Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/6/2024

11:04 14/06/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 14/6/2024

Sôi động trận giao hữu giữa đội các lãnh đạo báo chí và cán bộ công chức TPHCM

Báo SGGP đưa tin, chiều 13/6 trên sân Thống Nhất đã diễn ra trận thi đấu bóng đá đặc biệt giữa hai đội Cán bộ - Công chức TPHCM (CBCC TPHCM) và đội Hội Nhà báo gồm lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí. 

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao cúp cho đội bóng Hội Nhà báo. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao cúp cho đội bóng Hội Nhà báo. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Trận đấu giao hữu diễn ra dù căng thẳng, quyết liệt nhưng đầy tính giao lưu giữa cầu thủ hai đội cũng như không thiếu những tiếng cười của cầu thủ đôi bên. Đến dự khán trận đấu và trao giải có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thường trực TPHCM Nguyễn Hồ Hải.

Tranh chấp quyết liệt giữa 2 đội bóng cán bộ, công chức TPHCM (áo đỏ) và Đội bóng Hội Nhà báo (áo xanh)
Tranh chấp quyết liệt giữa 2 đội bóng cán bộ, công chức TPHCM (áo đỏ) và Đội bóng Hội Nhà báo (áo xanh)

Trận giao hữu bóng đá nhằm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) và phát động phong trào tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt giải nhằm gây quỹ hỗ trợ “cô học trò cha mất, mẹ bỏ đi và không nhà cửa” tại Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (theo lời kêu gọi của Báo Thanh Niên). Tổng số tiền thu được từ cầu thủ hai đội là 83 triệu đồng.

Ngoài giao lưu bóng đá, các “cầu thủ” hai đội cũng có hoạt động từ thiện ý nghĩa là quyên góp tiền để hỗ trợ học bổng Tiếp sức đến trường hợp cho em Hồ Huỳnh Nhi (huyện Cần Giờ).

'Mưa' quà tặng và tiệc âm nhạc tại lễ hội Không tiền mặt 2024

Theo báo Tuổi Trẻ, chiều nay 14/6, lễ hội Không tiền mặt 2024 sẽ khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) với nhiều hoạt động, quà tặng hấp dẫn. 

Lễ hội Không tiền mặt 2024 và chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2024 đã sẵn sàng khai hội tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Lễ hội Không tiền mặt 2024 và chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2024 đã sẵn sàng khai hội tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Lễ hội Không tiền mặt 2024 diễn ra trong ba ngày với những hoạt động trải nghiệm dịch vụ thanh toán hiện đại, nâng cao kỹ năng bảo mật trong thanh toán và nhận ngàn quà tặng hấp dẫn. Chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2024 cũng được khai mạc với "bão" ưu đãi cho người tiêu dùng.

Không gian tổ chức lễ hội Không tiền mặt năm 2024 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đều rất chăm chút cho không gian trải nghiệm của mình từ thiết kế, thi công đến trang trí.

Theo ban tổ chức, trong ba ngày 14, 15 và 16/6, các gian hàng doanh nghiệp, ngân hàng như Vietcombank, Viettel Money, HDBank, Techcombank, SaigonCo.op, ACB, Visa, Mastercard, BIDV, TPBank, MoMo, JCB, Nam A Bank, SHB, Agribank, Eximbank, VPBank, Cake by VPBank... sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hoạt náo cho người dân tiếp cận, làm quen với các phương thức thanh toán mới…

Trạm y tế ở TPHCM không còn là chốn đìu hiu

Với cơ sở vật chất và nhân sự dần được hoàn thiện, các trạm y tế ở TPHCM đang ngày càng thu hút đông bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, giúp giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên. Nội dung trên báo Phụ Nữ TP.

Bệnh viện huyện Cần Giờ được trang bị hệ thống chạy thận nhân tạo hiện đại nên người dân nơi đây không còn phải khổ sở đi vào trung tâm thành phố lọc thận ẢNH: PHẠM AN
Bệnh viện huyện Cần Giờ được trang bị hệ thống chạy thận nhân tạo hiện đại nên người dân nơi đây không còn phải khổ sở đi vào trung tâm thành phố lọc thận ẢNH: PHẠM AN

Theo bác sĩ Tăng Phước Quân, trước đây Trạm Y tế phường 1, quận 3 chỉ làm công tác y tế dự phòng như tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… chứ chưa khám, điều trị bệnh nên ít được người dân biết đến. Từ tháng 7/2022, trạm bắt đầu khám bệnh cho diện có bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng cũng chỉ có 4-5 người đến khám. Giữa năm 2023, trạm có 40-50 lượt khám/tháng và nay là trên 100 lượt/tháng.

Bác sĩ Tăng Phước Quân kể: “Ban đầu, các cô chú lớn tuổi hỏi mấy ông có gì mà khám, có thuốc không mà đòi khám. Nghe vậy, chúng tôi rất buồn nhưng cũng hạ quyết tâm chứng minh cho người dân biết mình có gì, làm được gì, từ đó họ tin tưởng và đến khám”. Theo ông, sự ân cần thăm hỏi, khám, tư vấn bệnh, giải thích bệnh, dặn dò uống thuốc đúng giờ, nhắc lịch tái khám… của y bác sĩ ở trạm đã tạo sự tin tưởng nơi người dân.

Hiện tại, Trạm Y tế phường 1, quận 3 đang chăm sóc sức khỏe cho khoảng 13.000 dân, trong đó có 2.700 người cao tuổi. Ngoài khám cho người dân trong phường, trạm còn liên kết với Trạm Y tế phường 2, phường 3 để cùng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân.

Sắp thông xe cầu Nam Lý ở thành phố Thủ Đức

Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP, hiện nay dự án cầu Nam Lý, đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức đang được chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) tích cực thi công, đẩy nhanh tiến độ. Trên công trường dự án cầu Nam Lý đang rất sôi động, nhộn nhịp với nhiều hạng mục được triển khai đồng bộ.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/6/2024 - Ảnh 1

Cụ thể hiện nay, về phần xây dựng cơ bản cầu Nam Lý đã tương đối hoàn thiện, hai nhánh cầu cũng đã được hợp long. Hiện các nhà thầu đang triển khai hạng mục xây dựng đường nối vào đầu cầu Nam Lý. Đồng thời, nhà thầu khác cũng đang triển khai thi công đường gom khu vực dân cư, bên hông cầu.

Đại diện Ban Giao thông cho biết hiện nay nhà thầu đang tích cực thi công, đẩy nhanh tiến độ, chỉ còn hai nhịp biên bên trái từ mố M1 đến trụ T2 và một nhịp biên bên phải từ mố M1 đến trụ T1 là kết thúc phần cầu.

Nhà thầu cũng đang thi công hạng mục đường đầu cầu và tường chắn phía mố M1, đường gom phía khu dân cư bên trái tuyến. Dự kiến dự án cầu Nam Lý sẽ được hoàn thành kết cấu nhịp và đường đầu cầu trong tháng 8-2024, hoàn thiện các hạng mục còn lại của cầu để thông xe trong tháng 9.

Thiết kế 5 phương án nhận diện riêng xe buýt kết nối metro Bến Thành-Suối Tiên

Dự kiến, các tuyến xe buýt kết nối các nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sẽ có đặc điểm nhận diện riêng qua màu sắc, họa tiết, hình ảnh đặc trưng nhằm giúp hành khách dễ nhận biết.

Nhà ga Đại học Quốc gia Thành phố của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Nhà ga Đại học Quốc gia Thành phố của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo VietNamPlus, nội dung này vừa được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM gửi Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thành phố Thủ Đức, Hội Mỹ thuật Thành phố lấy ý kiến các phương án nhận diện xe buýt trên tuyến này.

Ý tưởng thiết kế chung về màu sắc của các tuyến xe buýt là sự kết hợp hài hòa của các màu đặc trưng như hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là màu xanh dương, tàu metro số 1 là màu xanh và màu trắng, màu sắc chủ đạo của thành phố Thủ Đức là màu vàng; đồng thời thể hiện màu xanh lá để hướng tới phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc nhận diện xe buýt bằng hình ảnh là phương án giúp người dân có thể nhận biết được tính chất của tuyến thông qua các yếu tố như màu sắc, số hiệu tuyến, tên tuyến, logo, họa tiết, hình ảnh đặc trưng... Ngành giao thông thành phố đã thiết kế 5 phương án để nhận diện phương tiện xe buýt hoạt động kết nối nhà ga tuyến metro số 1.

Tiệm tạp hóa truyền thống: 'Lột xác' dẫn dắt thị trường

Không cam chịu là điểm bán hàng nhỏ lẻ, vặt vãnh, nhiều tiệm tạp hóa truyền thống ở TPHCM đã không ngừng thay đổi, vươn lên để dẫn dắt nhu cầu tiêu dùng, thậm chí còn “bắt tay” với các hệ thống siêu thị để nhằm nâng cấp trở thành cửa hàng bán lẻ hiện đại. 

Tiệm tạp hóa theo hướng hiện đại hút khách đến mua sắm Ảnh: U.P
Tiệm tạp hóa theo hướng hiện đại hút khách đến mua sắm Ảnh: U.P

Báo Tiền Phong ghi nhận, "Cửa hàng sạch sẽ, hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng… " là những đánh giá “5 sao” của khách hàng dành cho tiệm tạp hóa Dì Ba (quận 10). Bà Lê Thị Lệ, chủ tiệm tạp hóa cười vui vẻ, tiết lộ bà kết hợp cả yếu tố hiện đại và truyền thống trong kinh doanh.

“Qua rồi cái thời tiệm tạp hóa chỉ bán mắm muối, gạo mì… Tạp hóa bây giờ không thua gì siêu thị mini thu nhỏ, sạch sẽ, tiện lợi và có đủ các mặt hàng từ đồ ăn đến đồ chơi trẻ em. Cách thức hoạt động của tiệm tạp hóa được tôi học hỏi từ mô hình ở các siêu thị, đó là nguồn gốc, chất lượng sản phẩm đến hình thức thanh toán, hậu mãi” - bà Lệ bộc bạch.

Tuy nhiên, do đây là tiệm tạp hóa truyền thống nên bà Lệ “khuyến mãi” theo cách truyền thống như tặng thêm cọng hành, trái ớt; hay khách đem thiếu tiền thì bà cũng bán, hôm sau trả.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, chuyên gia Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, kết quả khảo sát của Hội cho thấy, có tới 70% người tiêu dùng chọn mua hàng tại tiệm tạp hóa, do những hấp lực về giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán. Nhiều tiệm tạp hóa hiện còn ứng dụng phương thức mới, kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến và chăm sóc khách hàng rất chuyên nghiệp. Do vậy, mô hình nâng cấp, chuyển đổi cửa hàng tạp hóa truyền thống thành hiện đại sẽ chiếm ưu thế hơn so với siêu thị, đại siêu thị.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục