Có 41 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM là người ngoài Đảng
Báo SGGP đưa tin, ngày 15/3, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi tắt là Ủy ban bầu cử TPHCM) cho biết, trong 227 hồ sơ ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND TP có 41 hồ sơ là người ngoài Đảng tham gia ứng cử.
Cụ thể, trong 54 hồ sơ ứng cử ĐBQH, có 18 hồ sơ là người ngoài Đảng (chiếm 33%); trong 173 hồ sơ ứng cử ĐB HĐND TPHCM, có 23 hồ sơ là người ngoài Đảng (chiếm 13%).
Có 16 hồ sơ ứng cử ĐBQH mà người ứng cử là nữ giới (30%), 8 hồ sơ là người dưới 40 tuổi (15%). Con số này ở hồ sơ ứng cử ĐB HĐND TPHCM lần lượt là 58 hồ sơ (34%), 29 hồ sơ (17%).
Có 15 người (28%) tái ứng cử, 16 người (30%) tự ứng cử ĐBQH và 51 người (29%) tái ứng cử, 13 người tự ứng cử HĐND TPHCM.
Về trình độ của người ứng cử, có 96% người ứng cử ĐBQH có trình độ đại học, trên đại học; tỷ lệ này đối với người ứng cử ĐB HĐND TP là 97%.
Ủy ban bầu cử TP cho biết, việc tiếp nhận hồ sơ đã khép lại sau 17 giờ ngày 14/3 theo quy định. Hồ sơ người ứng cử sau đó được bàn giao sang Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM.
Lộ trình chuyển 5 huyện ngoại thành lên quận
Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc TP thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030.
Theo lộ trình dự kiến, giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TPHCM). Giai đoạn 2025-2030 sẽ chuyển 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TPHCM).
Sở Nội vụ đánh giá sơ bộ, huyện Hóc Môn đạt 30/30 tiêu chí; Bình Chánh đạt 26/30, Nhà Bè đạt 23/30, Củ Chi đạt 23/30. Riêng huyện Cần Giờ đạt 19/30, chưa đạt 50% dân số theo quy định.
Cũng theo Sở Nội vụ, trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc, đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.
Việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TPHCM), chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.
Yêu cầu được đặt ra khi thành lập đơn vi hành chính quận (hoặc TP thuộc TPHCM) phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội đại biểu TP lần thứ XI thông qua; đảm bảo trình tự và thủ tục đúng quy định.
Làm CCCD: Nhiều cách để tránh quá tải cho dân
Hiện nay, công an các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang tăng cường cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip theo hình thức lưu động tại các phường trên địa bàn để giảm tải cho người dân.
Nhiều người dân do ban ngày phải đi làm xa, tối tranh thủ đến làm để được cấp CCCD gắn chip.
Ngoài việc tiếp dân tại trụ sở, Công an quận Bình Tân còn bố trí tổ lưu động xuống từng phường để cấp CCCD. Tại các điểm lưu động, công an tiếp nhận hồ sơ sẽ phân chia, xếp hẹn để người dân đến làm, tránh việc tập trung người quá đông.
Tại quận 3, đại diện Công an quận cho biết, hiện việc cấp CCCD gắn chip trên địa bàn đã được chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, máy móc chuyên dụng. Khi thực hiện cấp CCCD theo từng khu vực, địa bàn thì người dân sẽ đến đăng ký với cảnh sát khu vực để nhận phiếu thứ tự. Những người cao tuổi, sinh viên,… sẽ được ưu tiên đăng ký; ai cần gấp cũng sẽ được ưu tiên cấp trước, ai chưa vội thì sẽ được làm sau.
“Việc đăng ký thứ tự như vậy để người dân sắp xếp thời gian thuận tiện, không để bà con chờ lâu. Vì vậy, mong bà con khi đã đăng ký với cảnh sát khu vực thì nên đi đúng giờ để tránh chờ lâu, tránh tập trung đông người và phòng dịch bệnh…” - đại diện Công an quận 3 lưu ý.
Tương tự, tại quận Bình Thạnh, việc cấp CCCD có gắn chip được công an quận triển khai tại trụ sở và 2 tổ lưu động luân phiên cấp từng phường. Việc cấp CCCD gắn chip được thực hiện cho toàn bộ người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn quận. Tuy nhiên, quận cũng vận động các trường hợp đã có CCCD trước đó thì khoan đổi nhằm tránh việc tập trung quá đông người.
Cấp CCCD có gắn chip vào ban đêm tại Công an quận 6. Ảnh: CÔNG AN TP.HCM
Để tránh quá tải trong việc cấp CCCD, Công an quận 6 cũng đang tiếp dân từ 6 giờ đến 23 giờ tất cả ngày trong tuần tại trụ sở 101-103-105 Phạm Văn Chí. Cảnh sát khu vực đã thông báo đến từng nhóm Zalo của các khu dân cư trên địa bàn quận để thông báo cho người dân biết đối tượng nào đang được ưu tiên thì nên đi làm trước.
Quản lý thu phí đậu xe hơi bằng công nghệ cảm biến
Báo Tuổi Trẻ cho hay, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP vừa thống nhất thí điểm thực hiện lắp đặt sensor cảm biến nhằm quản lý hoạt động thu phí sử dụng tạm lòng lề đường để đỗ ôtô trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), đồng thời triển khai dịch vụ thanh toán di động (Mobile Money).
Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP (đơn vị được giao quản lý) sẽ khoan 28 lỗ tại 28 ô đỗ xe có thu phí trên đường Hai Bà Trưng đoạn trước công viên Lê Văn Tám.
Điểm thu phí đậu ôtô dưới lòng đường trước công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.K.
Sở GTVT TP đề nghị sau khi lắp đặt cảm biến, Công ty này đánh giá hiệu quả về phương án nêu trên. Từ đó đề xuất lắp đặt đồng loạt tại các điểm thu phí còn lại, hoặc đề xuất thay thế thiết bị khác cho phù hợp.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Công ty nghiên cứu giải pháp thanh toán phí sử dụng tạm lòng lề đường để đỗ ôtô qua tài khoản di động.
Trước đó, từ tháng 8/2018, TP HCM bắt đầu thu phí đậu xe trên 23 tuyến đường tại quận 1, quận 5 và quận 10 với khoảng 1.000 vị trí đậu xe, mức thu thấp nhất 20.000 - 25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên. Tuy nhiên, số tiền thu được còn thấp so với dự báo của đề án, chưa đủ chi cho hạ tầng kỹ thuật công nghệ cũng như nhân sự thu phí.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP HCM sau đó được TP giao nhiệm vụ quản lý thu phí. TP cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan từng bước hoàn chỉnh và nâng cao các giải pháp công nghệ vào quá trình thu phí.
Số hóa 100 điểm tham quan
Trên lĩnh vực du lịch, ngày 15/3, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, trong năm 2021, Sở này sẽ nghiên cứu, thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR Code tương tác tại 100 điểm tham quan, bảo tàng, di sản văn hóa trên địa bàn TP. Tin từ báo SGGP.
Hiện tại, Sở Du lịch TP đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua kế hoạch truyền thông chương trình “100 điều thú vị và khám phá TPHCM”, xúc tiến cùng các phương thức mới đến những thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.
Trong quá trình thực hiện, ngành du lịch TP tập trung ứng dụng hình thức truyền thông trực tuyến, triển khai các ứng dụng của bộ nhận diện thương hiệu du lịch TPHCM đã được xây dựng thiết kế; thực hiện sản xuất phim quảng bá điểm đến TPHCM và phim ngắn về 2 đặc trưng của du lịch TPHCM (ẩm thực và văn hóa, phong cách sống); thực hiện truyền thông đa phương tiện thương hiệu du lịch TPHCM “Vibrant Ho Chi Minh City”.
Ảnh minh họa
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thu giữ 5,84kg chất nghi là cần sa
Theo Vietnamplus, chiều 15/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá và bắt giữ liên tiếp 3 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy của cùng một đối tượng, thu giữ gần 5,84kg chất nghi là cần sa.
Trước đó, qua công tác thu thập thông tin, điều tra nắm tình hình, lực lượng hải quan đã đưa vào giám sát trọng điểm các lô hàng được gửi từ Mỹ về Việt Nam của đối tượng tên N.D.T., trú tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Sau đó, lực lượng hải quan đã kiểm tra thực tế, tập trung vào 3 lô hàng của đối tượng nói trên được gửi theo loại hình phi mậu dịch dưới hình thức quà biếu-quà tặng, được xếp trên chuyến bay có số hiệu JL0579/11 từ Los Angeles (Mỹ) quá cảnh qua Narita (Nhật Bản) về Việt Nam.
Kết quả kiểm tra cho thấy, cả 3 lô hàng nêu trên đều chứa mẫu vật nghi là ma túy (cần sa) với tổng trọng lượng là 5,84kg.
Hiện tại cơ quan hải quan đã tạm giữ toàn bộ số tang vật và phối với các lực lượng chức năng để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định.
Chất ma túy (nghi là cần sa) bị lực lượng hải quan thu giữ được cất giấu trong các hộp thực phẩm chức năng. (Ảnh: TTXVN phát)
Tịch thu gần 200 xe cũ nát trong ngày đầu tiên ra quân truy quét
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 15/3, các đội, trạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM đồng loạt ra quân thực hiện chuyên đề cao điểm kiểm tra, xử lý xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế. Trong ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT TP đã tịch thu gần 200 xe cũ nát, tự chế lưu thông trên đường. Theo kế hoạch, đợt cao điểm sẽ kéo dài đến hết ngày 14/6.
Ngoài lỗi sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện bị tịch thu còn bị xử phạt các lỗi: không đội mũ bảo hiểm, xe không có biển số, không có giấy phép lái xe…
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, những trường hợp bị kiểm tra nhưng không có lỗi vi phạm, CSGT đã trả lại giấy tờ xe, nói lời cảm ơn về sự hợp tác của người điều khiển phương tiện.
Gần 200 xe cà tàng, xe tự chế không đảm bảo an toàn tham gia giao thông đã bị tịch thu, xử lý trong sáng 15/3.
Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết trong đợt cao điểm này, cán bộ - chiến sĩ được phép dừng các loại phương tiện là môtô, xe cơ giới ba bánh, xe cũ nát, xe tự chế.
Đơn vị sẽ tập trung phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, xe không đăng ký, không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ, các bộ phận khác có nhưng không có tác đụng…
Sẽ thanh tra hoạt động các trung tâm ngoại ngữ
Thông tin từ báo Tiền Phong, ngày 15/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM đã đưa ra kế hoạch công tác trọng tâm trong năm 2021. Trong đó, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giám sát, thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động các cơ sở giáo dục nhất là trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, cơ sở giữ trẻ ngoài giờ… Kiên quyết ngưng hoạt động nếu cơ sở giáo dục không đảm bảo an toàn cho người học, chưa được cấp phép và tổ chức các hoạt động không đúng quy định.
Sở GD&ĐT TP đánh giá, gần đây, công tác quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, người lao động và an ninh, trật tự tại địa phương.
Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng đang bị điều tra.
Nguyên nhân được Sở này dẫn ra là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập đẩy mạnh hoạt động nhằm khắc phục hậu quả do dịch bệnh nhưng chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định, hoạt động không phép, không tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý và chuyên môn.
Bên cạnh đó, một số trung tâm có phép hoạt động nhưng đã hết thời hạn, một số đang thực hiện quy định mới, chuyển đổi từ hình thức hoạt động chi nhánh sang hình thức đăng ký thành lập và hoạt động giáo dục theo quy định nhưng chưa kịp hoàn thành…