Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/9/2022

09:52 14/09/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 14/9:

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động bán lẻ xăng dầu

Theo Vietnamplus, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPHCM, đơn vị đã triển khai kiểm tra, xác định có 2 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng dầu.

Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Cụ thể, Cửa hàng số 4 - Địa điểm kinh doanh Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, địa chỉ số 8A-8E Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành, Quận 12, đã hết dầu DO từ 9 giờ ngày 30/8, xăng vẫn cung cấp bình thường.

Còn Công ty Cổ phần công nghệ an toàn dầu khí Việt Nam Chi nhánh Gò Vấp, địa chỉ số 439 Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, hết xăng lúc 7 giờ ngày 12/9.

Theo Cục Quản lý thị trường TP, Cục tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt, phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, nếu có dấu hiệu vi phạm phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.

Sách giáo khoa vẫn thiếu: Bộ GD&ĐT vào cuộc

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết đã nắm được thông tin thiếu SGK tại một số địa phương. Đối với TPHCM, Bộ sẽ làm việc với Sở GD&ĐT thành phố để tìm hiểu cụ thể lý do.

Đã vào năm học mới, phụ huynh và học sinh vẫn tìm mua SGK. Ảnh: Mạnh Thắng
Đã vào năm học mới, phụ huynh và học sinh vẫn tìm mua SGK. Ảnh: Mạnh Thắng

Về tình trạng thiếu SGK năm nay, nhất là đối với các lớp thay sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS Thành cho rằng, xuất phát từ hai phía. Việc công bố danh mục SGK lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt, đối với SGK lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của các em tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể. Về phía các NXB cũng có tình trạng xuất bản cầm chừng.

PGS Thành cho biết, Bộ đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các NXB đảm bảo cung ứng đủ SGK cho học sinh. Thời gian này, Bộ sẽ yêu cầu các Sở GD&ĐT và các NXB phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đủ sách, nhất là những địa phương còn thiếu nhiều như TPHCM.

Sở GTVT bác đề xuất cấm xe đường Trường Sa làm phố ẩm thực

Báo Lao Động cho biết, mới đây, UBND quận Phú Nhuận đề xuất với Sở GTVT TPHCM cấm xe lưu thông đường Trường Sa (đoạn qua Câu lạc bộ thể dục thể thao Rạch Miễu) phục vụ đề án Phố ẩm thực Phan Xích Long.

Đường Trường Sa và Hoàng Sa uốn lượn theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Anh Tú
Đường Trường Sa và Hoàng Sa uốn lượn theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Anh Tú

Phản hồi việc này, Sở GTVT cho biết, đường Trường Sa và Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến đường trục chính quan trọng của thành phố, đi qua quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình. 2 tuyến đường này đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm áp lực lưu thông cho các tuyến đường khác của thành phố.

Vì vậy, việc đề xuất cấm lưu thông trên đường Trường Sa của UBND quận Phú Nhuận là không phù hợp với tình hình giao thông, mặc dù trong phương án có đề xuất đoạn đường thay thế nhưng sẽ làm chia cắt tuyến đường mang tính chất đường trục chính của thành phố.

Vi phạm PCCC, 26 quán karaoke, vũ trường ở TPHCM bị đình chỉ hoạt động

Lực lượng chức năng kiểm tra quán karaoke ở quận Gò Vấp. Ảnh: PC07
Lực lượng chức năng kiểm tra quán karaoke ở quận Gò Vấp. Ảnh: PC07

Vietnamnet đưa tin, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM cho biết, tính từ ngày 17/8 đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra 460 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường về các điều kiện an toàn PCCC.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường vi phạm quy định về an toàn PCCC nên lập biên bản với các lỗi như: Bố trí, sắp xếp các vật tư, vật dụng cản trở lối thoát hiểm; thiết bị PCCC chưa đảm bảo an toàn; lắp đặt bảng quảng cáo che kín mặt tiền…

Các cơ sở này đã bị phạt với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. 26 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường bị đình chỉ hoạt động do chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC mà đã đưa vào hoạt động.

SIM 'rác' bán công khai, tràn lan

Sau nhiều năm các nhà mạng và cơ quan quản lý tuyên bố ngăn chặn SIM “rác”, đến nay tình trạng mua bán loại SIM này vẫn diễn ra công khai.

SIM kích hoạt sẵn được mua bán công khai, dễ dàng.
SIM kích hoạt sẵn được mua bán công khai, dễ dàng.

Khảo sát của PV báo Thanh Niên, tại nhiều cửa hàng trên một số tuyến đường ở TPHCM, chỉ cần khoảng từ 100.000 đồng, khách hàng có thể mua được SIM điện thoại kích hoạt sẵn, chỉ cần gắn vào điện thoại di động là nghe, gọi bình thường mà không cần phải có giấy tờ tùy thân để đăng ký với nhà mạng như quy định.

Tại một cửa hàng trên đường L.V.L (Q.7), người bán cho xem đủ các loại SIM được kích hoạt sẵn của những nhà mạng phổ biến. Cụ thể, SIM Vinaphone là 120.000 đồng được giới thiệu có sẵn 30.000 đồng trong tài khoản và gọi nội mạng miễn phí một tháng. SIM của MobiFone và Viettel cùng giá 150.000 đồng cũng có sẵn trong tài khoản 30.000 đồng.

Theo Bộ TT-TT, để ngăn chặn cuộc gọi “rác”, cần sự chung tay của cả xã hội. Người dùng di động cần phản hồi trả lời về cuộc gọi “rác” được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi “rác”. Việc trả lời của người dùng sẽ giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra các chế tài quản lý phù hợp. 

Tiếp tục đưa bác sĩ mới ra trường thực hành tại y tế cơ sở

Ngày 13/9, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã gặp gỡ, trao đổi với sinh viên (SV) Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về việc thực hành tại y tế cơ sở gắn với bệnh viện (BV) sau khi tốt nghiệp. Đây là những SV sẽ tốt nghiệp trong năm nay. Tin trên báo Thanh Niên. 

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nói chuyện với SV năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào ngày 13.9.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nói chuyện với SV năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào ngày 13.9.

Trò chuyện với các SV ngành y, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nếu như trước đây, BS tốt nghiệp là được hành nghề thì giờ đây, BS cần phải có giấy phép hành nghề. Để có giấy phép hành nghề thì SV sau tốt nghiệp phải hoàn thành khóa thực hành 18 tháng. Sắp tới khi luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thì sau khi thực hành 18 tháng, BS còn phải trải qua kỳ thi Quốc gia để lấy giấy phép hành nghề do Hội đồng y khoa tổ chức.

Theo đề án của chương trình, BS mới ra trường thực hành 18 tháng không phải tốn phí mà còn được TP hỗ trợ sinh hoạt phí 60 triệu đồng. Sau 18 tháng thực hành, nếu giỏi thì sẽ được BV ưu tiên tuyển dụng. Do đó, SV cần sớm đăng ký để Sở Y tế trình UBND TP lên kế hoạch thực hành 18 tháng.

Sở VH-TT TPHCM đề xuất lập quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

Vừa qua, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở Văn hoá - Thể thao TPHCM (VH-TT TPHCM) cùng đoàn công tác của sở đã có cuộc khảo sát thực tế về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá tại đình Xuân Hòa (129 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3) và Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3).

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở VH&TT TP.HCM cùng đoàn khảo sát tại đình Xuân Hoà. Ảnh: VĂN HÀ
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở VH&TT TP.HCM cùng đoàn khảo sát tại đình Xuân Hoà. Ảnh: VĂN HÀ

Chia sẻ với báo Pháp Luật, ông Thuận cho biết, hiện nay TPHCM không chỉ là một địa phương có điều kiện kinh tế phát triển mà còn rất giàu về truyền thống văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa mà cha ông để lại. 

“Sắp tới đây Sở VH-TT sẽ trình UBND TP đề xuất ra đời quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của thành phố. Bà con thành phố có thể đóng góp bằng tiền, bằng hiện vật, tư liệu…. mà gia đình đã để lại trong nhiều năm. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng và phát huy tốt nhất những sản phẩm cũng như đóng góp của bà con thành phố" - ông Thuận nói.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục