Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/7/2020

11:52 17/07/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 17/7/2020:

Khai mạc Ngày hội Du lịch lần thứ 16

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, tối 16/7, tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1), diễn ra lễ khai mạc Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 kết hợp với Liên hoan Ẩm thực món ngon các nước nhằm quảng bá du lịch, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Sự kiện do Sở Du lịch TP phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TP tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, ngày hội góp phần phục hồi ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh thành khác nói chung trong trạng thái bình thường mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Ngày hội Du lịch TPHCM
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Ngày hội Du lịch TPHCM

Mục đích chính của sự kiện nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ hội tham quan, tìm hiểu những danh lam thắng cảnh của nước ta. Đây cũng là hoạt động thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho các khu du lịch, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ… tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác.

Đây là sự kiện du lịch quy mô lớn với hơn 150 gian hàng đến từ 50 tỉnh, thành trong cả nước; các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, dịch vụ và gần 50 gian hàng ẩm thực Việt Nam và quốc tế.

Đáng chú ý, năm nay các đơn vị tham gia ngày hội được hỗ trợ 50% chi phí tổ chức để có thể đưa ra những sản phẩm tốt nhất giới thiệu đến người tiêu dùng. Tất cả chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch của doanh nghiệp đồng thời được giới thiệu rộng rãi đến công chúng tại website kích cầu du lịch: www.kichcaudulichtphcm.vn.

Đề văn thi vào lớp 10: Lắng nghe để thay đổi, yêu thương

Lắng nghe trở thành chủ đề lớn nhất trong đề văn thi vào lớp 10 tại TP. Hồ Chí Minh sáng qua 16/7. Theo bài viết trên báo Thanh Niên, ngay phần đầu trang đề thi, một dòng gợi mở “lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết” được đặt ra. Với nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn, đề thi mang tính thời sự khi đề cập vấn đề quan tâm toàn cầu hiện nay là dịch Covid-19. Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5 nói “Lần đầu tiên trong đời đi dạy học, tôi thấy đề thi đặc biệt như vậy”.

Về định hướng ra đề, đúng với xu hướng hiện nay của Bộ GD-ĐT, TP đã rất sáng tạo khi cho học sinh (HS) tự do lựa chọn 1 trong 3 tác phẩm mang ba thông điệp khác nhau mà HS có cảm xúc kèm theo đối tượng liên hệ. Việc này, không gò bó, không áp đặt, cho HS một tâm thế thoải mái, tự do bày tỏ cảm xúc của mình.

Thí sinh hoàn tất bài thi môn văn trong tâm trạng phấn khởi, thoải mái, tự tin
Thí sinh hoàn tất bài thi môn văn trong tâm trạng phấn khởi, thoải mái, tự tin

Phần cạnh tranh và tạo nên sự khác biệt của mỗi em là kỹ năng viết, khả năng lập luận, xâu chuỗi, so sánh. Em nào thể hiện chiều sâu tư duy và cách lập luận thì điểm cao hơn.

Văn bản ở phần đọc hiểu trong đề thi môn văn được tổng hợp từ Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Nội dung văn bản nói về đại dịch Covid-19 đã gây ra những hoảng loạn và xáo trộn trên toàn cầu. Đối mặt với những thách thức này, con người nhận ra một trong những cách chống chọi với hoàn cảnh chính là quan sát và lắng nghe.

Câu hỏi nghị luận văn học thì vẫn cho HS sự liên kết với đời sống, xã hội khi đề cập tới các thông điệp lắng nghe chính mình, bày tỏ yêu thương với gia đình và khát vọng cống hiến cho xã hội.

Nhiều người đánh giá đề thi Văn năm nay bất ngờ, mới mẻ và rất hay. Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng đề thi đã “gợi” được cảm hứng làm bài cho thí sinh. Câu nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra vừa sức, không quá đao to búa lớn. Điều thú vị là chủ đề xuyên suốt 3 phần của đề thi nên tránh được tình trạng học sinh bị lạc đề.

TP. Hồ Chí Minh giảm trộm cướp nhờ camera an ninh

Báo Tuổi Trẻ cho hay, theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị chức năng của Thành phố đã nghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống nhận dạng đối tượng và phương tiện nghi vấn phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Hệ thống camera an ninh tại TP Hồ Chí Minh nhận dạng đối tượng và phương tiện nghi vấn, phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Hệ thống camera an ninh tại TP Hồ Chí Minh nhận dạng đối tượng và phương tiện nghi vấn, phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Kết quả thử nghiệm cho thấy tỉ lệ chính xác cao khi nhận dạng biển số xe 4 bánh đạt 95,5%, xe hai bánh đạt 87,1% qua hệ thống nhận dạng. Ở cấp cơ sở, nhiều quận cũng đã chủ động đi tiên phong trong việc xây dựng trung tâm điều hành và quan sát an ninh trật tự.

