Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/9/2021

09:48 15/09/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 15/9

TPHCM mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 14/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đã ký ban hành văn bản về việc mua bổ sung 200.000 túi thuốc điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà.

TP.HCM mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà - Ảnh: CẨM NƯƠNG
TP.HCM mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Trước đó, Sở Y tế TP đã có tờ trình gửi UBND TP về việc cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định (F0 cách ly tại nhà).

Theo tờ trình, số ca F0 dự kiến trong tháng 9 là 182.408 ca, tương ứng cần 182.408 túi thuốc (mỗi túi gồm 4 thuốc với số lượng đủ dùng cho 7 ngày); ước tính kinh phí mua gần 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc).

Người nước ngoài, dân lao động phấn khởi đi tiêm vắc xin không cần đăng ký trước

Trong 2 ngày 14 và 15/9, quận 3 tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trên địa bàn không phân biệt thường trú hay tạm trú.

Trong đó, điểm tiêm ở nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (số 2 Hồ Xuân Hương) tiêm cho người từ 18 đến 65 tuổi, điểm tiêm ở trường THCS Lê Lợi (282 Võ Thị Sáu) tiêm cho người trên 65 tuổi. Thời gian tiêm buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ.

Người dân khi đi tiêm chỉ cần mang theo chứng minh nhân hoặc căn cước công dân mà không cần thư mời, tin nhắn và không cần đăng ký trước.

Ông Gary Austin, người Anh cho biết nhận được tin nhắn của người bạn Việt Nam về điểm tiêm vaccine không cần đăng ký trước.
Ông Gary Austin, người Anh cho biết nhận được tin nhắn của người bạn Việt Nam về điểm tiêm vaccine không cần đăng ký trước.

Ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, tại điểm tiêm ở nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, nhiều người dân kể cả cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại quận 3 sau khi biết thông tin đã tự đến và đăng ký tiêm chủng.

Ông Trần Nguyên Phong, Phó Bí thư Quận đoàn quận 3 phụ trách việc tổ chức tiêm vắc xin trên địa bàn quận, cho biết quận đã thông báo rộng rãi cho các phường phổ biến cho người dân không phân biệt có hộ khẩu thường trú và tạm trú, miễn là đang công tác và sinh sống trên địa bàn quận 3 đến tiêm vắc xin. Những người đã đến thời gian tiêm mũi 2 không cần đăng ký trước đến cũng được tiêm. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt và tiến tới bao phủ vắc xin cho những người trên 18 tuổi có chỉ định tiêm vắc xin.

Người dân sống và làm việc ở quận 3 đều được khám sàng lọc và tiêm vaccine khi đến 1 trong 2 điểm tiêm.
Người dân sống và làm việc ở quận 3 đều được khám sàng lọc và tiêm vaccine khi đến 1 trong 2 điểm tiêm.

Cũng theo ông Trần Nguyên Phong, theo thống kê chỉ riêng trong sáng 14/9, số lượng người đến tiêm chủng vắc xin Vero Cell ở một điểm tiêm nhà thi đấu Hồ Xuân Hương lên đến khoảng 300 người. Đây là con số tiêm chủng nhiều nhất từ trước đến nay.

Nhiều người nước ngoài khác cũng đến để được tiêm vaccine. Trong ảnh là anh Aleksei, người Nga đến thời hạn tiêm vaccine mũi 2 Vero Cell.
Nhiều người nước ngoài khác cũng đến để được tiêm vaccine. Trong ảnh là anh Aleksei, người Nga đến thời hạn tiêm vaccine mũi 2 Vero Cell.

Được biết, không chỉ riêng quận 3, quận 1 cũng đang tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19 mũi 1 cho người dân với hình thức tương tự trong hai ngày 14 và 15/9. Theo đó, người từ 65 tuổi được quận 1 tổ chức tiêm ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (số 67 Đinh Tiên Hoàng) và người từ 18 tuổi đến dưới 65 tuổi được tổ chức tiêm ở Sân vận động Tao Đàn (số 1 Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành). Thời gian buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ.

Các trường phổ thông tư thục giảm hơn 14.000 học sinh vì COVID-19

Thông tin khác từ báo Tuổi Trẻ, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP về tình hình năm học mới 2021-2022, tính đến ngày 11/9, TPHCM có 1.725.530 học sinh từ mầm non đến THPT (tính cả hệ giáo dục thường xuyên, riêng học sinh mầm non là số liệu dự báo), tăng 11.069 học sinh so với năm học trước.

Nhìn chung học sinh tiếp tục tăng nhiều ở cấp tiểu học, tập trung tại TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Do đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên dân số cơ học tăng cao. Bình quân mỗi năm số học sinh không có hộ khẩu thành phố gần 350.000 học sinh.

Tuy nhiên, năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trường phổ thông tư thục gặp khó khăn rất nhiều trong công tác tuyển sinh, nhất là nguồn tuyển sinh ở các tỉnh, thành lân cận, dẫn đến số học sinh giảm 14.301 em.

Một tiết học của học sinh trường tư thục tại TP.HCM - Ảnh: T.M
Một tiết học của học sinh trường tư thục tại TP.HCM - Ảnh: T.M

Cũng theo Sở GD-ĐT, tính đến tháng 7/2021, TP đạt 293 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học từ 3-18 tuổi. Tuy nhiên cũng theo sở, số liệu này sẽ có biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19: các công trình xây dựng bị tạm ngưng, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập ngưng hoạt động, một số học sinh đã về quê theo ba mẹ,...

Chấn chỉnh việc không tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 cho người tiêm mũi 1 'ở nơi khác'

Theo báo Thanh Niên, ngày 14/9, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP có văn bản gửi Trung tâm y tế, Phòng Y tế và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức; các bệnh viện, phòng khám đa khoa về việc khắc phục các hạn chế trong việc tổ chức tiêm vắc xin COVID-19.

Qua giám sát thực tế các địa điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế TP ghi nhận một số hạn chế, như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít dẫn đến năng suất đạt mũi tiêm thấp. Một số nơi từ chối  tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 tiêm tại địa phương khác.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị khắc phục các hạn chế. Cụ thể, tại các đơn vị tiêm chủng, lãnh đạo các cơ sở y tế nhắc nhở các đội tiêm được phân công, hỗ trợ tiêm vắc xin COVID-19 không được từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 đã tiêm ở địa phương khác.

Một số người dân bị từ chối tiêm mũi 2 vì mũi 1 tiêm nơi khác. Ảnh: DUY TÍNH
Một số người dân bị từ chối tiêm mũi 2 vì mũi 1 tiêm nơi khác. Ảnh: DUY TÍNH

Tiếp tục duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu điều động thêm nhằm đạt độ phủ toàn dân được tiêm mũi 1 và tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian theo quy định của từng loại vắc xin.

UBND TP Thủ Đức và quận, huyện duy trì và vận hành tốt các điểm thêm trong và ngoài cơ sở y tế sẵn có. Tiếp tục huy động lực lượng thực hiện đảm bảo công suất khoảng 200 - 250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm để hoàn tất việc bao phủ vắc xin đúng tiến độ kế hoạch.

Chỉ đạo các bộ phận địa phương mời đầy đủ người đến tiêm theo kế hoạch hàng ngày để đảm bảo tiến độ và tận dụng hiệu quả nguồn lực đội tiêm.

Đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 17.000 tỷ đồng cho 3 dự án cấp bách

Báo Tiền Phong đưa tin, UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bố trí 17.234 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 3 dự án trọng điểm cấp bách của TPHCM.

Dự án thứ nhất là xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (trên địa bàn TPHCM và Tây Ninh) có tổng mức đầu tư dự kiến là 15.900 tỷ đồng thực hiện bằng hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT), TPHCM đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 5.901 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Dự án này đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho Quốc lộ 33. Đây là tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN...

Rạch Xuyên Tâm đang bị ô nhiễm và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao
Rạch Xuyên Tâm đang bị ô nhiễm và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao

Dự án thứ hai là nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) trên địa bàn 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh.

Với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.353 tỷ đồng, TPHCM đề nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư. Theo UBND TPHCM, khu vực này là các nhà lụp xụp, tạm bợ, lấn chiếm rạch, môi trường bị ô nhiễm nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Dự án còn lại là cải tạo kênh Hy Vọng trên địa bàn quận Tân Bình. TPHCM đề nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư dự kiến là 1.980 tỷ đồng. Dự án này nhằm khơi thông dòng chảy tuyến kênh Hy Vọng, giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực 51,3 ha lân cận.

Về lý do kiến nghị hỗ trợ, UBND TP cho biết do hạn chế về nguồn vốn và các quy định quản lý xây dựng, đất đai đã làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cho hoạt động nạo vét kênh rạch, chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường kết hợp phát triển hạ tầng giao thông tại TPHCM.

Trong khi đó, TPHCM đã và đang ưu tiên dùng vốn ngân sách địa phương để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên nguồn vốn phân bổ cho các dự án đầu tư công rất khó khăn.

Lớp học không bàn ghế, không bảng viết giữa mùa dịch

Con em của những "hộ gia đình xanh" được di dời về chung cư 1050 (quận Bình Thạnh) để tạm tránh dịch được hỗ trợ dụng cụ, không gian học tập tại lớp học dã chiến. Ghi nhận trên báo Pháp Luật TP.

Một lớp học online dã chiến được dựng lên từ những chiếc ghế đá đã giúp các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 có không gian học tập giữa mùa dịch. Lớp học nằm tại sảnh tầng trệt của block A , chung cư 1050 (phường 12, quận Bình Thạnh).
Một lớp học online dã chiến được dựng lên từ những chiếc ghế đá đã giúp các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 có không gian học tập giữa mùa dịch. Lớp học nằm tại sảnh tầng trệt của block A , chung cư 1050 (phường 12, quận Bình Thạnh).
Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thị Phượng cũng chuẩn bị tập vỡ cho con trước khi đi học mỗi sáng tại lớp học online dã chiến.
Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thị Phượng cũng chuẩn bị tập vỡ cho con trước khi đi học mỗi sáng tại lớp học online dã chiến.
Các hộ khi được tạm di dời đến đây không có điều kiện lắp đặt internet hoặc mua các gói cước 3G, 4G tốc độ cao cho con học trực tuyến nên Tổ phụ trách ở chung cư đã tận dụng sảnh block A để làm một lớp học dã chiến. Những chiếc ghế đá trở thành bàn học cho các em, chúng được xếp ngay ngắn, giãn cách với nhau.
Các hộ khi được tạm di dời đến đây không có điều kiện lắp đặt internet hoặc mua các gói cước 3G, 4G tốc độ cao cho con học trực tuyến nên Tổ phụ trách ở chung cư đã tận dụng sảnh block A để làm một lớp học dã chiến. Những chiếc ghế đá trở thành bàn học cho các em, chúng được xếp ngay ngắn, giãn cách với nhau.
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/9/2021 - Ảnh 1
Lớp học được trang bị wifi, có bộ đội, tình nguyện viên hỗ trợ và theo dõi các em học tập. Do mỗi học sinh có thời khóa biểu và thời gian học khác nhau, nên lớp chỉ dao động từ 15 đến 20 em.
Lớp học được trang bị wifi, có bộ đội, tình nguyện viên hỗ trợ và theo dõi các em học tập. Do mỗi học sinh có thời khóa biểu và thời gian học khác nhau, nên lớp chỉ dao động từ 15 đến 20 em.
Hiện tại có khoảng 30 em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 và 10 bạn sinh viên đang tham gia học online ở lớp học đặc biệt này.
Hiện tại có khoảng 30 em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 và 10 bạn sinh viên đang tham gia học online ở lớp học đặc biệt này.
Tình nguyện viên hướng dẫn một em học sinh lớp 2 viết chữ cái, viết số...
Tình nguyện viên hướng dẫn một em học sinh lớp 2 viết chữ cái, viết số...
Tan học, các em học sinh được tình nguyện viên đưa về phòng.
Tan học, các em học sinh được tình nguyện viên đưa về phòng.
Không giáo viên đứng lớp, không bàn ghế, không bảng viết, thế nhưng lớp học dã chiến vẫn đều đặn được mở hàng ngày. Phụ huynh vì đó cũng an tâm hơn khi con họ có được điều kiện học theo đúng lộ trình giữa tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Không giáo viên đứng lớp, không bàn ghế, không bảng viết, thế nhưng lớp học dã chiến vẫn đều đặn được mở hàng ngày. Phụ huynh vì đó cũng an tâm hơn khi con họ có được điều kiện học theo đúng lộ trình giữa tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục