Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/8/2021

08:43 12/08/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 12/8:

Tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế ủng hộ chống dịch COVID-19

Sáng 11/8, UBMTTQ Việt Nam TP phối hợp với Sở Y tế và Sở Công Thương tổ chức tiếp nhận trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ chống dịch COVID-19 từ các cá nhân, doanh nghiệp,... trị giá hàng chục tỷ đồng. Thông tin trên VOV.vn.

Tập đoàn Sea (Shopee và Garena Việt Nam) trao tặng trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19
Tập đoàn Sea (Shopee và Garena Việt Nam) trao tặng trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

Cụ thể, Tập đoàn Sea (Shopee và Garena Việt Nam) đã trao tặng 500 máy tạo oxy; 20.000 bộ đồ bảo hộ cấp 4; 400.000 khẩu trang N95; 20.000 bộ van điều áp bình oxy cùng 5.000 bình oxy, với tổng trị giá 42 tỷ đồng nhằm hỗ trợ TP trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công ty TNHH Robert Bosch Engineering and Business Solutions Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP ủng hộ 3 tỷ đồng để mua vaccine và các vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tại buổi tiếp nhận, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP cho biết, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thể hiện sự quan tâm, đóng góp đối với công tác phòng, chống dịch của thành phố. Trong thời gian qua, gần 100 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tham gia ủng hộ nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế như: hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, kit xét nghiệm PCR, test nhanh COVID-19, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế... trị giá hơn 1.650 tỷ đồng.

Nỗ lực đa dạng nguồn cung thực phẩm

Theo ghi nhận của PV báo SGGP, với gần 3.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm và hàng ngàn điểm bán được mở rộng từ bưu cục, bán hàng lưu động, cửa hàng tạp hóa, TPHCM còn có thêm nhiều mô hình cung ứng thực phẩm cho người dân khá đa dạng.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/8/2021 - Ảnh 1

Hơn 1 tháng nay, đều đặn mỗi tuần, cô giáo K.O., hiệu trưởng một trường âm nhạc tại quận Bình Thạnh, đưa 2-3 chuyến hàng từ Gia Lai về TPHCM cung cấp cho các phụ huynh. 100% là thực phẩm tươi sống như gà ta, thịt heo, ngan, vịt, trứng, măng, rau và trái cây các loại được phụ huynh đặt sẵn từ trước, đóng gói cẩn thận và giao tận nhà.

Gần đây, người dân ở Tổ dân phố 81, phường 25, quận Bình Thạnh có thêm nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, trái cây, hành lá, tỏi.. Cứ 2 lần/tuần, chị Vũ Hường, Tổ trưởng và bà con gửi tin trên group về các mặt hàng sẵn có để người dân đặt mua chung, sau đó phân cho từng nhà.
Tại mookt số địa phương như quận Bình Thạnh, Gò Vấp…, nhiều gia đình đã tận dụng khoảng sân, quán cà phê, quán ăn để mở điểm bán dã chiến, tiếp tế thực phẩm kịp thời cho người dân trong khu vực.

Tại nhiều siêu thị cho thấy, lượng hàng dồi dào, phong phú, giá ổn định. Tuy nhiên, khung giờ cao điểm buổi sáng (8-11 giờ), lượng khách xếp hàng tại nhiều điểm bán, siêu thị vẫn rất đông.

Bổ sung 2 loại thuốc kháng đông dạng uống cho F0 điều trị tại nhà

Một thông tin khác trên báo SGGP, Sở Y tế TP vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà. Trong đó, bổ sung 2 loại thuốc kháng đông dạng uống để điều trị COVID-19, nâng số loại thuốc kháng đông dạng uống cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà lên 3 loại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Y tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Y tế

Cụ thể, 2 loại thuốc kháng đông dạng uống được bổ sung là Apixaban (Liều lượng 2,5mg, uống 2 lần/ngày) và Dabigatran (Liều lượng 220mg, uống 1 lần/ngày). Trước đó, Sở Y tế đã cập nhật sử dụng thuốc kháng đông dạng uống Rivaroxaban (Liều lượng 10mg, uống 1 lần/ngày).

Người mắc COVID-19 điều trị tại nhà được chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và 1 trong 3 thuốc kháng đông dạng uống trên trong trường hợp có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở trên 20 lần/phút và/hoặc nồng độ oxy trong máu (SpO2) nhỏ hơn 95%) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Sở Y tế lưu ý thời gian sử dụng các thuốc trên tối đa là 7 ngày, chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi; chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu; khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…).

Tiêm vắc xin COVID-19 cho sinh viên ở ký túc xá ĐH Bách khoa TPHCM

Báo Tuổi Trẻ cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP) đã liên hệ và phối hợp với các cơ quan y tế, chính quyền địa phương để triển khai việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn thể sinh viên hiện đang cư trú tại ký túc xá Bách khoa.

Sinh viên ký túc xá Bách khoa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19
Sinh viên ký túc xá Bách khoa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Đợt tiêm này kéo dài từ ngày 11/8 đến ngày 12/8 với tổng cộng 850 liều, được chia làm các buổi theo từng nhóm sinh viên, phân bố đều số lượng mỗi buổi tiêm. Các sinh viên, học viên và cán bộ ký túc xá Bách khoa sẽ được tiêm tại điểm tiêm vắc xin phường 7 (quận 10). Các sinh viên đang bảo vệ luận văn hoặc chưa tiêm được vào đợt này sẽ tiêm vào đợt sau.

Để đảm bảo tiến độ cũng như an toàn trong mùa dịch, các sinh viên được yêu cầu khai báo y tế, thông tin cá nhân và kiểm tra xét nghiệm nhanh trước khi tiêm ngừa.

Từ ngày 24/7 đến nay, ký túc xá Bách khoa đã phát hiện 14 ca mắc COVID-19 (gồm 1 học viên cao học người Campuchia, 12 sinh viên và 1 nhân viên vệ sinh) và tất cả đều đã được đưa đến các khu thu dung và bệnh viện dã chiến để điều trị. Theo đại diện ký túc xá Bách khoa, hiện còn có 711 sinh viên đang lưu trú tại ký túc xá này, trong đó, có 19 sinh viên người nước ngoài.

30 số điện thoại bác sĩ Chợ Rẫy tư vấn sức khỏe miễn phí

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, tối 11/8, TS.BS Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết từ 9h sáng 12/8 đơn vị sẽ chính thức tổ chức tư vấn, khám bệnh qua điện thoại hoặc video call (gọi video) cho bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan về nội tiết, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thận nhân tạo… Đây là quyết định được Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội; việc hạn chế di chuyển khiến người bệnh ở các tỉnh khó có thể đến bệnh viện khám bệnh.

Theo đó, sẽ có 30 số điện thoại di động đại diện cho 30 chuyên khoa từ nội tiết, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thận nhân tạo, chăm sóc giảm nhẹ…hoạt động thường trực 24/24h để tư vấn, khám bệnh qua điện thoại hoặc video call (gọi video) cho bệnh nhân.

Danh sách 30 số điện thoại di động đại diện cho 30 chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thường trực 24/24h để tư vấn, khám bệnh qua điện thoại cho các bệnh nhân
Danh sách 30 số điện thoại di động đại diện cho 30 chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thường trực 24/24h để tư vấn, khám bệnh qua điện thoại cho các bệnh nhân

Để tránh mất thời gian cho việc tư vấn, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo người bệnh có nhu cầu tư vấn khám bệnh online (không phải bệnh COVID-19), vui lòng liên hệ qua số điện thoại "đường dây nóng" của chuyên khoa cần khám (nêu trên). Tất cả các cuộc tư vấn đều hoàn toàn miễn phí.

Với chương trình tư vấn sức khỏe này, bác sĩ Thức kỳ vọng giúp bệnh nhân ổn định tinh thần; mỗi người có thể tự biết cách chăm sóc sức khỏe cho người thân theo từng bệnh lý đặc thù, qua đó kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh. Đồng thời, hạn chế tình trạng đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong những tình huống không cần thiết hoặc để bệnh nhân trở nặng làm lỡ "thời gian vàng" điều trị.

Phương án cho shipper giao hàng liên quận ở TPHCM

Báo Pháp Luật TP đưa tin, nhằm hỗ trợ shipper (người giao hàng) đã đăng ký hoạt động nội quận có thể nhận các đơn hàng GrabExpress có địa chỉ giao nằm ngoài địa bàn được phép hoạt động, từ ngày 8/8, Grab triển khai tính năng “Điểm trung chuyển” giúp đối tác tài xế có thể hoàn thành đơn hàng và giao tới người dùng.

Grab đang triển khai “Điểm trung chuyển” khi thực hiện đơn hàng GrabExpress.
Grab đang triển khai “Điểm trung chuyển” khi thực hiện đơn hàng GrabExpress.

Theo Grab, "Điểm trung chuyển” là tính năng cho phép shipper thứ 1 giao hàng hóa đến điểm trung chuyển và shipper thứ 2 sẽ tiếp tục vận chuyển đơn hàng đến người nhận.

Khi shipper thực hiện chuyến xe từ người gửi đến điểm trung chuyển, shipper cần liên lạc người gửi để xác nhận đơn hàng và di chuyển đến người gửi để nhận hàng. Sau đó, shipper chụp hình và xác nhận đã nhận hàng hóa, tiến hành giao đơn hàng tới điểm trung chuyển.

Khi đã đến điểm trung chuyển, shipper thực hiện thao tác chụp hình xác nhận đã giao đơn hàng thành công đến shipper thứ 2 (lưu ý chỉ chụp hình hàng hóa, không chụp ảnh xe và shipper). Cứ như vậy, hàng hoá sẽ được vận chuyển tới tay khách hàng.

Lưu ý, khi shipper nhận đơn hàng từ người gửi và di chuyển đến điểm trung chuyển, người gửi sẽ tiến hành đặt tiếp chuyến xe thứ 2. Chuyến xe mới sẽ được phát đến shipper thứ 2 để tiếp nhận hàng từ điểm trung chuyển đến người nhận.

Shipper chỉ thao tác hoàn thành chuyến xe khi đã bàn giao đầy đủ hàng hóa và đã được shipper thứ 2 xác nhận, nhằm tránh xảy ra sự việc thất lạc hàng hóa.

Lượng hàng tồn tại cảng Cát Lái đã về mức an toàn

Theo báo Chính Phủ, tin từ Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, lượng hàng tồn ở cảng Cát Lái đã trở về mức an toàn (85%) thay vì ùn ứ, có dấu hiệu quá tải hàng nhập so với khoảng một tuần trước đó. Các tàu khi đến cảng Cát Lái đều được đáp ứng kịp thời cầu cảng để làm hàng.

Lượng hàng tồn ở cảng Cát Lái đã trở về mức an toàn
Lượng hàng tồn ở cảng Cát Lái đã trở về mức an toàn

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó TGĐ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn) cho biết, sau hơn một tuần đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các nhóm giải pháp kết hợp với sự điều chỉnh lịch tàu, lượng hàng của hãng tàu, khách hàng, thời điểm hiện tại, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái đã giảm chỉ còn 85%. Nhịp điệu sản xuất, khai thác cảng đã trở lại trạng thái bình thường. Hiện, các tàu khi đến cảng Cát Lái đều được đáp ứng kịp thời cầu cảng để làm hàng.

Về tiến độ giải phóng hàng hóa tại cảng Cát Lái, hiện trung bình mỗi ngày, Tân Cảng Sài Gòn cùng Tổ công tác của Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức họp trực tuyến với 30 khách hàng, 15 hãng tàu để giải quyết vướng mắc, hỗ trợ khách hàng sớm giải phóng hàng ra khỏi cảng.

Đến nay, cảng đã rà soát, phân loại được hơn 6.600 TEUs hàng hóa tồn tại cảng trên 15 ngày, khuyến khích 43 khách hàng có 666 TEUs tồn lâu nhanh chóng lấy hàng ra khỏi cảng.

Với hàng container tồn đọng trên 90 ngày, cảng đã rà soát, phân loại được hơn 2.200 TEUs. Tuần qua, đã vận chuyển được 144 TEUs từ cảng Tân Cảng Cát Lái đi Tân Cảng Hiệp Phước.

Về năng lực tiếp nhận hàng trong thời gian tới, ông Bùi Văn Quỳ cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, trong tháng 8 và tháng 9/2021, năng lực cầu bến tại Cát Lái vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu cập tàu, làm hàng.

Trường hợp dịch bệnh trở nên phức tạp, Tân Cảng Sài Gòn sẽ chủ động ký hợp đồng với các cảng lân cận trong khu vực TPHCM và Cái Mép để trong trường hợp Cát Lái không có cầu bến, tàu phải chờ đợi thì đưa tàu sang các cảng khác để xếp dỡ và giao hàng cho chủ hàng.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục