Lãnh đạo TPHCM thăm Công viên phần mềm Quang Trung
Theo báo Tuổi Trẻ, chiều 16/3, đoàn công tác TPHCM dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đến thăm và làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung. Tham dự cùng đoàn có ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Đoàn công tác đã tham quan Trung tâm giám sát điều hành, Trung tâm viễn thông, Bảo tàng, Trung tâm đào tạo STEAMZONE, Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; Công ty TMA Solutions...
Tại buổi làm việc, ông Lâm Nguyễn Hải Long - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung - cho biết giai đoạn 2021-2026 Công viên phần mềm Quang Trung định hướng trở thành doanh nghiệp mạnh cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ, các dịch vụ giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn TP cùng một số tỉnh thành phía Nam và là mô hình mẫu cho hoạt động chuyển đổi số của cả nước.
Bên cạnh đó, Công viên phần mềm Quang Trung góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành mô hình xanh, thông minh tầm khu vực châu Á, phát triển thành công chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung mà trước mắt là tại TP Thủ Đức, Củ Chi và tạo hệ sinh thái liên kết các khu vực công nghệ của Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thị sát nhà ga Ba Son
Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 16/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã thị sát công trường thi công nhà ga Ba Son - thuộc gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ nhà ga Ba Son và nhà ga Nhà hát Thành phố) của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)
Tại buổi thị sát, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị khai thác vận hành tuyến metro 1) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông bàn bạc phương án cho khai thác quảng cáo trên các tường của nhà ga. Việc này được Chủ tịch UBND TP đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khi khai thác tuyến metro số 1.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) và các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công, cố gắng đưa dự án về đích như kế hoạch.
Về tiến độ gói thầu CP1b, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc MAUR, cho biết khối lượng tích lũy của gói thầu CP1b đến nay ước đạt 93,36% và toàn tuyến metro số 1 đạt 82,37%. Hiện nay, nhà thầu tập trung thi công tái lập cảnh quan tạm thời bên trên nhà ga Ba Son, các tầng bên dưới mặt đất cũng đang gấp rút thi công hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản trước ngày 30/4; đồng thời tháo dỡ hàng rào nhà ga Nhà hát Thành phố trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến Pasteur). MAUR cũng yêu cầu nhà thầu và đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành toàn bộ gói thầu CP1b vào cuối tháng 5/2021.
34 trạm y tế đã đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trở lại
Theo báo GD&TĐ, ngày 16/3, Sở Y tế TP cho biết 34 trạm y tế phường đã đảm bảo đủ điều kiện để BHXH TP ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT trở lại.
Sau những nỗ lực của chính các Trung tâm Y tế quận, huyện và sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các phòng chức năng thuộc Sở Y tế, những nguyên nhân khiến cho 34 trạm y tế bị ngưng ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đều đã được giải quyết.
Cụ thể, 04 trạm y tế phường được các bệnh viện quận, huyện đặt phòng khám đa khoa vệ tinh tại trạm y tế nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn vì các phòng khám đa khoa vệ tinh này đều có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 13 trạm y tế phường, xã thiếu nhân lực bác sĩ do nghỉ hưu theo chế độ đã được các trung tâm y tế mời ký hợp đồng làm việc trở lại, trong đó có các bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và các bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh; 17 trạm y tế phường, xã do thay đổi vị trí đã được Sở Y tế cấp lại giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Trên cơ sở đó, bảo hiểm xã hội thành phố đã đồng ý ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trở lại cho 30 trạm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho các người dân trên địa bàn (trừ 04 trạm y tế có phòng khám đa khoa vệ tinh của các bệnh viện quận đặt tại trạm như phường Thảo Điền - Quận 2, Phường 9 - Quận 4, Phường Tây Thạnh - Quận Tân Phú, Phường Hiệp Bình Chánh - Quận Thủ Đức, các phòng khám đa khoa này đều có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Công an TP đề ra chỉ tiêu cấp gần 100.000 căn cước gắn chip mỗi ngày
Theo báo Tiền Phong, ngày 16/3, Công an TPHCM cho biết, hiện TP có gần 4,2 triệu nhân khẩu thường trú và tạm trú, từ 14 tuổi trở lên nằm trong diện cấp căn cước công dân (CCCD).
Đến nay, Công an TPHCCM đã thu nhận hơn 130.000 hồ sơ cấp đổi CCCD gắn chip cho người dân. Thời gian tới, Công an TP đề ra chỉ tiêu cấp khoảng 98.000 hồ sơ/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong những ngày qua, Công an các quận, huyện, thành phố thuộc TPHCM và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TPHCM) đã huy động cán bộ chiến sỹ làm việc xuyên suốt cả ngoài giờ vào buổi tối
Thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip được thực hiện theo quy trình mới hiện nay cũng rút ngắn thời gian so với thủ tục cấp chứng minh nhân dân (CMND) trước đây do dữ liệu đã được tích hợp vào máy tính. Người dân không phải làm tờ khai như trước mà chỉ cần cung cấp số CMND, tên tuổi, cán bộ thực hiện sẽ truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để trích xuất.
TPHCM chỉ còn cách ly người đến từ hai địa phương của Hải Dương
Báo GD&TĐ cho hay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa cập nhật thông tin, TP chỉ còn cách ly tập trung 14 ngày với người đến từ huyện Cầm Giàng và TX Kinh Môn, Hải Dương.
Cụ thể, huyện Cẩm Giàng gồm thôn Tiền, thị trấn Lai Cách; thôn Phúc Lộc và thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ; xóm Mới và khu tập thể XN Gia Cầm, thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường; thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền;
TX Kinh Môn gồm Khu dân cư Lưu Thượng 1, xã Hiệp An; thôn Nội Hợp, xã Lê Ninh; khu dân cư Thượng Chiều, xã Tân Dân.
Thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa năm 2021
Báo Pháp Luật TP cho hay, UBND TP đã ban hành quyết định về việc thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) năm 2021.
Theo đó, đối với lớp 2, TPHCM lập 9 Hội đồng chọn SGK ở 8 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm. Riêng lớp 6 có 11 Hội đồng chọn SGK ở 10 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm.
Mỗi hội đồng có 19 thành viên. Trong đó Phó Giám đốc Sở GD&ĐT giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng. Phó Chủ tịch hội đồng là Phó Trưởng phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT. Thư ký là Phó Trưởng phòng, chuyên viên Phòng GD&ĐT của một số quận, huyện. 16 ủy viên là Hiệu trưởng và giáo viên các trường học trên địa bàn TP.
Hội đồng lựa chọn SGK tổ chức họp, thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục các trường đã lựa chọn, bỏ phiếu kín chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. Trong đó sách được chọn phải đảm bảo đạt ½ số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có SGK nào đạt trên ½ số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học đạt trên ½ số phiếu đồng ý lựa chọn.
Hội đồng tổng hợp đề xuất danh mục SGK để sử dụng trong các trường học thành biên bản, có chữ ký của các thành viên và chuyển giao cho Sở GD&ĐT. Ngoài ra, hội đồng còn xem xét và quyết định việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 dựa trên báo cáo tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung của các nhà trường.
Dự kiến, cuối tháng 3, UBND TP sẽ công bố danh mục SGK sử dụng cho năm học 2021-2022.
Sẵn sàng cho việc thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TPHCM
Theo báo SGGP, ngày 16/3, tại hội nghị duyệt kế hoạch thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM năm 2021, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến việc thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TPHCM vào hoạt động. Đây là nhiệm vụ quan trọng, ngay bây giờ cần chuẩn bị các bước như cơ chế, con người để khi hoạt động thì mọi thứ đã sẵn sàng vận hành.
Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TPHCM sẽ được xây dựng trong Khu Công nghệ cao TPHCM, góp phần đưa những sản phẩm nghiên cứu ra thực tế, gắn kết giữa các trường, viện với các doanh nghiệp, kết nối những trung tâm đổi mới sáng tạo của đại học…
Box: 8 nội dung trọng tâm của Sở KH-CN TPHCM trong năm 2021 bao gồm: tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TPHCM đi vào hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH-CN; hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động KH-CN đổi mới sáng tạo tại cơ sở; truyền thông khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Cử cán bộ, công chức đi học tiếng Anh, đạo đức và phòng chống tham nhũng
Một thông tin khác trên báo SGGP cho biết, UBND TP vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP năm 2021.
Theo đó, trong năm 2021, TP cử gần 24.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy phục vụ.
Cán bộ, công chức, viên chức được được đào tạo ở trong nước về lý luận chính trị, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa công vụ, pháp luật về phòng chống tham nhũng; kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về một số lĩnh vực trọng điểm như: chuyển đổi số, xây dựng, thanh tra, tư pháp, dân tộc, dân số và phát triển, tài chính, văn hóa…
TP sẽ đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) cho 1.880 cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên của các sở - ngành, UBND cấp huyện, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thời gian dự kiến đào tạo khoảng 6 tháng.
TPHCM cũng tổ chức các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế tại nước ngoài về quản lý chuyên ngành ở các lĩnh vực du lịch, an toàn thực phẩm, cải cách hành chính… Năm 2021, dự kiến có khoảng 82 cán bộ, công chức, viên chức đi học tại nước ngoài trong thời gian từ 1-2 tuần.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.