Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/9/2021

10:25 17/09/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 17/9

Ngày đầu tiên thí điểm “thẻ xanh COVID-19”, người dân đi lại ra sao?

Báo Tuổi Trẻ ghi nhận, ngày đầu tiên thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và Khu công nghệ cao, người dân đi lại đông hơn, các chốt kiểm soát cũng kiểm tra kỹ hơn.

Dù áp dụng thí điểm thẻ xanh vắc xin COVID-19 nhưng nhiều khu vực tại quận 7 vẫn kiểm soát chặt để tránh lây lan dịch bệnh
Dù áp dụng thí điểm thẻ xanh vắc xin COVID-19 nhưng nhiều khu vực tại quận 7 vẫn kiểm soát chặt để tránh lây lan dịch bệnh

Tại các tuyến đường Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát… quận 7, mật độ giao thông đông hơn thường ngày. Một số hàng quán cũng rục rịch mở cửa, shipper hoạt động nhiều hơn. Tuy nhiên các chốt kiểm soát vẫn được duy trì để kiểm tra kỹ việc đi lại.

Tại chốt kiểm tra trên đường Nguyễn Thị Thập giao đường số 38 (phường Tân Quy), cán bộ trực chốt hướng dẫn người dân đường này chỉ được đi từ trong ra, người dân muốn từ đường Nguyễn Thị Thập vào phải đi bằng đường khác.

Về việc kiểm tra đi lại ngày đầu tiên thí điểm “thẻ xanh COVID-19” trên địa bàn quận, thượng úy Huỳnh Trọng Nhân, thuộc Phòng PC06 Công an TP tăng cường cho quận 7, cho biết đối với người dân được cấp giấy đi đường sẽ kiểm tra giấy đi đường và quét mã khai báo di chuyển nội địa; đối với người dân có thẻ xanh vắc xin (tức đã được tiêm hai mũi) sẽ quét mã QR trên phần thông tin tiêm chủng và kiểm tra thêm khai báo di chuyển nội địa.

"Đối với bà con đi chợ thông thường có thẻ xanh vắc xin thì chúng tôi giải thích hiện nay phải có phiếu đi chợ thì mới tự đi mua hàng được. Nếu có thẻ xanh nhưng chưa có phiếu đi chợ thì bà con đến các cửa hàng cũng không được mua hàng hóa.

Đối với các trường hợp có thẻ xanh và đi mua thuốc, đi ngân hàng, đi mua sách giáo khoa… thì sau khi kiểm tra hai thông tin tiêm chủng và khai báo di chuyển nội địa sẽ được qua chốt. Đối với lực lượng shipper sẽ được tạo điều kiện di chuyển giao hàng", thượng úy Nhân nói.

Trước ngày 18/9, TP Thủ Đức và quận huyện rà soát người có hoàn cảnh khó khăn để chi hỗ trợ lần 3

Theo báo SGGP, chiều 16/9, Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội (LĐTB-XH) TP Lê Minh Tấn có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về rà soát, lập danh sách xét duyệt người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thực tế đang có mặt tại xã, phường, thị trấn để thực hiện hỗ trợ đợt 3.

Theo đó, Sở LĐTB-XH đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nhanh chóng tổ chức rà soát, lập danh sách xét duyệt người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn để thực hiện chính sách hỗ trợ đợt 3. Danh sách số lượng người có hoàn cảnh khó khăn phải gửi về Sở LĐTB-XH TP trước ngày 18/9 để kịp báo cáo UBND TP trình Thường trực HĐND TP.

Người lao động tự do trên địa bàn huyện Nhà Bè nhận hỗ trợ trong những ngày giãn cách xã hội
Người lao động tự do trên địa bàn huyện Nhà Bè nhận hỗ trợ trong những ngày giãn cách xã hội

Cụ thể về việc hỗ trợ, ông Lê Minh Tấn cho biết, đối tượng hỗ trợ gồm 4 nhóm:

Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn.

Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh..)

Người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).

Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Sở LĐTB-XH TP lưu ý không hỗ trợ đối với các trường hợp sau: người đang hưởng lương hưu, người đang tham gia bảo hiểm xã hội và diện được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021.

Hơn 6.000 bệnh nhân COVID-19 tại BV dã chiến số 3 được xuất viện

Tin từ VOV, BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng, Bệnh viện dã chiến số 3 cho biết, tính từ ngày 6/7 đến nay, Bệnh viện Dã chiến số 3 (nằm tại khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP Thủ Đức) đã tiếp nhận hơn 8.000 ca mắc COVID-19. Đến sáng 16/9, 6.029 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.

“Dự kiến trong chiều 16/9, Bệnh viện dã chiến số 3 sẽ cho xuất viện thêm khoảng 300 bệnh nhân. Mỗi ngày, chúng tôi đều cho xuất viện vài trăm bệnh nhân, trong đó, có ngày cao điểm là hơn 1.600 trường hợp. Với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện, không có gì vui hơn khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh và được quay trở lại cuộc sống của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hết mình để chữa trị cho bệnh nhân và hy vọng con số khỏi bệnh sẽ ngày càng nhiều hơn”, BS Lý Quốc Công chia sẻ.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến số 3 và được xuất viện
Bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến số 3 và được xuất viện

Được biết, ban đầu, Bệnh viện dã chiến số 3 được Sở Y tế TP phân công chức năng làm nơi thu dung ca nhiễm không triệu chứng (tầng 1). Tuy nhiên, sau một thời gian do số ca nhiễm tại TPHCM gia tăng, Bệnh viện này được nâng lên thành nơi thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và dấu hiệu chuyển nặng) để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, năng lực của Bệnh viện dã chiến số 3 đã được nâng lên đáng kể. Đội ngũ nhân viên y tế đã quen với công việc, đã có rất nhiều lượt bệnh nhân được xuất viện từ khu cấp cứu, nhiều cảnh vượt lằn ranh sinh tử ngoạn mục.

Quận Tân Bình tiêm vắc xin mũi 2 không cần lên danh sách trước

Một thông tin khác từ báo Tuổi Trẻ, ngoài việc tăng tốc tiêm vét mũi 1 cho người trên 18 tuổi, quận Tân Bình còn tổ chức tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 khi đủ thời gian mà không cần lên danh sách trước.

Người dân chưa tiêm mũi 1 hoặc đã đủ thời gian để tiêm mũi 2 có thể đến tiêm mà không cần lên danh sách trước
Người dân chưa tiêm mũi 1 hoặc đã đủ thời gian để tiêm mũi 2 có thể đến tiêm mà không cần lên danh sách trước

Theo ghi nhận PV, ngày 16/9, nhiều người dân, chủ yếu ngụ quận Tân Bình đã đến điểm tiêm tại nhà vòm công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) để tiêm vắc xin Vero Cell mũi 1 và mũi 2.

Người dân đến điểm tiêm chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác. Riêng những người đến tiêm mũi 2 cần đem theo "giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19" mũi 1. Sau khi hoàn thành 30 phút theo dõi sau tiêm, tất cả đều nhận được "giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin COVID-19", còn "phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19" được nhân viên y tế giữ lại để nhập liệu.

Người phụ trách điểm tiêm này cho biết, bắt đầu từ tháng 8, phường 2 đã tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn phường. Riêng trong ngày 16/9, phường tiếp tục tổ chức tiêm vét những người chưa tiêm mũi 1, đồng thời tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian mà không cần lên danh sách trước.

"Kế hoạch tiêm tự do, không lên danh sách trước nên khi người dân tới đây thì chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn, khám sàng lọc và tiêm. Lúc trước còn đo huyết áp cho người dân trước tiêm, bây giờ theo hướng dẫn y tế thì đã bỏ khâu này nên tổng thời gian tiêm sẽ được rút ngắn", người phụ trách điểm tiêm nói.

Số học sinh thiếu thiết bị, đường truyền học trực tuyến đã giảm

Báo Thanh Niên cho hay, theo thống kê mới nhất mà Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) được báo cáo, sau gần 2 tuần đầu tiên của năm học mới, số học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến đã giảm từ khoảng 75.000 xuống còn khoảng 39.000 học sinh.

TPHCM còn khoảng 39.000 học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến
TPHCM còn khoảng 39.000 học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam cho biết, với khảo sát cuối tháng 8, số học sinh gặp khó khăn trong các điều kiện để học trực tuyến đã giảm mạnh, từ 75.000 học sinh xuống còn 39.027 học sinh (thống kê ngày 13/9). Trong đó, bậc tiểu học có 14.938 học sinh, bậc THCS có 20.790 học sinh, bậc THPT là 2.785 và hệ GDTX còn 514 học sinh thiếu thiết bị, đường truyền học trực tuyến.

Lãnh đạo sở cho hay: “Con số này sẽ tiếp tục giảm mạnh theo khảo sát hàng tuần. Đó là kết quả của sự hỗ trợ, đồng lòng của các đoàn thể, của xã hội, phụ huynh học sinh và từng nhà trường”.

TPHCM phát động chương trình quyên góp máy tính cho học sinh học trực tuyến

Cũng trên báo Thanh Niên, để hỗ trợ học sinh không có thiết bị để học trực tuyến, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”. Chương trình nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành giáo dục ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không đủ khả năng mua thiết bị học tập.

Gần 1,7 triệu học sinh ở TPHCM bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến
Gần 1,7 triệu học sinh ở TPHCM bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến

Sở GD-ĐT TP đã phát động chương trình trong toàn ngành giáo dục thành phố gồm cán bộ, nhà giáo, người lao động thuộc các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, ngoài công lập và các đơn vị trực thuộc 22 phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức; các đơn vị trực thuộc Sở… Chương trình được vận động dựa trên tinh thần tự nguyện để chăm lo cho học sinh, kéo dài đến ngày 5/10.

Xây dựng 2 kịch bản khôi phục thi công metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Vietnamplus đưa tin, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, chủ đầu tư, tư vấn cùng các nhà thầu dự án tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành-Suối Tiên) đã thống nhất xây dựng kế hoạch khôi phục thi công dự án sau ngày 15/9 theo 2 kịch bản.

Các chuyên gia, kỹ sư, công nhân đưa toa xe xuống xe vận chuyển chuyên dụng
Các chuyên gia, kỹ sư, công nhân đưa toa xe xuống xe vận chuyển chuyên dụng

Cụ thể, kịch bản đầu tiên là tiếp tục thực hiện thi công theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến.” Trong số đó, về thi công sẽ khôi phục từ 15-30% các hạng mục quan trọng của dự án như kết cấu, hoàn thiện kiến trúc, cơ điện, đổ bêtông tại các nhà ga và kiểm tra tiếp nhận các thiết bị… Kịch bản này sẽ huy động khoảng trên 600 công nhân tại các công trường.

Kịch bản 2 được xây dựng trên cơ sở khi được phép di chuyển trở lại đối với các dự án thi công trọng điểm của TP. Khi đó, về thi công sẽ khôi phục từ 40-80% các hạng mục quan trọng tại các công trường thi công các gói thầu của dự án. Nhân sự huy động khoảng trên 1.300 công nhân đã được tiêm vắc xin tại các công trường.

Đến nay, các đơn vị đã tiến hành tiêm vắc xin cho đội ngũ viên chức, chuyên gia, kỹ sư và công nhân. Trong số đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị có 99% viên chức đã tiêm vaccine mũi 1, 90% đã tiêm mũi 2 và sẵn sàng cho việc đẩy mạnh thiết lập lại tiến độ dự án.

Đối với tư vấn và các nhà thầu, hiện đã tiêm được trên 1.300 liều vắc xin mũi 1 cho chuyên gia, kỹ sư và công nhân; trong đó, có khoảng 30% đã hoàn thành tiêm mũi 2. Hiện các đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiêm vắc xin mũi 2 cho số nhân sự nêu trên và tiêm vắc xin mũi 1 cho khoảng 1.000 nhân sự còn lại của dự án.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai - Linh Nhi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục