Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/7/2021

08:57 14/07/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 14/7:

Doanh nghiệp được vay lãi suất 0% để trả lương người lao động

Thông tin từ báo SGGP, ngày 13/7, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM Bùi Văn Sổn cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã bắt đầu nhận hồ sơ đối với doanh nghiệp (DN) muốn vay vốn để trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất, theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, DN được vay để trả lương cho người lao động (NLĐ) ngừng việc khi ở DN có NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm NLĐ ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022; DN không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Đối với DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022, DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì được vay vốn để trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất, kinh doanh. Lãi suất vay là 0%.

Thời gian vay dưới 12 tháng. 

Xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh F0

Báo Tuổi Trẻ cho hay, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM vừa có văn bản về việc bổ sung thí sinh được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo đó, thí sinh được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 là thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mắc COVID-19 đang trong quá trình điều trị (F0) hoặc cách ly y tế để theo dõi sau điều trị, không thể tham dự kỳ thi này.

Đây là nhóm đối tượng được bổ sung trong Điều 37, Quy chế thi tốt nghiệp THPT về những trường hợp đặc cách tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia hôm 8-7 tại điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: MỸ DUNG
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia hôm 8-7 tại điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: MỸ DUNG

Hồ sơ đề nghị xét đặc cách gồm: đơn đề nghị xét đặc cách của thí sinh, biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp THPT của trường phổ thông nơi thí sinh đang học, bản sao học bạ (trường phổ thông ký xác nhận đối chiếu bản chính) và các hồ sơ có liên quan của việc đang điều trị hoặc hồ sơ ra viện và cách ly đối với đối tượng F0.

Sở Giáo dục và đào tạo TP yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc có đối tượng được xét đặc cách nói trên gửi toàn bộ danh sách và hồ sơ về Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng trước ngày 15/7/2021.

Thí điểm cho tiểu thương chợ truyền thống đang ngưng hoạt động mở bán rau củ quả trở lại

Theo báo Người Lao Động, ngày 13/7, Sở Công Thương TPHCM gửi công văn hỏa tốc đến UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Ban quản lý các chợ truyền thống hướng dẫn việc tổ chức hoạt động các chợ truyền thống trong thời gian tới.

Tại văn bản này, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai chỉ đạo đơn vị quản lý các chợ đang tạm dừng hoạt động trên địa bàn lựa chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp tại khu vực chợ bảo đảm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; trước mắt rà soát, thí điểm lựa chọn 2 - 10 tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả (tùy theo quy mô hoạt động của chợ).

Trong trường hợp nhiều tiểu thương có nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ sắp xếp, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên.

Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả hằng ngày của người dân TP rất lớn
Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả hằng ngày của người dân TP rất lớn

Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán – người mua. Các khu phố, tổ dân phố hỗ trợ thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...) để người dân biết, chuẩn bị sẵn số tiền tương ứng với giá bán của từng mặt hàng và khi đến chợ thực hiện trả tiền – lấy hàng hóa được nhanh chóng.

Ban quản lý chợ cũng sẽ phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát, phân bố số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Các giải pháp này đưa ra nhằm bổ sung các điểm cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương, giảm tải lượng khách đến hệ thống phân phối hiện đại.

Một số quận, huyện và TP Thủ Đức điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh đầu cấp

Thông tin khác trên báo SGGP, tính đến chiều 13/7, TP Thủ Đức và nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh đầu cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Theo đó, quận 1 sẽ thực hiện tuyển sinh và nhập học trực tuyến đối với các lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Cụ thể, đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi, kết quả xét tuyển sẽ được công bố trực tuyến vào ngày 20/7, phụ huynh hoàn tất hồ sơ nhập học trực tuyến từ ngày 21 đến ngày 25/7.

Đối với lớp 1, công tác nhập học trực tuyến đã hoàn tất, học sinh sẽ được đối chiếu hồ sơ nhập học trực tiếp vào ngày tựu trường. Riêng với lớp 6, kết quả xét tuyển học sinh đúng tuyến sẽ được công bố trên website của phòng GD-ĐT vào ngày 15/7. Những học sinh diện ngoài tuyến làm thủ tục nhập học trực tuyến từ ngày 16 đến ngày 20/7.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại quận 8, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, cho biết quận tạm ngưng nhận hồ sơ trực tiếp nhưng vẫn tiếp tục tuyển sinh trực tuyến theo thời gian được quy định trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp đã ban hành. Thời gian tuyển sinh kéo dài đến ngày 31/7. Những trường hợp học sinh mới chuyển đến có thể liên hệ với đơn vị trường học trú đóng trên địa bàn hoặc phòng GD-ĐT qua điện thoại để được bổ sung danh sách sau ngày 31/7.

Tại quận Tân Bình, thông tin từ phòng GD-ĐT quận, công tác tuyển sinh đầu cấp đã thực hiện được hơn 90% theo hình thức trực tuyến. Hiện nay, các trường trên địa bàn quận đang rà soát thông tin và sẽ nhắn kết quả tuyển sinh đến từng phụ huynh qua tin nhắn điện thoại.

Riêng ở TP Thủ Đức, tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 đã thực hiện hơn 70%. Hiện thời gian nộp hồ sơ tuyển sinh chưa được thông báo do phụ thuộc tình hình dịch bệnh.   

Trong khi đó, ở một số quận như Bình Thạnh, Gò Vấp, công tác tuyển sinh đầu cấp tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự kiến thời gian tuyển sinh sẽ kéo dài phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.   

Công an TP sẽ kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường

Chiều 13/7, trao đổi với PV báo Người Lao Động, Thượng tá Thái Thanh Xuân - Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP, cho biết nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, Công an TP tiếp tục duy trì thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch tại 12 chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 ở các cửa ngõ ra vào TP như hiện nay.

Đồng thời, hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát trong nội thành sẽ chuyển từ kiểm tra, kiểm soát cố định sang tăng cường tuần tra kiểm soát, kiểm tra lưu động trong phạm vi và các tuyến đường xung quanh các chốt, trạm trên địa bàn của từng quận, huyện.

Lực lượng công an tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19. 

Lực lượng cảnh sát cơ động kiểm tra người đi đường tại quận 12
Lực lượng cảnh sát cơ động kiểm tra người đi đường tại quận 12

Khi không tuần tra, kiểm tra lưu động, các lực lượng sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tại các chốt cố định trong nội ô thành phố theo phương pháp kiểm tra ngẫu nhiên đối với các trường hợp có căn cứ, dấu hiệu vi phạm quy định giãn cách xã hội. Đồng thời, cũng kiểm tra để phát hiện những người ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, không thuộc các trường hợp cấp bách, các trường hợp được làm việc theo quy định của Chỉ thị số 16 và Văn bản 2279 của UBND TP. 

Việc kiểm tra ngẫu nhiên này nhằm bảo đảm giãn cách xã hội, không để xảy ra ùn ứ giao thông tại các chốt, trạm kiểm soát nội thành.

Bán hàng lưu động cho người dân trong khu phong tỏa

Nhờ hàng loạt siêu thị triển khai chương trình bán hàng lưu động, nhiều người dân tại các quận, huyện đã mua được thịt, cá, rau củ... ngay trên vỉa hè, thậm chí trong khu phong tỏa. Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ.

Ngày 13/7, người dân tại quận Bình Thạnh bất ngờ khi có một siêu thị mini có khá đầy đủ các loại rau củ, thịt cá, trứng... được bày bán ngay bên vỉa hè của đường Lê Quang Định, gần chợ Bà Chiểu.

Một siêu thị mini được bày ra trên vỉa hè đường Lê Quang Định (quận BìnhThạnh) vào sáng 13-7 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một siêu thị mini được bày ra trên vỉa hè đường Lê Quang Định (quận BìnhThạnh) vào sáng 13-7 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đây là một trong bốn điểm bán hàng lưu động đầu tiên của siêu thị AEON đã được đồng loạt mở cửa vào sáng 13/7 tại đường Lê Quang Định, đường Lý Thái Tổ, đường Cộng Hòa và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bảng giá được niêm yết phía bờ tường, người dẫn dễ dàng xem giá, chọn hàng và thanh toán ở quầy thu ngân "dã chiến" đặt bên vỉa hè.

Bảng giá niêm yết được dán trên bờ rào trường tiểu học - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bảng giá niêm yết được dán trên bờ rào trường tiểu học - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ông Phan Đức Thông (khối vận hành siêu thị AEON) cho biết buổi sáng bán mở hàng này, siêu thị chở đến điểm bán lưu động hơn 40 mặt hàng, giá bán hàng lưu động tương đương với giá bán trong siêu thị và giá bán các sản phẩm online. 

Mỗi ngày, điểm bán hàng lưu động sẽ mở cửa vào khoảng 8h30 đến 11h, trước mắt kéo dài cho đến hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Nhiều ngày qua, người dân tại 2 khu phong tỏa thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân đã không còn áp lực trong việc tìm mua thực phẩm thiết yếu khi có 2 điểm bán hàng lưu động của Bách Hóa Xanh xuất hiện tại đây.

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết xuất phát từ sự kêu gọi của địa phương và hỗ trợ cho người dân gặp khó trong khu phong tỏa, đơn vị đã quyết định thực hiện mô hình này.

Theo đó, với khung giờ bán hàng khoảng từ 7h đến hơn 10h, mỗi ngày đơn vị bán ra khoảng 700kg thực phẩm thiết yếu từ hàng tươi như thịt, cá, rau đến gạo, dầu ăn, đồ khô… cho khoảng hơn 300 cư dân tại hai điểm lưu động.

Mặt hàng cá biển được siêu thị đóng vỉ chở đến các điểm bán lưu động trong sáng 13-7 - Ảnh: N.BÌNH
Mặt hàng cá biển được siêu thị đóng vỉ chở đến các điểm bán lưu động trong sáng 13-7 - Ảnh: N.BÌNH

Ngoài ra, đơn vị này cho biết sẽ kết hợp với Hội phụ nữ Q.Tân Bình áp dụng mô hình "đi chợ giùm" để hỗ trợ người dân. Theo đó, phiếu đăng ký mua hàng sẽ được siêu thị đưa cho chính quyền để phát cho người dân đăng ký, siêu thị sẽ gom đơn và giao hàng tại điểm cố định vào ngày hôm sau.

Điểm bán hàng lưu động trong khu phong tỏa tại phường An Lạc, quận Bình Tân của Bách Hóa Xanh đã hỗ trợ giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu cho nhiều người dân - Ảnh: B.H.X
Điểm bán hàng lưu động trong khu phong tỏa tại phường An Lạc, quận Bình Tân của Bách Hóa Xanh đã hỗ trợ giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu cho nhiều người dân - Ảnh: B.H.X
Nhân viên bán hàng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ kín bưng khi bán hàng - ẢNH: B.H.X
Nhân viên bán hàng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ kín bưng khi bán hàng - ẢNH: B.H.X

Tương tự, hệ thống Saigon Co.op cho biết vừa tổ chức 2 điểm bán lưu động tại Thủ Đức và Cần Giờ, và dự kiến sẽ tăng số lượng điểm bán. Điểm bán hàng lưu động được tổ chức với 5 ngành hàng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng, trong đó chủ lực là thực phẩm tươi sống sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn.

Tuy vậy, theo nhiều doanh nghiệp, để mở rộng quy mô bán hàng lưu động cần sự hỗ trợ tích cực từ các địa phương trong việc tìm mặt bằng thông thoáng, hỗ trợ quản lý điểm bán, kêu gọi người dân giao nhận hàng, thậm chí chuyên chở giúp.

Thêm 2 đoàn tàu metro Bến Thành – Suối Tiên về tới TPHCM

Ngày 13/7, thêm 2 đoàn tàu số 6, 7 thuộc tuyến metro số 1 đã cập cảng Khánh Hội (quận 4). Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP (MAUR) cho biết, sau khi đoàn tàu số 6, 7 cập bến, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã có 7/17 đoàn tàu có mặt tại TPHCM.Thông tin trên báo Công an TP.

Đoàn tàu số 6, 7 là tàu loại 3 toa, dài 64,5m, tốc độ di chuyển đoạn trên cao đạt 110 km/h, đoạn ngầm đạt 80 km/h. Mỗi đoàn có thể chở 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng).

Sau khi cập cảng, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành các bước thông quan, tháo dỡ và đưa tàu về Depot Long Bình (TP Thủ Đức) trong những ngày sắp tới.

Hai đoàn tàu số 6, 7 được tàu biển chở, cập cảng Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) sáng nay. Ảnh: MAUR. 
Hai đoàn tàu số 6, 7 được tàu biển chở, cập cảng Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) sáng nay. Ảnh: MAUR. 

Nhiều trường đại học hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn mùa dịch

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, trong đó sinh viên khó khăn trong việc đóng học phí để tiếp tục việc học. Trước tình hình này, nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM đã có những chính sách hỗ trợ về học phí, học bổng, phí sinh hoạt cho sinh viên vượt qua khó khăn mùa dịch. Nội dung trên Vietnamplus.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thấu hiểu những khó khăn của sinh viên và phụ huynh, Nhà trường quyết định giảm trực tiếp 5% học phí học kỳ I năm học 2021-2022 cho sinh viên khóa cũ. Đồng thời, thay vì tăng học phí 5% theo lộ trình vào năm 2021, Nhà trường giảm 5% học phí cho những sinh viên nhập học khóa mới tuyển sinh năm 2021.

Như vậy, mức học phí của sinh viên nhập học khóa mới tuyển sinh năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm học 2020-2021. Tổng nguồn kinh phí dành hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên trong đợt này khoảng 10 tỷ đồng.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM hỗ trợ cho sinh viên. (Nguồn: Dantri)
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM hỗ trợ cho sinh viên. (Nguồn: Dantri)

Trong khi đó, từ tháng 7/2021, Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã triển khai gói hỗ trợ người học ở tất cả các bậc, hệ đào tạo trị giá 25 tỷ đồng. Cụ thể, trường thực hiện giảm 5% học phí học kỳ giữa, học kỳ cuối 2021 cho người học. Đồng thời, trao 1.000 suất học bổng hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Bên cạnh kinh phí dành cho các chính sách học bổng, hỗ trợ học tập thường niên của trường, đây là năm thứ 2 trường thực hiện chương trình hỗ trợ người học bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cũng vừa triển khai đợt hỗ trợ thứ 2 trong năm 2021 cho sinh viên đang theo học tại trường gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đợt này, trường hỗ trợ 23 sinh viên gồm 18 sinh viên Lào và 5 sinh viên Việt Nam do điều kiện thực tập và địa phương là vùng có dịch hoặc không có phương tiện để về quê nên phải tiếp tục ở lại TP.

Trường Đại học Luật TPHCM cũng đã quyết định hỗ trợ 391 sinh viên đang ở trọ tại TP, có hoàn ảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mỗi sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí 1,5 triệu đồng. Trước đó, nhà trường đã hỗ trợ trong thời gian chuyển sang học trực tuyến 200 ngàn đồng/sinh viên, kết nối hỗ trợ sinh viên mua laptop học trực tuyến với giá ưu đãi.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục