Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/2/2021

10:31 17/02/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 17/2:

Người miền Tây hối hả trở lại TPHCM

Ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong chiều 16/2 (mùng 5 Tết), trên tuyến quốc lộ 1A, người và xe từ các tỉnh miền Tây nối đuôi nhau trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết. Đoạn qua địa bàn huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy (Tiền Giang) xe đông, một số nơi bị ùn tắc, xe di chuyển từng chút. Tuy nhiên chưa có tình trạng kẹt xe kéo dài.

Đoạn qua địa bàn huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy (Tiền Giang) xe di chuyển từng chút. Ảnh: Nhật Huy
Đoạn qua địa bàn huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy (Tiền Giang) xe di chuyển từng chút. Ảnh: Nhật Huy
Tại cầu Cần Thơ, xe đông, người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời quê lên TPHCM để chuẩn bị công việc cho năm mới. Ảnh: Nhật Huy.
Tại cầu Cần Thơ, xe đông, người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời quê lên TPHCM để chuẩn bị công việc cho năm mới. Ảnh: Nhật Huy.
Tại cầu Mỹ Thuận xe đông, di chuyển chậm nhưng chưa xảy ra ùn ứ. Ảnh: Nhật Huy.
Tại cầu Mỹ Thuận xe đông, di chuyển chậm nhưng chưa xảy ra ùn ứ. Ảnh: Nhật Huy.
Nhiều người dừng chân nghỉ ngơi trên cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Nhật Huy.
Nhiều người dừng chân nghỉ ngơi trên cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Nhật Huy.
Hai bên quốc lộ, nhiều quán nước đông đúc do khách dừng chân nghỉ ngơi. Ảnh: Nhật Huy.
Hai bên quốc lộ, nhiều quán nước đông đúc do khách dừng chân nghỉ ngơi. Ảnh: Nhật Huy.
Lực lượng CSGT luôn có mặt ở các điểm nóng để điều tiết giao thông. Ảnh: Nhật Huy.
Lực lượng CSGT luôn có mặt ở các điểm nóng để điều tiết giao thông. Ảnh: Nhật Huy.

Các cửa ngõ, nhà ga vẫn thông thoáng sau kỳ nghỉ Tết

Một thông tin khác về giao thông trên báo Tin Tức cho hay, chiều 16/2 (mùng 5 Tết), người dân ở các tỉnh bắt đầu quay trở lại TP, tuy nhiên các tuyến cửa ngõ, nhà ga, bến xe... đều rất thông thoáng, không đông đúc hay ùn tắc như mọi năm.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên người dân TP về các tỉnh đón Tết giảm, kéo theo lượng người dân trở lại TP sau Tết cũng giảm đáng kể. Tại các bến xe miền Đông (cũ), sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn... lượng người đổ về thành phố không đông, các phương tiện di chuyển khá thông thoáng. Đặc biệt, người dân trở về TP rất chấp hành việc đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19.

Chiều 16/2, bên trong bến xe miền Đông vắng hơn rất nhiều so với năm ngoái.
Chiều 16/2, bên trong bến xe miền Đông vắng hơn rất nhiều so với năm ngoái.
Sân bay Tân Sơn Nhất không đông đúc như các năm trước.
Sân bay Tân Sơn Nhất không đông đúc như các năm trước.
Hành khách đi xe buýt từ các nhà ga, sân bay, bến xe... năm nay khá thưa thớt.
Hành khách đi xe buýt từ các nhà ga, sân bay, bến xe... năm nay khá thưa thớt.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) khá thông thoáng trong khi những năm trước, tuyến đường này xảy ra kẹt xe cục bộ do lượng người từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ về các quận, huyện khá đông sau kỳ nghỉ Tết.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) khá thông thoáng trong khi những năm trước, tuyến đường này xảy ra kẹt xe cục bộ do lượng người từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ về các quận, huyện khá đông sau kỳ nghỉ Tết.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, phụ trách bến phà Cát Lái cho biết, trong ngày 16/2 (mùng 5 Tết), lượng khách từ Đồng Nai về TPHCM qua phà ước đạt khoảng 62.000 lượt, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến 17 giờ ngày 16/2, lượng phương tiện đổ về phà Cát Lái không đông nên không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông phía đầu bến huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) như mọi năm.

Đường hoa Nguyễn Huệ đón hơn 81.400 lượt khách

Theo báo Tuổi Trẻ, đúng 17g ngày 16/2, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu đã ngưng nhận khách, chuẩn bị cho việc kiểm tra, thu dọn, vệ sinh và trả lại mặt bằng cho phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu đều tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang nhằm phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: N.BÌNH
Khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu đều tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang nhằm phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: N.BÌNH

Sau 8 ngày mở cửa, ban tổ chức Saigontourist Group cho biết đường hoa Nguyễn Huệ đã đón được hơn 81.400 lượt khách du xuân, ghi lại nhiều kỷ niệm đẹp.

Mở cửa đón khách trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn TP, đường hoa chỉ phục vụ khách tham quan từ 8h đến 17g. Hằng ngày, trước giờ mở cửa đón khách và sau khi vị khách cuối cùng rời khỏi đường hoa, ban tổ chức đều đi kiểm tra đồng thời tiến hành xịt khử khuẩn.

Người dân và du khách tham quan đường hoa cũng được yêu cầu tuyệt đối không tháo khẩu trang để chụp ảnh, thực hiện đúng và đủ theo hướng dẫn phòng dịch ngay cổng đường hoa, duy trì khoảng cách khi xếp hàng và trong suốt thời gian tham quan.

Tai nạn giao thông ở Thành phố giảm so với cùng kỳ

Theo báo SGGP, chiều 16/2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP cho biết, từ 10/2 (tức 29 Tết) đến 16/2 (mùng 5 Tết), trên địa TP đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông (TNGT) (kể cả va chạm) làm 5 người chết. So với cùng kỳ, TNGT ở Thành phố giảm 5 vụ (-17,24%), giảm 3 người chết (-7,5%). Trong đó, TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 5 vụ, làm 5 người chết; va chạm giao thông xảy ra 19 vụ.

Lực lượng CSGT Đội Rạch Chiếc xử lý 1 tình huống vi phạm trên tuyến Xa Lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: CHÍ THẠCH
Lực lượng CSGT Đội Rạch Chiếc xử lý 1 tình huống vi phạm trên tuyến Xa Lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: CHÍ THẠCH

Về công tác tuần tra kiểm soát (TTKS) và phòng chống đua xe trái phép, tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng (TTCC), tình hình trật tự an toàn giao thông ban đêm được duy trì ổn định, Phòng PC08 tiếp tục duy trì tổ TTKS hỗn hợp (Tổ 363) trên địa bàn TP nên không xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Tuy nhiên, Phòng PC08 đã phát hiện và giải tán 1 nhóm tụ tập chạy xe gây rối TTCC.

Về công tác TTKS, xử lý vi phạm, Phòng PC08 đã thực hiện tổng kiểm soát 1.061 trường hợp, lập biên bản 454 trường hợp, tạm giữ 1 xe ô tô và 78 xe mô tô.

Ngoài ra, trong 7 ngày qua, Phòng PC08 đã thực hiện một số chuyên đề, kiểm tra hành chính 298 trường hợp, lập biên bản 86 trường hợp, tạm giữ xe ô tô và 44 xe mô tô (33 trường hợp vi phạm nồng độ cồn). Riêng Tổ 363 đã tổng kiểm soát 258 trường hợp, lập biên bản 19 trường hợp, tạm giữ 9 xe mô tô.

Công nhân sẵn sàng trở lại làm việc

Một thông tin khác trên báo SGGP, sau kỳ nghỉ tết, từ ngày 17/2 (mùng 6 Tết), người lao động tại nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP đã sẵn sàng bắt tay vào sản xuất. Tại hầu hết các DN, công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn, mang khẩu trang được chuẩn bị và thực hiện nghiêm ngặt.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (H.Bình Chánh), hơn 70% công nhân công ty bắt đầu làm việc vào ngày mùng 6 Tết, đến khoảng mùng 8 Tết, công nhân các tỉnh xa sẽ trở lại công ty đầy đủ.

Công nhân Công ty Nón Sơn sẵn sàng bắt tay vào làm việc trong ngày đầu năm mới
Công nhân Công ty Nón Sơn sẵn sàng bắt tay vào làm việc trong ngày đầu năm mới

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết dự kiến năm nay, trên 90% công nhân công ty sẽ trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Trong đó, khoảng 80% sẽ trở lại vào mùng 6 Tết và số còn lại thì rải rác từ mùng 7 đến 11 Tết. Riêng 10% công nhân còn lại  được công ty giải quyết phép năm nhằm sắp xếp việc gia đình, sẽ trở lại làm việc sau khi hết phép.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Bình Tân, cho biết năm nay công nhân làm việc tại các DN tại quận Bình Tân ở lại TP đón tết khá đông. Sau tết, các công ty đều an tâm khi nhân sự trở lại làm việc khá đủ, đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, dù ảnh hưởng của dịch nhưng lương, thưởng cuối năm vừa rồi của các DN ở quận tương đối khá so với mặt bằng chung, tạo động lực để người lao động tin tưởng gắn bó.

Còn ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP chia sẻ, trong ngày 17/2 có khoảng 40% DN trong các KCX-KCN hoạt động trở lại. Vì dịp tết hơn 75% người lao động không về quê nên dự kiến sự thiếu hụt lao động sẽ không đáng kể.

Phòng dịch Covid-19, Thành phố thực hiện dạy học trực tuyến ra sao?

Báo Thanh Niên ghi nhận, sáng nay (17/2), các trường học tại TP đồng loạt tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh ngừng học tại trường, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác bắt đầu học trực tuyến từ hôm nay. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác bắt đầu học trực tuyến từ hôm nay. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tránh tình trạng mỗi giáo viên (GV) sử dụng một phần mềm sẽ gây khó khăn cho học sinh (HS) khi học nhiều bộ môn, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) đã chọn phần mềm Microsoft Teams sử dụng chung cho các lớp. Với phần mềm đã chọn, trong chiều 16/2, giáo viên bộ môn tham gia giảng dạy các lớp đã chia sẻ đường dẫn để GV chủ nhiệm chuyển đến HS.

Lãnh đạo Trường Nguyễn Hữu Huân cho hay, thời gian này, việc dạy trực tuyến sẽ tập trung vào 9 môn học dành cho HS khối 12 là toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh, ngữ văn, lịch sử, địa lý, GDCD và 5 môn học là toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, tiếng Anh đối với HS khối 10, khối 11. Mỗi ngày, HS sẽ học 8 tiết chia đều cho 2 buổi, sau 2 tiết học sẽ có thời gian “ra chơi” khoảng 30 phút. Với những HS không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến thì tổ chuyên môn xây dựng clip giảng bài gửi cho HS xem lại và GV bộ môn quản lý tình hình học tập của những HS này.

Tương tự, để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến ổn định trong thời điểm này, Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận1) cũng thống nhất sử dụng chung phần mềm dạy học trong toàn trường. Nhà trường sắp xếp mỗi tiết cách nhau từ 5 đến 10 phút.

Hiệu trưởng một trường THPT tại Quận 1 cho hay, những ngày học đầu tiên, GV các môn sẽ cùng HS xem lại những kiến thức đã học trực tuyến trước Tết Nguyên đán, hoàn tất những bài tập một cách nhẹ nhàng coi như khởi động cho thời gian học kiến thức mới vào tuần sau. Ban giám hiệu cũng sắp xếp thời khóa biểu mỗi buổi học không quá 4 tiết để HS có thời gian để hoàn tất các bài tập.

Hàng loạt trường đại học tiếp tục cho sinh viên học trực tuyến 

Hàng loạt trường đại học (ĐH) phía Nam tiếp tục cho sinh viên, học viên nghỉ học tập trung sau Tết Nguyên đán, chuyển sang học trực tuyến đến hết tháng 2. Thậm chí, có trường cho sinh viên học trực tuyến đến hết tháng 3 để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thông tin trên báo Tiền Phong.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường ĐH phía Nam tiếp tục cho sinh viên nghỉ học để phòng dịch COVID-19
Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường ĐH phía Nam tiếp tục cho sinh viên nghỉ học để phòng dịch COVID-19

Theo đó, chiều 15/2, Trường ĐH Kiến trúc TP thay đổi hình thức giảng dạy và học tập từ tập trung sang trực tuyến trong 2 tuần, thời gian bắt đầu từ ngày 22/2. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo học trực tuyến từ 22/2 đến 28/2.

Trường ĐH Kinh tế TP triển khai giảng dạy, học tập và thi cử trực tuyến từ 22/2 đến hết 27/2, linh hoạt trên nhiều nền tảng học trực tuyến. Trường ĐH Văn Lang tổ chức cho sinh viên học trực tuyến trong 2 tuần, từ 22/2 đến hết 7/3 để phòng, chống dịch.

Trường ĐH Y dược TP và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học viên, sinh viên toàn trường đến hết ngày 28/2. Trường ĐH Hoa Sen yêu cầu sinh viên hạn chế tập trung ở trường đến hết 28/2. Sinh viên sẽ chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo tiến độ kế hoạch chương trình học.

Cũng không ngoại lệ, các trường thuộc hệ thống Đại học Quốc gia TP cũng ra thông báo cho sinh viên tiếp tục tạm ngưng đến trường và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa quyết định sẽ tổ chức giảng dạy, học trực tuyến từ 22/2 đến 28/2. Sinh viên sẽ học tập trung tại trường từ 1/3. Các hoạt động khác từ 22/2 vẫn diễn ra theo kế hoạch; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP cho sinh viên học trực tuyến đến ngày 2/3; Trường ĐH Kinh tế - Luật TP thực hiện dạy và học trực tuyến thông qua hệ thống E-Learning. Thời gian trở lại học tập trung tại trường dự kiến là 1/3; Trường ĐH Quốc Tế TP quyết định tổ chức học tập trực tuyến từ 22/2 đến 7/3.

Sở Tài nguyên - Môi trường thông tin về thủ tục sử dụng đất để làm dự án

Báo Pháp Luật TP thông tin, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP vừa báo cáo UBND TP về việc xây dựng dự thảo, trình ban hành quy định phối hợp giải quyết thủ tục trong lĩnh vực đất đai đối với tổ chức sử dụng đất.

Chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian chờ đợi làm thủ tục dự án. Ảnh minh họa: QH
Chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian chờ đợi làm thủ tục dự án. Ảnh minh họa: QH

Theo Sở TN-MT, trong các thủ tục tại dự thảo của bản quy định, có 4 thủ tục về sử dụng đất cần "lồng ghép". Đầu tiên là thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Thủ tục thứ 2 là giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức  đấu giá quyền sử dụng đất; Thứ 3 là thủ tục giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; Thứ 4 là thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Sở TN-MT TP cũng thông tin, đối với 6 thủ tục còn lại về việc sử dụng đất, có thủ tục là thủ tục nội bộ do Sở TN-MT thực hiện, có thủ tục đề nghị thực hiện theo quyết định của UBND TP nên Sở TN-MT xin ý kiến UBND TP không cần thiết ban hành bản quyết định của 6 thủ tục trên nữa.

Hiện nay, Sở TN-MT TP đang tiếp tục rà soát theo ý kiến của UBND TP về dự thảo Quyết định ban hành phối hợp giải quyết thủ tục trong lĩnh vực đất đai đối với tổ chức sử dụng đất.

Chỉ số UV cực đại tại TPHCM ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo Vietnamplus cho hay, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 3 ngày tới (từ ngày 17-19/2), chỉ số UV cực đại tại các Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Cần Thơ, Cà Mau ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao trong khi ở các tỉnh, thành phố miền Bắc chỉ có nguy cơ gây hại thấp.

Với thời tiết nắng nhiều và kéo dài nhiều giờ, người dân nên áp dụng các cách phòng tránh như mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; đeo kính râm bảo vệ mắt (lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh); bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, uống đủ nước; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây, đặc biệt chú ý cẩn thận hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.

Theo các bác sỹ, phụ huynh chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, do da của trẻ nhạy cảm hơn, tuy nhiên không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục