của TPHCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 752 ban hành năm 2001. Đây là cơ sở để quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước tại TP (gồm 6 lưu vực thoát nước mưa và 9 lưu vực thu gom nước thải).
Đến năm 2008, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt Quyết định 1547 về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Thông qua quyết định này, một số hạng mục chống ngập do triều cường được xúc tiến xây dựng.
Hiện nay, quy hoạch 752 đã hết hạn, đồng thời lúc phê duyệt quy hoạch này chỉ tính đến khu vực nội thành diện tích 140km2 và khu vực lân cận khoảng 510km2 (phạm vi quy hoạch chỉ chiếm hơn 30% diện tích của TPHCM).
Sau này TPHCM phát triển thêm nhiều quận huyện mới nên quy hoạch cũ đã không còn phù hợp. Mặt khác, quy hoạch cũ không lường trước các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và vấn đề sụt lún nền của TPHCM nên cần phải có quy hoạch mới.
Trước các lý do trên, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng xin điều chỉnh quy hoạch mới đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Phạm vi quy hoạch mới sẽ bao gồm toàn bộ TPHCM với diện tích 2.095km2, tác động đến khoảng 9,4 triệu người.
TPHCM sẽ chấm dứt nhà siêu mỏng, siêu méo dọc tuyến metro
Sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 tại TPHCM, nhiều nhà dân giải tỏa trắng nhưng cũng nhiều trường hợp chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ dưới chuẩn xây dựng. Nhằm tạo sự đồng bộ về kiến trúc, tránh tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Sở QH-KT TP vừa có dự thảo hướng dẫn 6 quận có tuyến metro đi qua về quy hoạch, kiến trúc cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực giáp ranh GPMB của dự án. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Theo đó, các lô đất có diện tích dưới 500 m2 tiếp giáp ranh GPMB của dự án các nhà ga metro số 2 thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng (CPXD) của UBND 6 quận. Đối với khu đất từ 500 m2 trở lên thì cần có ý kiến chuyên môn của Sở QH-KT trước khi CPXD.
Dự thảo văn bản hướng dẫn của Sở QH-KT chia làm hai trường hợp là cải tạo, sửa chữa và xây mới.
Cụ thể, đối với công trình cải tạo, sửa chữa mà không thay đổi kết cấu, quy mô tầng cao so với hiện trạng trước khi giải tỏa thì chiều cao, tầng cao theo nguyên trạng trước khi giải tỏa. Đồng thời đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn thoát hiểm, an toàn kết cấu chịu lực. Công trình sau khi sửa chữa phải có phương án tạo phân vị ngang tại cốt cao độ 7 m so với cao độ vỉa hè.
Đối với trường hợp xây mới có thay đổi kết cấu, quy mô xây dựng so với hiện trạng trước khi giải tỏa, Sở QH-KT căn cứ theo quy mô để có phương án xử lý. Cụ thể, với các khu đất có diện tích từ 36 m2 đến 500 m2, có chiều rộng mặt tiền tại vị trí tiếp giáp ranh giải tỏa và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng trên từ 3m trở lên thì tầng cao xây dựng tối đa 8 tầng (gồm cả mái che sân thượng).
Đối với các khu đất có diện tích từ 15 m2 đến 36 m2, có chiều rộng mặt tiền tại vị trí tiếp giáp ranh giải tỏa và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ trên 3m thì được xây tối đa 4 tầng.
Cả hai trường hợp này phải đảm bảo mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất theo quy định hiện hành. Đồng thời công trình sau khi xây mới phải có phương án tạo phân vị ngang tại cốt cao độ 7m so với cao độ vỉa hè.
Riêng đối với các khu đất có diện tích dưới 15 m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây mới.
20 suất học bổng du học tại Ba Lan
Một thông tin khác trên báo SGGP cho biết, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận huyện, hiệu trưởng các trường THPT, trung cấp, cao đẳng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về thông báo tuyển sinh ứng viên đi du học tại Ba Lan.
Căn cứ thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan, năm 2021, quốc gia này sẽ dành 20 suất học bổng cho các đối tượng là học sinh lớp 12, sinh viên đại học năm thứ nhất hoặc vừa tốt nghiệp các trường đại học, người có trình độ đại học trở lên đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam tiếp tục tham gia học tập và đào tạo tại Ba Lan các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo thỏa thuận hợp tác, Chính phủ Ba Lan sẽ tài trợ toàn bộ học phí và chi phí nghiên cứu, bố trí chỗ ở tại ký túc xá. Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay lượt đi và về, phí đi đường, phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng theo chế độ hiện hành đối với lưu học sinh học bổng theo Hiệp định tại Ba Lan.
Thời gian cho ứng viên nộp hồ sơ xét tuyển từ nay đến hết ngày 15/4.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)