Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 16/5/2023

09:42 16/05/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 16/5:

TPHCM rà soát quỹ đất để phát triển công viên

Theo báo Pháp Luật TP, UBND TPHCM vừa có văn bản về việc triển khai thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn (giai đoạn 2020-2025).

TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người. Ảnh: NC
TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người. Ảnh: NC

Theo đó, UBND TP phân công Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường, xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn.

Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn TP, làm cơ sở cho việc xem xét, đề xuất xây dựng mới và chỉnh trang các công viên hiện hữu.

UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được được phân công đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư của các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành hệ thống công viên, cây xanh theo quy hoạch được duyệt và bàn giao cho cơ quan quản lý Nhà nước.

TPHCM đặt chỉ tiêu chuyển 648ha đất phi nông nghiệp sang đất ở

Thông tin về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP. Với kế hoạch sử dụng đất giai đoạn này, Sở trình chỉ tiêu phân bổ hơn 102.191ha đất nông nghiệp, 106.750ha đất phi nông nghiệp và 598ha đất chưa sử dụng. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Đến năm 2020, trên địa bàn TP.HCM còn 562 công trình, dự án chưa thể triển khai dù đã đăng ký có nhu cầu sử dụng đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đến năm 2020, trên địa bàn TP.HCM còn 562 công trình, dự án chưa thể triển khai dù đã đăng ký có nhu cầu sử dụng đất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TPHCM đặt chỉ tiêu chuyển 9.867ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng 4.480ha đất trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển 684ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở.

Để thực hiện có kết quả phương án kế hoạch sử dụng đất 5 năm, TP đề ra các giải pháp bao gồm đẩy nhanh quá trình thu hồi đất vùng phụ cận các dự án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Từ đây tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất và phần đất dôi dư được bán đấu giá.

Song song đó khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện tốt di dời tháo dỡ cải tạo và xây dựng mới thay thế các chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 bằng cách hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất và bồi thường...

Nhiều sản phẩm giải nhiệt hút hàng nhờ nắng nóng

Vietnamplus ghi nhận, tại TPHCM, thời tiết nắng nóng kéo dài chưa có tín hiệu hạ nhiệt nên nhiều nhóm sản phẩm giải nhiệt hút hàng và duy trì sức mua tăng cao.

(Ảnh minh họa: Việt Anh/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: Việt Anh/Vietnam+)

Bà Hồng Thanh, chủ quầy nước giải khát tại quận 3 cho biết, hiện nay sức mua nhóm mặt hàng nước giải khát tăng gấp hai và ba lần so với thời điểm tháng 2/2023. Sức mua tăng ở cả sản phẩm nước giải khát tự nhiên và nước giải khát đóng chai.

Một số đơn vị kinh doanh nhóm ngành hàng ẩm thực, đồ uống cũng cho hay, doanh số tăng chủ yếu ở những mặt hàng nước giải khát như trà sữa, nước ép, sinh tố trái cây... Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng loại đồ uống được chế biến từ nguyên vật liệu tự nhiên, ít đường và đảm bảo dinh dưỡng cho sức khỏe hơn.

Liên quan đến nhóm ngành hàng điện máy-điện lạnh, chuyên gia đánh giá thị trường vài năm trở lại đây duy trì ở tình trạng bão hòa, nên tất cả nhà bán lẻ, doanh nghiệp có xu hướng kích cầu tiêu dùng thông qua dịch vụ hậu mãi tốt và mang lại đa dạng tiện ích cho người tiêu dùng hơn.

Tiếp tục tăng cường cán bộ cho các trung tâm đăng kiểm

Báo SGGP đưa tin, ngày 15/5, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đã tổ chức lễ bàn giao 60 cán bộ kiểm định viên lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội và TPHCM.

CSGT tham gia vào công tác đăng kiểm
CSGT tham gia vào công tác đăng kiểm

Đây là đợt tăng cường lần 3 thay thế cho 50 cán bộ, chiến sĩ CSGT hỗ trợ cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (từ ngày 12/3 đến 11/5).

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, những cán bộ kiểm định được tăng cường lần này sẽ khác với 2 lần trước là ngoài giải quyết ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, còn tham gia giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình đăng kiểm như kết nối dữ liệu trong quá trình đăng kiểm, giải quyết tình trạng “cò” tại các trung tâm đăng kiểm…

Yêu cầu các trường tập trung ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT

Báo Phụ Nữ TP cho hay, tối qua, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - đã triển khai đến hiệu trưởng các trường THPT về việc khẩn trương tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Các trường cần tập trung ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các trường cần tập trung ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, các trường chỉ đạo các tổ chuyên môn hoàn thành chương trình lớp 12 giáo dục phổ thông cấp THPT theo đúng kế hoạch giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả hệ thống quản lý học tập (LMS) và các hình thức tổ chức dạy học phù hợp để tổ chức ôn tập cho học sinh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Các tổ chuyên môn, giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp để tổ chức việc ôn tập cho học sinh. Trong đó, chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức để làm tốt bài thi tốt nghiệp.

Nhà trường tạo điều kiện về phòng học, phòng ôn tập, mở cửa thư viện nhà trường và phân công giáo viên hỗ trợ cho các học sinh còn gặp khó khăn trong quá trình ôn tập.

TPHCM hết vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Trên báo Thanh Niên, Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã hết hoàn toàn 2 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các loại khác thì nguy cơ hết nếu không được cung ứng kịp thời.

Tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế
Tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế

Theo đó, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng tại TPHCM đã hết hoàn toàn vắc xin DPT-VGB-HiB (vắc xin 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib), đây là loại vắc xin được sử dụng nhiều nhất. Năm 2022, loại vắc xin này cũng đã từng hết và được cấp lại vào tháng 10/2022 và "đứt" hoàn toàn vào tháng 3/2023.

Vắc xin DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) cũng đã hết hoàn toàn. Năm 2022 loại vắc xin này cũng đã từng hết, được cấp lần gần nhất là tháng 2/2023 và đã hết từ đầu tháng 5/2023.

Ngoài ra, đến cuối tháng 5/2023, TPHCM sẽ hết các loại vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Đến giữa tháng 6/2023 sẽ hết vắc xin lao (BCG); đến tháng 7/2023 sẽ hết vắc xin bại liệt (bOPV) và vắc xin sởi; đến tháng 8/2023 sẽ hết vắc xin uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9/2023 sẽ hết vắc xin sởi và rubella (MR).

Khi xiếc nâng tầm thành kịch xiếc

Với nhiều vở kịch xiếc được dàn dựng khá công phu và số ghế luôn lấp đầy trên 70% mỗi khi sáng đèn, có thể nói hướng đi mới của Nhà hát Phương Nam là hoàn toàn đúng đắn. 

Vở kịch xiếc “Cha Rồng mẹ Tiên”
Vở kịch xiếc “Cha Rồng mẹ Tiên”

Theo báo Tiền Phong, cuối năm 2020, Nhà hát Phương Nam đã giới thiệu tới công chúng vở kịch xiếc đầu tiên mang tên Ba Tư huyền bí. Lần đầu tiên tại sân khấu này, khán giả đã chứng kiến câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ xiếc. Hơn 50 diễn viên trẻ tài năng thể hiện nhiều tiết mục xiếc đặc sắc được lồng ghép trong những tình huống hấp dẫn của câu chuyện. Cùng với sân khấu được trang trí 3D hoành tráng, với những kỹ xảo và ánh sáng lung linh huyền ảo khiến cho khán giả như lạc vào không gian huyền thoại.

Từ thành công của Ba Tư huyền bí, tháng 7/2022, Nhà hát Phương Nam ra mắt vở kịch xiếc Bí ẩn nơi đảo hoang. Cuối tháng 4/2023, Nhà hát tiếp tục ra mắt vở kịch xiếc thứ 3 mang tên Cha Rồng mẹ Tiên với câu chuyện về giai thoại mối tình Lạc Long Quân - Âu Cơ cùng 100 người con lên rừng xuống biển. Nhà hát phải mở thêm nhiều suất diễn để đáp ứng nhu cầu khán giả.

Nhà hát Phương Nam (tên đầy đủ là Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - tiền thân là đoàn Xiếc TPHCM) được thành lập từ năm 1986. Tuy nhiên, do đã có quy hoạch Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ nên trong thời gian chờ đợi rạp mới xây xong, đoàn đã phải “tạm cư” ở nhiều vị trí, từ quận 5 sang quận 11 rồi sang quận 1. Đầu năm 2013, đoàn được tạm cấp khu đất 5.529 m2 tại Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) để xây dựng nhà bạt (một dạng nhà tiền chế) để diễn xiếc. Dù chỉ là nhà bạt nhưng trong những năm vừa qua Nhà hát đã nỗ lực hết mình để thu hút khán giả đến với nghệ thuật xiếc.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục