Rộn ràng hoạt động cho Ngày Sách và Văn hóa đọc
Báo Phụ Nữ TP cho hay, từ những ngày đầu tháng 4, nhiều hoạt động giao lưu - trò chuyện cùng sách đã được các đơn vị làm sách, xuất bản tổ chức sôi nổi. Các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã lần lượt khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024.
Tại TPHCM, lễ khai mạc chính thức sẽ được diễn ra vào sáng ngày 19/4, tại Đường sách TPHCM. Tuy nhiên, không gian Đường sách TPHCM lẫn Đường sách TP Thủ Đức những ngày qua đều rộn ràng, sôi nổi với các hoạt động trò chuyện về sách, giao lưu tác giả-tác phẩm...
Sáng ngày 17/4, tại Đường sách TPHCM sẽ có chương trình Tri thức ươm mầm tương lai, với sự tham gia giao lưu của các Đại sứ văn hóa đọc. Tại Đường sách Thủ Đức là buổi giao lưu với hai tác giả Trúc Nhi Hoàng và Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (bút danh Mình Là Hũ), với bộ sách tranh dành cho thiếu nhi Hít hà mùi đất nước.
Nhiều tác phẩm mới ra mắt trong dịp này cũng được các đơn vị xuất bản tổ chức các buổi giao lưu với tác giả: Đọc sách cũng như yêu (nhà báo Trung Nghĩa - Đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024, nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM), Từ những tên riêng (nhà báo - nhà văn Hồ Huy Sơn, nhà xuất bản Kim Đồng)...
Hàng loạt sự kiện kích cầu du lịch được tổ chức trong quý II
Báo Pháp Luật TP đưa tin, chiều 15/4, Sở Du lịch TPHCM tổ chức buổi thông tin về tình hình và sự kiện du lịch TPHCM quý II-2024. Trong quý II, sở sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện để kích cầu du lịch, thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đã có những chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khi thay đổi từ nghỉ 3 ngày lên 5 ngày. Giám đốc Sở Du lịch TPHCM còn dự báo quý II doanh thu du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì cao điểm hè. TP cũng có các hoạt động đón đầu xu hướng, chuẩn bị kỹ các chương trình kích cầu.
Cụ thể, tháng 4 này TP có Ngày hội du lịch, lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim. Tháng 5, TP sẽ có các hoạt động như lễ hội sâm và hương dược liệu quốc tế, triển lãm ngành lương thực thực phẩm, hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu.
Điểm nhấn của tháng 5 và đầu tháng 6 là lễ hội sông nước được nâng lên tầm quốc tế tại khu Nhà Rồng Khánh Hội, Cảng Sài Gòn cũng như nhiều điểm du lịch sông nước trên địa bàn. Sự kiện là chuỗi 22 hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật, ẩm thực, thể thao, mua sắm diễn ra toàn địa bàn.
Bệnh viện gần 1.900 tỷ đồng ở TPHCM có sân bay trực thăng cấp cứu dần lộ diện
Theo báo Tiền Phong, ba bệnh viện nghìn tỷ ở cửa ngõ TPHCM gồm bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi đang gấp rút được hoàn thành. Sau khi đưa vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM.
Phía cửa ngõ Tây Bắc TPHCM, dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn có quy mô 12 tầng, 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn là hơn 72.293 m2. Đặc biệt, bệnh viện có bãi đáp trực thăng trên tầng 12 để đáp ứng yêu cầu cấp cứu bằng đường hàng không. Ngoài ra, dự án bệnh viện còn tạo quỹ đất để xây dựng thêm 500 giường nội trú khi có nhu cầu mở rộng.
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi có 13 tầng, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 80.980 m2. Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi được khởi công đầu năm 2021 với quy mô 1.000 giường nội trú và trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 3.000 - 3.500 lượt bệnh nhân ngoại trú.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức được khởi công cuối năm 2021 với tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng. Công trình có một tầng hầm, 10 tầng nổi với tổng diện tích xây dựng 78.281 m2. Dự kiến quý III/2024, khối phòng khám sẽ đi vào hoạt động. Toàn bộ bệnh viện sẽ được đưa vào hoạt động vào quý IV/2024.
Thi đánh giá năng lực: Giảm gần nửa số thí sinh trên 1.000 điểm
Trong số gần 94.000 thí sinh tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay, chỉ 80 thí sinh đạt hơn 1.000/1.200 điểm. So với số thí sinh (TS) đạt từ mức trên 1.000 điểm của đợt 1 năm ngoái, năm nay giảm gần một nửa nhưng tăng mạnh số bài thi đạt mức điểm từ trên trung bình trở lên.
Trao đổi với báo Thanh Niên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận định: "Phân bố điểm thi đợt 1 năm 2024 có dạng gần với phân bố chuẩn tự nhiên. Dải điểm trải rộng thể hiện khả năng phân loại TS cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển". Cụ thể, trong 93.828 bài thi được chấm, điểm trung bình của TS ở mức 643,4 điểm, 80 TS đạt trên 1.000 điểm. TS có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.076 điểm và TS thấp nhất là 203 điểm.
So sánh với kết quả đợt 1 năm ngoái, điểm thi năm nay có nhiều biến động khá bất ngờ trong từng khoảng điểm khác nhau. Theo đó, dù số TS dự thi nhiều hơn nhưng TS đạt điểm cao của đợt 1 năm nay lại thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Ở khoảng điểm cao trên 1.000 điểm, số bài thi năm nay giảm gần một nửa so với đợt 1 năm ngoái (năm ngoái có 152 bài trong khi năm nay chỉ 80 bài). Bài thi đạt điểm cao nhất cũng thấp hơn năm ngoái. Các mức điểm cận dưới 1.000 điểm, số TS đạt được của năm nay cũng thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, đợt 1 năm 2023 có tới 1.852 TS đạt từ 901 điểm trở lên (chiếm 2,1% tổng số TS dự thi). Nhưng số bài thi đạt từ 901 trở lên của đợt 1 năm nay chỉ 1.435 bài (thấp hơn trên 400 bài).
Tháng 4 đến tháng 8 dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm
Báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở An toàn thực phẩm TPHCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, đơn vị đề nghị có các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo Sở An toàn thực phẩm TP, thời gian qua TPHCM xảy ra các sự cố liên quan an toàn thực phẩm khiến nhiều người nhập viện. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển hoặc do ăn uống phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn như rượu có chứa methanol, sản phẩm có chứa độc tố botulinum, con so biển, cá nóc...
Các địa phương cần giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, nhất là từ tháng 4 đến tháng 8. Trong đó cần chú ý ngộ độc do các loại thực phẩm bị biến chất, ô nhiễm vi sinh vật, ngộ độc do rượu, ngộ độc botulinum.
Phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm đến cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin hạn sử dụng đầy đủ, còn nguyên nhãn mác, bao bì sản phẩm không bị biến dạng. Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm nghi ngờ biến chất. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá. Đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Nhiều tiệm vàng tại TPHCM bất ngờ đóng cửa
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 15/4, một số tiệm vàng ở khu vực quanh chợ An Đông (quận 5), chợ Thiếc (quận 11) và phố vàng bạc quận 5 đã đóng cửa.
Chẳng hạn, tiệm vàng N.T, tiệm vàng N.T.L và tiệm vàng sát bên trên đường Nguyễn Duy Dương - tuyến phố kinh doanh vàng bạc - đá quý sầm uất ở TP HCM - đều cửa đóng then cài. Một người quản lý của tiệm vàng ngay đó cho hay có thể cơ quan chức năng đang có đợt thanh tra vàng nên tiệm này đóng cửa để không bị phạt.
Trong khi đó, Cục QLTT TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt triển khai kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn. Việc này nhằm thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ - yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, Cục QLTT TP HCM đã chỉ đạo các Đội QLTT tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)