Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 16/9/2020

10:31 16/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 16/9/2020:

Hồ sơ xét duyệt cách ly chuyên gia nước ngoài nhập cảnh thực hiện theo 3 bước

Theo báo Thanh Niên, ngày 15/9, Sở Y tế TP.HCM thông báo Sở này không tiếp nhận hồ sơ xét duyệt phương án cách ly phòng Covid-19 cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao (gọi chung là chuyên gia) khi nhập cảnh vào làm việc tại TP.HCM.

Sở Y tế TP cho biết, căn cứ vào chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 về việc hỗ trợ cho chuyên gia nhập cảnh Việt Nam để làm việc, thủ tục giải quyết cho chuyên gia nhập cảnh gồm 3 bước.

Chuyên gia nước ngoài đến TP.HCM làm việc phải được duyệt danh sách, phương án cách ly. Ảnh: C.T.V.
Chuyên gia nước ngoài đến TP.HCM làm việc phải được duyệt danh sách, phương án cách ly. Ảnh: C.T.V.

Bước đầu tiên, công ty, doanh nghiệp gửi hồ sơ mời chuyên gia về Sở LĐ-TB-XH nêu rõ phương án cách ly có thu phí do đơn vị đề xuất theo danh sách các khách sạn đã được TP.HCM chỉ định. Sở LĐ-TB-XH phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan trình UBND TP xem xét, phê duyệt danh sách các chuyên gia được phép vào làm việc tại TP.HCM.

Bước 2, UBND TPHCM có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) xem xét giải quyết thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia vào làm việc tại TP.HCM.

Bước 3, sau khi được sự chấp thuận của UBND TP.HCM và được cấp phép nhập cảnh, các đơn vị gửi hồ sơ (danh sách chuyên gia được duyệt, công văn chấp thuận của Bộ Công an, khách sạn đăng ký cách ly Covid-19) về Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Trung tâm y tế quận huyện nơi khách sạn đăng ký để phối họp tổ chức cách ly phòng Covid-19 theo quy định.

Theo Sở Y tế TPHCM, Sở thực hiện đúng quy định hiện hành, không phát sinh thêm thủ tục gây khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp có chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc qua sân bay Tân Sơn Nhất, cũng là nhằm đảm bảo phòng, chống Covid-19.

Bắt đầu đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt

Thông tin từ báo Người Lao Động, UBND TP vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức gắn biển tên đường Lê Văn Duyệt trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ cầu Bông đến đương Phan Đăng Lưu trên địa bàn quận Bình Thạnh; đồng thời, tổ chức tuyên truyền về việc đổi tên đường, về công trạng của danh nhân được chọn để đổi tên đường.

Lễ công bố quyết định đặt, đổi tên đường Lê Văn Duyệt sẽ diễn ra vào sáng 16/9
Lễ công bố quyết định đặt, đổi tên đường Lê Văn Duyệt sẽ diễn ra vào sáng 16/9

UBND TP giao Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn việc gắn biển số nhà; Công an TP được giao hỗ trợ người dân trong việc thay đổi các loại giấy tờ liên quan.

Ngoài ra, UBND quận Bình Thạnh cần xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi tên đường Lê Văn Duyệt và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân thực hiện việc thay đổi các giấy tờ liên quan.

UBND TP sẽ tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 188 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832-2020) vào ngày 16 và 17/9 tại Di tích lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt (số 1 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh).

Bảng tên đường Đinh Tiên Hoàng đã đổi thành Lê Văn Duyệt trên đoạn từ cầu Bông đến đương Phan Đăng Lưu trên địa bàn quận Bình Thạnh
Bảng tên đường Đinh Tiên Hoàng đã đổi thành Lê Văn Duyệt trên đoạn từ cầu Bông đến đương Phan Đăng Lưu trên địa bàn quận Bình Thạnh

TP.HCM được tăng thêm không quá 10 Phó giám đốc Sở

Thông tin được nêu ra trong Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa ban hành và có hiệu lực thi hành ngày 25/11/2020. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Cụ thể, Nghị định quy định mỗi Sở có 3 phó giám đốc, nhưng riêng Hà Nội và TP.HCM ngoài số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố sẽ được tăng thêm không quá 10 vị trí.

Đồng thời bổ sung thêm vị trí một phó trưởng phòng với các phòng thuộc Sở của hai Thành phố này đối với phòng có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức.

Với phòng thuộc Sở có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng.

Thanh tra Sở có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 phó chánh thanh tra; thanh tra sở có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 phó chánh thanh tra.

Với phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở sẽ bổ sung thêm các tiêu chí gồm chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố; tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Khẩn trương sắp xếp cơ quan báo chí thuộc UBND TP

Báo Người Lao Động cho hay, liên quan đến việc thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức vừa giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí; bảo đảm chậm nhất đến ngày 30/9, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động mới cho các cơ quan báo chí sau sắp xếp.

Đồng thời, tham mưu UBND TP văn bản trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng quy định đối với việc thành lập các cơ quan báo chí thuộc UBND TP.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ khẩn trương có văn bản tham mưu, đề xuất UBND TP về việc thành lập các cơ quan báo chí thuộc UBND TP theo quy định. Hướng dẫn các cơ quan chủ quản báo chí hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức lại cơ quan báo chí thuộc UBND TP theo quy định tại Nghị định 55/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Ngoài ra, căn cứ các quy định hiện hành, tham mưu, đề xuất UBND TP về số lượng phó tổng biên tập, phụ cấp chức vụ lãnh đạo và các vấn đề liên quan đến nhân sự của các cơ quan báo chí UBND TP.

Phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1

Cũng trên báo Người Lao động, UBND TP vừa có công văn khẩn về phê duyệt đơn vị in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương TPHCM.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chỉ đạo giao Sở Giáo dục và Đào tạo TP chủ trì phối hợp với NXB có uy tín, năng lực và phù hợp thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành để tiến hành xuất bản, in ấn, phát hành tài liệu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đặc biệt, UBND TP yêu cầu tài liệu giáo dục địa phương TPHCM – lớp 1 phải đúng với nội dung được hội đồng thẩm định thông qua bộ tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học TPHCM, được UBND TP phê duyệt; mọi điều chỉnh bổ sung phải được sự chấp thuận của UBND TP.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã có tờ trình UBND TP về phê duyệt đơn vị in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương TPHCM. Theo tờ trình này, Thành phố tổ chức biên soạn bộ tài liệu “Cùng em tìm hiểu lịch sử - địa lý địa phương TPHCM”. Sở Giáo dục và Đào tạo TP cũng đề xuất trong tờ trình tiếp tục giao cho NXB Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Xuất bản Giáo dục Gia Định in ấn và phát hành tài liệu.

Thu hồi quyết định thành lập Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng

Theo báo Giáo Dục TP, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ra quyết định thu hồi 10 quyết định cho phép thành lập Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng, Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Các Trung tâm này đóng trên địa bàn quận 1, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình và Bình Thạnh. Bị thu hồi quyết định thành lập là do các trung tâm đã chuyển công năng, không còn hoạt động và trả lại mặt bằng.

Sau khi ra quyết định, Sở GD-ĐT yêu cầu phòng GD-ĐT quận, huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định, tổng hợp báo cáo Sở GD-ĐT kết quả thực hiện.

Trước đó, nhiều học viên phản ánh đã đóng tiền học nhưng các cơ sở của Trung tâm này đột ngột đóng cửa. Một số nhân viên, giáo viên phản ánh trung tâm chây ỳ trả lương...

Một cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng
Một cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng

Mới đây, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tháng 9/2020 của UBND TP, trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP.HCM như thế nào trước vụ việc này, ông Nguyễn Thành Trung - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP - khẳng định, Anh ngữ Đại Bàng là Trung tâm hoạt động không phép. Cuối năm 2019, đơn vị này có xin phép thành lập tại 10 địa điểm, tuy nhiên chưa xin giấy phép hoạt động.

Sở GD-ĐT đã mời giám đốc trung tâm đến làm việc, xác nhận sự việc, lập biên bản cũng như yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn trả học phí cho học viên và yêu cầu giải quyết các tranh chấp pháp lý nảy sinh.

Sau khi Thanh tra Sở GD-ĐT kiểm tra toàn bộ các địa điểm cơ sở theo phản ánh thì xác nhận tất cả đều đã đóng cửa và trả mặt bằng. Thanh tra Sở GD-ĐT cũng yêu cầu chủ đầu tư đến làm việc nhưng chủ đầu tư không đến. Trong khi đó, giám đốc trung tâm báo cáo đã xin nghỉ việc từ tháng 5/2020.

Căn cứ theo kiến nghị của thanh tra thì Sở GD-ĐT tiến hành thủ tục thu hồi các quyết định cấp phép thành lập, đồng thời phối hợp với Công an TP tiếp tục điều tra làm rõ sự việc.

Hợp tác triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái

Vietnamplus đưa tin, Cục Hải quan TPHCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả sơ bộ khảo sát Đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái.

Theo Cục Hải quan TP, sau một thời gian phối hợp triển khai, đã khảo sát được góc nhìn khách quan từ các chuyên gia trong và ngoài nước đối với Đề án nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Đề án đã thực hiện các mục tiêu cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp; giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng; nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Cùng đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững; nâng cao thứ bậc về Chỉ số hiệu quả logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Quang cảnh cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Quang cảnh cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Với những ưu điểm trên, Cục Hải quan TP cho rằng, đề án thực sự là bước đột phá mới trong việc cải cách nhanh, hiện đại hóa mạnh, xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính 5.000 tỷ đồng/năm; nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận.

Báo cáo kết quả sơ bộ cũng xem xét một cách tổng thể các hoạt động và nghiệp vụ hải quan tại cảng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, các nút thắt, vướng mắc, thời gian lưu bãi. Đồng thời, đề xuất các chiến lược và giải pháp.

Qua đó, xác định những cách thức để giảm thiểu ùn tắc; trong đó, có thể đề xuất bố trí mới hoặc mở rộng cơ sở vật chất cũng như đưa ra các giải pháp về công nghệ thông tin có thể thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Cảng Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác với công suất đạt hơn 5 triệu TEUs vào năm 2019, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại TPHCM, phục vụ trung bình từ 13-14.000 containers/ngày.

Phát triển hạ tầng kết nối sân bay Tân Sơn Nhất

Trong kế hoạch phát triển, dự kiến đến năm 2023 sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 50 triệu hành khách/năm. Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng tại sân bay, TPHCM đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông quanh khu vực này. Nội dung trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Cầu vượt đường Trường Sơn được thiết kế theo hình chữ Y với một nhánh nối vào nhà ga quốc nội dài 153,8m và một nhánh nối vào nhà ga quốc tế dài 303,8m. Cầu có tĩnh không 4,75m, mặt đường dưới cầu rộng 40m được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu kết hợp với các đảo phân làn. Cầu vượt này hoàn thành và đi vào sử dụng đã góp phần quyết định trong tháo điểm nghẽn giao thông lớn trên đường Trường Sơn đi vào sân bay Tân Sơn Nhất. 

Cách đó không xa, cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn từ ngày hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã giải quyết gần như căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở nút giao này. 

Bên cạnh đó, một dự án cực kỳ quan trọng giúp giảm hơn 40% áp lực phương tiện ra vào sân bay Tân Sơn Nhất là đường Phạm Văn Đồng. Kể từ khi được đưa vào hoạt động cuối năm 2013, đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, cải thiện hạ tầng đô thị, đồng thời kết nối tới các khu vực trung tâm của thành phố như quận 1, 2, Phú Nhuận, sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng và thuận tiện hơn. 

Đường Phạm Văn Đồng đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: CAO THĂNG
Đường Phạm Văn Đồng đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: CAO THĂNG

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giao thông kết nối quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch đồng bộ với hệ thống các đường trục ra vào sân bay.

Cụ thể, sẽ có trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa qua đường Phan Thúc Duyện, 18E, C2, C12 với quy mô 4-6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe; xây dựng các cầu vượt trên cao đoạn từ Phan Thúc Duyện qua Trần Quốc Hoàn và đoạn từ Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa kết nối giao thông từ khu vực bên ngoài vào nhà ga hành khách T3.

Song song đó, để giải quyết bài toán ùn ứ giao thông từ xa còn có các dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa); mở rộng đường Tân Sơn…

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, dự kiến trong năm nay sẽ khởi công mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và dự án cải tạo đường Cộng Hòa, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Hiện các gói thầu xây lắp, gói thầu tư vấn giám sát đã được ký kết. Thời gian thi công dự kiến 6 tháng. 

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục