Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/5/2023

10:28 12/05/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 12/5:

Lấy ý kiến 6 tỉnh thành phía Nam về dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị UBND 6 tỉnh, thành phố phía Nam (TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An) tham gia ý kiến về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để sớm hoàn thiện báo cáo này.

Phối cảnh đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ - Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam
Phối cảnh đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ - Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam

Theo đó, bộ đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến.

Ngoài ra còn có ý kiến thống nhất về hướng tuyến, vị trí và quy mô, diện tích các nhà ga, diện tích quỹ đất phát triển đô thị, công nghiệp liên quan đến các nhà ga (TOD); phương án kết nối các ga hành khách, hàng hóa, các điểm khống chế, các kết nối đầu mối vận tải; khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến; hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; các nội dung khác có liên quan. Ý kiến tham gia gửi về bộ trước ngày 15-5-2023.

Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42km. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 213.948 tỉ đồng (khoảng 9,07 tỉ USD).

Vành đai 3 TP.HCM đủ vật liệu để sẵn sàng khởi công tháng 6 tới

Đó là khẳng định của ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (QLDA CTGT) liên quan đến việc thiếu vật liệu xây dựng của dự án. Nội dung trên báo Thanh Niên.

ệ thống hạ tầng nếu được đầu tư hoàn thiện sẽ thúc đẩy không chỉ TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển
ệ thống hạ tầng nếu được đầu tư hoàn thiện sẽ thúc đẩy không chỉ TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển

Theo báo cáo tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM mà Sở GTVT vừa gửi Bộ GTVT, dự án cần khoảng 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3 và đá xây dựng các loại khoảng 4,4 triệu m3.

Kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Riêng khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp.

UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3. Đồng thời gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh về chủ trương cho phép sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng phục vụ cho dự án.

Tăng học phí từ năm học 2023-2024

Theo báo SGGP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có cuộc họp với Bộ GD-ĐT về vấn đề học phí và sách giáo khoa (SGK) năm 2023-2024.

Cô trò lớp 11 Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TPHCM) trong một giờ trên lớp. Ảnh: THU TÂM
Cô trò lớp 11 Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TPHCM) trong một giờ trên lớp. Ảnh: THU TÂM

Về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến đầu tháng 7, HĐND các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng.

Đối với các bậc học khác, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành quyết định theo điều kiện của địa phương. Bộ GD-ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể.

TPHCM công bố danh mục SGK lớp 4, 8, và 11 của Chương trình mới

Báo Giáo dục và Thời đại cho hay, UBND TPHCM vừa công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 4, 8 và 11 Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2023-2024.

Cán bộ, giáo viên tham khảo SGK lớp 3 năm 2022.
Cán bộ, giáo viên tham khảo SGK lớp 3 năm 2022.

Cụ thể, SGK lớp 4 có 27 đầu sách được phê duyệt ở 12 môn học, SGK lớp 8 có 36 đầu sách được phê duyệt ở 11 môn học và SGK lớp 11 có 62 đầu sách được phê duyệt ở 15 môn.

Năm học 2023-2024, cả nước tiếp tục triển khai cuốn chiếu Chương trình GDPT 2018 ở lớp 4, 8 và 11. Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, chương trình mới sẽ tiếp tục triển khai ở khối 5, 9 và 12, hoàn tất lộ trình triển khai ở bậc phổ thông.

TPHCM: Tiêu hủy lượng lớn hàng nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu

Trên chuyên trang CAND TPHCM, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành tiêu hủy nhiều mặt hàng nhập lậu cũng như hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Tiêu hủy hàng hóa nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu
Tiêu hủy hàng hóa nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu

Cụ thể, ngày 10/5, tại Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Công ty cổ phần nước - Môi trường Bình Dương (đóng tại Khu phố 1B, phường Chánh Phú Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), đại diện Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 TPHCM, Cục QLTT TP phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hóc Môn, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức tiêu hủy hàng hoá của 07 bản án hình sự do Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn ban hành.

Tang vật được tiến hành tiêu hủy gồm: 31.850 bao thuốc lá nhập lậu gồm các nhãn hiệu 555, Jet, Hero các loại; 879 đơn vị sản phẩm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu AJINOMOTO, giả mạo nhãn hiệu nước mắm Nam Ngư, nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị và các vật dụng dùng cho việc sản xuất hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Phát động cuộc thi viết về nông nghiệp, nông thôn

Báo Phụ Nữ TP cho biết, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng Hội Nông dân TPHCM tổ chức cuộc thi viết về tam nông, kéo dài từ nay đến hết ngày 30/6/2023.

Hình ảnh nữ nông dân thời công nghệ cao. Ảnh: phunuonline
Hình ảnh nữ nông dân thời công nghệ cao. Ảnh: phunuonline

Cuộc vận động sáng tác bút ký văn học chủ đề Những câu chuyện hay về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh vừa chính thức được phát động. Cuộc thi do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp với Hội Nông dân TPHCM tổ chức, nhằm góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2018 của Bộ Chính trị (khóa X). 

Cuộc thi cũng nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Cuộc vận động sáng tác được triển khai sâu rộng, dành cho nhà văn, nhà báo, các cây bút không chuyên, lẫn vận động các cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo, Văn hóa và Thông tin, nông dân cùng tham gia.

Thể lệ cuộc thi: yêu cầu tác phẩm thể loại bút ký, dài không quá 3.500 chữ/tác phẩm. Bài viết có nội dung ca ngợi những giá trị truyền thống, lịch sử của giai cấp nông dân Việt Nam; cùng những thành tựu và đóng góp của các thế hệ nông dân trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Bên cạnh đó là những gương nông dân điển hình, tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất (10 triệu đồng), 1 giải nhì (8 triệu đồng), 2 giải ba (5 triệu đồng/mỗi giải) và 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/mỗi giải). Lễ công bố kết quả và trao giải dự kiến trong tháng 8/2023.

Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục