Bộ Y tế chuyển 800.000 liều vaccine Covid-19 cho TPHCM
Báo Pháp Luật TP cho hay, trong bối cảnh TPHCM có hơn 1.000 trường hợp mắc Covid-19, Bộ Y tế quyết định chuyển 800.000 liều vaccine ngừa Covid-19 cho TP.
Về đối tượng tiêm, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngoài các lực lượng ưu tiên theo quy định, thời gian tới sẽ tập trung tiêm vaccine cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Liên quan đến kế hoạch tiêm chủng, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP cho rằng, TP có thể xây dựng các kịch bản tiêm 200.000 mũi/ngày. Với 800.000 liều vaccine cùng sự huy động các lực lượng, việc tiêm chủng sẽ hoàn tất trong vòng 1 tuần.
Thông tin TPHCM phát hiện biến chủng Covid-19 mới là không chính xác
Liên quan đến thông tin cho rằng chủng SARS-CoV-2 lây truyền tại TPHCM là biến chủng mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thông tin này không chính xác. Thông tin từ Viện Pasteur TP cho thấy các kết quả giải trình tự gene ca bệnh trên địa bàn đều là chủng B.1617.2 nguồn gốc từ Ấn Độ (có tên gọi mới là chủng Delta). Chủng này có khả năng phát tán nhanh hơn chủng Anh và độc lực có xu hướng tăng lên. Thông tin trên báo Giáo dục Thời đại
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đợt dịch lần này tại TP có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, chứng tỏ không tập trung vào 1 nguồn duy nhất mà từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, công tác dập dịch ở TP trong thời gian tới phải rất tích cực. Cụ thể, cần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, sau đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Đề nghị các bệnh viện nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý bệnh nhân Covid-19
Theo báo Thanh Niên, ngày 16/6, Sở Y tế TP có văn bản đề nghị các bệnh viện, khu cách ly tập trung phải nhập đầy đủ thông tin người cách ly, bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và nguời bệnh Covid-19”.
Theo đó, đối với bệnh viện, khu cách ly tập trung (kể cả khách sạn), khi tiếp nhận người cách ly hoặc người nghi ngờ mắc Covid-19 phải nhập thông tin và tình trạng người bệnh vào phần mềm. Rà soát, cập nhật dữ liệu người cách ly trên phần mềm trước 16 giờ ngày 18/6.
Khi chuyển trường hợp nghi mắc Covid-19 sang các bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị Covid-19, các đơn vị trên phải bấm chuyển tiếp trên phần mềm để các bệnh viện tiếp tục theo dõi và điều trị bệnh. Bệnh viện có quyền từ chối tiếp nhận người bệnh nếu chưa có thông tin người bệnh trên hệ thống.
Đối với bệnh viện được phân công điều trị người bệnh Covid-19, khi tiếp nhận người bệnh Covid-19 hoặc người nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải kiểm tra thông tin người bệnh trên phần mềm; yêu cầu nơi chuyển nhập dữ liệu phần mềm nếu chưa có thông tin người bệnh.
Cùng với đó, các bệnh viện phải cập nhật thông tin, diễn tiến của bệnh nhân Covid-19 hằng ngày trên hệ thống phần mềm (tình trạng sức khoẻ, kết quả xét nghiệm…); rà soát, cập nhật lại toàn bộ thông tin của những người bệnh đang cách ly tại bệnh viện trước 16 giờ ngày 17/6.
Gần 100.000 nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Quốc gia TPHCM bằng bài thi năng lực
Trao đổi với báo Thanh Niên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP (ĐHQG TP), cho biết, vào lúc 0 giờ ngày 16/6, trường đã kết thúc thời gian nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm bài thi năng lực năm 2021.
Thống kê sơ bộ từ cổng thông tin đăng ký, ĐHQG TP ghi nhận gần 100.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các đơn vị thành viên bằng điểm bài thi đánh giá năng lực. Trong danh sách 11 đơn vị thành viên, dẫn đầu về số lượng nguyện vọng là Trường ĐH Bách khoa TP với gần 23.000 nguyện vọng. Đơn vị đứng thứ 2 là Trường ĐH Kinh tế-Luật với khoảng 20.000 nguyện vọng.
So với năm 2 năm trước, số nguyện vọng năm nay tăng mạnh (năm 2020 có 60.000 nguyện vọng; năm 2019 khoảng 50.000 nguyện vọng).
Hướng dẫn triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Báo SGGP cho hay, nhằm chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 và sách giáo khoa mới đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản gửi Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện về hướng dẫn tăng cường chỉ đạo thực hiện CT GDPT 2018.
Theo đó, các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất để xây dựng thêm trường học, phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Những địa phương có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp (dưới 50%) cần có giải pháp tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ít nhất 5% so với năm học trước, ưu tiên bố trí học sinh lớp 6 được học 2 buổi/ngày.
Phòng GD-ĐT có nhiệm vụ hướng dẫn cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để người học không gặp khó khăn khi tiếp cận các đầu sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác nhau. Trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Đặc biệt, nhà trường phải có thông báo (bằng văn bản trên bảng tin và trên trang thông tin điện tử của đơn vị) danh mục sách giáo khoa để học sinh lớp 2 và lớp 6 mua, sử dụng trong năm học 2021-2022; đảm bảo trang bị đầy đủ các đầu sách giáo khoa cho thư viện trường học theo danh mục phê duyệt của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, vận dụng kết hợp dạy học trực tiếp và dạy học qua Internet để mở rộng không gian tổ chức học tập cho học sinh, tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh học sinh nắm được yêu cầu đổi mới và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả CT GDPT 2018.
Dự án tuyến metro số 2 đã bàn giao mặt bằng hơn 78%
Theo báo Sài Gòn Đầu Tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết, đến tháng 6/2021, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM (Bến Thành - Tham Lương) đã được các quận, huyện bàn giao mặt bằng đạt khối lượng 78,6%.
Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn về thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn Quận 3 và một số trường hợp có khiếu nại, công tác giải phóng mặt bằng chưa thể hoàn thành theo kế hoạch.
Do đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc về thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn Quận 3, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Nhiều dự án xóa kẹt xe, ngập nước sắp cán đích
Báo Giao Thông đưa tin, Giám đốc BQL dự án đầu tư các công trình giao thông TP, Lương Minh Phúc cho biết, trong năm 2021, hàng loạt công trình giao thông nhằm giảm ùn tắc khu vực cảng Cát Lái dự kiến sẽ hoàn thành, gồm: dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức), dự án đường Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội và dự án cầu Mỹ Thủy 3.
Cùng với đó, Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP còn đặt mục tiêu hoàn thành hàng loạt các công trình giải quyết vấn đề ngập nước, ùn tắc cho vùng ven. Điển hình là các dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9), dự án cải tạo đường và kênh Nước Đen, xây mới cầu Hang Ngoài…
Phá băng nhóm 9 người chuyên trộm cắp, tiêu thụ xe máy
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 16/6, Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP cho biết đã triệt phá băng nhóm 9 người chuyên trộm cắp xe máy và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có do Đặng Đình Hải (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cầm đầu.
Đặng Đình Hải cầm đầu - Ảnh: Công an cung cấp
Tại cơ quan công an, Hải khai nhận cùng đồng phạm tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể và thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm xe máy tại TP. Sau khi lấy trộm xe máy, băng nhóm nhanh chóng liên hệ, bán cho các "mối" tiêu thụ xe gian.
Qua điều tra truy xét, tổ công tác PC02 tiếp tục bắt giữ thêm Nguyễn Hồng Chung (33 tuổi, ngụ quận 12), Trần Ngọc Phương (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) là 2 nghi phạm tiêu thụ tài sản cho băng nhóm trộm cắp xe máy. Đồng thời khám xét, thu giữ nhiều xe máy cùng tang vật liên quan khác.
Hiện PC02 đang tạm giữ hình sự các nghi phạm để tiếp tục điều tra.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)