Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/10/2020

10:18 14/10/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 14/10/2020

Nhiều kỳ vọng vào Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025

Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đang được nhân dân TP quan tâm, dõi theo với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách đưa TP ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững vàng hơn. Ghi nhận trên báo Người Lao Động.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/10/2020 - Ảnh 1

Bà HOÀNG THỊ LỢI, Phó Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ quận 1: TPHCM nên đưa Chương trình xây dựng nhà ở cho người dân thành một chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ tới. TP nên đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, bình dân cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp bằng các chính sách, hỗ trợ như giảm thuế, giảm lãi suất cho vay... Qua đó tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở có giá phù hợp trong các KCX-KCN cho công nhân, trong các khu dân cư cho người có thu nhập thấp. 

Ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương: Sau 5 năm, nhờ những nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của hệ thống chính trị và chính quyền TP HCM, sức cạnh tranh và môi trường đầu tư kinh doanh của TP HCM đã có nhiều đột phá.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ công của TP đã cải thiện đáng kể, nhất là trong ngành hải quan và ngành thuế. Tôi rất mong 2 ngành này tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực trong thời gian tới. Cùng với đó, TP HCM tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội TP. Hiện TPHCM có định hướng phát triển dịch vụ và công nghệ, tài chính. Đây là bước đi đúng bởi một nền kinh tế không có nguồn lực tài chính hỗ trợ thì không thể phát triển được. Vì vậy, thu hút tài chính để phát triển kinh tế là vấn đề TP cần quan tâm.

Ông HUỲNH VĂN SƠN, Tổng Giám đốc Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn: Dưới góc độ người làm du lịch, trong vòng 5 năm tới, tôi kỳ vọng TP HCM vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực du lịch. Chọn điểm đột phá nào trong 5 năm tới? Theo tôi, có thể bắt đầu với kinh tế ban đêm khi đã có cơ sở pháp lý là quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 7-2020. Muốn làm được, ngành du lịch phải cùng với các ngành khác, các đơn vị khác nghiên cứu, đề xuất, tham mưu để TP xây dựng kinh tế ban đêm.

Bà NGUYỄN THỊ HIẾU, phường Cô Giang, quận 1: Trong những năm qua, TPHCM đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, làm cho bộ mặt đô thị của TP ngày càng khang trang, hiện đại hơn. TP cũng đã nỗ lực thực hiện các phong trào, xây dựng nhiều công trình; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy lùi những hành vi giao tiếp, ứng xử không lành mạnh… Dù vậy, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường; có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực ở nơi công cộng. Do đó, cần có phương thức tuyên truyền hiệu quả, quy trách nhiệm quản lý địa bàn rõ ràng, có giải pháp cụ thể, từ uốn nắn bằng việc xử phạt đến xử lý cứng rắn bằng các quy định nghiêm khắc của pháp luật đối với những hành vi chưa chuẩn mực.

Đồng thời, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cần nghiên cứu thêm mô hình trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Đối với các khu lưu trú công nhân, các thiết chế văn hóa phải tổ chức ngoài giờ để công nhân được thụ hưởng.

Đề xuất ưu tiên đầu tư đường trên cao

Báo Thanh Niên đưa tin, Sở GTVT TP vừa có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận nghiên cứu chủ trương đầu tư 55 dự án về hạ tầng giao thông ngay trong năm 2021, trình HĐND TP thông qua.

Để ưu tiên đầu tư các dự án này (thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025), Sở GTVT đề xuất cân đối từ ngân sách TP.HCM khoảng 81.750 tỉ đồng và 68.613 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa qua hình thức đối tác công - tư và nguồn vốn khác; trước mắt trong năm 2021 cần 32.878 tỉ đồng.

Trong 55 dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư, đặc biệt có 2 tuyến đường trên cao số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5 km; và tuyến trên cao số 5 (từ Trạm 2 đi theo QL1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 32.900 tỉ đồng.

Khu vực Cộng Hòa - Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) theo quy hoạch là nơi xuất phát của tuyến đường trên cao số 1, bị lãng quên suốt 15 năm qua. Ảnh: Ngọc Dương
Khu vực Cộng Hòa - Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) theo quy hoạch là nơi xuất phát của tuyến đường trên cao số 1, bị lãng quên suốt 15 năm qua. Ảnh: Ngọc Dương

Ngoài ra, còn có các dự án khép kín đường vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái (nối Q.1 và Q.4), cải tạo mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ (Q.Bình Thạnh), đường Lê Văn Khương (Q.12), cầu Thủ Thiêm 4 (nối Q.2 với Q.7), cầu Cần Giờ (nối Nhà Bè với Cần Giờ), nút giao An Phú (Q.2), đường song hành Phan Văn Hớn, song hành QL50, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cải tạo mở rộng các trục giao thông hướng tâm gồm QL13 (kết nối với Bình Dương, Bình Phước, Tây nguyên), QL22 (kết nối với Tây Ninh, Campuchia), QL1 và QL50 (kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ)...

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, các dự án trên thuộc đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” đã được Sở GTVT chủ trì thực hiện, hoàn thiện trong tháng 9/2020.

Đề án này cũng đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương thực hiện và thống nhất về nguyên tắc các nội dung cơ bản để trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP, nhằm tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

TPHCM mở hội chợ khuyến mại vào tháng 10

Theo báo Người Lao Động, Hội chợ Khuyến mại năm 2020 chủ đề "Thỏa sức mua - Đua sức sắm" do Sở Công Thương TP HCM tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 25/10.

Khoảng 400 gian hàng của 250 doanh nghiệp (DN) có thương hiệu, uy tín tham gia hội chợ với nhiều hình thức khuyến mại đa dạng, phong phú.

Cụ thể, Ban tổ chức sẽ triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong suốt thời gian diễn ra hội chợ như Giờ vàng thương hiệu, Điểm vàng mua sắm, DN tự giới thiệu, tổ chức khu gian hàng sản phẩm của DN TP, gian hàng DN địa phương quảng bá đặc sản vùng miền đến người tiêu dùng tại TP HCM...

Khách mua hàng tại Hội chợ khuyến mại TP HCM năm 2019. Ảnh: Thanh Nhân
Khách mua hàng tại Hội chợ khuyến mại TP HCM năm 2019. Ảnh: Thanh Nhân

Thêm 14 khách sạn làm nơi cách ly có trả phí

Cũng trên báo Người Lao Động, UBND TPHCM vừa có quyết định thành lập các khu cách ly tập trung tại 14 khách sạn để phòng, chống dịch Covid-19. Quyết định này theo đề xuất của Sở Y tế sau khi cùng Sở Du lịch và các địa phương khảo sát, đánh giá danh sách khách sạn đăng ký làm nơi cách ly có thu phí.

14 khách sạn này chủ yếu ở khu vực trung tâm TP, như: Hương Sen 3, Alagon City, AEM Signature, Kim Cương Xanh – 2 cơ sở, Riverside, Sky Gem Central, Sen Việt Boutique, AEM, Cititel Parkview Sài Gòn, Sài Gòn Hà Nội (quận 1); Sunshine, Sabina (quận 7), Mường Thanh Luxury Sài Gòn (Phú Nhuận)…

Các khách sạn có chất lượng 2-5 sao, để đảm bảo phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp cho khách lựa chọn. Giá mỗi phòng từ 1,2 triệu đến 5 triệu đồng, tùy dịch vụ.

Một cơ sở lưu trú du lịch tại TP HCM từng được dùng làm nơi cách ly có trả phí. Ảnh: Lam Giang
Một cơ sở lưu trú du lịch tại TP HCM từng được dùng làm nơi cách ly có trả phí. Ảnh: Lam Giang

Trước đó, TP cho phép 10 khách sạn làm nơi cách ly các phi hành đoàn, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao với hơn 1.000 phòng. Quyết định này nâng tổng số khách sạn làm nơi cách ly ở Thành phố lên 24 khách sạn với công suất khoảng 2.000 phòng.

Theo quy định của UBND TP, các khu cách ly có thu phí chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP; đáp ứng yêu cầu về bố trí, sắp xếp các khu vực cách ly tại khách sạn; bảo đảm cơ sở vật chất (buồng phòng, ăn uống, giặt là...) phục vụ nhu cầu người được cách ly. Người cách ly ở khách sạn hàng ngày được đo thân nhiệt 2 lần, mỗi người có một sổ theo dõi riêng và lấy mẫu xét nghiệm 4 lần trong 14 ngày.

Lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi sau phẫu thuật tim

Vietnamplus cho hay, ngày 13/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đơn vị này vừa thực hiện thành công kỹ thuật ECMO (hệ thống tim phổi tuần hoàn ngoài cơ thể) cho một bệnh nhi sau ca phẫu thuật tim do bị bệnh bẩm sinh. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật EMO song hành cùng phẫu thuật ngoại khoa để cứu sống bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch.

Bé gái V.N.K.T, 31 tháng tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai, được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng tím tái, mệt lả khi khóc hoặc vận động nhiều. Các bác sỹ xác định, bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh ở thể nặng nhất, đó là mắc "tứ chứng" Fallot. Đây là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh gây tím với biểu hiện điển hình da tím tái do máu không được cung cấp đủ dưỡng khí.

"Tứ chứng" Fallot thường gặp với 4 dạng khiếm khuyết ở tim gồm: hẹp đường thoát thất phải, thông liên thất, động mạch chủ đè lên vách liên thất và phì đại thất phải.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM áp dụng kỹ thuật ECMO cứu sống bé gái. Ảnh:BVCC
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM áp dụng kỹ thuật ECMO cứu sống bé gái. Ảnh:BVCC

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định phẫu thuật "sửa chữa" triệt để các dị tật tim bẩm sinh cho bệnh nhi bởi nếu để lâu thêm nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi.

Do bệnh nhi được can thiệp muộn cộng với thể trạng suy dinh dưỡng nặng, tim đã có nhiều biến chứng nặng nên các bác sỹ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phẫu thuật. 2 ngày sau ca đại phẫu, bệnh nhi tiếp tục phải mổ mở xương ức để hồi sức tích cực do tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau mổ dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận.

Mọi phương pháp hồi sức sau đó đều thất bại, bệnh nhi có lúc đã bị suy hô hấp nặng và ngưng tim. Sau khi hội chẩn khẩn cấp, các bác sỹ quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO ngay tại giường bệnh dẫu khả năng thất bại rất cao.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết khác với các ca ECMO viêm cơ tim đặt ống thông từ động mạch đùi luồn lên, lần này các bác sỹ phải đặt ống thông mạch máu trực tiếp vào tim và động mạch chủ của bệnh nhi. Đây là kỹ thuật khó, chỉ những bác sỹ phẫu thuật tim giỏi mới dám thực hiện.

Sau khi đặt xong ECMO khoảng 30 phút, từ trạng thái suy hô hấp nặng, tím tái, trụy tim mạch, bệnh nhi dần phục hồi, hồng hào trở lại. Sau một tuần chạy ECMO, tình trạng bệnh nhi cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt, bé được cai ECMO và phẫu thuật đóng xương ức, cai máy thở và hiện đã ổn định, ăn, ngủ tốt.

Hơn 2.300 trường học hoàn thành tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày 13/10, Sở GD-ĐT TP cho biết đã có 2.332 đơn vị gồm phòng GD-ĐT quận - huyện, trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TP hoàn thành tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2020-2021. Thông tin từ báo SGGP.

Theo đó, chương trình do Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 6 đến ngày 9/10/2020. Nội dung tập huấn gồm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm trong trường học, "10 nguyên tắc vàng" chế biến thực phẩm an toàn, hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, cách vận hành hệ thống tự kiểm tra tại trường học...

Dịp này, các đơn vị trường học trên địa bàn TP cũng được giới thiệu nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho các bếp ăn thuộc các chuỗi thực phẩm an toàn, cơ sở đạt chứng nhận HACCP, VietGAP, GlobalGAP...

Các bé Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận trong giờ ăn trưa
Các bé Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận trong giờ ăn trưa

Theo Sở GD-ĐT TP, từ đây đến khi kết thúc năm học 2020-2021, Sở này sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin. Đối tượng kiểm tra gồm các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập và ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và đơn vị trực thuộc trên địa bàn TP.

Thiếu mảng sách viết về đô thị thông minh

Thông tin từ Báo Tin tức, ngày 13/10, Hội xuất bản Việt Nam – Văn phòng phía Nam, Công ty TNHH đường sách TPHCM và Báo Doanh nhân Sài Gòn đã phối hợp tổ chức tọa đàm Sách về đô thị thông minh với chiến lược phát triển đô thị thông minh của TPHCM.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty văn hóa sách Sài Gòn, cho biết hiện nay sách về đô thị thông minh tại Việt Nam khá ít bởi đây là một lĩnh vực khá mới mẻ, chủ yếu tài liệu dạng hội thảo chỉ dành cho các chuyên gia. Trong khi đó, người viết sách về chủ đề này cũng đòi hỏi phải trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng để bắt kịp chính xác sự thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4.

Hình ảnh buổi Tọa đàm
Hình ảnh buổi Tọa đàm

Mặt khác, sách chủ đề này cũng rất kén chọn bạn đọc, đa số là bạn đọc doanh nghiệp, chuyên gia...nên nhiều đơn vị chưa chú trọng đầu tư cho các loại sách viết về đô thị thông minh. 

Vì vậy, đại diện các nhà xuất bản tại TP Hồ Chí Minh cho rằng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền những vấn đề cùa thành phố trong xây dựng đô thị thông minh thông qua xuất bản, cần bố trí kinh phí và điều tiết phân bổ ngân sách hỗ trợ các đơn vị xuất bản trong việc phổ biến, phát hành các ấn phẩm đến tận tay bạn đọc.

Đồng thời, TPHCM cũng cần tiếp sức phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng để xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho công dân TP tương lai với loại sách đô thị thông minh.

Thư viện đại học Việt Nam kết nối dữ liệu sách từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ

Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 13/10, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đưa vào vận hành thư viện thông minh của trường. Đây là thư viện chuyển đổi số, được đầu tư hạ tầng hiện đại và tự động trong tất cả các khâu, người dùng có thể dễ dàng tìm sách, mượn sách, đặt phòng học… chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

Thư viện thông minh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn kết nối cơ sở dữ liệu với hơn 90 nhà xuất bản các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Người học có thể đăng ký các phòng tự học, tra cứu tài liệu online trên website và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân viên thư viện.

ra cứu dữ liệu sách tại Thư viện thông minh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: Tố Như
ra cứu dữ liệu sách tại Thư viện thông minh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: Tố Như

Theo bà Hoàng Tuyết Anh - Giám đốc thư viện nhà trường, hiện tại thư viện trường có 3 cơ sở ở ba nơi khác nhau nhưng chỉ cần 10 nhân viên để có thể quản lý tất cả các hoạt động.

Không gian của thư viện trang bị nhiều camera cảm biến và thiết bị thu thập thông tin khác. Nhờ ứng dụng công nghệ IoT, các thông số như lượng người đang tập trung ở bất kỳ vị trí nào; chất lượng không khí như bụi mịn, nhiệt độ, độ ẩm; tiếng ồn, cường độ ánh sáng đều được hệ thống thu thập để có những điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, thư viện còn trang bị chip đo âm thanh, vận dụng những thuật toán thông minh để phân tách giữa khu vực trao đổi học tập sôi động và khu vực tập trung cần yên tĩnh. Công nghệ IoT, kiến trúc và nghiệp vụ thư viện kết hợp với nhau không những tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên mà còn giúp không gian thư viện được cá nhân hóa cao độ, phù hợp với từng hoạt động diễn ra tại các khu vực.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/10/2020 - Ảnh 2

Một sinh viên của trường cho hay khi tìm một tài liệu chuyên môn nào thì vào website thư viện sẽ thấy các bài báo khoa học hay những quyển sách có thể đọc trực tiếp online trên đấy. Nếu trước đây thủ thư phải trực tiếp mở cửa, bật điều hòa các phòng họp thì nay sinh viên có thể tự đặt lịch trên điện thoại và khi đến quét mã dò code thì đèn tự động sáng, điều hòa đã được bật sẵn.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục