TPHCM nỗ lực phục hồi kinh tế
Theo báo SGGP, còn hơn 2 tháng nữa kết thúc năm 2020 với quá nhiều biến động do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bằng nhiều nỗ lực, TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm, có 6/9 ngành dịch vụ tăng trưởng khá - là tiền đề cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Xác định lực lượng DN là trụ cột, là động lực phát triển của nền kinh tế, TP đã triển khai tổng lực hàng loạt chương trình để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc lắng nghe, tổng hợp, đề xuất Chính phủ các chính sách hỗ trợ DN như không chỉ cung cấp thêm tín dụng cho DN đang hoạt động, mà cần khoanh nợ cho các DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch… Mặt khác, TP tiếp tục đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, khai thác tốt hơn thị trường trong nước, tổ chức kết nối cung cầu, kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ TP, đồng thời triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Sở Công thương TP cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng và DN, giúp DN có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn cho tái sản xuất, Sở cũng sẽ tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, khuyến mãi, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các hội nghị hội thảo giải đáp về các hiệp định mới ký kết, từ đó giúp DN tận dụng tốt cơ hội, gia tăng xuất khẩu hàng hóa.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, sắp tới lãnh đạo TP tổ chức các buổi làm việc với từng hiệp hội ngành nghề, để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN. Ngược lại, DN cần tích cực hiến kế cho TP và Trung ương trong việc ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, cũng như hỗ trợ DN tốt hơn trong điều kiện bình thường mới.
Sắp vận hành dự án cống ngăn triều 10.000 tỉ
Thông tin từ báo Pháp Luật TP, ngày 14/10, Công ty Trungnam BT 1547 (thuộc Trungnam Group) cho biết dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn đã hoàn thành 93% khối lượng công trình.
Tám hạng mục mà Công ty Trungnam BT 1547 đang triển khai gồm sáu cống là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định cùng với đê kè, hệ thống bơm - cơ khí - giám sát điều khiển đều được thực hiện trong tháng 10 này.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty Trungnam BT 1547, khẳng định theo đúng tiến độ thì tháng 12 sẽ vận hành dự án. Sau khi đi vào vận hành, dự án có giá trị lên đến 10.000 tỉ đồng này sẽ có 4 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, mục đích ngăn triều với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng.
Thứ hai, hỗ trợ bơm nước, cụ thể, khi triều lên và trong TP có mưa lớn, các cửa van ở các cống sẽ được đóng lại, nước mưa từ các cống tiêu thoát nước trong TP thoát ra kênh rạch, khi đến cửa sông khu vực cống thì các máy bơm của dự án sẽ bơm nước ra bên ngoài.
Thứ ba, giữ nước cho TP, trong trường hợp triều xuống sâu, để giữ nước cho kênh rạch trong TP thì các cống này cũng sẽ thực hiện đóng cửa van lại, ngăn nước từ trong TP thoát ra ngoài.
Thứ tư, hạn chế xâm nhập mặn, khi có hiện tượng xâm nhập mặn, các cửa van cũng đóng lại để giữ nước trong TP thực hiện tưới tiêu.
Dự án đi qua địa bàn sáu quận, huyện
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là dự án thủy lợi, thuộc Quy hoạch 1547, được Thủ tướng phê duyệt nhằm chống ngập úng với giải pháp kiểm soát triều cường và chủ động hạ thấp mực nước kênh trục.
Ngoài sáu cống “khổng lồ” thì dự án còn thực hiện 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng dự án thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Dự án này được coi là công trình trọng điểm của TP.HCM, góp phần hoàn thành chương trình đột phá “giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Dự án được Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần X, nhiệm kỳ 2015-2020 đồng thuận cho triển khai vào ngày 18/10/2015.
Đường sắt thông tuyến tàu TP.HCM đi Hà Nội
Cũng trên báo Pháp Luật TP, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn vừa thông báo, tình trạng ngập đường tại khu vực miền Trung đã được khắc phục, vì vậy tuyến đường sắt Bắc-Nam hoạt động trở lại bình thường.
Theo đó, ngành đường sắt chạy tàu theo kế hoạch như sau: tàu SE2, SE4 ngày 13-10 và tàu SE8 ngày 14/10 xuất phát tại ga Sài Gòn chạy đến ga Hà Nội; tàu SE7, SE3 xuất phát tại ga Hà Nội ngày 14/10 chạy đến ga Sài Gòn.
Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, việc tổ chức chạy tàu khách, tàu hàng xuất phát từ ngày 14/10 trở lại bình thường, các đoàn tàu đi qua khu vực vừa khắc phục xong có thể bị chậm giờ so với giờ quy định.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão lũ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế gây ngập đường một số khu vực, ngành đường sắt đã điều chỉnh kế hoạch chạy tàu từ TP.HCM đi Huế và ngược lại. Ở khu vực phía Bắc cũng chỉ chạy chiều từ Huế đi Hà Nội và ngược lại.
Điều chỉnh giảm vốn đầu tư công đối với 433 dự án
Thông tin từ Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM, UBND TPvừa có báo cáo tình hình giao, điều chỉnh bổ sung và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020. Theo đó, trong năm 2020, UBND TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của TP với tổng số vốn là 42.139,316 tỷ đồng.
Cụ thể, vốn ngân sách TP đã phân bổ là 33.940,764 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.487,200 tỷ đồng, vốn ngân sách tập trung là 23.453,564 tỷ đồng. Vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ là 8.198,552 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước là 3.153,561 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 5.044,991 tỷ đồng.
Về kế hoạch điều chỉnh vốn, UBND TP đã ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của 30 đơn vị sử dụng vốn ngân sách TP. Cụ thể, điều chỉnh giảm vốn đối với 433 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp với số vốn điều chỉnh giảm là 1.076,029 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đối với 141 dự án có tỷ lệ giải ngân cao với số vốn điều chỉnh tăng là 1.076,029 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 30/9 được Kho bạc Nhà nước TP xác nhận là 22.295,826 tỷ đồng, đạt 55,3% tổng kế hoạch vốn TP đã giao.
Ra mắt Trang thông tin điện tử Công đoàn TPHCM
Báo SGGP đưa tin, chiều 14/10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP đã ra mắt Trang thông tin điện tử Công đoàn TPHCM sau 6 tháng chạy thử. Trang thông tin có tên miền: congdoantphochiminh.org.vn được thể hiện dưới hình thức báo chí truyền thông hiện đại, đa phương tiện, gồm tiếng Việt và tiếng Anh.
Hiện trang thông tin đã hoàn thiện phần tiếng Việt gồm 4 chuyên mục: giới thiệu về công đoàn Việt Nam, LĐLĐ TP; chuyên mục tin tức sẽ thông tin các hoạt động về đời sống lao động, truyền hình công nhân, công đoàn, các tin về công đoàn; mục hỏi đáp về chính sách - pháp luật, nghiệp vụ công đoàn, chuyên mục biểu mẫu và chuyên mục điều hành sẽ đăng tải văn bản, lịch công tác tuần, văn phòng điện tử, báo cáo, thư viện điện tử.
Ngoài các chuyên mục trên, trang thông tin còn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền nhân các dịp lễ, sự kiện lớn của đất nước, các nội dung liên quan đến chính sách, chế độ của người lao động như Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật công đoàn.
Trong giai đoạn tới, trang thông tin điện tử sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo cho mục hỏi đáp, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu cần giải đáp thông tin của người lao động và cán bộ công đoàn. Riêng mục giới thiệu sẽ thêm nội dung tiếng Anh. Bên cạnh đó, mục thư viện điện tử sẽ được đầu tư phát triển trở thành một bảo tàng số phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tuyên truyền các nội dung truyền thống của phong trào công nhân.
Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, trang thông tin điện tử là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trang thông tin điện tử là điểm nhấn thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ văn bản giấy sang dữ liệu. Thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng thông tin trong quản lý, điều hành của LĐLĐ TP. Thông qua trang thông tin điện tử tăng cường tính tương tác giữa cán bộ có công đoàn các cấp, CNVC- LĐ với tổ chức công đoàn.
“Gian hàng 0 đồng”, “Kết nối vòng tay yêu thương” cho cuộc sống thêm tươi đẹp
Báo Tuổi Trẻ cho hay, mới đây, gian hàng 0 đồng đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 4 đưa vào hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo. Gian hàng được các bạn trẻ chia nhau đi vận động nguồn hàng và trực phục vụ mọi người với phương châm: "Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần - nếu bạn ổn xin nhường người khác - nếu bạn dư hãy tặng cho người cần".
Các bạn trẻ khu vực địa bàn dân cư còn tranh thủ thời gian đến tận nhà những hoàn cảnh khó khăn để tặng những suất ăn trưa được hỗ trợ từ các bếp ăn tình thương.
Đi vào hoạt động được khoảng một tháng, gian hàng mở cửa vào sáng thứ bảy hằng tuần, đã tiếp đón hàng trăm người khó khăn ghé đến nhận quà là nhu yếu phẩm, quần áo…
Chọn cho hai đứa con hai bộ đồng phục đi học, chị Thanh Minh mừng nói: "Đầu năm học này tôi đâu có tiền mua đồng phục mới cho tụi nhỏ. Nay có được hai bộ đồ cho con đi học, mừng quá".
Ngoài gian hàng 0 đồng của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 4, nhiều tổ chức Liên hiệp Thanh niên tại các quận huyện khác của TP.HCM cũng tìm giải pháp hỗ trợ bà con, như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 1, quận Phú Nhuận với máy "ATM gạo" phục vụ người nghèo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Nhà Bè với mô hình "Kết nối vòng tay yêu thương", giúp đỡ thanh niên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đêm nhạc gây quỹ giúp sinh viên y khoa khó khăn
Báo Pháp Luật TP cho biết, ngày 17/10 tới đây, đêm nhạc Blouse Trắng - Hát Cho Yêu Thương quy tụ tiếng hát các y bác sĩ tại TPHCM sẽ gây quỹ để tiếp sức cho các sinh viên y khoa gặp khó khăn.
Đêm nhạc Blouse trắng - Hát cho yêu thương với chủ đề “Sáng trong thầm lặng” nhằm gây quỹ GS Phạm Biểu Tâm (tên của vị giáo sư là hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TPHCM được nhiều thế hệ sinh viên y khoa kính trọng về tài đức) sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 17/10, Hội trường 3, lầu 3, Bệnh viện Đại Học Y dược TP.HCM (215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5).
Theo Ban tổ chức, đêm nhạc ngoài quy tụ tiếng hát “cây nhà lá vườn” của các y bác sĩ còn được sự hỗ trợ chỉ đạo âm nhạc của nhạc sĩ Bảo Chấn và sự tham gia của một số nghệ sĩ danh ca như nghê sĩ saxophone Lê Tấn Quốc, danh ca Họa My. Đặc biệt, chương trình sẽ có giao lưu với một số gương điển hình tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Quỹ GS Phạm Biểu Tâm ngoài cấp học bổng cho sinh viên y khoa có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập còn sẽ xem xét giúp đỡ các trường hợp bác sĩ, cựu sinh viên mắc bệnh ngặt nghèo, hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Ngoài ra, Quỹ GS Phạm Biểu Tâm còn hỗ trợ các sinh viên tiếp cận các chương trình học nâng cao kiến thức, kỹ năng trong và ngoài nước.
Đêm nhạc “Thương lắm miền Trung” của các nghệ sĩ TPHCM
Báo Thanh Niên đưa tin, tối 22/10 tại phòng trà Vinh Tuấn (196 Trần Văn Giàu, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân), các nghệ sĩ TP HCM sẽ tổ chức đêm nhạc “Thương lắm miền Trung”, nhằm vận động, quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lũ.
Đêm nhạc có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, diễn viên đang được yêu thích: Bích Phượng, Bích Thủy, Hồng Tơ, Long Nhật, Cát Tuyền, Tâm Tâm, Hạ Châu, Giáng Hương, Hồng Sơn, Vinh Tuấn, Âu Thiên Vỹ, Thái Nhã Vân, Thẩm Thúy Hà, Tâm Xí Muội, Trịnh Kim Liên, Hà Khanh, Hà Vân...
Theo nhà báo, nhạc sĩ Hồng Sơn, ngay sau đêm diễn kết thúc, toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được đại diện của các nghệ sĩ đi trao trực tiếp cho các nạn nhân vùng bão lũ tại miền Trung đang gặp khó khăn.
Nở rộ trào lưu kinh doanh tại chung cư cũ
Trào lưu kinh doanh ở các chung cư cũ đang phát triển mạnh tại TPHCM trong những năm trở lại đây. Hình thức kinh doanh quán cà phê, cửa hàng thời trang tự thiết kế, cửa hàng mỹ phẩm, phụ kiện,... được nhiều người lựa chọn.
Theo khảo sát của PV báo Lao Động, hầu hết các chung cư cũ ở trung tâm TPHCM đều có ít nhất 1-2 quán cà phê, cửa hàng thời trang. Điển hình như chung cư Tôn Thất Đạm (Quận 1), chung cư Lý Tự Trọng (Quận 1), chung cư 158D Pasteur (Quận 1),... đều kinh doanh đầy đủ các loại hình.
Chị Nguyễn Ngọc, thuê căn hộ tại chung cư Tôn Thất Đạm (Quận 1) để mở tiệm cà phê cho biết, mặc dù chung cư cũ, 4 tầng thang bộ, nhưng lối ra vào khá thuận tiện. Với giá 12 triệu đồng cho căn hộ 25m2, chị đã mạnh dạn đầu tư thêm hơn 150 triệu đồng để sửa chữa và trang trí lại cửa tiệm để thu hút khách hàng.
Phần lớn các cửa hàng tại chung cư cũ đều có diện tích nhỏ từ 15m2 - 30m2, giá cho thuê từ 10 triệu - 30 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và diện tích các tầng lầu (tầng càng cao, giá càng rẻ).
Theo bà Trần Thị Hà, sống tại chung cư 42 Tôn Thất Thiệp, các chung cư cũ hiện nay phần lớn chủ nhà đã có nhà khác bên ngoài."Nhà ở đây nhỏ, lại cũ kỹ, một số hạng mục đã xuống cấp, thời gian trước nhiều người đã chuyển đi nên rất vắng lặng. Một vài năm trở lại đây, nhiều người đến thuê mở cửa hàng, quán ăn uống ở chung cư rộ lên, nhà nhà đua nhau cho thuê lại khiến không khí ở chung cư cũ nhộn nhịp, náo nhiệt hơn" - bà Hà cho hay.
Chung cư cũ không thể tránh khỏi sự nhếch nhác, cũ kỹ, cầu thang, hành lang xuống cấp. Tuy nhiên, việc chọn điểm kinh doanh trong một toà chung cư cũ lại là một xu hướng kinh doanh mới được nhiều người yêu thích kinh doanh hưởng ứng.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)