Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/9/2022

09:50 15/09/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 15/9:

Dự kiến tổ chức Hội hoa xuân 2023 trong 12 ngày, kinh phí 14 tỉ đồng

Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản gửi lãnh đạo UBND TPHCM về kế hoạch tổ chức Hội hoa xuân 2023 (Tết Quý Mão). Theo đó, Sở Xây dựng đề xuất tổ chức Hội hoa xuân trong 12 ngày, kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng. Dự kiến kinh phí tổ chức khoảng 14 tỉ đồng. Tin trên báo Tuổi Trẻ.

Người dân tham quan Hội hoa xuân Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh: LÊ PHAN
Người dân tham quan Hội hoa xuân Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh: LÊ PHAN

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, trong 2 năm 2021, 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Hội hoa xuân đã giảm về quy mô, số hiện vật, cây kiểng, kỳ hoa dị thảo tham gia trưng bày. Năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử Hội hoa xuân không có phần thi đánh giá các hiện vật cũng như không bán vé vào cổng.

Hội hoa xuân năm nay với chủ đề dự kiến “TPHCM - Xuân An vui - Xuân Thịnh vượng” sẽ thu hút khoảng 2.500 hiện vật trưng bày tại 7 khu vực. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ người dân cũng được tăng cường kèm theo nhiều hoạt động nổi bật khác.

Sự hồi sinh của những khu chợ lớn ở TPHCM

Báo Lao Động cho biết, sau một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lượng khách đến mua sắm tại các khu chợ truyền thống của TPHCM như chợ Bến Thành, chợ An Đông... tăng mạnh. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm tại chợ đã giúp tình hình kinh doanh trở nên khởi sắc hơn.

Lượng khách đến chợ Bến Thành tăng mạnh khiến khu chợ sôi động hơn. Ảnh: Ngọc Lê
Lượng khách đến chợ Bến Thành tăng mạnh khiến khu chợ sôi động hơn. Ảnh: Ngọc Lê

Chị Thùy Trang, kinh doanh đồ thời trang tại chợ An Đông cho biết: “Việc kinh doanh ở thời điểm này đã cải thiện rất nhiều, tăng khoảng 40-50% so với thời điểm đầu năm. Thời gian gần đây cũng có du khách nước ngoài ghé thăm khiến chúng tôi cũng phấn khởi, hy vọng buôn bán sẽ tốt hơn”.

Theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, thời điểm này tại chợ có 1.100 hộ/1.438 hộ kinh doanh ở các ngành. Lượng khách đến chợ trung bình 3.000-4.000 lượt/ ngày, tăng gần gấp đôi so với tháng 6. Tình hình kinh doanh tại chợ đã đạt được 70% so với trước dịch COVID-19.

Sắp diễn ra triển lãm lớn nhất Việt Nam về chăn nuôi, chế biến thịt

Theo báo Pháp Luật TP, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp Công ty Dịch vụ Triển lãm SES Việt Nam (Tập đoàn Informa Markets) vừa tổ chức họp báo thông tin về về việc tổ chức triển lãm Vietstock Expo & Forum 2022. Triển lãm dự kiến có quy mô lớn nhất Việt Nam bao quát các giải pháp toàn diện trong ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt.

Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TPHCM từ ngày 12 đến 14-10-2022.

Triển lãm dự kiến có sự tham gia của hơn 150 đơn vị trưng bày đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Argentina, Úc, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Hà Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ…

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: AH
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: AH

Trong ba ngày triển lãm sẽ diễn ra các hoạt động bên lề như hội thảo quốc tế, hội thảo kỹ thuật cung cấp kiến thức chuyên sâu, các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi. Ngoài ra, triển lãm còn thiết kế riêng chương trình kết nối doanh nghiệp miễn phí.

Cục Chăn nuôi cho biết, trong dịp này, giải thưởng danh giá ngành chăn nuôi Vietstock Awards 2022 cũng sẽ trở lại. Giải thưởng được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi nhằm vinh danh các doanh nghiệp, tổ chức cũng như hợp tác xã có đóng góp to lớn và ý nghĩa cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hạn chót nộp hồ sơ đề cử là 26-9 và lễ trao giải sẽ diễn ra trong lễ khai mạc Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022, ngày 12-10.

Hoang phế Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi

Báo SGGP đưa tin, vừa qua, đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP đã có cuộc giám sát tại UBND quận 8 về bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị tại Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, phường 16.

Đoàn đã đi thực tế ghi nhận thực trạng xâm phạm nhiều hạng mục tại di tích này dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không còn nguyên trạng như quyết định công nhận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 25/4/1998. Trong đó, toàn bộ khu vực vùng 1 - khu vực phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhất) rộng khoảng 1.000m2 và khu vực vùng 2 hơn 40.000m2 bị xâm hại, lấn chiếm, san ủi và xây dựng các công trình nhà ở, trồng cây.

Đoàn giám sát thực địa Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lọi
Đoàn giám sát thực địa Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lọi

Trong một báo cáo gửi các sở, ngành TP mới đây, UBND quận 8 cho rằng, sau khi công nhận di tích quốc gia, khu vực 1 đã được xây dựng cổng, tường rào, hàng rào lưới thép, lắp mái che kết cấu bằng gỗ. Tuy nhiên, trong quá trình từ sau khai quật và được công nhận là di tích cấp quốc gia đã gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân về sở hữu và đền bù. Từ đó, việc bảo tồn, bảo vệ di tích ngày càng gặp khó khăn.

Sau 24 năm được công nhận di tích cấp quốc gia, do không có Ban quản lý và không được trùng tu, bảo vệ nên di tích đã bị lấn chiếm, xâm hại và trở thành phế tích.

“Cần thủ” thả mấy cần câu một lúc ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mặc kệ biển cấm

Những ngày qua, tình trạng người dân ngang nhiên câu cá dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) diễn ra ngày càng phức tạp, mặc kệ các bảng tuyên truyền “cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức”.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại mỗi điểm có từ 3-4 cần thủ tụ tập lại cùng câu. Có người mang theo nhiều cần và thả cùng lúc xuống kênh. Cứ khoảng vài trăm mét lại có một nhóm người câu, phóng viên ước tính có khoảng 50 cần thủ "say sưa" câu cá dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (hướng quận 3 về quận Bình Thạnh).

Khu vực cuối đường Trường Sa (phường 19, quận Bình Thạnh) đông như lễ hội câu cá - Ảnh: CHÂU TUẤN
Khu vực cuối đường Trường Sa (phường 19, quận Bình Thạnh) đông như lễ hội câu cá - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tình trạng này diễn ra đông nhất vào chiều tối - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tình trạng này diễn ra đông nhất vào chiều tối - Ảnh: CHÂU TUẤN

Điều đáng nói, một số cần thủ dùng lưỡi câu chùm và quăng xa bờ để bắt cá, điều này khiến nhiều người đi tập thể dục trên vỉa hè luôn trong tình trạng thấp thỏm, vì sợ mắc phải lưỡi câu.

Một số người dân khu vực cho biết hiện tượng những "tay câu" đến đây đã diễn ra từ lâu. Những người này còn thường xuyên rít thuốc, thẳng tay xả rác gây ô nhiễm kênh. Mặc dù cơ quan chức năng cũng thỉnh thoảng tuần tra, nhắc nhở, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đâu cũng lại vào đó.

Mặc kệ các biển cấm đánh bắt cá, các cần thủ vẫn bất chấp - Ảnh: CHÂU TUẤN
Mặc kệ các biển cấm đánh bắt cá, các cần thủ vẫn bất chấp - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sẽ có phà biển Cần Giờ - Tiền Giang vào cuối năm 2022

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, UBND huyện Cần Giờ vừa kiến nghị UBND TP sớm triển khai tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang). Tuyến giao thông thủy này được kết nối sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ, rút ngắn quãng đường di chuyển; góp phần phát triển kinh tế, du lịch cho TPHCM và tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, Sở GTVT TP cùng Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều buổi khảo sát, làm việc về luồng, tuyến này trong thời gian vừa qua.

Sở GTVT TPHCM và tỉnh Tiền Giang đều đánh giá cao tiềm năng từ tuyến phà biển Gò Công Đông - Cần Giờ - Vũng Tàu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng còn đang tìm thêm các chủ đầu tư, một số bến bãi trên hành trình di chuyển… nhằm phát huy hết tiềm năng vốn có của tuyến.

Tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang đang được các ngành chức năng nghiên cứu để đưa vào hoạt động trong năm 2022. Ảnh: ĐT
Tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang đang được các ngành chức năng nghiên cứu để đưa vào hoạt động trong năm 2022. Ảnh: ĐT

Đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết huyện có 3 cửa ngõ tiếp nối với địa phương gồm phà Bình Khánh, cửa ngõ phía Long An và Vũng Tàu. Vì vậy, địa phương rất mong muốn được kết nối với Tiền Giang thông qua tuyến phà biển này.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết hiện TPHCM, tỉnh Tiền Giang và huyện Cần Giờ đang cố gắng thực hiện các thủ tục để đưa tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang chạy trong năm 2022 (hoàn thành trước tết Nguyên đán 2023).

TPHCM thiếu vaccine sởi và DPT cho trẻ, Bộ Y tế nói gì?

Tối 14-9, liên quan việc TPHCM và một số địa phương đang thiếu vaccine sởi và vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho trẻ em trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã có thông tin cụ thể về vấn đề này. Nội dung đăng tải trên báo SGGP.

Trao đổi với báo chí, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất, còn vaccine DPT của Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.

TPHCM và một số địa phương đang thiếu vaccine sởi và vaccine DPT tiêm cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
TPHCM và một số địa phương đang thiếu vaccine sởi và vaccine DPT tiêm cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Hiện nay, các nhà cung cấp đều có sẵn vaccine trong kho nhưng không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính để sớm hoàn tất các thủ tục nhằm cung ứng kịp thời vaccine cho địa phương.

"Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để cung ứng kịp thời vaccine cho từng địa phương. Trong tuần tới hoặc chậm nhất là 2-3 tuần nữa, vaccine sẽ được cung ứng đầy đủ trở lại để người dân có thể đưa trẻ đi tiêm đúng lịch”, bà Dương Thị Hồng cho biết.

Vân Anh - Hương Thảo (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục