Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/10/2021

09:51 15/10/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 15/10

74,5% người dân trên 18 tuổi đã tiêm vắc xin mũi 2

Báo Tiền Phong đưa tin, thông tin từ Sở Y tế TP cho biết, tính đến sáng ngày 14/10, trên địa bàn đã có 12.468.813 lượt người được tiêm vắc xin COVID-19. Trong đó có 7.095.109 lượt người được tiêm mũi 1 và 5.373.704 người được tiêm mũi 2.

Chiến dịch tiêm chủng thời gian qua tại TP đã được tập trung đẩy nhanh tốc độ với mục tiêu sớm bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 đạt miễn dịch cộng đồng cho những người ở tuổi trưởng thành và người lớn tuổi, có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao. Thành phố đã đạt tỷ lệ gần tuyệt đối với 98,4% người trong độ tuổi tiêm chủng đã chích mũi 1 và 74,5% người đã tiêm đủ 2 mũi.

Gần 100% dân số trên 18 tuổi đã được chích ngừa vắc xin COVID-19 mũi 1
Gần 100% dân số trên 18 tuổi đã được chích ngừa vắc xin COVID-19 mũi 1

Hiện còn hơn 1,7 triệu người đang chờ đủ thời gian để chích ngừa mũi 2. Đây chính là nguyên nhân những ngày qua, tốc độ tiêm chủng của thành phố đang chững lại, ngày 13/10 còn gần 42.000 mũi tiêm được thực hiện. Đến nay, lượng vắc xin của Thành phố còn khoảng 2,5 triệu liều đủ để tiêm vét cho những người chưa chích mũi 1 và thực hiện chích ngừa đủ cả 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên.

Đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư các công trình phòng chống thiên tai

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TPHCM, đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư các công trình phòng chống thiên tai giải pháp được TP thực hiện trong thời gian tới. Nội dung trên Báo Pháp luật TP.

Cụ thể, đối với khu vực ngoại thành và vùng ven, nhiệm vụ trọng tâm là phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, mưa lớn… TP sẽ tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành các công trình phòng chống thiên tai, công trình thủy lợi và kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn các công trình, hệ thống bờ bao khi mực nước dâng cao do triều cường, xả lũ, mưa lớn. Cùng đó là xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt, bản đồ dân vùng hạ du ứng với các kịch bản xả lũ của hồ Dầu Tiếng. Đồng thời, triển khai các dự án nạo vét sông, kênh rạch, vận động người dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy trên kênh rạch để đảm bảo tiêu thoát nước.

TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp để chống ngập
TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp để chống ngập

Đối với khu vực nội thành, nhiệm vụ trọng tâm là phòng chống ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xả lũ và một số loại hình thiên tai khác như lốc xoáy, dông sét. Cùng đó, TP sẽ tập trung xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai theo quy hoạch, nhất là hệ thống kè, đê bao ngăn triều, hệ thống cống, trạm bơm, hồ điều hòa, các trục tiêu nước chống ngập lụt. Lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xã lũ.

Ngoài ra, khu vực nội thành cần phải tăng cường khả năng thoát nước ở các cửa sông, kênh rạch, cống thoát nước, giải tỏa tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, san lấp trái phép… Bên cạnh đó, quy hoạch và trồng các loại cây xanh thích hợp để vừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, xử lý cây xanh không an toàn, hạn chế để xảy ra tình trạng ngã đổ khi có dông sét, mưa bão.

Khách đi tàu đến TPHCM phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú

Theo VOV, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn 3358 gửi Cục Đường sắt Việt Nam, TP cơ bản thống nhất với dự thảo Kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời đề nghị xem xét một số nội dung.

UBND TP đề nghị hành khách đi tàu từ TPHCM phải đảm bảo đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế thì phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Người dân đi tàu đến TP.HCM phải khai báo qua app Y te HCM và thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú (ảnh Hà Khánh)
Người dân đi tàu đến TP.HCM phải khai báo qua app Y te HCM và thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú (ảnh Hà Khánh)

Đối với hành khách đến TP phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Khi đến TP.HCM phải thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng Y tế HCM; thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú để tự theo dõi sức khoẻ hoặc cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm...

Về tần suất khai thác các tuyến, UBND TP đề nghị căn cứ vào cấp độ dịch bệnh của từng địa phương và nhu cầu đi lại của người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, cần có hình thức thông báo (ứng dụng công nghệ thông tin) đến chính quyền địa phương nơi đến để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với hành khách; quy định nội dung cụ thể để thuận lợi trong nhận diện và kiểm soát hành khách, không phát sinh thủ tục hành chính.

Tàu, phà ở TPHCM hoạt động trở lại

Báo Giao thông cho hay, sau 3 tháng tạm ngưng do dịch COVID-19, kể từ ngày 15/10, Sở GTVT TP cho phép các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến vận tải hành khách, khách du lịch trong phạm vi TP hoạt động trở lại. Riêng vận tải hành khách đường thủy liên tỉnh và tuyến vận tải hành khách, khách du lịch liên tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang kết nối với TPHCM được hoạt động sau khi Sở GTVT các tỉnh trên cho phép.

Ngày 15/10, vận tải hành khách đường thủy TPHCM hoạt động trở lại
Ngày 15/10, vận tải hành khách đường thủy TPHCM hoạt động trở lại

Hành khách đi đường thủy phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, hành khách xuất trình một trong các giấy tờ sau: Là người mắc COVID - 19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất một mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm) khi cơ quan chức năng kiểm tra.

Đối với chủ tàu thuyền, yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Thu hẹp bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19

Thông tin từ Vietnamplus, sau 2 tuần nới lỏng giãn cách, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP đang có xu hướng giảm dần.

Các bệnh viện dã chiến đang dần vắng bóng bệnh nhân, còn các bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đang lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác phục hồi, tiếp nhận điều trị bệnh nhân thông thường.

Những ngày gần đây, nhiều khu vực trong Bệnh viện Dã chiến số 12 đã bắt đầu trống bệnh nhân, đặc biệt các giường bệnh ở khu cấp cứu không còn trường hợp nào phải thở ôxy.

Theo Bác sỹ Phạm Đăng Trọng Tường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12, hiện đơn vị này đang điều trị cho hơn 420 bệnh nhân, chỉ chiếm 1/5 công suất được xây dựng ban đầu. Dự kiến, Bệnh viện Dã chiến số 12 sẽ hoàn thành sứ mệnh và giải thể vào đầu tháng 11 tới đây.

Bên cạnh các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, các bệnh viện hoạt động theo mô hình "tách đôi" những ngày gần đây cũng đang dần thu hẹp khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và mở rộng các khu vực điều trị cho bệnh nhân không COVID-19, tiến tới phục hồi công năng vốn có.

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang giảm mỗi ngày, trước mắt, Sở Y tế TP ưu tiên phục hồi bệnh viện quận, huyện, đảm bảo mỗi quận, huyện luôn có 1 bệnh viện thực hiện chức năng khám chữa bệnh thông thường, đồng thời luôn sẵn sàng 1 bệnh viện dã chiến của quận, huyện để tiếp nhận F0 khi được phát hiện và cần cách ly điều trị.

Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Ngày 14/10, trao đổi với PV báo SGGP, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết, hiện nay 100% đơn vị trường học trên địa bàn quận đã được bàn giao lại cho ngành giáo dục. Trong đó, hai đơn vị từng được trưng dụng làm khu cách ly và điều trị y tế là Trường THCS Colette và THPT Nguyễn Thị Diệu, trước khi bàn giao đã được cơ quan y tế phun xịt khử khuẩn. Thời điểm hiện tại, các trường đang dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới.

Tương tự, tại quận Tân Bình, theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT, quận còn 2 cơ sở trường học được trưng dụng làm khu cách ly y tế là Trường THCS Hoàng Hoa Thám và Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Địa phương đã có kế hoạch bàn giao 2 cơ sở này cho ngành giáo dục vào cuối tháng 10. Những đơn vị đã được bàn giao trước đó đang tiến hành sửa chữa, cải tạo.

Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Tân Bình) được sử dụng làm khu cách ly, chuẩn bị bàn giao lại cho ngành giáo dục
Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Tân Bình) được sử dụng làm khu cách ly, chuẩn bị bàn giao lại cho ngành giáo dục

Tại quận 8, Trưởng phòng GD-ĐT Dương Văn Dân chia sẻ, tính đến ngày 15/10, 100% cơ sở trường học đã được bàn giao lại cho ngành giáo dục để bắt đầu sửa chữa, cải tạo theo kế hoạch của UBND quận.

Còn ở quận 12, 2 trường học được trưng dụng làm khu cách ly y tế trên địa bàn quận là Trường Tiểu học Kim Đồng và THCS Trần Phú vừa được bàn giao, có kế hoạch sửa chữa trong tháng 11. Dự kiến cuối tháng 11, 100% đơn vị trường học sẽ được cải tạo, kể cả đơn vị không trưng dụng phòng chống dịch COVID-19 nhưng có kế hoạch sửa chữa hàng năm trong dịp hè cũng sẽ tiến hành đồng loạt.

Đối với bậc THPT, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), đơn vị nhận bàn giao cơ sở từ đầu tháng 10. Từ hôm nay 15/10, cán bộ, giáo viên sẽ trở lại trường thực hiện kiểm kê tài sản, trường hợp phát hiện hư hao sẽ có văn bản đề xuất cơ quan quản lý tiếp tục cải tạo, sửa chữa.

Còn tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, từ nay đến ngày 25/10 sẽ hoàn tất điều trị cho các bệnh nhân và không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Sau khi ngành y tế bàn giao, địa phương sẽ cải tạo, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường học trước khi bàn giao cho nhà trường. Về phía trường học, sẽ rà soát cơ sở vật chất, khử khuẩn thêm một lần nữa nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn đón học sinh trở lại.

Nhiều viên chức trẻ đạt thành tích xuất sắc trong năm 2021

Báo Pháp luật TP cho biết, ngày 14/10, hành trình “Sức trẻ Thành phố anh hùng” với đoàn đại diện của hơn 200 viên chức ưu tú được tuyên dương của Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng năm 2021 đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, phần mộ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Trỗi và Đền tưởng niệm Bến Nọc tại TP Thủ Đức.

Tham dự có Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng Hàng Thị Thu Nga và Phó Bí thư Thành đoàn TP Trần Thu Hà.

Các cán bộ ưu tú Khối Dân - Chính - Đảng chụp ảnh lưu niệm tại Đền tưởng niệm Bến Nọc, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: PHAN NHUNG
Các cán bộ ưu tú Khối Dân - Chính - Đảng chụp ảnh lưu niệm tại Đền tưởng niệm Bến Nọc, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: PHAN NHUNG

Buổi lễ tuyên dương các viên chức trẻ tại Đền tưởng niệm Bến Nọc - TP Thủ Đức, có 37 cán bộ đại diện cho 174 gương “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” và 49 gương “Người thợ trẻ giỏi” của Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng lên nhận hoa và bằng khen tuyên dương về những thành tích xuất sắc trong năm 2021.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục