Dừng khai báo "di biến động dân cư" các chốt trong nội thành
Theo báo Người Lao Động, chiều 15/8, Công an TPHCM cho hay, hiện TP vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch bằng cách người dân khi sử dụng các phương tiện ra vào TPHCM phải khai báo sức khỏe theo mã QR của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an (giữa TP với các tỉnh và giữa huyện của TP với huyện của các tỉnh giáp ranh).
Các chốt kiểm soát dịch khai báo mã QR giữa quận, huyện, TP Thủ Đức trong nội địa TP tạm thời không kiểm tra mã QR mà chỉ chốt chặn để làm nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 12 và Chỉ thị 16. Những trường hợp nào không đủ điều kiện thì buộc phải quay đầu xe, xử lý nghiêm vì ra đường không đúng mục đích.
Ghi nhận tại các chốt kiểm soát trên đường Đinh Bộ Lĩnh và một số tuyến đường khác ở quận Bình Thạnh chỉ tiến hành kiểm tra những trường hợp ra đường có giấy tờ tuỳ thân, giấy được cơ quan thẩm quyền cấp theo quy định.
Chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức cũng ngưng kiểm tra mã QR để kiểm tra theo Chỉ thị 12 đối với những trường hợp ra đường không thật sự cần thiết.
Thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà từ ngày 16/8
Website Thành ủy đưa tin, trên cơ sở trao đổi và thống nhất với TPHCM, Bộ Y tế và Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 với mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.
Chương trình được bắt đầu triển khai thí điểm tại TPHCM từ 16/8/2021 với 3 hoạt động chính, gồm: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; Cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; Cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế đối với các F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Để đảm bảo việc triển khai chương trình an toàn, hiệu quả, Hội đồng đạo đức y sinh học đã thống nhất triển khai đánh giá tại cơ sở y tế trong thời gian từ 16/8 - 22/8/2021 trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19.
Gần 6.000 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 6 được ra viện
Trao đổi với báo SGGP, bác sĩ Trần Văn Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 6 cho biết, tính đến chiều 15/8, tổng số bệnh nhân nhập viện là trên 8.200 trường hợp, trong đó gần 6.000 người được điều trị khỏi và ra viện. Hiện, bệnh viện đang điều trị khoảng 2.300 bệnh nhân mắc COVID-19.
Lực lượng gồm 131 bác sĩ và hơn 200 điều dưỡng chủ yếu đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương, Đa khoa Thái Bình… Tất cả mọi người vẫn đang ngày đêm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với hy vọng các bệnh nhân đều nhanh khỏe để trở về nhà.
Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 6 đặt tại Khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 11/7/2021 với quy mô 4000 giường.
Thêm lực lượng y bác sỹ 'tinh nhuệ' từ Hà Nội chi viện cho TPHCM
Vietnamplus cho hay, chiều 15/8, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến TPHCM để tiếp tục phối hợp với TP thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong chuyến bay cùng Bộ trưởng Bộ Y tế có hơn 110 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Mắt Trung ương và Viện Huyết học truyền máu Trung ương vào hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM và Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện Dã chiến 16, đây là 2 trong 5 trung tâm hồi sức tích cực chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại TPHCM hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hơn 110 y bác sỹ, nhân viên y tế đợt này nói riêng và hàng ngàn thầy thuốc của các bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương nói chung đã có mặt tại TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch.
Nhờ thế, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng đã được cứu chữa kịp thời. Người đứng đầu ngành y tế biểu dương, đánh giá cao và ghi nhận tất cả những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ y bác sỹ đã tình nguyện xung phong lên tuyến đầu trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay.
Mở lại hoạt động xuất khẩu gạo tại Bến 125 Cảng Cát Lái
Cũng trên báo SGGP, chiều 15/8, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, Bến 125 thuộc Cảng Cát Lái (TPHCM) hoạt động trở lại từ ngày 16/8 để nối lại hoạt động xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp thu gom, chế biến xay xát và kinh doanh lúa gạo tại Nam bộ.
Trước mắt Bến 125 chỉ mở lại với công suất khoảng 70 container/ngày. Nếu tính trung bình mỗi container khoảng 25 tấn gạo, mỗi ngày sẽ chỉ có khoảng 1.750 tấn gạo được đóng container để xuất khẩu. So với nhu cầu xuất gạo của doanh nghiệp, công suất này là quá nhỏ, song cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh phải giãn cách hoặc phong tỏa, hàng hóa ùn tắc. Điều này cũng mở ra tín hiệu khả quan cho lúa gạo đang tồn đọng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, để giảm thời gian đóng hàng, giảm tình trạng ách tắc tại cảng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh hoạt động đóng gạo ngay tại kho thay vì vận chuyển về đóng rút tại Bến 125.
Phát hiện hàng ngàn khẩu trang, mặt nạ thở oxy, bộ kít xét nghiệm nhái
Thông tin từ báo Thanh Niên, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) vừa qua đã tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với container chứa hàng hóa đặt trên rơ-mooc đậu trong khuôn viên Kho 601, địa chỉ số 601-603-605 quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân phát hiện nhiều kiện hàng hóa bên ngoài không có thông tin tên/số điện thoại.
Tổng số 13.828 đơn vị sản phẩm hàng hóa gồm: máy tạo ôxy, dụng cụ đo nồng độ ôxy trong máu, vỏ chai đựng ôxy, thực phẩm bao gói sẵn, quần áo may sẵn, phụ tùng xe gắn máy, phụ kiện điện thoại… các loại, các hiệu, do Trung Quốc và Mỹ sản xuất.
Toàn bộ số hàng hóa trên đều có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trong số đó có nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cục Quản lý thị trường TPHCM tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Đội Quản lý thị trường số 14 cũng tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Thương mại Quốc Tế Tín Thực tại quận Tân Phú, phát hiện công ty kinh doanh thiết bị y tế các loại do Trung Quốc sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không có số lưu hành và hóa đơn, chứng từ.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 80 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 và 36 cái máy đo nồng độ oxy trong máu có dấu hiệu vi phạm với tổng giá trị là 15 triệu đồng để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Năm học mới, TPHCM cần tuyển hàng ngàn giáo viên
Cũng trên báo Thanh Niên, ngày 15/8, Sở GD- ĐT TP thông tin, để chuẩn bị cho năm học 2021- 2022, TPHCM dự kiến tuyển 437 viên chức, gồm 388 giáo viên và 49 nhân viên để bổ sung nhu cầu giáo viên đối với các trường THPT và đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp tuyển dụng.
Ở khối các quận, huyện và TP Thủ Đức, tính đến tháng 6/2021, các địa phương đã báo cáo cần tuyển 5.526 giáo viên, nhân viên trong các trường từ mầm non cho đến THCS. Theo kế hoạch trong tháng 8/2021, các địa phương sẽ triển khai tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý.
Được biết, hiện tại kế hoạch tuyển dụng đang chờ UBND TP phê duyệt. Dự kiến, Sở GD-ĐT triển khai công tác tuyển dụng trong tháng 8 và hoàn thành vào tháng 11/2021. Vào thời điểm đầu năm học, các trường tạm thời hợp đồng giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại đơn vị.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)