Ở quận 10, năm 2019, qua trích xuất camera giúp công an phát hiện xử lý 26 vụ phạm pháp hình sự, 6 vụ cướp giật, 17 vụ trộm cắp tài sản, 1 vụ cướp tài sản, bắt giữ 26 đối tượng. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera giám sát đã phát hiện 7 vụ, 26 đối tượng (ma túy, tổ chức đá gà…), phát hiện 162 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Ở quận 1, Trung tâm điều hành đô thị thông minh của quận đã tích hợp được trên 1.100 mắt camera và 128 đầu thu. Trong 2 năm qua, hệ thống này đã gửi hơn 14.700 tin nhắn cảnh báo về an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Nhiều lợi thế phát triển du lịch đường thủy

Theo báo Pháp Luật TP, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TP.HCM vẫn có nhiều chương trình thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, du lịch đường thủy được nhiều người đánh giá là có tiềm năng phát triển ở TP.

Điển hình, tuyến tàu du lịch dọc sông Sài Gòn (Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi) có cự ly 78 km đã khai trương từ ngày 10/7 và sẽ chính thức đón khách từ hôm nay (17/7). Tuyến này khởi đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Bình Hòa (Bình Thạnh) - bến Tiamo (Bình Dương) và tiếp tục hành trình đến địa đạo Củ Chi (Bến Đình, Bến Dược).

Du lịch đường sông ở TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: ĐÀO TRANG
Du lịch đường sông ở TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ngoài tuyến du lịch mới nói trên, du khách có thể chọn những tuyến du lịch đường sông gần hơn như tuyến buýt đường sông số 1, có giá “quốc dân” chỉ 15.000 đồng/lượt nên trở thành sự lựa chọn hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Điểm nổi bật của các tuyến du lịch đường sông ở TP. HCM là trong quá trình di chuyển, hành khách có thể nhìn ngắm phong cảnh tuyệt đẹp dọc hai bên sông Sài Gòn.

Tương tự, đối với du lịch đường biển, tuyến phà biển TP. HCM - Vũng Tàu được người dân TP và các tỉnh miền Tây đặt nhiều kỳ vọng. Đây là tuyến giao thông không chỉ chia sẻ với giao thông đường bộ mà còn là tour hấp dẫn với hành khách ưa thích trải nghiệm du lịch đường thủy. Dự kiến tuyến phà biển TP. HCM - Vũng Tàu sẽ có giá dịch vụ là 50.000 đồng/vé.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1), đánh giá TP. HCM là một trong nhiều TP trên thế giới có thế mạnh về đường sông. Do đó, việc khai thác du lịch đường sông ở TP sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều tuyến buýt, phà và tàu cao tốc được đầu tư, kết nối với các vùng lân cận là những dẫn chứng rõ nhất.

Ông Toản cũng cho rằng buýt đường sông nói riêng, giao thông đường thủy nói chung là một loại hình vận tải đặc biệt và không thể so sánh với các loại hình vận tải khác. Mỗi hành khách khi lên tàu, lên phà sẽ đi với một tâm thế khác nhau như du lịch, trải nghiệm hoặc cũng có thể là mục đích giao thông đơn thuần.

3 tuyến đường vành đai hơn 10 năm chờ khép kín

Được đánh giá đặc biệt quan trọng và rất cấp bách nhưng 3 dự án đường vành đai tại TP. HCM suốt 10 năm qua vẫn chưa thể khép kín. Việc thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống đường vành đai được đánh giá là 1 trong những nguyên nhân chính khiến TP ùn trong tắc ngoài, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Nội dung phản ánh trên báo Lao Động.

Dự án đường Vành đai 2 TP. HCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km và có tổng vốn đầu tư toàn tuyến là 12.540 tỉ đồng. Sau nhiều năm thi công, đường Vành đai 2 hiện vẫn còn 11 km (chia làm 4 đoạn) còn dang dở, chưa được khép kín.

Hoàn thiện hệ thống đường Vành đai là giải pháp hữu hiệu giúp TPHCM thoát khỏi tình trạng kẹt xe. Ảnh: Minh Quân
Hoàn thiện hệ thống đường Vành đai là giải pháp hữu hiệu giúp TPHCM thoát khỏi tình trạng kẹt xe. Ảnh: Minh Quân

Tương tự, dự án Vành đai 3 hiện đặc biệt nan giải dù tuyến đường này được đánh giá mang tính "chiến lược", tạo liên kết vùng. Quy hoạch đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km sẽ làm mới với tổng vốn khoảng 55.805 tỉ đồng. Tuyến đường này đi qua địa phận TP. HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Dự án được chia làm 4 đoạn, trong đó hiện chỉ có đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn) dài 16,3 km, trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác. Trong khi đó, những đoạn qua TP vẫn ngổn ngang, chưa được đầu tư.

Còn Vành đai 4 dài gần 200 km đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.000 tỉ đồng. Hiện chỉ có đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km đi qua TP.HCM và Long An) được nghiên cứu đề xuất đầu tư, phần còn lại chưa được nghiên cứu.

Đường Mai Chí Thọ - một trong những tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông TPHCM thường xuyên kẹt xe nên việc đầu tư các tuyến Vành đai 2 và 3 là rất cấp bách. Ảnh: Minh Quân
Đường Mai Chí Thọ - một trong những tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông TPHCM thường xuyên kẹt xe nên việc đầu tư các tuyến Vành đai 2 và 3 là rất cấp bách. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Trần Quang Lâm- Giám đốc Sở GTVT TP, hệ thống đường vành đai vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông nội đô, vừa hỗ trợ giãn dân. Vì vậy, trong đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030” Sở này trình UBND TP có đề xuất ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách, trong đó tập trung đầu tư dự án khép kín Vành đai 2, 3.

Đề xuất cấm xe 3 bánh vào trung tâm Thành phố

Cũng trên lĩnh vực giao thông vận tải, báo Pháp Luật TP cho hay, Sở GTVT TP vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất cấm xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh vào trung tâm TP.

Theo Sở GTVT, việc cấm lưu thông đối với các loại xe này vào khu vực trung tâm đảm bảo phù hợp với điều kiện đô thị đặc thù của TP.

Từ đó, TP có thể từng bước kiểm soát hoạt động cũng như lộ trình chuyển đổi loại phương tiện này. Hiện Sở GTVT phối hợp với các quận, huyện và các đơn vị có liên quan báo cáo phương án tổ chức giao thông cho các loại xe 3-4 bánh theo từng giai đoạn.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP, nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM sẽ cấm xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ 3-4 bánh. Ảnh: THU TRINH
Theo đề xuất của Sở GTVT TP, nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM sẽ cấm xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ 3-4 bánh. Ảnh: THU TRINH

Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2021, Sở sẽ điều chỉnh phạm vi hoạt động theo vành đai nội đô TP để hạn chế loại xe này lưu thông theo quyết định của UBND TP về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông khu vực nội đô để đồng bộ trong quá trình quản lý.

Phương án được đề xuất như sau: Cấm các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm TP và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm.

Trong đó, khu vực trung tâm được giới hạn bởi các tuyến đường Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng... Thời gian cấm từ 5 giờ đến 13 giờ và từ 16 giờ đến 22 giờ.

Các tuyến đường ngoài khu vực trung tâm TP được hạn chế gồm một số tuyến như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Kiệt…

Tại khu vực nội đô TP cũng sẽ giới hạn bên trong các tuyến vành đai như: Quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh), xa lộ Hà Nội (đoạn từ nút giao quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống… Thời gian cấm từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ.

Giai đoạn từ năm 2022 trở đi giữ nguyên vành đai hạn chế, điều chỉnh thời gian cấm theo giờ, từ 5 giờ đến 22 giờ.

Nhiều hoạt động tại Hội sách thiếu nhi

Theo báo Đại Đoàn Kết, từ ngày 17/7 tới ngày 26/7, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 diễn ra Hội sách “Mở trang sách - Vẽ ước mơ”.

Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông TP phối hợp Sở, ban, ngành, đoàn thể và nhà xuất bản, công ty phát hành tổ chức. Đây là lần thứ hai TP tổ chức Hội sách thiếu nhi. Lễ khai mạc hội sách sẽ diễn vào 16h chiều nay (17/7).

Chương trình hướng tới việc xây dựng xã hội học tập qua việc phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc của thế hệ trẻ, từ đó, tạo thói quen, phát triển kỹ năng đọc sách trong thanh, thiếu niên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 10 ngày diễn ra, Hội sách có nhiều sự kiện sôi nổi. Bên cạnh 19 gian hàng và các chương trình diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Hội sách còn tổ chức phiên bản online tại trang thương mại điện tử Tiki với sự tham gia của 5 đơn vị xuất bản, làm sách. Khu vực triển lãm sẽ trưng bày những tác phẩm do thiếu nhi vẽ về đại dịch Covid-19. Các tác phẩm này góp phần cổ vũ tinh thần quyết tâm chống dịch của cộng đồng, thể hiện lòng biết ơn với đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Hội sách cũng sẽ tổ chức một số tọa đàm như: Tọa đàm “Viết sách cho thiếu nhi”; Tọa đàm “Thiếu nhi thời 4.0: Xem gì, nghe gì, đọc gì?”, “Bí quyết đọc sách cùng con”...

Chương trình “Đổi sách lấy cây” cũng diễn ra trong thời gian tổ chức Hội sách, nhằm lan tỏa giá trị nhân văn thông qua việc trao đổi những quyển sách đã qua sử dụng. Mỗi người đến đổi sách sẽ nhận chậu cây nhỏ xinh, truyền thông điệp về bảo vệ môi trường.

Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh

Tin cùng chuyên mục