Đề xuất tăng biên chế công chức phường cho Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM
Báo Thanh Niên cho biết, Bộ Nội vụ vừa gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp để thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, công chức phường tại 3 thành phố sẽ tăng 1.143 biên chếSỸ ĐÔNG
Một trong những nội dung quan trọng được đề xuất thay đổi là tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND quận, phường.
Theo Bộ Nội vụ, các nghị định hiện hành quy định biên chế công chức phường bình quân là 15 người, số bình quân được tính cho tổng số phường của từng quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Tuy nhiên, quy định trên dẫn đến 3 thành phố không chủ động điều chỉnh được số lượng biên chế công chức phường giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, trong khi quy mô dân số của các phường có độ giãn cách rất lớn và khối lượng công việc không đồng đều giữa các phường.
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định theo hướng biên chế công chức phường được xác định theo quy mô dân số. Số biên chế công chức phường được tính cho tổng số phường toàn thành phố.
TPHCM không có công chức không rõ trách nhiệm
Báo Tiền Phong cho hay, tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Trách nhiệm công vụ - Cải cách thủ tục hành chính” diễn ra ngày 12/3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết: “Thời gian qua, TPHCM đã chỉ đạo rất nhiều về việc phải làm rõ trách nhiệm của từng công chức, tức thành phố không có công chức không rõ trách nhiệm”.
Chính quyền TPHCM chú trọng gặp gỡ, lắng nghe người dân, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công vụ. Ảnh: NGÔ TÙNG
Thành phố đang chỉ đạo đề án số hóa dữ liệu, trong đó các sở, cơ quan đều đang triển khai đề án này với trọng tâm thí điểm số hóa 4 lĩnh vực chính: tài nguyên, đất đai, quy hoạch và giao thông.
Trao đổi về nhiệm vụ thực hiện công tác cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, những năm qua, TPHCM rất quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm thành phố giải quyết 20 triệu thủ tục hành chính, với tỷ lệ đúng hẹn trên 99%. Tuy số hồ sơ trễ hẹn tính theo tỷ lệ phần trăm là rất nhỏ nhưng con số tuyệt đối là hơn 25.000 thủ tục không đúng hẹn.
“TPHCM đã xây dựng đề án cải cách trách nhiệm công vụ và thời gian tới sẽ thực hiện tốt nội dung này nhằm góp phần để cán bộ công chức làm tốt nhiệm vụ của mình”, ông Nhân nói.
Khẩn trương lập quy hoạch các nút giao thông để phân kỳ đầu tư
Trên báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về danh mục rà soát điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch các nút giao thông trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 theo đúng quy định.
Nút giao thông ngã 3 Cát Lái, quận 2, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
UBND TPHCM giao TP Thủ Đức, các quận, huyện căn cứ danh mục theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương lập kế hoạch cụ thể, đề xuất thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện lập quy hoạch các nút giao thông bằng công tác lập hoặc điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu theo quy định, thực hiện trong năm 2023…
Sau khi phương án đã được UBND TP chấp thuận, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn Ban Quản lý các khu đô thị và các quận, huyện có liên quan thực hiện cập nhật vào các đồ án quy hoạch phân khu, đảm bảo thống nhất đồng bộ về ranh mốc. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp Sở GTVT, TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục lập quy hoạch các nút giao thông, đề xuất thứ tự ưu tiên để tổ chức đầu tư xây dựng.
TPHCM sẽ có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện đại
Ngay sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vào đầu tháng 3, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã lập kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm thành phố. Nội dung trên báo Phụ Nữ TP.
Nằm ở vị trí thuận lợi (bến phà Bình Khánh) nhưng nhà vệ sinh công cộng này vẫn ế khách, nguồn thu không đủ chi trả chi phí quản lý, vận hành.
Ông Lê Thành Khoa - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích TNXP - cho biết, sẽ dùng vốn của công ty để đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, vận hành NVSCC. Về quỹ đất, công ty đề xuất UBND thành phố giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất và miễn thuế, đồng thời giao đất với diện tích đủ để xây NVSCC có chỗ đậu xe kết hợp ki ốt kinh doanh để công ty có nguồn thu nhằm duy trì hoạt động, bảo trì, tái đầu tư.
Ông Khoa cho biết, sắp tới, công ty sẽ cùng UBND quận 1 khảo sát các địa điểm có thể xây NVSCC như gầm cầu vượt, các chân cầu, các dải phân cách rộng của các tuyến đường lớn, dài, đông người qua lại, các trạm xe buýt, trường học, chợ, bến xe, công viên, bệnh viện, các bãi đậu xe, ga tàu điện ngầm, các điểm tham quan.
Tự hào "Đường cờ Tổ quốc" ở TP Thủ Đức
Báo Người Lao Động cho hay, vừa qua, Đoàn Thanh niên Báo phối hợp Thành đoàn TP Thủ Đức ra quân hoàn thiện "Đường cờ Tổ quốc" trên đường Hàn Thuyên (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức).
Người dân sống trên đường Hàn Thuyên treo cờ Tổ quốc.
Theo đó, đoàn viên phường Bình Thọ đã trực tiếp lắp các giá treo cờ Tổ quốc tại từng nhà dân xuyên suốt tuyến đường này. Bà Bùi Thị Xuân Mai - Phó Bí thư Đoàn Báo Người Lao Động- trực tiếp trao cờ Tổ quốc cho các hộ dân trên địa bàn. Đây là những lá cờ Tổ quốc nằm trong số 5.000 lá cờ mà Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động trao tặng Thành đoàn TP Thủ Đức để thực hiện chương trình "Đường cờ Tổ quốc" tại TP Thủ Đức.
Bà Bùi Thị Oanh Tiếng – Bí thư đoàn phường Bình Thọ - chia sẻ vì đặc thù nhà cửa ở thành phố san sát nhau nên buộc phải lắp đặt giá treo cờ lên tường nhà người dân. Thế nên, trước khi thi công, Đoàn thanh niên phường Bình Thọ đã đến từng hộ gia đình để vận động người dân đồng thuận việc thực hiện "Đường cờ Tổ quốc" qua địa bàn.
Bà Cúc chia sẻ, bà vui như Tết khi biết công trình "Đường cờ Tổ quốc" được thực hiện trên đường Hàn Thuyên. Bà nói việc treo cờ Tổ quốc dịp lễ, Tết không phải là chuyện mới mẻ, xa lạ. Thế nhưng không phải nơi nào cũng có thể treo cờ Tổ quốc đồng bộ được vì mỗi nhà sẽ treo mỗi kiểu, không giống nhau. Do đó, một "Đường cờ Tổ quốc" đồng bộ trên tuyến đường sẽ gây ấn tượng cho khu phố nói riêng, địa phương nói chung.
Trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp do siêu vi gia tăng
Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, hai tuần nay, số trẻ nhập đơn vị mình tăng khoảng 20% so với bình thường. Đa phần là trẻ bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nguyên nhân lây nhiễm siêu vi.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang khám cho một trường hợp nhập viện vì viêm phổi - Ảnh: Thanh Huyền
Ngày 7/3, Khoa Hô hấp 1 đang điều trị cho 217 ca nội trú, trong số đó có 20 trường hợp rất nặng phải nằm phòng cấp cứu, thở ô xy. Mỗi ngày, Khoa Hô hấp 1 tiếp nhận thêm 40-45 trường hợp nhập viện mới.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu - cho biết, mỗi ngày đơn vị mình tiếp nhận ít nhất 5-6 ca mắc bệnh hô hấp nặng (đa phần do nhiễm siêu vi, một số bé bị bội nhiễm) cần hỗ trợ thở ô xy. Độ tuổi của những bệnh nhi này chủ yếu từ 1-6 tuổi. Các bé dưới 3 tuổi dễ trở nặng khi viêm hô hấp trên hơn cả do các bé còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu.
Bác sĩ Phương cảnh báo đây chưa phải là mùa của bệnh hô hấp mà đã ghi nhận nhiều ca nặng nhập viện. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp tốt trong việc phòng tránh bệnh hô hấp do lây nhiễm siêu vi cho trẻ, nếu không 2-3 tuần tới (giao mùa), số ca mắc bệnh hô hấp sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Các vòng xoay ở TP.HCM thay đổi diện mạo nhằm giảm ùn tắc giao thông
Báo Tuổi Trẻ ghi nhận, nhiều vòng xoay lớn ở TP.HCM đã được thay thế bằng cầu vượt, đèn tín hiệu giao thông... với mục tiêu giảm bớt giao cắt, điều hòa dòng xe để hạn chế ùn tắc giao thông.
Cuối năm 2022, công trường metro san lấp trả lại mặt bằng trước chợ Bến Thành, vòng xoay được tổ chức lại giao thông theo dạng ngã tư, có đèn tín hiệu thay vì vòng xoay như trước
Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn ban đầu khá rộng ở nút giao các tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Hồng Hà, Bạch Đằng. Sau nhiều lần cải tạo vòng xoay, một hệ thống cầu vượt nhiều nhánh đã được xây dựng tại đây, làm giảm đáng kể tình trạng kẹt xe vốn có trước đây.
Ngã 6 Gò Vấp là điểm giao nhau của các đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghỉ. Từ năm 2017, chính quyền TP.HCM thu nhỏ vòng xoay, xây dựng cầu vượt thép. Nhờ đó các dòng xe hạn chế tối đa giao cắt nên đã giảm vấn nạn kẹt xe tại đây
Vòng xoay Lăng Cha Cả nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất nên lượng xe qua lại ngày càng nhiều, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Để khắc phục, một cầu vượt thép được xây dựng ở đây từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra tại khu vực này do lượng xe qua lại quá lớn, cho dù mới đây đã giải tỏa mở rộng thêm một đoạn đường trong khu vực
Vòng xoay Hàng Xanh quen thuộc đã được tháo dỡ, thay bằng cầu vượt Hàng Xanh từ năm 2013. Ở mỗi điểm giao cắt đều có đèn tín hiệu giao thông. Đây được xem là nút giao kết nối giao thông phía đông vào khu vực trung tâm TP.HCM
Vòng xoay này là điểm giao cắt các đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Sa với tình trạng giao thông phức tạp. Trong mấy năm qua, điểm này hay ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Mới đây cảnh sát giao thông TP đề nghị tháo dỡ vòng xoay, tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu để giải quyết nguy cơ ùn ứ xe cộ. Sau khi xem xét , Sở Giao thông vận tải cho biết trước mắt sẽ điều chỉnh giao thông qua khu vực, chưa tháo dỡ vòng xoay.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)