Sắp có đợt mưa diện rộng
Theo báo Tuổi Trẻ, Nam Bộ nói chung, TP.HCM nói riêng sắp có một đợt mưa diện rộng kéo dài đến ngày 20/9. Mưa to gió lớn có thể gây ngập úng, nguy cơ đổ ngã cây xanh. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định hiện nay có một rãnh áp thấp trục ngang qua khu vực Nam Trung Bộ - Nam Bộ vừa được hình thành.
Ngoài ra, gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình yếu đang hoạt động trên khu vực Nam Bộ. Do ảnh hưởng bởi rìa phía nam rãnh áp thấp nói trên cùng nhiễu động ở vùng biển ngoài khơi di chuyển về đất liền, khu vực các tỉnh Nam Bộ sẽ có mưa trên diện rộng, rải rác mưa vừa và dông. Một số tỉnh thành có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 30-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.
Cơ quan chức năng cảnh báo trong cơn mưa dông đề phòng nguy cơ kèm theo gió giật mạnh, lốc, sét. Cần đề phòng ngập úng xảy ra ở khu vực trũng thấp.
Thuốc giải độc pate Minh Chay 8.000 USD/lọ đã về TPHCM
Chiều 13/9, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết đơn vị đã tiếp nhận một liều thuốc giải độc tố botulinum do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân nặng. Khoa bệnh nhiệt đới đang điều trị cho bệnh nhân NND (54 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) đang phải thở máy.
Sáng 12/9, ngay sau khi tiếp nhận, đơn vị đã truyền thuốc cho bệnh nhân. Số thuốc giải độc lotulinum này do PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam mang từ Hà Nội vào TPHCM để phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP, BS Nguyễn Huy Thắng cho biết chiều 11/9, giám đốc BV Bạch Mai gặp ông và giao nhiệm vụ vận chuyển thùng thuốc giải độc botulinum về điều trị cho các bệnh nhân ở miền Nam. Thùng thuốc gồm có sáu lọ thuốc giải độc, trị giá mỗi lọ 8.000 USD được lực lượng an ninh hỗ trợ để việc vận chuyển diễn ra thuận lợi.
Ngay khi về tới TPHCM trong đêm, PGS Thắng đã bàn giao thùng chưa thuốc giải độc cho đơn vị quản lý dược của Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân.
Người dân An Phú Đông sắp hết cảnh "qua sông phải lụy phà"
Theo báo Lao Động, người dân ở phường An Phú Đông (quận 12) sắp hết cảnh “qua sông phải lụy phà” khi chiếc cầu bắc qua sông Vàm Thuật sắp hoàn thành và đi vào hoạt động.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông bắc qua sông Vàm Thuật, kết nối quận Gò Vấp và quận 12. Dự kiến cuối tháng 9/2020, cầu An Phú Đông sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Cầu sắt mới sẽ thay bến phà An Phú Đông, tạo thuận tiện, an toàn cho người dân đi lại qua sông Vàm Thuật, rút ngắn khoảng cách. Đây là cây cầu hứa hẹn nối hai quận Gò Vấp và quận 12, đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Ghi nhận ngày 13/9, tại công trình, công nhân vẫn miệt mài hoàn thiện những công đoạn lắp ghép kết cấu các nhịp, cống hộp, đường dẫn vào cầu phía quận 12 và quận Gò Vấp. Phường An Phú Đông (quận 12) chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 4 km, gần giao lộ Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) và cũng dễ dàng di chuyển đến các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, để đến quận Gò Vấp, di chuyển vào trung tâm TPHCM, người dân phải di chuyển bằng phà qua sông Vàm Thuật hoặc đi vòng theo hướng quốc lộ 1A với quãng đường dài thêm hàng chục kilomet. Vào giờ cao điểm, bến phà còn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ và phà cũng bị cản trở bởi thủy triều lên xuống.
Công trình cầu sắt An Phú Đông có tổng mức đầu tư 79,5 tỉ đồng được khởi công từ tháng 2.2020. Cầu dài 238m, rộng 12,5m cho 2 làn xe ôtô và 2 lề cho người đi bộ. Đồng thời, xây dựng cải tạo đường dẫn hai bên cầu dài 1.166m, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước có kích thước 3mx3m, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, kè bêtông cốt thép dọc bờ sông Vàm Thuật...
Chuyển một số KCN-KCX thành KCN ứng dụng công nghệ cao
Báo Người Lao Động đưa tin, UBND TP vừa giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn chỉnh Đề án Phát triển hạ tầng công nghiệp TP 2020-2045 dựa trên Quy hoạch phát triển công nghiệp Thành phố đến năm 2010, có tính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa ra giải pháp cho việc điều chuyển một số KCN-KCX thành KCN hiện đại ứng dụng khoa học công nghệ cao (tự động hóa, sử dụng kỹ thuật robot, các phần mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng…).
Đề án cần bao gồm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đât trong từng giai đoạn (5 năm, 10 năm, 20 năm, cho đến năm 2015); ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng công nghiệp; định hướng khu vực phát triển hạ tầng công nghiệp trong tương lai của Thành phố; xác định gắn KCN với cảng biển, cảng sông; xây dựng các đường vành đai.
Đồng thời dành quỹ đất dể ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa; đưa ra giải pháp nâng cấp các KCN-KCX hiện hữu; có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các KCN; đề xuất các giải pháp về quản lý vận hành KCN-KCX.
Điều chỉnh mức học phí chương trình tiếng Anh tích hợp
Báo Pháp Luật TP cho hay, Sở GD&ĐT TP vừa có văn bản chấp thuận đề xuất điều chỉnh lịch giảng dạy chương trình “Dạy Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh và Việt Nam” từ ngày 7/9 đến ngày 20/11/2020.
Cụ thể: Thời lượng học 88 tiết (8 tiết x 11 tuần). Trong đó, 70 tiết/ 11 tuần: Học sinh sẽ học với giáo viên nước ngoài; 18 tiết/11 tuần: học sinh củng cố với giáo viên Việt Nam.
Về học phí, văn bản của Sở nêu rõ, miễn phí thời lượng học với giáo viên Việt Nam, chỉ thu học phí 70 tiết/11 tuần cho thời lượng học sinh học với giáo viên người nước ngoài.Theo đó, mức học phí khối lớp 5 là 7,4 triệu đồng; mức học phí các khối còn lại (1,2,3,4,6,7,8,9) là 8,1 triệu đồng.
Sở GD&ĐT giao công ty EMG Education có trách nhiệm phối hợp với các nhà trường, giải thích phụ huynh hiểu rõ, đầy đủ việc điều chỉnh này, đảm bảo chất lượng và tiến trình học tập của các em học sinh.
Xúc tiến thi công đường vành đai 3
Dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 8,75km. Trong đó, 6,3km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 2,45km thuộc địa bàn TP.HCM. Công trình này có tổng mức đầu tư 5.329,56 tỉ đồng, thực hiện bằng vốn ODA thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế – EDCF. Báo Thanh Niên đưa tin.
Theo thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM - đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư), mới đây, hiệp định vay vốn đã được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thông qua, tạo cơ sở để thực hiện dự án.
Sau khi đã thuận lợi về vốn vay thực hiện dự án, dự kiến vào tháng 10/2020, chủ đầu tư sẽ lựa chọn xong nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật. Đến tháng 3/2021, đơn vị được lựa chọn sẽ hoàn thiện thiết kế kỹ thuật. CIPM dự kiến khởi công dự án thành phần 1A vào quý 3/2021.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đang được các đơn vị thúc đẩy nhanh. UBND tỉnh Đồng Nai đã có các quyết định phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng từ năm 2018 để làm cơ sở cho việc thu hồi đất và tiến độ đang được thực hiện theo kế hoạch.
Tuy nhiên, kế hoạch giải phóng mặt bằng liên quan đến 81 hộ dân phía TP.HCM đang chậm, có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án theo tiến độ yêu cầu.
Một thành phần quan trọng của dự án thành phần 1A được nhiều người dân quan tâm là cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, kết nối với TP.HCM, có chiều dài hơn 2 km, rộng 19,5 m dành cho 6 làn xe. Cầu có tĩnh không cao 30,5 m, thiết kế khoang thông thuyền 110 m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.
Cây cầu có tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 2.200 tỉ đồng, sau khi cầu hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai cùng các tuyến đường nội đô TP.HCM.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai