Thực hiện các khoản thu thỏa thuận theo số tháng thực học
Vietnamplus cho hay, trong văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về khung mức thu các khoản thu thỏa thuận, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh lưu ý các trường khi thực hiện phải đảm bảo theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định; đồng thời giãn thời gian thu, không thu gộp nhiều khoản cùng một thời điểm.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP yêu cầu ngay từ đầu năm học, các đơn vị phải thỏa thuận thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định các hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục.
Khi xây dựng dự toán thu-chi các nội dung thu thỏa thuận, các đơn vị cần căn cứ nội dung các hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục về thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày, chương trình ngoại khóa và các nội dung khác.
Trong đó, quy định mức thu để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học không quá 150.000 đồng/học sinh/ngày; bậc Trung học cơ sở không quá 200.000 đồng/học sinh/ngày; Trung học phổ thông không quá 300.000 đồng/học sinh/ngày.
Mức thu để tổ chức phục vụ và quản lý bán trú bậc Mầm non không quá 400.000 đồng/học sinh/tháng; bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông không quá 250.000 đồng/học sinh/tháng...
Riêng tiền tổ chức phục vụ ăn sáng, các trường thỏa thuận với phụ huynh.
Các trường thực hiện theo mô hình Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, gồm Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3), Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) và Trung học phổ thông Nguyễn Hiền (quận 11), có mức thu là 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng (không bao gồm các khoản thu hộ, chi hộ, thu thỏa thuận như chương trình tiếng Anh tích hợp, tổ chức phục vụ bán trú…).
Sở Giáo dục và Đào tạo TP cũng yêu cầu từ năm học 2020-2021, tất cả các đơn vị trực thuộc Sở phải sử dụng "Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu" (không thu phí phần mềm) để triển khai khi thu học phí và các khoản thu khác, bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Sắp hoàn thiện hạ tầng metro số 1
Để chuẩn bị đưa metro số 1 vào vận hành cuối năm 2021, TP.HCM và chủ đầu tư đã có nhiều phương án tạo sự kết nối thuận tiện giữa người dân và tuyến này. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Ông Nguyễn Bùi Minh Quân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án metro số 1, cho biết: Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và các nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng cầu bộ hành trên xa lộ Hà Nội nhằm đáp ứng việc đưa tuyến metro số 1 đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Theo ông Quân, cầu bộ hành sẽ đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận các nhà ga metro số 1 do đường xa lộ Hà Nội là cửa ngõ của TP, có mật độ xe cộ lưu thông rất cao. Đồng thời, phát triển cầu bộ hành là phù hợp chủ trương tăng cường khả năng kết nối các nhà ga phục vụ cư dân dọc hai bên tuyến metro.
Để tăng cường kết nối metro số 1 với hệ thống giao thông công cộng hiện hữu, sắp tới MAUR sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM triển khai thi công dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức các tuyến xe buýt kết nối nhà ga tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên”. Từ đó, các bên vạch ra những phương án tiếp cận thuận tiện, hiệu quả nhất cho người dân trong việc sử dụng metro nói riêng và phương tiện giao thông công cộng nói chung.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - MTV TNHH (SAMCO) cũng đang hoàn thiện công tác xây dựng Bến xe Miền Đông mới, tăng cường khả năng tiếp cập với metro số 1 tại ga Suối Tiên.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông (ĐH Bách khoa TP.HCM), giao thông kết nối cho metro số 1 là rất quan trọng, TP và chủ đầu tư cần chuẩn bị và làm ngay từ bây giờ để giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, phải có các tuyến xe buýt kết nối, trung chuyển hành khách từ các khu vực lân cận đến metro số 1. Thứ hai, phải có các điểm giữ xe cá nhân có tính trung chuyển phù hợp với kiến trúc nhà ga.
Huyện Hóc Môn chỉ đạo quyết liệt vụ cờ bạc trực tuyến
Ngay sau khi báo Pháp Luật TP đăng bài viết “TP.HCM: Cờ bạc trực tuyến tái diễn ở vùng ven”, phản ánh các điểm cờ bạc bằng hình thức đá gà qua mạng và tài xỉu trên địa bàn huyện Hóc Môn, chiều 14/9, chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đã có chỉ đạo khẩn.
Theo đó, UBND huyện Hóc Môn đề nghị Trưởng công an huyện khẩn trương chỉ đạo làm rõ các nội dung báo nêu, triển khai ngay các biện pháp nghiệp vụ để xử lý dứt điểm các tụ điểm cờ bạc, đá gà qua mạng trên địa bàn huyện. Báo cáo kết quả thực hiện cho UBND huyện trước ngày 20/9.
Chủ tịch huyện cũng yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo vào năm 2019 của UBND huyện về xử lý các tụ điểm đá gà qua mạng. Tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các tụ điểm đá gà qua mạng trong tháng 9/2020. Tiến hành xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan được giao nhiệm vụ quản lý, phụ trách.
Chiều cùng ngày, Thượng tá Huỳnh Hữu Tánh, Trưởng Công an huyện Hóc Môn, cho biết: “Sáng nay, huyện đã tổ chức cuộc họp để làm rõ và báo cáo Công an TP. Hiện đã tập trung rà soát, phân công nhiệm vụ cho từng người phụ trách lĩnh vực để làm rõ thêm và sẽ sớm có thông tin đến báo chí” - ông Tánh nói.
Theo UBND huyện Hóc Môn, kết quả rà soát cho thấy từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn có 41 điểm có dấu hiệu tổ chức đá gà qua mạng; các cơ quan chức năng huyện đã phát hiện, xử lý 95 vụ cờ bạc, khởi tố 3 vụ. Các điểm đá gà qua mạng dù đã bị kiểm tra, xử lý liên tục nhưng vẫn còn hoạt động lén lút sau thời gian giãn cách xã hội.
53 dự án khu dân cư ở huyện Bình Chánh chưa hoàn thành
Báo Pháp Luật TP đưa tin, UBND huyện Bình Chánh vừa có báo cáo về thực trạng công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch trên địa bàn huyện.
Cụ thể, về các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 trong các dự án phát triển nhà ở chậm triển khai, qua rà soát, hiện nay huyện có 53 dự án khu dân cư với tổng diện tích gần 1.305 ha không có trong danh sách đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm và đến nay chưa hoàn thành dự án.
Trong 53 dự án này có 51 dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và thỏa thuận tổng mặt bằng. Một số dự án đã có quyết định thu hồi giao đất trước đây nhưng đến thời điểm hiện tại chưa hoàn thành bồi thường và chưa có phương án bồi thường được duyệt. Cũng có trường hợp dự án đã hoàn thành công tác bồi thường nhưng chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện thi công hoặc đã đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa bàn giao được cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, có những dự án đã ngưng thi công.
Về xử lý các dự án chậm triển khai, theo Công văn số 5462 ngày 26/10/2012 của UBND TP và Thông báo số 91 ngày 4/2/2013 của Văn phòng UBND TP có phân loại và đưa ra biện pháp giải quyết dựa trên tiến độ bồi thường (ví dụ bồi thường dưới 50%, từ 50% đến 80%, trên 80%...). Tuy nhiên, hiện nay theo Luật Đất đai năm 2013 thì việc xem xét, đề xuất xử lý các dự án chậm triển khai dựa vào việc có đăng ký kế hoạch sử dụng đất mà quá ba năm không triển khai thực hiện.
“Vì vậy, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng các sở, ngành liên quan hướng dẫn tiêu chí về thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án và thu hồi các quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện” - văn bản của UBND huyện kiến nghị.
TP.HCM - Đồng Nai: Nhiều cây cầu chờ nối nhịp
Theo báo Tuổi Trẻ, nhiều năm qua hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai cũng như các Bộ, ban ngành tính toán cần xây dựng thêm nhiều cầu kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ giữa địa phương mà cho cả khu vực Đông Nam Bộ.
Cụ thể khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai) trở nên quá tải, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý và giao Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu mở rộng cao tốc này lên 6-8 làn xe. Đồng thời xây dựng thêm cầu Long Thành mới nằm song song với cầu hiện hữu trên tuyến cao tốc này. Việc mở rộng tuyến cao tốc này và xây thêm cầu Long Thành mới ngoài chia sẻ áp lực với tuyến cao tốc hiện tại còn tính tới việc kết nối đến sân bay Long Thành trong tương lai.
Còn ở dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM và Đồng Nai) cũng đang triển khai thi công xây dựng cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu kết nối huyện Cần Giờ, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đến nay, dự án xây cầu Phước Khánh đã thi công đạt hơn 80% khối lượng. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên cấp thẩm quyền đang xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án cao tốc này đến năm 2024.
Với tuyến cao tốc và cầu Phước Khánh, người dân từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, đặc biệt là Vũng Tàu thuận lợi vì rút ngắn thời gian so với các tuyến đường khác, lưu thông hàng hóa cũng thuận tiện hơn.
Mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết trong năm 2021 sẽ khởi công dự án xây dựng cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai. Cầu này sẽ rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc giao thông cho các tuyến đường nội thị ở TP.HCM.
Đây cũng là cầu nằm trong tuyến đường Vành đai 3, giúp kết nối liên thông khu vực Đông - Tây Nam Bộ. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2024, vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng.
Đặc biệt, từ nhiều năm qua, người dân hai địa phương TP.HCM, Đồng Nai đều muốn sớm có một cây cầu thay thế phà Cát Lái. Bởi bến phà Cát Lái thường xuyên bị ùn ứ trong những ngày lễ, tết, kể cả những ngày cuối tuần do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Có cầu Cát Lái, tuyến đường đi từ quận 2 (TP.HCM) qua Nhơn Trạch (Đồng Nai) được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai.
Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Dự án có vốn đầu tư khoảng 7.200 tỉ đồng này được chia làm 3 thành phần. Trong đó phần đường dẫn phía quận 2 dài 623m sẽ do TP.HCM thực hiện, đường dẫn phía Nhơn Trạch và phần cầu chính sẽ do Đồng Nai phụ trách.
Ô nhiễm không khí tăng cao
Theo báo Thanh Niên, từ sáng sớm thứ Hai (14/9), TP.HCM thời tiết mát mẻ, trời âm u, nhiều mây, mưa rải rác, nhiệt độ đo được ở mức 29 - 30 độ C. Thời tiết như thế khiến rất nhiều người cảm thấy thích thú như trời sang thu. Tuy nhiên, lượng mây mù nhiều khiến khói bụi tích tụ, đẩy chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.
Cụ thể, trên ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) toàn cầu Air Visual hiển thị kết quả không khí tại TP.HCM ở mức xấu. Hầu hết các điểm đo đều cho ra chỉ số màu đỏ - không tốt cho sức khỏe con người. AQI dao động từ trên 150 - 190, chỉ có 1 - 2 điểm có chất lượng không khí ở mức màu cam - không tốt cho nhóm đối tượng nhạy cảm.
Điểm có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất là khu vực Trường Đại học RMIT (Q.7), AQI lên tới 197, gần chuyển sang màu tím - nguy hại cho sức khỏe con người.
Theo dự báo từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ảnh hưởng bởi hoạt động của rãnh áp thấp đi ngang qua khu vực Nam Trung bộ kết hợp với vùng nhiễu động trên cao ngay tại khu vực; bên cạnh đó, gió mùa tây nam tăng nhẹ và đạt cường độ trung bình, các tỉnh thành Nam bộ sẽ chịu đợt mưa diện rộng có khả năng kéo dài đến ngày 20/9
Lượng mưa phổ biến từ 30 - 60 mm/24h, có nơi trên 60 mm/24h. Người dân cần đề phòng ngập úng xảy ra ở các khu vực trũng thấp.
Bắt đầu lên kế hoạch đấu thầu 4 tuyến xe buýt
Theo báo Tuổi Trẻ,Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP vừa có tờ trình gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM về phê duyệt hồ sơ kỹ thuật khai thác tuyến, dự toán trợ giá và kế hoạch lựa chọn nhà thầu 4 tuyến xe buýt số 1,15, 65 và 152.
Sau khi được Sở Giao thông vận tải xét phê duyệt tờ trình nêu trên, Trung tâm sẽ lập hồ sơ lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu từ tháng 9 đến cuối tháng 10/2020. Các đơn vị trúng thầu dự kiến khai thác từ 2021 và kéo dài đến 2025.
Đến nay TP.HCM đang có 91 tuyến xe buýt có trợ giá. Hằng năm TP chi trung bình khoảng 1.000 tỉ đồng từ ngân sách để trợ giá xe buýt. Riêng năm 2020 số tiền trợ giá là 1.150 tỉ đồng, và đang được Sở Giao thông vận tải đề xuất bổ sung thêm 128,3 tỉ, trong đó có một phần hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về cơ chế, thời gian qua chủ yếu có 12 đơn vị vận tải "lâu đời" đảm nhận các tuyến xe buýt có trợ giá theo cơ chế đặt hàng. Cơ chế này có ưu điểm là thời gian thực hiện rút ngắn hơn so với quy trình đấu thầu, tạo sự ổn định, yên tâm cho doanh nghiệp có kinh phí trả lãi vay, hoàn vốn khi đầu tư xe buýt mới. Còn nhược điểm là các đơn vị được giao đã thực hiện lâu năm, chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển mạng lưới xe buýt.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP cho hay từ nay đến đầu năm 2021 sẽ đấu thầu 45 tuyến.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai