Kiều bào khẳng định niềm tin vào sự phát triển ngày càng tốt hơn của Thành phố và đất nước
Thông tin từ Trang tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh: Tối 13/1, TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý 2020 với sự tham dự của khoảng 900 kiều bào từ 25 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới (như: Anh, Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Nga, Hà Lan, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Italia, Thái Lan, Lào, Campuchia...).
Tham dự họp mặt và lắng nghe những hiến kế, trao đổi tâm tư, nguyện vọng đóng góp cho Thành phố của kiều bào có lãnh đạo Thành ủy, UBND, UB MTTQ Việt Nam Thành phố; cùng đại diện các sở ban ngành, lãnh đạo các quận huyện, 30 hội hữu nghị Việt Nam và các nước, ban liên lạc thân nhân kiều bào 24 quận huyện; các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ... gắn bó với công tác kiều bào.
Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chúc bà con kiều bào đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc đầm ấm sum vầy bên gia đình, người thân; đồng thời thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019 của TP với nhiều kết quả nổi bật, trong đó thu ngân sách lần đầu tiên cán mức 400.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu trung ương giao. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định để đạt được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng kiều bào.
Tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chúc Tết bà con kiều bào, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của kiều bào cho công cuộc phát triển TP, từ xử lý các vấn đề đô thị như kẹt xe, ngập nước… đến hướng phát triển TP thông minh, đô thị sáng tạo, kết nối trung tâm tài chính quốc tế… Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP sẽ luôn nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con về đây vui sống, làm điều mình mong muốn; cũng như luôn trân trọng đón những con em của người Việt Nam đi nước ngoài trở về, có thể chỉ là về chơi, có thể là làm việc, hoặc lựa chọn ở luôn tại quê nhà đều là niềm vui.
Lãnh đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thăm, chúc tết các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn
Ngày 13/1, Đoàn cán bộ TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố làm trưởng đoàn đã đến thăm Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, tại KCN Tân Bình) chuyên sản xuất mì, phở ăn liền. Đồng chí Võ Thị Dung đánh giá cao những đóng góp của công ty thời gian qua. Ngoài sản xuất kinh doanh, công ty còn tạo việc làm và chăm lo tốt đời sống người lao động để góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà. Sự phát triển của công ty đã góp phần cùng Thành phố giải quyết việc làm cho người lao động, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Thành phố.
Cùng ngày, Đoàn cũng đã đến thăm, tặng quà và chúc tết lãnh đạo, công nhân, người lao động Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) chuyên sản xuất giầy thể thao.
Dịp này, đoàn cũng đã đến nhà trọ thăm và trao tặng quà tết công nhân Hà Khiết Dung (làm việc tại Công ty TNHH May mặc G&G II, quận Bình Tân) và công nhân Nguyễn Lê Thanh Hòa (làm việc tại Công ty TNHH AFC, huyện Bình Chánh).
Chiều cùng ngày, Đoàn cán bộ Thành phố do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã tới thăm, chúc Tết các đơn vị, gia đình, cá nhân trên địa bàn quận 9.
Thăm Trung đoàn tên lửa 263 – thuộc Sư đoàn Không quân 367, đồng chí Trần Lưu Quang chúc mừng Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị. Trung đoàn thành lập năm 1966, là đơn vị tên lửa duy nhất tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thăm Bệnh viện Quân dân y miền Đông, đồng chí Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng khi lãnh đạo bệnh viện cho biết, bệnh viện đã từng bước tự chủ, mỗi năm khám chữa bệnh cho hơn 400.000 lượt bệnh nhân, đồng thời bệnh viện đưa vào nhiều ứng dụng công nghệ phục vụ việc khám chữa bệnh.
Đoàn cũng tới thăm gia đình ông Nguyễn Văn Non, cán bộ hưu trí, Đảng viên 70 năm tuổi Đảng; thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Khâm và cụ Nguyễn Thị Thoa là người cao tuổi đang sống tại quận 9. Dù đã bước sang tuổi 100, mẹ Khâm và các cụ vẫn giữ được tinh thần minh mẫn, sức khỏe tốt, gửi lời chúc cho Thành phố ngày càng phát triển.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).
TP. Hồ Chí Minh: 5 năm liền kéo giảm tội phạm
Ngày 13/1, Công an Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai công tác năm 2020. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong dự và chỉ đạo hội nghị.
Thông tin tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an Thành phố, cho hay năm vừa qua công an đã phát động các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Các đợt này tập trung vào các loại tội phạm nguy hiểm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Song song đó, công an cũng bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố (Tổ công tác 363) để ngăn chặn từ đầu các dấu hiệu tội phạm.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những thành tích, chiến công mà lực lượng Công an Thành phố đạt được trong năm qua. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường của lực lượng trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao việc Công an Thành phố chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án 68 về củng cố, kiện toàn và nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an phường, xã, thị trấn.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng Tô Lâm chúc mừng những kết quả, thành tích của cán bộ, chiến sĩ Công an TP.HCM trong năm 2019. Theo Đại tướng Tô Lâm, trong năm qua, Công an Thành phố đã đạt được nhiều thành tích, dấu ấn nổi bật trong công tác giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cụ thể, Công an Thành phố đã đảm bảo tốt an ninh trên các lĩnh vực, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn kích động biểu tình, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Các công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ, ma túy, môi trường.
(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh).
Công trường metro tất bật những ngày cuối năm
Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh thông tin: Chỉ còn hai tuần nữa là tới tết Canh Tý 2020, song các công nhân, kỹ sư dự án tuyến đường sắt đô thị metro số 1 vẫn miệt mài làm việc tại công trường. “Phía trên mặt đường, công trường khá yên ả, song ở dưới lòng đất lại là một đại công trình. Ở đây đang có hơn 1.000 công nhân làm việc ngày đêm để nỗ lực đưa dự án metro số 1 hoàn thành đúng tiến độ”. Đó là đánh giá của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, về công trường dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong buổi tham quan và chúc Tết các cán bộ, nhân viên, công nhân của dự án này chiều 13/1.
Ông Võ Văn Hoan đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR). Đồng thời, khuyến khích các đơn vị tiếp tục nỗ lực để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Theo quan sát, khi men theo cầu thang để xuống các tầng hầm, các hoạt động thi công diễn ra nhộn nhịp với rất nhiều công nhân đang tất bật làm việc. Phía dưới tầng hầm B1, máy móc, thiết bị lúc này cũng hoạt động inh ỏi. Song chỉ một cử chỉ ra hiệu nhỏ thì các công nhân dường như đoán được ý đồng đội và làm việc hết sức ăn ý. Men theo cầu thang cả ba tầng hầm nhà ga Bến Thành, các công nhân đều đang làm việc rất nhịp nhàng.
Ông Võ Văn Hoan hỏi chỉ huy trưởng gói thầu nhà ga Nhà hát Thành phố là ông Lê Thanh Lê rằng dự án liệu có hoàn thiện đúng tiến độ. Ông Lê khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/4/2020”. Tầng B1 và B3 là nơi bán vé đang được lắp đặt trang thiết bị điện, điều khiển..., tại đây các kỹ sư đang chuẩn bị lắp đường ray metro. Ga Nhà hát Thành phố cũng đã hoàn thành nhiều hạng mục như năm phòng máy trung tâm, các phòng vé... Theo ông Lê, dự kiến ngày 30/4, người dân, du khách có thể xuống đây tham quan.
Tại buổi lễ này, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR, thông tin về tiến độ dự án. Cụ thể, khối lượng thi công của toàn dự án là 70%. Trong đó, đoạn ngầm nhà ga Bến Thành đến nhà ga Nhà hát Thành phố đạt 65%; đoạn ngầm nhà ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son đạt 80%; đoạn trên cao và depot đạt 82%; đầu máy, toa xe, đường ray, bảo dưỡng đạt 53%.
Tràn lan thực phẩm tết “handmade”
Càng gần đến Tết âm lịch, củ kiệu, giò chả, mứt gừng, mứt dừa... tự làm hay còn gọi “handmade” được rao bán càng nhiều, từ siêu thị đến chợ và các trang mạng. Nỗi lo về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường quá lớn khiến mấy năm trở về đây, nhiều người đổi hướng chuộng hàng “nhà làm” với niềm tin rằng loại hàng này sẽ an toàn hơn dù giá cao hơn sản phẩm ngoài chợ từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Nhiều bà nội trợ cho biết những cái tết gần đây họ thường xuyên mua các loại mứt, chả lụa, lạp xưởng, tai heo, kim chi... từ bạn bè hoặc người quen giới thiệu nhà làm. Khi được hỏi lý do vì sao lựa chọn thực phẩm “handmade”, các bà nội trợ cho rằng, yếu tố đầu tiên là có thể điều chỉnh theo khẩu vị. Thứ hai là vì tin bạn bè, yên tâm vì không có chất bảo quản, không có phẩm màu, hoặc mua ủng hộ.
Tuy nhiên thị trường đã và đang xuất hiện không ít tình trạng lạm dụng hai chữ “handmade” mà vệ sinh an toàn thực phẩm không thể kiểm soát được. Phía người bán luôn khẳng định nguyên liệu được lựa chọn kỹ, đảm bảo chất lượng cũng như khâu vệ sinh trong quá trình chế biến, đặc biệt không có các chất bảo quản. Tuy nhiên, thử “test” một vài người bán, sẽ thấy mọi cái không như khách hàng nghĩ.
Hàng loạt sản phẩm không nhãn mác, không thương hiệu được bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống dịp tết. Chẳng hạn mứt dừa non 5 màu tự nhiên giới thiệu tại chợ giá 130.000 đồng/kg được đựng trong các thùng giấy to và khi khách hàng mua bao nhiêu sẽ được bán bấy nhiêu. Thế nhưng, một số nơi rao bán hàng mứt dừa non “nhà làm” hình thức y chang với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Còn theo bà Năm - bán hàng mứt bánh tại tầng hầm chợ An Đông (Quận 5) chuyên đóng hàng cho một số cơ sở bán bánh mứt gọi là “nhà làm”: “5 loại mứt vỏ bưởi, mứt dừa, cà rốt, mứt gừng, bí đao được khách sạn đặt mua thêm. Họ đã mua hàng của tui 4 năm nay rồi, về để đóng gói nhỏ bán khách dịp tết. Họ bỏ vào hộp đẹp y như bánh trung thu vậy, bán mỗi hộp chỉ nửa ký các loại, bán giá 1,3 triệu đồng/hộp”.
Mặc dù có nhiều băn khoăn về chất lượng, an toàn vệ sinh của thực phẩm nhà làm, bán qua mạng nhưng người tiêu dùng tự bảo vệ mình là chính mà chưa có lời cảnh báo chính thức nào từ các cơ quan quản lý. Vì vậy với nhiều người, thực phẩm tết “handmade” chỉ dám mua ở chỗ bạn bè và quen biết thật sự để tránh bị nhầm sản phẩm không an toàn.
(Theo báo Thanh Niên).
TP. Hồ Chí Minh: Hàng trăm tài xế vi phạm nồng độ cồn
Báo Người Lao Động đưa tin: Theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt Công an Thành phố, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) sau khi có hiệu lực từ ngày 1/1. Với riêng vi phạm về nồng độ cồn, tính đến ngày 13/1, đơn vị đã phát hiện và xử lý 403 vụ vi phạm. Đáng chú ý, trong số đó chỉ 18 trường hợp là tài xế ôtô, còn lại là xe máy.
Trong khi đó, phía Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết trong đợt phối hợp cùng Công an quận 9 mở cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với các phương tiện hoạt động trên địa bàn quận này (thực hiện từ ngày 15/12/2019), hiện đơn vị đã tham gia 2 đợt kiểm tra. Qua đó, đã kiểm tra 109 phương tiện và phát hiện 3 trường hợp dương tính với chất kích thích.
Hiện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đang tiếp tục phối hợp cùng Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt Công an Thành phố thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các phương tiện đường bộ trên địa bàn Thành phố dịp Tết Nguyên đán 2020.
Trước dịp Tết Nguyên đán 2020 cận kề, CSGT cũng khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, đặc biệt khi đã uống rượu, bia tuyệt đối không điều khiển phương tiện nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc. Đồng thời, sau khi tham gia các bữa tiệc hãy sử dụng các phương tiện công cộng hoặc nhờ người khác (không uống bia, rượu) chở về.
“Thiên đường sống ảo” những ngày cuối năm
Cũng thông tin liên quan đến Tết được đăng tải trên báo Thanh Niên, nhưng ở khía cạnh khác khi đề cập đến “Thiên đường sống ảo” mà các bạn trẻ Thành phố tìm đến nhiều nhất trong những ngày này. Đó là Lễ hội Tết Việt với đường mai và phố ông đồ ngay tại mặt tiền Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố (4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1). Từ nơi đây, không biết bao nhiêu bộ ảnh lung linh của các cô gái “má đỏ môi hồng” trong những tà áo dài duyên dáng đã ra đời.
Với tông màu vàng chủ đạo của sắc mai xuân, các cô gái lại chọn cho mình những bộ áo dài theo tông màu đỏ để đọ sắc cùng hoa. Những chàng trai cũng góp thêm bằng sắc áo dài xanh, vàng, trắng… làm đường mai càng thêm rực rỡ, cuốn hút.
Năm nay, cây mai cổ thụ ngay trước cổng vào của đường mai đã trở thành điểm nhấn. Nhưng không chỉ có mai, ở đây còn có những tiểu cảnh tái hiện làng gốm, làng lụa, làng mây và làng hương, cộng thêm chiếc cầu nhỏ xinh bắc ngang qua rất thú vị. Hay chiếc cổng làng bằng rơm và tre cạnh những khóm cúc vàng nở rộ, rồi không gian tái hiện ngôi nhà cổ với những vật dụng đã nhuốm màu thời gian…; tất cả đã trở thành vị trí đắc địa để cho ra đời những góc ảnh thần thánh.
4 tiểu cảnh làng nghề được tái hiện tại đường mai không chỉ là không gian để sống ảo, mà qua đó các bạn trẻ còn có cơ hội tìm hiểu về các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng rất thích thú với gian bếp xưa cùng những vật dụng nhắc nhớ ký ức tuổi thơ bên bếp lửa bà thổi cơm chiều… khiến nhiều người khi đến đây không khỏi cảm thấy nhớ nhà da diết.
Xử lý kẹt xe đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành
Từ khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) đi vào vận hành đã giải quyết khối lượng lưu thông rất lớn từ TP đi các tỉnh miền Đông và ngược lại. Tuy nhiên, hiện cao tốc HLD liên tục bị kẹt xe và thời gian kẹt xe kéo dài vài ba giờ đồng hồ.
Thống kê từ đơn vị vận hành đường cao tốc HLD trong năm 2019 cho thấy, lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến tiếp tục tăng, bình quân 45.862 lượt xe/ngày đêm, dịp tết, lễ khoảng 55.000 lượt xe/ngày đêm, cá biệt có ngày lên tới 61.383 lượt xe, chủ yếu tập trung đoạn TPHCM - Long Thành, thường xuyên bị ùn tắc giao thông.
Theo ông Mai Văn Hiếu, Trưởng Trung tâm Điều hành đường cao tốc HLD, có nhiều nguyên nhân: ùn tắc trên cầu Long Thành xảy ra khi xe container tải trọng lớn, độ dốc cao, chạy chậm; nhiều trường hợp 2 xe container chạy song song là dẫn đến ùn hoặc 2 xe va chạm nhau, khi chờ giải quyết tai nạn thì dẫn đến ùn tắc. Bên cạnh đó, mặc dù có làn dừng khẩn cấp - phục vụ xe gặp sự cố hoặc lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường, nhưng ý thức của người tham gia giao thông rất kém. Khi xảy ra ùn tắc, cứ có trống chỗ nào trên mặt đường là chèn vào, nối đuôi nhau, dẫn đến lực lượng cứu hộ tiếp cận khó khăn.
Ngày 7/1 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phát đi thông báo triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc trên đường cao tốc HLD trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Để hạn chế ùn tắc trên tuyến, đơn vị quản lý vận hành sẽ triển khai ngay phương án phân làn, phân luồng từ xa; đồng thời đề nghị Đội 6 Cục Cảnh sát giao thông bố trí nhân sự trực tại Trung tâm Điều hành đường cao tốc HLD để phối hợp triển khai điều tiết giao thông hợp lý; Hiển thị tại các bảng điện tử trên tuyến cao tốc để hướng dẫn phương tiện lưu thông…Trước mắt, hạn chế một số loại xe vào giờ cao điểm, tăng phí một số loại xe vào giờ cao điểm hoặc toàn thời gian, chỉ phục vụ xe loại 1, 2, 3 cho đến qua tết.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
Sinh viên đi lặt lá mai cận Tết, kiếm tiền triệu
Những ngày này, đi dọc các cung đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), quốc lộ 1 (đoạn qua quận 12) dễ bắt gặp không khí rộn ràng khi hàng loạt nhà vườn tranh thủ thuê nhân công lặt lá mai, chở mai ra phố bán Tết. Đặc biệt, nhiều vườn mai đang được các bạn sinh viên “bao thầu” việc lặt lá.
Với hơn 500 cây mai đang cần xuống lá, ông Hà – vườn mai Hà Ba Trận (quận Thủ Đức) – đã chọn hơn 20 sinh viên cho công việc này với giá 200.000 – 250.000 đồng/người/ ngày. Theo ông Hà, các bạn không có kinh nghiệm nhưng nhờ nhanh nhẹn nên khoảng 2 ngày là lặt xong vườn.
Với khoảng 4 ngày lặt lá mai, các sinh viên có khoảng 1 triệu đồng, đủ tiền mua quần áo ngày Tết. Thậm chí nhiều nhà vườn trả mức 300.000 đồng/ người/ ngày hoặc khoán theo vườn trong những ngày cao điểm này. Với lặt lá khoán theo vườn, nhân công lặt nhanh có thể có thu nhập đến 500.000 đồng/ người/ ngày.
(Theo báo Tuổi Trẻ).