Đóng cửa các khu trò chơi, thể dục thể thao phòng chống Covid-19
Báo Tiền Phong cho hay, ngày 13/5, Sở Xây dựng TP đã có thông báo về việc phòng chống dịch Covid-19 đối với một số khu vực công cộng do Sở quản lý, phụ trách.
Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các khu trò chơi thiếu nhi, khu thể dục thể thao, sân sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động thể chất, sinh hoạt hội, nhóm thường xuyên hay định kỳ trong công viên, các khu vực mảng xanh.
Các đơn vị quản lý có trách nhiệm lắp đặt các rào chắn, đặt các bảng thông tin cho người dân về việc tạm dừng hoạt động đối với các loại hình hoạt động trên tại những khu vực phụ trách.
Ngoài ra, đơn vị quản lý cử người trực thường xuyên ở các cổng ra vào để giải thích, hướng dẫn và yêu cầu người dân thực hiện đúng quy định về giãn cách để phòng dịch.
Riêng các công trình xây dựng trên địa bàn TP được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ quy định an toàn phòng chống dịch của UBND TP. Trong đó, các đơn vị liên quan phải tổ chức đo thân nhiệt người ra vào công trường, nhân công làm việc phải đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn thiết bị, máy móc, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu không bảo đảm các yêu cầu trên thì công trường phải ngừng hoạt động để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19.
Trục xuất 52 người nước ngoài nhập cảnh trái phép
Theo báo SGGP, tối ngày 13/5, Công an TP cho biết, trong hai ngày 7 và 8/5, Công an TP đã tổ chức trục xuất 52 đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép bị phát hiện, bắt giữ trên địa bàn TP.
Bước đầu nhóm đối tượng này khai nhận thông qua một số người môi giới và tổ chức nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc. Sau đó, những người này theo xe khách di chuyển vào TPHCM. Các đối tượng khai mục đích vào Việt Nam để tìm việc làm hoặc chờ để xuất cảnh sang làm việc tại Campuchia.
Công an TP cho biết, nhập cảnh trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời điểm dịch bệnh đang tái bùng phát, đơn vị tiếp tục tăng cường nắm tình hình, thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Hơn 16.800 công nhân được xét nghiệm Covid-19
Cũng trên Tbáo SGGP, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN) TP, Công đoàn các KCN-KCN TP đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, các trung tâm y tế quận - huyện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho 16.800 công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao, khu lưu trú công nhân trên địa bàn TP.
Riêng ngày 13/5, Ban Quản lý và Công đoàn các KCX-KCN TP phối hợp với Trung tâm y tế quận 7 tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho 400 công nhân đang làm việc tại KCX Tân Thuận. Đây là những công nhân làm việc tại bộ phận được đánh giá có nguy cơ cao.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP, Ban quản lý và Công đoàn các KCX-KCN đã triển khai nhiều chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà máy tại KCX-KCN theo Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 của TPHCM.
Sắp có tuyến buýt nhanh đầu tiên
Trao đổi với Pháp Luật TP, Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP (Ban giao thông) cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, Ban giao thông đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án "Phát triển giao thông xanh" để trình Sở GTVT và dự kiến khởi công vào đầu tháng 9/2021. Thời gian dự kiến hoạt động thương mại vào cuối năm 2022.
Theo Ban giao thông, dự án nhằm thực hiện đưa tuyến xe buýt nhanh số 01 (tuyến BRT số 1) vào hoạt động dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) với suất đầu tư khoảng 3 triệu USD/km.
Tuyến BRT số 1 có chiều dài toàn tuyến là 26 km với điểm đầu tại nút giao An Lạc kết nối vào ga Rạch Chiếc của tuyến metro số 1. Ngoài ra BRT số 1 còn kết nối đến trạm trung chuyển Hàm Nghi và trạm trung chuyển Chợ Lớn để tăng tính kết nối với hệ thống xe buýt hiện hữu.
Theo Ban giao thông, tuyến này có đặc trưng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ tương tự loại hình BRT light trên thế giới. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh như thẻ vé và kiểm soát vé thông minh; tiếp cận thông minh; nối kết thông minh; thông tin thông minh; vận hành thông minh; quản lý và tổ chức giao thông thông minh.
Cục Hàng không yêu cầu phải hoàn trả phí dịch vụ cho khách hủy vé
Cục Hàng không vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam phải hoàn trả giá dịch vụ phục vụ hành khách và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý khi hành khách hoàn, huỷ vé máy bay. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không làm rõ việc chuyến bay huỷ nhưng khách không được trả lại tiền phí dịch vụ sân bay. Thông tin trên báo Thanh Niên.
Theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT, phí soi chiếu an ninh tại sân bay là 20.000 đồng/hành khách. Phí phục vụ hành khách tại sân bay chia theo 3 nhóm sân bay với các mức 60.000 - 80.000 - 100.000 đồng/hành khách. Hãng hàng không sẽ thu hộ cho sân bay (gộp vào giá vé) và chuyển phí này cho cảng hàng không theo số lượng hành khách đi máy bay thực tế, hãng hưởng 1,5% công thu hộ.
Cục Hàng không cho rằng, trường hợp hành khách hoàn, hủy vé máy bay thì hai khoản phí hãng đã thu của khách không thuộc khoản tiền hãng phải thanh toán cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ hành khách, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý. Do đó, việc hoàn trả giá dịch vụ phục vụ hành khách và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý khi hành khách hoàn, hủy chuyến là cần thiết và phù hợp.
Siết chặt kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản
Theo VOV.vn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và hạn chế rủi ro.
Trong đó, tín dụng bất động sản phải kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM, 4 tháng qua, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại TPHCM được gần 2.930.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt hơn 2.600.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm trước. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 54% tổng dư nợ, tăng hơn 3,3%. Trong cơ cấu dư nợ cho vay, bất động sản chiếm từ 12-13% tổng dư nợ; sản xuất, kinh doanh chiếm 71%.
Hiện nay mức tăng trưởng tín dụng và cơ cấu dư nợ này là phù hợp. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trong cho vay bất động sản thời gian tới, cơ quan này đang kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, vì đầu tư cho bất động sản là vay dài hạn.
“Hệ số rủi ro cho vay lĩnh vực bất động sản đã được ngân hàng nâng từ 150% năm 2018 lên hiện nay là 200%, dự kiến thời gian tới có khả năng nâng lên là 250%” - Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết. Cùng với đó, ngân hàng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc trích lập rủi ro khi cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM tăng cường các phương án phòng dịch cho sinh viên ở lại
Thông tin khác trên VOV.vn, tính đến chiều ngày 13/5, Ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TPHCM có khoảng 18.000 sinh viên đang ở lại. Hơn 2.000 sinh viên trong số này sẽ tiếp tục rời KTX thời gian tới. Khoảng 16.000 sinh viên còn lại tiếp tục ở KTX vì nhiều lý do như: sinh viên ở địa phương có vùng dịch, sinh viên làm đồ án chuẩn bị tốt nghiệp, học online…
Ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng tổng hợp, Trung tâm quản lý KTX Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, để đảm bảo an toàn cho sinh viên, Ban quản lý đã ban hành những quy định cho sinh viên ở lại như: thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo quy tắc 5K, thực hiện khai báo y tế trên trang thông tin sinh viên KTX Đại học Quốc gia TPHCM.
Đồng thời, sinh viên ở lại phải thực hiện theo sự sắp xếp, bố trí chỗ ở, chấp hành sự chuyển đổi phòng tại KTX khi cần thiết. Sinh viên cũng được khuyến cáo hạn chế đi làm thêm nếu không thực sự cần thiết; hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với sinh viên khác tòa nhà, khác phòng để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Cùng trong thời gian này, KTX cũng không tiếp nhận khách, thân nhân... đến thăm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. KTX cũng tạm ngưng nhận sinh viên mới đăng ký đến ở cho tới khi có thông báo mới. Sinh viên đã rời ký túc xá trước đó không được quay lại khi chưa có lịch học chính thức từ cơ sở đào tạo.
Hàng quán đông đúc bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tối 12/5 và 13/5, nhiều quán cà phê, quán nhậu trên địa bàn TP diễn ra tình trạng hoạt động kinh doanh đông đúc (quá 30 người) và nhân viên không thực hiện đeo khẩu trang theo quy định.
Đơn cử như quán nhậu tại cuối đường Trường Sa (phường 19, quận Bình Thạnh), phần lớn bàn ghế trong quán được bày san sát. Có những thời điểm, khách ngồi chật kín, lấn ra gần nửa phần đường đi.
Nhiều quán cà phê, quán nước cũng trong tình trạng tương tự. Như tại đoạn bờ kè Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), nhiều người tập trung ngồi san sát cách nhau chưa đến nửa mét.
Tại các công viên và phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), một số người dân vẫn thản nhiên ngồi gần nhau trò chuyện thoải mái và không đeo khẩu trang.
Việc này đã làm trái với chỉ đạo của UBND TP về việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống phải đảm bảo khoảng cách từ 1m trở lên giữa hai người và không được phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)