Ngày 15/7, thông xe nhánh N2 hầm chui An Sương
Báo Pháp Luật TP đưa tin, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP cho biết, Nhánh hầm N2 thuộc dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương sẽ thông xe vào ngày 15/7.
Đây là nhánh thứ hai của dự án được thông xe và kỳ vọng góp phần giảm áp lực giao thông phía Tây Bắc TP, nơi giao nhau giữa quốc lộ (QL) 1 với QL22.
Theo ghi nhận, nhánh N2 của dự án dài 385m đã được trải nhựa và thông 18 đốt hầm. Trong đó, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu, vạch kẻ làn đường, hệ thống PCCC… được lắp đặt để chuẩn bị cho ngày thông xe.
Trước đó, nhánh N2 phải tạm ngưng thi công từ tháng 12/2018 để chờ giải phóng mặt bằng. Thời điểm này nhánh N2 đã hoàn thành 11/18 đốt hầm. Đến giữa tháng 10/2019, huyện Hóc Môn đã bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và thi công mở rộng mặt đường QL22. Lúc này chủ đầu tư mới tiếp tục thi công các đốt hầm còn lại (gồm một đốt hầm kín và sáu đốt hầm hở).
Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông cho biết thêm: Công trình cùng lúc triển khai thi công nhiều gói thầu trong khi khu vực có mật độ giao thông rất đông và phức tạp, gây khó khăn cho quá trình thi công. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc các đơn vị phải thực hiện giãn cách xã hội và kiểm soát phòng, chống dịch nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến nay, sau năm tháng tập trung thi công, nhánh hầm N2 đã hoàn thành, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan.
Xử nghiêm phương tiện giao thông dán bản đồ Việt Nam thiếu Hoàng Sa, Trường Sa
Ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, vào chiều 13/7 trên nhiều tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Xa Lộ Hà Nội có khá nhiều các chủ phương tiện có biển số xe gắn kèm bản đồ hay cờ Việt Nam phía sau đuôi xe, đa phần các xe còn rất mới vừa được đăng kí biển số.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi đi văn bản đề nghị các Bộ cùng vào cuộc xử lý các xe dán đề can bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nội dung công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân và tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe, nhưng những bản đồ này không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đáng lo ngại hơn, khung biển số ô tô, mô tô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố cả nước và một số sàn giao dịch điện tử, sẽ có tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo.
Hiện nay, việc các phương tiện dán và gắn bản đồ Việt Nam không thể hiện 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 18/2020/NĐ-CP (mới có hiệu lực từ 01/4/2020) với mức phạt từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ (khoản 2 Điều 11).
Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Buộc cải chính thông tin, sửa chữa dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ. Buộc thu hồi dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm (nếu có).
Nếu cá nhân nước ngoài vi phạm, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi nói trên còn căn cứ vào Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định 72/2015 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Nghị định 18/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Các cơ quan giải ngân dưới 50% đầu tư công phải giải trình
Theo báo Lao Động, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các quận - huyện, sở - ban - ngành giải trình vì giải ngân kế hoạch đầu tư công đến ngày 30/6 dưới 50%.
Theo đó, UBND TP giao các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư giải trình nguyên nhân (khách quan, chủ quan) những dự án giải ngân đến ngày 30/6 dưới 50%, đề xuất giải pháp khắc phục, cam kết tiến độ giải ngân.
Đồng thời, TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá tình hình giải ngân và đề xuất xử lý phù hợp đối với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư có dự án giải ngân dưới 50%, trình UBND thành phố trước ngày 20/7.
Theo danh sách của UBND TP, có 39 cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 50% trong 6 tháng đầu năm 2020. Ở khối quận - huyện thì huyện Nhà Bè có tỉ lệ giải ngân thấp nhất khi chỉ đạt 22,8%. Ở khối sở-ban-ngành có đến 10 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 0%.
Tính đến ngày 30/6, TP đã giải ngân là 14.297,876 tỉ đồng, đạt 34,29% kế hoạch vốn đã giao là 41.691,846 tỉ đồng. TP phấn đấu đến ngày 31/7 giải ngân đạt từ 60% - 70% và đến ngày 15/10, giải ngân đạt từ 80%.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020. Đồng thời, cá nhân người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân.
Bên cạnh đó, TP lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp cụ thể. Thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc.
Kích hoạt hệ thống Code Grey can thiệp kịp thời vụ ẩu đả tại bệnh viện
Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công và triệt để “Quy trình xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh, trật tự bằng Code Grey” kịp thời can thiệp 1 vụ ẩu đả tại bệnh viện, giúp bác sĩ tập trung cứu người. Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Trước đó, vào lúc 0 giờ 6 phút ngày 12/7, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 2 bệnh nhân đa chấn thương do ẩu đả.
Trong lúc các bác sĩ đang tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân, đột ngột có hai nhóm khoảng 20 người liên quan với hai bệnh nhân này, hung hăng ập vào khoa cấp cứu, xô ngã bàn ghế dụng cụ làm việc của khoa, sử dụng ghế và các cây treo dịch truyền làm hung khí, tiếp tục la hét và ẩu đả với nhau.
Ngay lập tức, nhân viên khoa Cấp cứu báo cáo khẩn đến lãnh đạo trực bệnh viện và hệ thống Code Grey được kích hoạt. Rất nhanh sau đó, các bảo vệ phụ trách các khu vực của bệnh viện đã tập trung về khoa Cấp cứu để ngăn chặn tình huống gây rối.
Chỉ sau 5 phút, lực lượng Công an phường 7, Công an phường 19 (quận Bình Thạnh), Công an quận Phú Nhuận và cảnh sát giao thông đến hiện trường, phối hợp với lực lượng bảo vệ bệnh viện thực hiện trấn áp và giải tán được nhóm người đang ẩu đả tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Trong lúc các bộ phận khác chịu trách nhiệm xử lý về an ninh, y bác sĩ của khoa Cấp cứu đã nhanh chóng đưa hai bệnh nhân này vào 2 phòng cách ly với hiện trường và tiếp tục chăm sóc điều trị. Cả hai bệnh nhân sau đó đều ổn định, xuất viện vào lúc 5 giờ ngày 12/7.
TP. Hồ Chí Minh lên phương án biến vùng trũng thành đô thị sông nước
Tốc độ đô thị hóa vượt tầm kiểm soát, lún nền diễn ra nghiêm trọng, đổ hàng tỉ USD vẫn không thể thoát ngập, TP. Hồ Chí Minh đang tính phương án biến vùng trũng thành đô thị vệ tinh sông nước.
Theo báo Thanh Niên, tính cả tốc độ sụt lún và nước biển dâng, mỗi năm TP sẽ ngập - lún khoảng 1,5cm. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong khoảng 30 - 50 năm nữa, nhiều điểm - vùng trong TP sẽ nằm dưới mực nước biển.
Ý tưởng chống ngập nương vào tự nhiên, tận dụng lợi thế sông kênh rạch để hình thành các vùng đô thị sông nước trong lòng TP đã được rất nhiều chuyên gia đô thị đề xuất nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ dừng ở ý tưởng. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 20 HĐND TP khóa IX mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông.
Trong đó, dự kiến dành 5.000 - 10.000 ha khu vực ven sông để ngập tự nhiên, tạo ra những khu rừng, khu du lịch, khu dân cư xen kẽ để khai thác hiệu quả thay vì san lấp cát làm khu đô thị.
Ủng hộ hướng đi này, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường đại học Cần Thơ, đánh giá xu hướng chống ngập tại TP hiện nay vẫn là đắp đê ngăn nước, làm các biện pháp công trình với mục tiêu “hong khô” các điểm ngập. Thực tế, tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả nữa và vô cùng tốn kém.
PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư và con người, cho hay: Từ xa xưa, Sài Gòn đã lớn lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng Sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng... với rất nhiều các hoạt động trên những con nước, là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay.
Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, từ trước năm 1975, các nhà quy hoạch đã đưa ra ý tưởng xây dựng TP trở thành TP nửa nổi nửa chìm, một nửa ngập nước giống Venice (Ý). Khi đó, khu vực được đề xuất là cù lao Long Phước (P.Long Phước, Q.9), nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, nên ý tưởng này tạm thời phải gác lại. Tuy hiện nay quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi rất nhiều cấu trúc đô thị của TP, và nhiều dòng kênh, rạch bị lấp đi thay thế bằng bê tông, cao ốc, nhưng TP hoàn toàn vẫn có thể quy hoạch nhiều vùng trũng trở thành đô thị sông nước.
Người mua kích cầu tiêu dùng gần 10 tỉ đồng/ngày
Báo Tuổi trẻ cho hay, ngày 13/7, Sở Công Thương TP đã có báo cáo lên UBND TP. Hồ Chí Minh về kết quả Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 diễn ra tại quận Thủ Đức từ 2/7 đến 5/7.
Theo đó, sau 4 ngày diễn ra, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp tham gia đạt gần 40 tỉ đồng (tương ứng gần 10 tỉ đồng/ngày), với hơn 59.600 lượt khách. Sức mua tốt góp phần làm cho doanh thu của các doanh nghiệp rất khả quan, 100% sản phẩm giới thiệu là hàng Việt.
Dù là hoạt động bên lề nhưng chương trình cũng đã kết nối thành công 173 doanh nghiệp với các nhà bán lẻ, nhà phân phối. Đáng chú ý có nhiều hợp đồng được ký, như Big C ký 16 hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp, Vincommerce 16 hợp đồng, Lotte Việt Nam 25 hợp đồng…
Hiện chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi”, do Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh phát động, vẫn đang tiếp tục với các hoạt động khuyến mãi giảm giá, tặng quà đến ngày 30/7.
70 cá nhân điển hình tiên tiến là công nhân trực tiếp sản xuất
Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 13/7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ phóng viên các báo, đài để thông tin về Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong CNVC-LĐ TP giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi gặp gỡ, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết chương trình sẽ diễn ra vào chiều 19/7, tại Nhà hát TP (số 7 Công trường Lam Sơn), nhằm tôn vinh 51 tập thể, 159 cá nhân điển hình tiên tiến.
Đây là những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, được lựa chọn từ 53 Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở và hơn 100 CĐ cơ sở trực thuộc, có nhiều sáng kiến sáng tạo trong công tác chuyên môn hoặc hoạt động CĐ. Đặc biệt, trong đó có 70 gương điển hình cá nhân là công nhân trực tiếp sản xuất.
Ông Kiều Ngọc Vũ cho biết trong giai đoạn hội nhập, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ CNVC-LĐ rất quan trọng, do đó, LĐLĐ TP đã không ngừng định hướng, hướng dẫn, triển khai các nội dung thi đua giúp các cấp CĐ, CNVC-LĐ tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, lan tỏa đến từng cơ sở. Điển hình như: Phong trào Lao động giỏi - Lao động sáng tạo, đỉnh cao là Giải thưởng Tôn Đức Thắng; Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phong trào Giỏi việc nước - Đảm việc nhà…
Chỉ riêng phong trào Lao động giỏi - Lao động sáng tạo trong 5 năm đã có 48.548 lượt Công đoàn cơ sở hưởng ứng thi đua, kết quả đã có 19.521 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, 61.198 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được thực hiện làm lợi hơn 1.000 tỉ đồng.
Xả rác bậy, phải lao động công ích
Tại phường 13, quận Gò Vấp,vi phạm xả rác ra môi trường không chỉ bị xử phạt tiền mà còn bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách dọn rác vừa thải ra, làm sạch khu vực đầy rác thải khác. Nội dung đăng tải trên báo Người Lao Động.
Trưa nắng gắt, dưới chân cầu 59, 5 thành viên Tổ tự quản mặc thường phục ngồi chốt trực, xử lý kịp thời những trường hợp xả rác bậy. Trên thành cầu phía bên phải là tấm bảng tuyên truyền với mức phạt kèm khẩu hiệu "Người có văn hóa không xả rác", bên trái cầu là tấm bảng dán hình ảnh lao động công ích của người vi phạm.
Anh Lê Minh Đức - Tổ trưởng Tổ tự quản kiêm Trưởng Ban Bảo vệ dân phố (BVDP) phường 13, quận Gò Vấp - cho biết anh em phải chốt trực giờ cao điểm (giữa trưa, chiều tối hoặc nửa đêm lúc đường vắng) để phát hiện, xử lý người lén lút mang rác ra bỏ.
Hai năm trước, trên cây cầu dài khoảng 40m này, rác tràn ngập hai bên đến hơn nửa cầu, chỉ còn đủ chỗ xe cộ qua lại. Rác đủ loại, từ rác chợ đến rác sinh hoạt, tấm nệm…, ai đi qua cũng bịt mũi. Không thể để tình trạng này tiếp diễn, năm 2018, UBND phường 13 thí điểm lập tổ tự quản gồm 5 thành viên là BVDP kiên trì tuần tra, bắt quả tang người vi phạm; mời về UBND phường để lập biên bản vi phạm hành chính và buộc lao động công ích xong mới được lấy xe về.
Anh Đức cho biết để buộc người vi phạm lao động công ích, UBND phường phải tạm giữ phương tiện là xe máy, xe đạp, xe ba gác, thậm chí có trường hợp là ôtô, xe bán tải... Sau khi dọn xong, có hình ảnh đầy đủ, UBND phường sẽ giao trả phương tiện. Cũng có trường hợp ban đầu cự cãi, dùng quan hệ để gây khó dễ cho Tổ tự quản nhưng khi đưa về phường, tất cả đều bị xử lý nghiêm sau khi tổ tự quản trưng đầy đủ hình ảnh vi phạm.
Từ khi thành lập tổ tự quản đến nay đã có hơn 100 vụ vi phạm xả rác bị đưa về phường, các điểm nóng về rác như khu vực cầu Trường Đai, cầu 59, bờ kè khu phố 2, 3, 4 nay đã sạch sẽ, giảm hơn 90% rác thải.
Ông Trương Hồng Phong, Chủ tịch UBND phường 13, cho biết do địa bàn có nhiều bãi đất trống, kênh rạch, gầm cầu… nên người dân lén lút mang rác ra đổ, phường đã dùng nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến vận động nhưng hiệu quả không đáng kể. Khi Nghị định 155/2018/NĐ-CP có hiệu lực với mức phạt cao, lãnh đạo phường nhận thấy bên cạnh tuyên truyền phải xử phạt nghiêm, buộc người vi phạm phải khắc phục hậu quả mới mong tình trạng xả rác thuyên giảm.
Nhân rộng mô hình tổ tự quản
Ông Ngô Toại Chương, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp, cho biết việc thí điểm tổ tự quản tại phường 13 đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Do đó, từ năm 2018, mô hình này được khuyến khích nhân rộng tại 16 phường trên toàn quận. Tất cả địa phương đều có lực lượng BVDP ngoài chức năng hỗ trợ an ninh trật tự thì nên đưa thêm nhiệm vụ giám sát bảo vệ môi trường.
Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh