Sức sống mới từ không gian xanh
Hiện nay, bên dưới những nếp nhà là niềm vui của nhiều gia đình khi cuộc sống ngày một tươm tất hơn. Những công trình công cộng xanh, sạch đẹp vừa hoàn thành gần đây đã góp phần không nhỏ mang lại diện mạo mới cho đô thị. Thông tin trên báo SGGP.
Tháng 8/2019, khi được đưa vào hoạt động, Công viên Khánh Hội (quận 4) đã trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân trên địa bàn quận cũng như các quận lân cận. Điểm nhấn của công viên rộng hơn 17ha ấy ngoài hàng ngàn loại cây xanh phủ mát còn nằm ở đài phun nước ngay trung tâm quảng trường.
“Nhìn không gian thoáng đãng với các tiểu cảnh cây xanh, dòng nước uyển chuyển vui mắt, tôi quên luôn ngày trước nơi đây từng là con kênh đen ô nhiễm nối ra rạch Bến Nghé với hàng ngàn hộ dân sinh sống. Đây đúng là công trình phục vụ người dân, giúp thay đổi diện mạo của quận và nâng cao đời sống của nhân dân” - ông Thái Hồng Cảnh (75 tuổi) bày tỏ.
Ngày 3/10, đường Tô Ký (đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu- huyện Hóc Môn) tổng vốn đầu tư 217 tỷ đồng khánh thành sau 3 năm thi công trong niềm vui của bà con nơi đây. Trước, con đường có bề rộng 6-7m, nay được nâng cấp rộng 25m với 4 làn xe. Ngoài ra, hệ thống thoát nước cũng được đầu tư, vỉa hè lát gạch, nhiều đoạn trên tuyến đường được quy hoạch làm công viên. Hai bên đường, thay cho những căn nhà lụp xụp ngày trước là những căn nhà nay được xây dựng lại thành nhà cao tầng, khang trang.
Theo Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn Nguyễn Thanh Tú, đây là con đường hợp lòng dân và được xây dựng từ sự đồng thuận của người dân. Sau khi hình thành, đường Tô Ký không chỉ góp phần vào việc thông thương đi lại của người dân khu vực cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, mà còn giúp cuộc sống người dân nơi đây được thuận tiện, thoát cảnh kẹt xe, ngập nước, đường đầy khói bụi với ổ voi.
Trong khi đó, trở lại xóm rạch Ụ Cây (Q.8) một ngày đầu tháng 10, ông Nguyễn Kiến Tường không giấu được niềm vui khi thấy những người hàng xóm cũ đã có cuộc sống tốt hơn. Trong niềm vui ấy lại xen cả những bùi ngùi khi nhớ lại cuộc sống trước đây của gia đình ông lúc rạch Ụ Cây còn chưa được cải tạo. Ô nhiễm, không điện nước, chẳng biết sao gia đình lại có thể sống qua những ngày tháng đó. Giờ thì xóm rạch Ụ Cây đã thay da đổi thịt, những ngôi nhà tươm tất khang trang đã thay cho những “ổ chuột” cách đây chục năm. Từ thành công của dự án này, quận 8 trong nhiệm kỳ tới đây đang đặt mục tiêu tiếp tục di dời nhà trên và ven kênh rạch, nhằm cải thiện điều kiện sống cho hàng ngàn hộ dân. Đó là những dòng kênh Đôi hai bờ Nam và Bắc, rạch Nhảy Rạch - Ruột Ngựa; rạch Du - Ông Lớn - Ông Nhỏ - kênh Xáng; rạch Xóm Củi, Bà Tàng… Thực hiện thành công các dự án này sẽ là sự đổi thay to lớn trong đời sống sinh hoạt của người dân và cả diện mạo đô thị của thành phố.
Đi lại tại Bến xe Miền Đông mới thế nào cho tiện?
Theo báo Thanh Niên, để phục vụ hành khách đi lại tại bến xe Miền Đông mới ( ở quận 9), TP hiện đang tổ chức 3 tuyến xe buýt kết nối đến Bến xe Miền Đông mới, bao gồm: tuyến xe buýt số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao quận 9); tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên - Đền Vua Hùng) và tuyến số 93 (Bến Thành - Đại học Nông Lâm kết nối vào Bến xe Miền Đông mới).
Thời gian tới, để kết nối vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại từ bến xe mới về tỉnh Đồng Nai, từ bến xe Miền Đông mới đi bến xe Miền Tây, một số tuyến buýt trợ giá và không trợ giá sẽ được kết nối qua bến xe này.
Sở GTVT TP cho biết, từ ngày 10/10 vừa qua, Bến xe Miền Đông mới chính thức đưa vào họat động giai đoạn 1, trong đó trước mắt tổ chức 22 tuyến xe khách có cự ly tuyến 1.100 km trở lên hoạt động tại bến xe (từ Quảng Trị trở ra Bắc). Tuy nhiên, Bến xe Miền Đông mới nằm xa trung tâm khiến nhiều người lo ngại việc di chuyển.
Để việc di dời mang lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hình thành dần thói quen đi lại, trong thời gian đầu các đơn vị vận tải thuộc diện di dời ở giai đoạn 1 tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại Bến xe Miền Đông hiện hữu trước khi đến Bến xe Miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn tạm thời không quá 3 tháng kể từ ngày 10/10/2020). Đồng thời, khuyến khích các đơn vị vận tải đang khai thác các tuyến vận tải hành khách còn lại tại Bến xe Miền Đông hiện hữu sử dụng Bến xe Miền Đông mới làm điểm dừng đón trả khách.
Hiện nay, một số đơn vị vận tải cũng có phương án trung chuyển khách từ bến xe cũ sang bến xe mới. Vì vậy, hành khách có thể chọn các phương tiện để di chuyển ra Bến xe Miền Đông mới như: xe trung chuyển, xe buýt, xe công nghệ, xe ôm, xe cá nhân,…
Hàng loạt dự án xây cầu được gỡ khó
Báo Pháp Luật TP cho hay, hiện nay UBND TP duy trì lịch họp giao ban định kỳ hai tuần/lần để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Qua các cuộc họp, trước mắt UBND TP đã gỡ khó cho 5 dự án. Trong đó có các dự án xây cầu lâu nay bị đình trệ như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Kiểng và hai dự án khác gồm: Cải tạo, chỉnh trang Công viên Gia Định (Q.Gò Vấp); xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu sông Xóm Củi (H.Bình Chánh).
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, để công tác GPMB được thuận lợi và đúng tiến độ, địa phương cần cam kết tiến độ cụ thể của công tác bàn giao mặt bằng phục vụ thi công cho chủ đầu tư. Đồng thời, tiến độ giải ngân phải được kiểm tra song song với tiến độ bồi thường GPMB.
Ông Phúc cũng cho rằng cần tăng cường tính chủ động, đầu mối của chủ đầu tư trong việc phối hợp, đồng hành với chính quyền địa phương trong công tác bồi thường GPMB.
Cụ thể, chủ đầu tư sẽ làm việc với từng quận/huyện để thống nhất tiến độ và phối hợp triển khai trong công tác bồi thường GPMB đối với từng dự án. Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ các quận/huyện trong việc đồng hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thông qua việc tập hợp và báo cáo UBND TP trong cuộc họp giao ban định kỳ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB.
Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và Ban bồi thường GPMB địa phương trong công tác bồi thường GPMB cho từng hộ dân, từng trường hợp cụ thể… để đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB - Ông Phúc nhấn mạnh.
Thúc đẩy tái chế rác thải
9.500 tấn là lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày được thu gom trên địa bàn TPHCM. Lượng rác này tăng thêm khoảng 10%/năm, đã và đang gây ra áp lực lớn đến hạ tầng tiếp nhận và xử lý rác thải của TP. Mặt khác, biện pháp xử lý rác thải bằng chôn lấp đã bộc lộ nhiều ô nhiễm thứ phát cho môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng; tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến quỹ đất dành cho việc xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng thu hẹp.
Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng “xanh” được TP thúc đẩy nhằm kiểm soát chặt chất lượng môi trường, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân. Nội dung trên báo SGGP.
Theo đó, UBND TP đã gấp rút triển khai giải pháp xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại đốt rác phát điện. Hơn 20 nhà đầu tư từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Châu Âu, Nga, Hoa Kỳ… đã tham gia dự thầu đầu tư xử lý rác thải. Kết quả đã có 4 dự án được chọn triển khai và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Bao gồm: nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện của Công ty CP Vietstar có công suất 2.000 tấn/ngày; nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày; Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu có nhà máy nhỏ hơn với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Công ty CP Môi trường Tasco, ngoài đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, còn đầu tư thêm nhà máy xử lý chất thải công nghiệp có công suất xử lý 500 tấn/ngày và chất thải nguy hại 120 tấn/ngày.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, chia sẻ, công nghệ đốt rác hiện nay không còn là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp mà hoàn toàn có thể triển khai ngay. Quan trọng hơn, việc ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện không những giúp giảm quỹ đất dành cho chôn lấp rác mà còn giúp tránh nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác phát sinh trong quá trình chôn lấp; lợi ích bền vững về kinh tế và an toàn cho môi trường. Cái cần nhất vẫn là kêu gọi thực hiện tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn.
Có thể thấy, với việc triển khai xây dựng gấp rút các nhà máy chuyển đổi công nghệ nêu trên, dự kiến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành trước một số lò đốt để đáp ứng chỉ tiêu của chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tỷ lệ rác xử lý bằng biện pháp đốt phát điện và tái chế thành phân compost sẽ chiếm tỷ lệ 40%. Lượng rác chôn lấp theo đó sẽ giảm xuống còn 60%. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ rác đốt phát điện, tái chế lên khoảng 50% và giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống còn 50% vào 2020-2023.
Quyết xử chung cư biến tấu từ nhà riêng
Sau khi UBND TP ra hạn cuối đến ngày 15/10 các quận - huyện phải xử lý rốt ráo những trường hợp nhà riêng lẻ gắn mác chung cư mini, nhiều địa phương cho biết đã cưỡng chế gần xong những vi phạm này.
Thông tin với PV báo Pháp Luật TP, chiều 15/10, ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND quận Bình Tân cho biết quận phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công và họ cũng đã chấp hành. Ngoài ra, quận còn bố trí lực lượng của phường canh gác tại những công trình vi phạm, đề phòng việc tái phạm. Các công trình này đang thực hiện tháo dỡ và chỉ trong thời gian ngắn sẽ hoàn thành tháo dỡ phần sai phép, không phép.
Cùng với đó, UBND quận Thủ Đức cũng cho biết đã thực hiện cưỡng chế xong nhiều công trình nhà ở riêng lẻ xây sai phép trên địa bàn.
Đó là các chung cư mini gắn mác nhà riêng lẻ do ông Lưu Nguyên Quảng và ông Lê Thành Trí làm chủ đầu tư trên địa bàn phường Linh Đông; công trình xây dựng tại thửa 639, tờ 45 bản đồ địa chính phường Linh Đông, do ông Đỗ Trưởng Quyền và bà Đỗ Huệ Trinh làm chủ đầu tư; công trình xây dựng vi phạm do bà Trương Thị Ngọc Hiếu làm chủ đầu tư tại đường số 8, khu phố 4, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức.
Vừa qua, UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác này. Cụ thể, những nhà ở riêng lẻ tự ý thay đổi kết cấu phòng bên trong không theo giấy phép xây dựng nhằm làm tăng số lượng phòng ở để cho thuê và để bán, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết yêu cầu chủ sở hữu tự thực hiện tháo dỡ. Nếu chủ đầu tư không tự thực hiện, cơ quan chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế.
TP cũng giao UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp thừa phát lại lập vi bằng các giao dịch chuyển nhượng trái phép nhà ở dưới hình thức chung cư mini, “nhà ba chung”.
Cảnh sát kinh tế - Công an TP bắt 3 xe tải chở lượng lớn hàng lậu
Theo báo Công an TP, sau thời gian dài theo dõi, khoảng 9 giờ sáng 15/10/2020, các trinh sát Đội 6 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP phối hợp với Công an quận Tân Phú tiến hành kiểm tra 03 xe ô tô tải 15 tấn đang vận chuyển hàng hoá cấm nhập khẩu là máy lạnh và hàng điện tử đã qua sử dụng vào kho số 4 đường Kênh 19/5, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú.
Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại kho và trên các phương tiện hơn 1000 sản phẩm máy lạnh, hàng điện tử đã qua sử dụng. Ước tính tổng giá trị lô hàng khoảng 3 tỷ đồng.
Bước đầu, tài xế các xe trên khai nhận số hàng hóa trên do ông Vũ Thanh Hùng (ngụ huyện Đức Hoà Hạ, Long An) yêu cầu các tài xế vận chuyển về kho do ông Hùng thuê tại Q.Tân Phú để tiêu thụ.
Hiện vụ việc được Phòng Cảnh sát Kinh tế và Công an Q.Tân Phú tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng liên quan, xử lý theo pháp luật.
Bộ GTVT đồng ý Vingroup khai thác xe buýt điện tại Hà Nội, TP.HCM
Báo Tuổi Trẻ cho hay, trong công văn vừa gửi UBND TP Hà Nội và TP.HCM, Bộ GTVT cho biết Bộ đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đề xuất của Tập đoàn Vingroup liên quan đến phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP.HCM để giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ GTVT, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025. Vì vậy, Bộ đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP.HCM.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và TP.HCM yêu cầu Tập đoàn Vingroup thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Xe buýt điện của Tập đoàn phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Vì buýt điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đấu thầu, đơn giá cung cấp sản phẩm dịch vụ, Bộ đề nghị UBND Hà Nội và UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn.
Trước đó, Vingroup đã đề nghị Thủ tướng cho phép được triển khai đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP.HCM theo phương thức đặt hàng tạm thời cung ứng dịch vụ công cộng với đơn giá tạm tính theo đơn giá định mức các loại xe buýt điện hiện có trong khi chờ xây dựng đơn giá định mức cho xe buýt điện. Theo kế hoạch, Vingroup sẽ đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng và tổ chức vận hành 15 tuyến xe buýt điện tại Hà Nội và TP.HCM.
Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong thực hiện quyền trẻ em
Vietnamplus đưa tin, ngày 15/10, tại TPHCM, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em.”
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng trong và ngoài nước thực hiện quyền của trẻ em cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ, tạo điều kiện để trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, hiện nay hệ thống bảo vệ trẻ em và các dịch vụ chăm sóc trẻ từng bước nâng cao, tăng về số lượng và đang dạng loại hình. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ chưa đầy đủ, chưa đến được gia đình, cộng đồng dân cư, trường học, nhất là các dịch vụ mang tính phòng ngừa, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ.
Từ thực trạng trên, ông Phạm Đình Nghinh khẳng định, đây là vấn đề cấp thiết mà các cơ quan chức năng cần quan tâm, đặc biệt là cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới. Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan thực hiện quyền của trẻ em, rất cần sự vào cuộc của các đơn vị, tổ chức xã hội ngoài công lập hướng đến chăm sóc tốt nhất cho trẻ.
Tham dự hội thảo, bà Lesley, Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, Đại diện UNICEF đã và đang có nhiều hoạt động phối hợp với các ngành chức năng Việt Nam và TPHCM thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em. Bà Lesley cũng kỳ vọng tiếp tục được lắng nghe nhiều ý kiến của trẻ, gia đình và các cơ quan thực hiện quyền của trẻ em để từ đó có chính sách gần gũi, thân thiện, hỗ trợ tiếng nói của trẻ em.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường các hoạt động, vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em. Các đại biểu cũng đánh giá cao các hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM với nhiều giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là vai trò của Hội trong việc phòng, chống xâm hại, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời cho rằng, thách thức chung của các tổ chức, cơ quan trong việc bảo vệ trẻ em là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ.
Ngành đường sắt chạy thêm nhiều đoàn tàu tuyến Sài Gòn-Nha Trang
Cũng trên Vietnamplus, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến Sài Gòn-Nha Trang, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm hàng loạt các đoàn tàu.
Cụ thể, đơn vị này sẽ chạy tàu SNT8 xuất phát ga Sài Gòn 19 giờ 50 ngày 16/10 với ga đón, trả khách tại Sài Gòn, Tháp Chàm, Nha Trang; chạy tàu SNT4 xuất phát ga Sài Gòn 21 giờ 25 ngày 23/10 ga đón, trả khách Sài Gòn, Biên Hòa, Tháp Chàm, Nha Trang; chạy tàu SNT5 xuất phát ga Nha Trang 12 giờ 40 ngày 18/10 và 25/10 với các ga đón, trả khách gồm Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Biên Hòa, Sài Gòn.
Trước đó, vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 14/10/2020, ngành đường sắt đã thông toàn bộ tuyến đường sắt Bắc-Nam sau thời gian bị chia cắt do ảnh hưởng của mưa lớn tại khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị gây ngập đường ray.
Độc đáo cách học lịch sử của học sinh tiểu học
Theo báo Người Lao Động, ngày 15/10, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) đã tổ chức lễ Huý kỵ Vua Đinh Tiên Hoàng, vị Vua mà trường mang tên.
Theo cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, lễ Húy kỵ là hoạt động hàng năm của nhà trường nhằm giáo dục cho HS về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", cũng như về văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Qua buổi lễ, các em sẽ có thêm những kiến thức lịch sử về vị Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng. Đồng thời, giúp các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc cũng như thêm yêu, tự hào về ngôi trường của mình. Nhất là các em HS lớp 1, còn bỡ ngỡ về ngôi trường mình đang theo học.
Buổi lễ được mở đầu với màn trình diễn đầy hào hùng của đội trống nhà trường. Bên cạnh đó là các tiết mục sống động nhằm tái hiện lại hình ảnh của của vị Vua lúc còn nhỏ, như thể hiện tài cầm quân lấy bông lau làm cờ, bày trận đánh nhau hay chiến công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)