Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/12/2020

09:58 14/12/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 14/12:

Điều chỉnh hiệu quả giao thông 'Làn sóng xanh'

Theo báo Pháp Luật TP, Báo cáo kết quả triển khai đề án đô thị thông minh (giai đoạn 2017-2020) mới nhất của Sở GTVT TP cho biết Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh TPHCM (Trung tâm) đã tổ chức phân tích, đánh giá lưu lượng giao thông trên các tuyến đường trục chính để xây dựng bổ sung các kịch bản điều khiển “Làn sóng xanh".

Kết quả của kịch bản điều khiển “Làn sóng xanh" là thời gian dừng chờ đèn ngắn, giảm chiều dài dòng xe chờ đèn tín hiệu, tăng năng lực thông hành các tuyến đường, các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 35 km/giờ đã có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trung tâm TP trong điều kiện lưu thông thông thoáng.

Từ khi thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh TP.HCM đã điều chỉnh việc lưu thông qua các nút giao (đèn xanh - đèn đỏ) hợp lý hơn.
Từ khi thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh TP.HCM đã điều chỉnh việc lưu thông qua các nút giao (đèn xanh - đèn đỏ) hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thực hiện tối ưu thời lượng đèn cho các khu vực bàn cờ bằng cách sử dụng chu kỳ ngắn cho phép tăng tần suất phục vụ của đèn giao thông cho tất cả các hướng trong các thời gian cao điểm. Đồng thời, bổ sung các kịch bản dự phòng cho các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng đông xe di chuyển chậm.

Thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, Trung tâm tiến hành thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường trên địa bàn TP. Các thông số của dòng giao thông (lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện) cũng được hệ thống Trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm nằm trên 36 km2 khu vục các tuyến đường trung tâm TP.

Sở GTVT cũng đã đầu tư bổ sung 306 camera giám sát giao thông (tăng 55%) nâng số lượng camera giám sát giao thông kết nối trực tuyến về Trung tâm lên con số 857 camera, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị.

Làn Sóng Xanh (khởi đầu từ hệ thống giao thông nước Đức từ những năm 1960) là một hệ thống tín hiệu thi hành khi một loạt đèn tín hiệu giao thông trên các giao lộ (ít nhất từ ba trở lên) của một đường phố hoạt động phối hợp nhau đảm bảo cho dòng xe cộ được chạy thông suốt trên đường này.

Chẳng hạn trên các giao lộ của một trục đường các đèn hiệu màu xanh (đỏ) liên tục chạy đuổi nhau với tốc độ trung bình 25-35 km/giờ (là tốc độ cho phép xe chạy trong thành phố) sẽ đảm bảo dòng xe cộ chạy với tốc độ trên được thông suốt mà không phải dừng lại. Việc này khuyến khích xe cộ chạy theo tốc độ hợp lý đã quy định trong TP. 

Công bố dịch vụ hỗ trợ về an ninh và y tế khẩn cấp cho du học sinh Việt Nam

Báo SGGP đưa tin, ngày 13/12, tại TPHCM, Tổ chức du học quốc tế Unimates Education đã phối hợp với Công ty TNHH International SOS công bố dịch vụ hỗ trợ y khoa và an ninh khẩn cấp toàn cầu dành cho các du học sinh Việt Nam đang theo học tại 90 quốc gia trên thế giới.

Ông Lê Quang Bắc, đại diện Tổ chức du học quốc tế Unimates Education, cho biết International SOS là một trong những đơn vị hỗ trợ về y khoa và an ninh thế giới có mặt đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, đơn vị này đã có mặt tại hơn 90 quốc gia trên thế giới với 26 trung tâm hỗ trợ cấp cứu, phụ trách điều phối các dịch vụ về an ninh và y tế với hơn 90.000 đối tác vận chuyển hàng không, cấp cứu, xét nghiệm và chăm sóc y tế.

Tại Việt Nam, 3 thành phố gồm TPHCM, Hà Nội và Vũng Tàu có văn phòng hỗ trợ du học sinh Việt Nam với hơn 750 đối tác cung cấp dịch vụ về vận chuyển hàng không và y tế.

Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về an ninh và y tế cho du học sinh Việt Nam. Ảnh: SGGP
Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về an ninh và y tế cho du học sinh Việt Nam. Ảnh: SGGP

Với sự hợp tác lần này, du học sinh Việt Nam sẽ được hỗ trợ tư vấn các vấn đề về an ninh, sức khoẻ và tâm lý thông qua đường dây nóng hoạt động 24/7. Trường hợp khẩn cấp, phụ huynh và học sinh sẽ được hỗ trợ các chuyến bay khẩn cấp từ nước ngoài về Việt Nam hoặc ngược lại khi gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Được biết, gói hỗ trợ sẽ được tiến hành từ giai đoạn du học sinh làm hồ sơ, xin học bổng, thực hiện các thủ tục trước khi đi du học cũng như các chỉ dẫn về nơi ở, chọn ngành học, trường học, các vấn đề có thể nảy sinh về tâm lý, sức khỏe, trở ngại giao tiếp trong suốt quá trình các em theo học tại nước ngoài. Đặc biệt, trong tình hình thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, du học sinh có nhu cầu về nước sẽ được hỗ trợ tư vấn thủ tục để đáp ứng các chuyến bay phù hợp.

Nóng vé máy bay Tết, ảm đạm vé tàu

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết không chỉ Vietnam Airlines mà các hãng hàng không khác cũng đều xây dựng phương án mở bán lượng vé Tết tương đương hoặc nhiều hơn năm ngoái, do dự báo nhu cầu cao từ thị trường.

Từ cuối tháng 11, nhiều đường bay của các hãng hàng không dịp cao điểm Tết đã đầy từ 50% đến trên 90% số ghế. Các chuyến bay đã gần đầy chỗ trên chiều bay từ các TP lớn như Hà Nội, TPHCM về các tỉnh, thành như Thanh Hóa, Vinh, Huế, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Quảng Nam… vào giai đoạn áp Tết và sau Tết.

Số chỗ vé máy bay tết được cung ứng rất nhiều, song giá vé vẫn cao
Số chỗ vé máy bay tết được cung ứng rất nhiều, song giá vé vẫn cao

Mặc dù số lượng vé cung ứng ra thị trường rất nhiều và còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết nhưng tại một số chặng bay “hot” đã báo hết các dải vé giá rẻ. Đơn cử, đặt vé máy bay trên trang website của Vietnam Airlines, 12 chuyến bay chặng TPHCM - Đà Nẵng ngày 6/2 (25/12 âm lịch), bao gồm cả chuyến do Hãng Pacific Airlines khai thác cũng đều báo hết vé hạng phổ thông tiết kiệm, phổ thông tiêu chuẩn, chỉ còn vé hạng phổ thông linh hoạt và vé thương gia.

Trong khi đó, khác với hàng không, sức mua vé tàu lửa năm nay của ngành đường sắt chậm hơn rõ rệt. Trong ngày đầu mở bán, Đường sắt Sài Gòn ghi nhận có 10.000 vé tàu đặt mua đã thanh toán và 36.000 vé đã được đặt giữ chỗ. Trên hệ thống bán vé tàu điện tử, lượng khách truy cập cao nhất là 20.000 người cùng một thời điểm, số lượng giảm khoảng một nửa so với các năm trước.

Vẫn còn khoảng 100.000 vé tàu tết chưa có người mua
Vẫn còn khoảng 100.000 vé tàu tết chưa có người mua

Mặc dù áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nhưng theo khảo sát, giá vé tàu khá cao. Chẳng hạn, vé tàu từ TPHCM đi Diêu Trì (Bình Định) ngày 9/2 (tức 28/12 âm lịch) đối với tàu SE6, loại giường nằm tầng 3 khoang 6 giường, có giá 1,345 triệu đồng/vé, cao hơn 2 lần so với giá vé giường nằm điều hòa của một hãng xe khách chất lượng cao trong Bến xe Miền Đông.

Mức chênh lệch giá, thời gian chạy tàu lâu hơn chính là lý do khiến nhiều người chọn đi xe khách giường nằm chất lượng cao thay vì đi tàu lửa.

Vé xe phải chờ cuối tháng 12

Mở bán muộn hơn so với hàng không và đường sắt, hai bến xe lớn nhất TPHCM là Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây dự kiến đến giữa hoặc cuối tháng 12 mới có thông tin vé tết.

Xu hướng giảm rác thải từ rau - củ - quả

Thông tin trên báo Người Lao Động, số liệu tổng hợp báo cáo của 3 chợ đầu mối tại TP gồm Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền cho thấy, sau 3 năm triển khai, chương trình sơ chế nông sản tại nguồn đã đạt được những tín hiệu tích cực.

Trong đó, lượng rác thải hữu cơ (chủ yếu là rác thải có nguồn gốc từ rau - củ - quả) đổ về các chợ đầu mối có xu hướng giảm dần. Cụ thể: năm 2018 là 242,4 tấn/đêm (chiếm 2,76% tổng lượng hàng về chợ), năm 2019 là 199 tấn/đêm (2,23%) và 7 tháng đầu năm 2020 là 173 tấn/đêm (2,2%).

Như vậy, sau 3 năm, lượng rác thải từ rau - củ - quả, đã giảm khoảng 60 - 65 tấn/đêm (sau khi đã ước tính loại trừ lượng rác của các hàng hóa khác), tương đương 25% - 27% lượng rác thải năm 2018.

Tại các chợ, hầu như không còn tình trạng sơ chế mặt hàng rau - củ - quả trong nhà lồng. Nhiều đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản đã tiến hành sơ chế, đóng gói tại nơi nuôi trồng trước khi nhập chợ.

Không còn tình trạng sơ chế rau - củ - quả trong nhà lồng nên cảnh quan và môi trường ở chợ đầu mối tại TP HCM được cải thiện hơn
Không còn tình trạng sơ chế rau - củ - quả trong nhà lồng nên cảnh quan và môi trường ở chợ đầu mối tại TP HCM được cải thiện hơn

Giao Thanh niên xung phong quản lý, thu phí đỗ xe ô tô trên đường

Báo Tiền Phong đưa tin, theo đề nghị của Sở GTVT, UBND TP đã chính thức giao cho Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (gọi tắt Công ty TNXP) quản lý đỗ xe và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TP.

Theo đó, Công ty TNXP có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan (đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ và đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán) để triển khai công tác quản lý đỗ xe và thu phí, đề xuất các nội dung chi phí, quy trình thanh toán gửi Sở GTVT để phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, trình UBND TP.

Nhân viên Công ty TNXP đang thu phí đỗ ô tô trên đường Lê Lai (quận 1)
Nhân viên Công ty TNXP đang thu phí đỗ ô tô trên đường Lê Lai (quận 1)

Công ty TNXP quản lý số thu, chi theo quy định và định kỳ báo cáo Sở GTVT, Sở Tài chính để theo dõi. Trường hợp số thu vượt số chi, các Sở - ban - ngành chức năng và các đơn vị liên quan báo cáo UBND TP trình HĐND TPH điều chỉnh tỷ lệ để lại cho phù hợp. Sở GTVT sẽ căn cứ vào tình hình trật tự giao thông trên các tuyến đường để tham mưu UBND TP điều chỉnh tăng (hoặc giảm) danh mục các tuyến đường thu phí.

Về kinh phí, UBND TP cũng quyết định sử dụng từ nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe được trích để lại để tổ chức và hoạt động bộ máy quản lý đỗ xe và thu phí. Hàng năm, Công ty TNXP sẽ lập dự toán trình Sở Tài chính thống nhất trước khi thực hiện để có cơ sở kiểm tra giám sát.

Hiệp hội Taxi TP ủng hộ quy định mới về thuế

Một thông tin khác từ báo Pháp luật TP, Hiệp hội Taxi TP vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thể hiện sự đồng tình, ủng hộ với quy định thuế tại Nghị định 126 của Chính phủ.

Cụ thể, Hiệp hội Taxi TP đã dẫn khoản 2, Điều 3, Nghị định số 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xác định kinh doanh vận tải ô tô là thực hiện ít nhất một trong những công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường nhằm mục đích sinh lợi.

Hiệp hội Taxi TP cho rằng với khái niệm trên, hoạt động của các công ty công nghệ như Grab, be, Gojek... được xem là hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/12/2020 - Ảnh 1

Tiếp đến, Hiệp hội Taxi trích dẫn điểm c, khoản 5 Điều 27 của Nghị định 126 về trách nhiệm kê khai và nộp thuế: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế, tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với toàn bộ doanh thu của hoạt động".

Với quy định này, các công ty công nghệ rõ ràng là tổ chức phải khai thuế và nộp thuế VAT thay người tiêu dùng. Từ đó, Hiệp hội khẳng định quy định thuế tại Nghị định 126 “sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh hơn giữa các loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có taxi và loại hình vận tải tương tự”.

Khó khăn trong xử lý hình sự đối tượng an toàn thực phẩm

Báo Người Lao động cho hay, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ - ngành mới đây về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020 trên địa bàn TPHCM, UBND TP đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc về xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo UBND TP, tại Điều 6 Luật ATTP quy định có 2 biện pháp xử lý trong lĩnh vực ATTP là xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý hình sự.

Muốn xử lý đối với hành vi phạm tội quy định tại Khoản 2, Điều 317 Bộ Luật Hình sự năm 2015, phải có hậu quả làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Theo đó, mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.

Tuy nhiên, việc xác định tỉ lệ thương tổn ngay khi sử dụng loại thực phẩm đó là chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực ATTP.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm

Bên cạnh đó, việc xác định hậu quả nghiêm trọng hầu như chỉ dựa vào việc có chết người, trong khi những chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm không gây chết người ngay lập tức mà qua thời gian dài tích tụ trong cơ thể mới gây ra hậu quả. Do vậy, cơ quan chức năng chưa có cơ sở để xử lý hình sự và phải chuyển sang xử lý hành chính, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng không đủ sức răn đe.

Ngoài ra, do đặc thù hoạt động của chợ đầu mối, hoạt động phân phối sản phẩm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (ngay trong đêm). Để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định và kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian từ 2 - 4 ngày.

Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, nếu có kết quả dương tính thì lô hàng đã được phân phối, không còn tại chợ.

Vì vậy, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối chỉ có thể bằng hình thức phạt tiền còn việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy) thật sự có khó khăn. Từ những bất cập trên, để kiểm soát vệ sinh ATTP, UBND TP đề nghị bổ sung các quy định về kiểm soát từ nguồn, trong quá trình nuôi trồng, quy hoạch.

Theo UBND TP, trong năm 2020, Ban Quản lý ATTP TP đã kiểm tra 6.364 cơ sở, phát hiện 239 cơ sở vi phạm, xử phạt 230 cơ sở với tổng số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn 4 cơ sở; buộc tháo dỡ, tháo gỡ quảng cáo 5 cơ sở; buộc kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch lại 315 kg sản phẩm động vật, thực hiện tịch thu để tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 2.608 kg sản phẩm động vật.

Ngắm những linh vật Giáng sinh làm từ vỏ trứng của Thầy giáo già

Là thầy giáo dạy Anh văn ở tuổi 70, ông Nguyễn Thành Tâm vẫn rất say mê sáng tạo nhiều nhân vật quen thuộc, các loại đồ vật từ vỏ trứng. Vào dịp Noel năm nay, ông cũng đã hoàn thành bộ sưu tập linh vật Giáng sinh đậm phong cách thời Covid-19. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Chia sẻ về ý tưởng làm, ông Tâm cho biết mọi hoạt động năm nay đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hình ảnh chiếc khẩu trang, mũ đeo chống giọt bắn trở nên quen thuộc với người dân nên các nhân vật ông tạo hình đều phải hướng theo dòng sự kiện chung.

Ông già Noel to nhất ông Tâm từng làm là từ trứng con đà điểu - Ảnh: HOÀNG AN
Ông già Noel to nhất ông Tâm từng làm là từ trứng con đà điểu - Ảnh: HOÀNG AN

"Ông già Noel năm nay vẫn đi phát quà cho các em nhỏ, nhưng chắc chắn vẫn không quên việc phòng chống dịch bệnh cho bản thân và mọi người" - Thầy giáo nói thêm.

Ông Tâm dành khoảng 1 tháng để hoàn thành bộ sưu tập. Sau khi lên ý tưởng, ông phải tìm đủ các vỏ trứng ngỗng, vịt, gà và trứng cút để làm sạch, kết hợp nhiều nguyên phụ liệu khác nhau để tạo hình giống với nhân vật gốc.

Theo ông, công đoạn khó nhất khi làm là giữ sao cho vỏ trứng không bị vỡ và kết hợp các phụ kiện đi kèm sao cho thật sinh động. Dịp Tết Nguyên đán năm Tân Sửu sắp tới, ông sẽ tiếp tục làm các hình tượng chào đón năm mới bằng vỏ trứng.

Gương mặt ông già Noel làm từ vỏ trứng cút và trứng gà thời COVID - Ảnh: HOÀNG AN
Gương mặt ông già Noel làm từ vỏ trứng cút và trứng gà thời COVID - Ảnh: HOÀNG AN
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/12/2020 - Ảnh 2
Tạo hình ông già Noel mũm mĩm từ vỏ trứng và một số nguyên phụ liệu khác - Ảnh: HOÀNG AN
Ngoài ra, ông Tâm còn sáng tạo nhiều tác phẩm khác từ vỏ trứng như Bạch tuyết và 7 chú lùn, các nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình - Ảnh HOÀNG AN
Ngoài ra, ông Tâm còn sáng tạo nhiều tác phẩm khác từ vỏ trứng như Bạch tuyết và 7 chú lùn, các nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình - Ảnh HOÀNG AN
Thầy giáo Tâm dành khoảng 1 tháng để hoàn thành ý tưởng cho các linh vật này từ ông già Noel, xe kéo, con tuần lộc - Ảnh: HOÀNG AN
Thầy giáo Tâm dành khoảng 1 tháng để hoàn thành ý tưởng cho các linh vật này từ ông già Noel, xe kéo, con tuần lộc - Ảnh: HOÀNG AN

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục