Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/11/2020

10:21 17/11/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 17/11:

TPHCM sẽ có Lễ hội đường phố trong năm 2021

Chiều 16/11, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã có buổi làm việc với ông Vincent Floreani - Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM về đề xuất tổ chức Lễ hội Nghệ thuật đường phố tại TPHCM vào năm 2021.

Đây là chương trình do Chính phủ Pháp đài thọ, thông qua Bộ Ngoại giao và Phát triển Thương mại Pháp, đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Campuchia) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Pháp và các nước về văn hóa, du lịch, nghệ thuật đô thị. Nội dung đăng tải trên Trang tin điện tử Đảng bộ TP.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Theo ông Vincent Floreani, dự án đã được phía Pháp chuẩn bị trong nhiều năm và mong muốn đối tác chính là TPHCM. Mục đích của dự án nhằm góp phần quảng bá TPHCM như một trung tâm nghệ thuật đường phố mới của Đông Nam Á, khẳng định vị thế TPHCM trên thế giới trong lĩnh vực văn hóa và du lịch.

Lễ hội Nghệ thuật đường phố TPHCM 2021 dự kiến sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11-2021 với nhiều hoạt động như: vẽ tranh tường khổng lồ ở các chung cư, tòa nhà cao tầng; trình diễn vẽ tranh trực tiếp trên pano và triển lãm lưu động qua nhiều TP du lịch của Việt Nam; các hội thảo quốc tế về sự kết nối giữa nghệ thuật và du lịch; các workshop dành cho giới trẻ;... cùng sự tham gia của nhiều khách mời nổi tiếng trong và ngoài nước.

Lễ hội nghệ thuật đường phố lần đầu tổ chức tại Việt Nam hứa hẹn kêu gọi nhiều du khách, nhất là Pháp và Châu Âu trở lại Việt Nam, tạo đà cho sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19.

Về phía TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đánh giá cao nỗ lực của Tổng Lãnh sự quán Vincent Floreani trong việc chuẩn bị dự án. Lãnh đạo TP luôn ủng hộ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, cũng như lễ hội tại TP và xem đây như hình thức giúp quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.

Với đề xuất tổ chức Lễ hội nghệ thuật đường phố tại TP trong năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP giao cho các Sở - ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ phía Pháp tổ chức các sự kiện theo đúng các quy định và kịp thời. Đồng thời lưu ý, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, cần tuân thủ các quy định, khuyến cáo trong công tác phòng chống dịch và tùy theo tình hình thực tế TP sẽ có điều chỉnh quy mô các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho các vị khách và người dân TP.

Có thêm 65.000 chỗ làm việc dịp cuối năm

Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin, thị trường lao động tại TPHCM đang có dấu hiệu khởi sắc khi nhiều doanh nghiệp tuyển lao động trở lại. Da giày và may mặc là những ngành tuyển dụng lại nhiều nhất, với số lượng từ 2.000 - 5.000 công nhân.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP, cơ hội việc làm của người lao động tại TP dự báo sẽ đa dạng hơn. Dự kiến sẽ có khoảng 62.000 - 65.000 lao động được tuyển mới trong các tháng cuối năm. Trong đó, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm hơn 85%.

Theo các chuyên gia, bức tranh kinh tế Việt Nam đang dần sáng sủa hơn, đồng nghĩa thị trường lao động sẽ sôi động trở lại. Đặc biệt là các vị trí trong lĩnh vực tự động hóa và số hóa.

Thị trường lao động tại TP.HCM có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa - NLĐ.
Thị trường lao động tại TP.HCM có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa - NLĐ.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Đại học Kinh tế TP cho biết, chúng ta còn những dịch vụ tài chính và logistic là những ngành chủ lực phải phục hồi dịp cuối năm. Những dịch vụ lưu trú hay những ngành dịch vụ khác cũng dần phục hồi. Đó sẽ là bức tranh thu hút lao động. Không chỉ tuyển dụng mới, các doanh nghiệp còn đang lên kế hoạch chi lương, thưởng Tết cho công nhân, đảm bảo không người lao động nào không có thưởng Tết.

Nhiều tuyến đường ngập sâu vì triều cường đạt đỉnh

Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mức triều cường hôm qua (16/11) là đỉnh triều của cả tháng 11 với mức triều đạt 1,7m tại Trạm Phú An vào 19 giờ và 1,71m tại Trạm Nhà Bè vào 18 giờ, vượt 0,1-0,2 m so với mức báo động 3 hiện nay là 1,6m.

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng Phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đợt triều tháng 11 hiện là đợt triều cao nhất của năm nay. Hiện tại, gió chướng đang hoạt động đồng thời sóng biển cũng mạnh vì ảnh hưởng của bão số 13 nên sẽ đẩy nước từ các cửa sông vào sâu bên trong, khiến mức đỉnh triều có khả năng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, tiếp tục gây ngập nặng ở các khu vực thấp.

Trước đó, ghi nhận của Vietnamplus vào chiều tối 16/11, tại khu vực đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) nước ngập kéo dài gần một cây số, nhiều đoạn nước ngập sâu gần lút bánh xe ô tô khiến tất cả các phương tiện tê liệt. Bên cạnh đó, khu vực đường Huỳnh Tấn Phát đang được nâng cấp mở rộng, trên mặt đường xuất hiện nhiều đoạn gồ ghề, trũng thấp nên người tham gia giao thông phải dò dẫm di chuyển từng chút trên đường để không bị ngã.

Ngập nước mỗi khi mưa lớn tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Ngập nước mỗi khi mưa lớn tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Tại đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), nước ngập kéo dài từ khu vực cầu Bà Tiếng đến Quốc lộ 1. Một số đoạn đường ngập nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối, công việc buôn bán, kinh doanh của các hộ dân cũng vì đó mà bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, một số khu vực thuộc các xã Đa Phước, Bình Hưng và trung tâm thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), nước chảy ào ạt vào khu dân cư và tràn vào nhà dân.

Tại nhiều tuyến đường khác như Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), khu vực Thảo Điền (quận 2), nước cũng ngập như sông từ chiều cho đến tối do triều cường.

Đến 19 giờ cùng ngày, một số khu vực của Thành phố xuất hiện mưa nhỏ đã khiến tình trạng ngập càng nghiêm trọng. Đến 20 giờ, nhiều tuyến đường bị ngập vẫn chưa rút hết nước.

Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo báo SGGP, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM) vừa phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong phát triển tổ chức và quản lý chất lượng dịch vụ doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì chuyển đổi số (CĐS) được nhận định là “chìa khóa vàng” để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Theo VCCI-HCM, mặc dù Chính phủ đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các DN thực hiện CĐS, nhất là đối với các ngành dịch vụ, y tế, du lịch, giao thông vận tải... tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Phần lớn các DN, chủ yếu là những DN nhỏ và vừa đang còn rất mơ hồ về khái niệm CĐS. Bên cạnh đó, một thách thức mới được đặt ra với đội ngũ lao động là phải nhanh chóng thích ứng với CĐS - là xu hướng tất yếu sau dịch bệnh.

Thực tế, CĐS trong du lịch sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư đào tạo cho nguồn lao động du lịch trực tiếp chất lượng cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc học viện Viettel, chia sẻ CĐS trong sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu để DN thực sự đứng vững trước thời cuộc. Để CĐS thành công thì người lãnh đạo DN phải thật sự quyết tâm, nhanh nhạy với thị trường và có tầm nhìn xa.

Ông Tuyến dẫn chứng, tập đoàn Viettel đã triển khai app Viettelpay- Ngân hàng số của người Việt. Dịch vụ này cho phép người dùng có thể nhận tiền, chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản mọi lúc, mọi nơi.

Cải cách thủ tục hành chính tại các cơ sở giáo dục

Cũng trên báo SGGP, Sở GD-ĐT TP vừa công bố kết quả kiểm tra, khảo sát công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 tại các đơn vị trường học trên địa bàn.

Kiểm tra, khảo sát tại 43 trường THPT công lập cho thấy, các đơn vị đều giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng quy định, có bố trí phòng tiếp dân, niêm yết nội quy, lịch tiếp công dân của ban giám hiệu, cập nhật thủ tục CCHC tại bảng tin nhà trường hoặc trên trang web đơn vị.

Tuy nhiên, còn một số đơn vị chưa cập nhật biểu mẫu, không niêm yết nội quy tiếp dân. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn như tiếng Anh, Công nghệ, Giáo dục quốc phòng, Mỹ thuật và Tin học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua kiểm tra, có 4/43 (chiếm tỷ lệ 9,3%) đơn vị chưa lập đề án sử dụng tài sản công theo quy định, vẫn còn tình trạng trường học chưa thực hiện công khai tài sản công. Riêng với công tác thi đua, khen thưởng, các trường đều thành lập hội đồng thi đua khen thưởng, tuy nhiên, một số đơn vị chưa có đầy đủ hồ sơ nhân sự, hạn chế ban hành văn bản về thi đua, khen thưởng.

Sở GD-ĐT TP yêu cầu tất cả đơn vị có kế hoạch CCHC cụ thể, sát với hoạt động của đơn vị, hướng đến việc đổi mới quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục không cần thiết. Các trường cần đẩy mạnh thực hiện chuyển trả hồ sơ (học bạ, bảng điểm, bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời…) qua dịch vụ bưu chính, cập nhật các quy định, văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn về công tác CCHC.

Nguồn cung nhà ở xã hội tiếp tục giảm

Theo Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA), từ tháng 3 đến tháng 7/2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Phản ánh trên báo Lao Động.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án. Trong đó, chỉ có 163 căn nhà thuộc phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP, nhu cầu sở hữu căn hộ để ổn định cuộc sống của người dân TP ngày càng lớn và bức thiết. Hồ sơ xin đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung giảm dần.

Thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: Hữu Huy

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, các quỹ đất mà TP dành cho nhà ở xã hội đang rất hiếm và rất khó tìm được nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số lượng vốn lớn để làm hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông đồng bộ.

Tại các khu vực gần trung tâm thành phố, giá đất rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân mà phải đi ra xa trung tâm. Còn ở khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp nên kém thu hút cư dân.

Bên cạnh đó, ở một số nơi giá nhà ở xã hội lại không chênh lệch quá xa so với nhà thương mại. Điều này làm cho đối tượng có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP cho rằng, TP và các Bộ, ngành cần xem xét các đề xuất để ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý. Đối với vấn đề nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tín dụng để người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, UBND TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn; báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nếu khai thác không hiệu quả.

Tổng kiểm soát xe khách và xe máy

Ngày 16/11, Đội CSGT Bình Triệu - Công an TP.HCM thực hiện chuyên đề tổng kiểm soát xe khách và xe máy theo kế hoạch cao điểm từ ngày 1/11 đến 31/12. Việc CSGT được dừng xe khách, xe máy để kiểm tra giấy tờ xe dù không có lỗi ban đầu là điểm trọng tâm của đợt tổng kiểm soát lần này.

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, Tổ chuyên đề của CSGT đã rà soát nhiều địa điểm trên Quốc lộ 1. Tại đây, CSGT đã dừng xe, kiểm soát nhiều xe khách 16 - 50 chỗ; đồng thời kiểm tra các loại giấy tờ xe gồm: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

CSGT kiểm tra xe ô tô 25 chỗ chạy tuyến TP.HCM - Bình Phước. Ảnh: LÊ THOA
CSGT kiểm tra xe ô tô 25 chỗ chạy tuyến TP.HCM - Bình Phước. Ảnh: LÊ THOA

Qua đó, Đội CSGT Bình Triệu đã tập trung kiểm soát, xử lý các hành vi của xe khách như: dừng, đỗ sai quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; quá tốc độ quy định; không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định,…

Sáng cùng ngày, tổ chuyên đề của Đội CSGT Bình Triệu cũng dừng dưới chân cầu vượt Bình Phước để kiểm tra giấy tờ, xử phạt một số xe máy vi phạm.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/11/2020 - Ảnh 1

Đối với xe mô tô, CSGT sẽ lập biên bản các hành vi lạng lách, đánh võng, tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng; bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư; điều khiển xe thành đoàn; xe không gắn biển số, xe mù, xe mờ; thay đổi nhãn hiệu, màu sơn, khung máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe ... và các hành vi vi phạm theo Nghị định 100.

Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế

Báo Tiền Phong cho biết, ngày 16/11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.

Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ hợp tác xây dựng các dự án trong những lĩnh vực sau: Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế. Xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích dành cho chất thải có thể tái chế. Vận động chính sách để tạo ra cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế, cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và những người thu gom rác.

Việc xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác, tạo ra nguồn tài nguyên mới từ chất thải, giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho các hoạt động tái sinh, tái chế nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: Thanhuytphcm.vn
Nguồn: Thanhuytphcm.vn

Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn. Khối lượng rác thải tăng bình quân từ 6 - 10%/năm. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực trong quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Hiện nay, TPHCM chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

233 vụ cháy làm 29 người thương vong

Thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 16/11, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra hơn 400 vụ việc liên quan đến cháy, nổ; cứu nạn, cứu hộ.

Trong đó, 233 vụ cháy làm 29 người thương vong (có 8 người tử vong), gây thiệt hại gần 8 tỷ đồng. Đa số vụ cháy xảy ra trong nhà ở đơn lẻ, công ty, xí nghiệp ở vùng ven.

Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP nhận định so với cùng kỳ năm trước, tình hình cháy giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng cháy phương tiện giao thông cơ giới trong quá trình di chuyển hoặc khi dừng, đỗ xuất hiện nhiều hơn so với thời gian trước.

Diễn tập PCCC. Ảnh minh họa
Diễn tập PCCC. Ảnh minh họa

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục