Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/9/2023

09:39 12/09/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 12/9:

TPHCM đề xuất tăng thêm công chức làm việc tại xã, thị trấn

Báo Thanh Niên cho biết, UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về thực trạng quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường để phục vụ việc xây dựng nghị định của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa. 

Theo UBND TPHCM, một số xã, thị trấn có khối lượng công việc nhiều hơn cấp phường do dân số đông, địa bàn rộng hơn. Trong đó, có 3 xã trên 100.000 dân, 9 xã trên 50.000 dân và 15 xã, thị trấn từ 30.000 - 50.000 dân. Mặt khác, quy định về chức danh, bố trí số lượng và chế độ, chính sách của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương. Một số nơi có quy mô dân số đông dẫn đến quá tải trong việc quản lý. Chưa kể, số lượng người hoạt động không chuyên trách tại phường tối đa là 14 người không đủ khả năng đáp ứng khối lượng công việc, giải quyết an sinh xã hội dẫn đến tình trạng xin thôi việc.

Do đó, UBND TPHCM đề xuất số lượng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn tăng thêm 1 người so với quy định chung, cụ thể xã loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người; số lượng cán bộ phường là 8 người.

TPHCM sẽ làm nhiều dự án BT thanh toán bằng tiền

Theo báo Lao Động, TPHCM đang lên danh sách một loạt dự án cầu đường sẽ triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu.

Quốc lộ 13 thường xuyên kẹt xe sẽ được mở rộng theo hình thức BOT, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng. Ảnh: Hữu Chánh
Quốc lộ 13 thường xuyên kẹt xe sẽ được mở rộng theo hình thức BOT, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng. Ảnh: Hữu Chánh

Đối với các dự án BOT có giải phóng mặt bằng lớn, TPHCM được áp dụng nâng tỉ lệ vốn tham gia của Nhà nước lên không quá 70% (quy định hiện nay tối đa không quá 50%). Đây là điều kiện đảm bảo tính khả thi dự án vừa đảm bảo rút ngắn thời gian thu phí. Với hình thức này, Sở Giao thông vận tải TP đã lập danh sách 5 dự án ưu tiên triển khai mở rộng các tuyến giao thông cửa ngõ, liên kết vùng, gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, cầu đường Bình Tiên, trục đường Bắc Nam. Tổng vốn đầu tư 5 dự án này hơn 37.000 tỉ đồng.

Với hình thức BT trả chậm bằng ngân sách, hiện TPHCM có một loạt công trình trọng điểm đang được xem xét triển khai theo hình thức này, gồm: cầu Cần Giờ (12.500 tỉ đồng); cầu đường Nguyễn Khoái (2.812 tỉ đồng); nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2) khoảng 1.124 tỉ đồng; mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm) khoảng 2.351 tỉ đồng; mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ (3.196 tỉ đồng); nút giao thông Ngã tư Bốn Xã (1.727 tỉ đồng).

Sở Y tế TPHCM thông tin tình hình bệnh đau mắt đỏ và thuốc điều trị

Chiều qua, Sở Y tế TPHCM thông tin thêm về nguồn lây, mức độ gây bệnh, tình hình thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ đang lưu hành tại thành phố. Tin trên báo Tuổi Trẻ.

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh - Ảnh: X.MAI
Bệnh đau mắt đỏ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh - Ảnh: X.MAI

Dẫn ý kiến từ các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TPHCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, Sở Y tế cho biết, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân vi rút gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie…). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là không chính xác.

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng điều trị bệnh đau mắt đỏ, Sở khuyến cáo người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (mắt đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, trong đó có Tobrex.

Theo Sở Y tế TPHCM, ngoài Tobrex, có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh có thể dùng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin… Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Gần 120.000 thí sinh trúng tuyển không vào đại học

Báo Tiền Phong cho hay, từ ngày 22/8, Bộ GD&ĐT công bố kết quả xét tuyển đợt 1 với hơn 612.000 thí sinh trúng tuyển vào ĐH, chiếm 93% tổng số em ĐKXT trên hệ thống. Tuy nhiên, đến khi kết thúc thời hạn quy định (ngày 8/9), có đến 117.795 thí sinh đỗ vào ĐH không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng

Số thí sinh từ chối vào ĐH tiếp tục tăng khi có nhiều trường ĐH tỉ lệ nhập học thấp, chẳng hạn như Trường ĐH Công Thương TPHCM có tỉ lệ nhập học 89%; Trường ĐH Gia Định (68%); Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (hơn 60%)... Thậm chí, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) hiếm khi phải tuyển bổ sung nhưng năm nay dự kiến phải tuyển thêm 500 chỉ tiêu… Như vậy, nếu tính cả những trường hợp không nhập học sau khi đã xác nhận trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT thì số thí sinh từ chối vào ĐH dù đã trúng tuyển vào khoảng 120.000 em.

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Phát triển thương hiệu và Tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, theo khảo sát của trường với thí sinh thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả trên. “Thứ nhất là có em trúng tuyển vào trường, ngành mà mình không mong muốn nên muốn tìm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung. Thứ hai là cũng có thí sinh chuyển hướng đi du học hoặc học các chương trình liên kết quốc tế trong nước. Và thứ ba, nhiều thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chuyển hướng học nghề…” - ông Vũ phân tích.

TPHCM tư vấn tuyển sinh cho... phụ huynh

Trên báo Phụ Nữ TP, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, từ tháng 1-4/2024, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 cho 100% học sinh, phụ huynh khối 9 trên địa bàn TP. Trong đó, lãnh đạo, chuyên viên Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT sẽ tư vấn trực tiếp tại các trường THCS theo hình thức tư vấn chung (thời lượng 90 phút) và tư vấn riêng sau buổi tư vấn cho phụ huynh, học sinh có nhu cầu.

TPHCM sẽ tư vấn tuyển sinh lớp 10 cho 100% phụ huynh lớp 9
TPHCM sẽ tư vấn tuyển sinh lớp 10 cho 100% phụ huynh lớp 9

Nội dung tư vấn sẽ xoay quanh việc giới thiệu hệ thống trường, lớp các trường THPT công lập, tư thục trên địa bàn TPHCM; đi sâu vào tư vấn về các trường THPT gần địa bàn học sinh cư trú. Cung cấp chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn các trường THPT các năm trước; cung cấp nội dung liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như thời gian thi, môn thi, các loại hình thi lớp 10 như chuyên, tích hợp, lớp thường.

“Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai việc đăng ký nguyện vọng theo hình thức trực tuyến như năm 2023. Do vậy, các buổi tư vấn sẽ hỗ trợ hướng dẫn phụ huynh cách đăng ký nguyện vọng theo hình thức này. Đặc biệt, tập trung tư vấn cho phụ huynh học sinh cách đăng ký, lựa chọn nguyện vọng cho phù hợp nhất với năng lực học tập, điều kiện đi lại, sở thích, năng khiếu bản thân” - ông Lê Hoài Nam chia sẻ.

Rộ nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện

Báo Người Lao Động phản ánh, gần đây lại tiếp tục rộ lên tình trạng mạo danh bác sĩ, bệnh viện tung tin giả nhằm lừa đảo, thu lợi bất chính. Mới đây nhất là thông tin việc đăng ký hiến tạng tại Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) phải tốn 500.000 đồng mới nhận được thẻ.

BS Nguyễn Phan Tú Dung khẳng định bản thân bị mạo danh trên mạng xã hội Facebook với hàng loạt tài khoản giả.
BS Nguyễn Phan Tú Dung khẳng định bản thân bị mạo danh trên mạng xã hội Facebook với hàng loạt tài khoản giả.

Khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây không phải là lần đầu bệnh viện bị mạo danh, lợi dụng. Thời gian qua, rất nhiều lần bệnh viện bị mạo danh quảng cáo thẩm mỹ, khám chữa bệnh, lừa gạt người bệnh, người nhà bệnh nhân, thậm chí cả nhân viên y tế.

Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện, mạo danh bệnh viện và bác sĩ trên mạng xã hội không phải tình trạng mới nhưng ngày càng rầm rộ với hình thức tinh vi hơn. Các đối tượng, tổ chức lợi dụng mạng xã hội lập hàng loạt fanpage gắn thương hiệu bệnh viện lớn theo kiểu lập lờ để trục lợi; sử dụng hình ảnh bác sĩ bán thuốc, thực phẩm chức năng…

Sở Y tế TPHCM đề nghị người dân thông tin, tố cáo các cá nhân, tổ chức, trang mạng xã hội mạo danh bệnh viện, bác sĩ đến đường dây nóng 096 777 1010 hoặc 028 3930 7916.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục