Giá thịt lợn giảm từ 10-20% sau kỳ nghỉ Tết
Theo VOV.VN, ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - 17/2, hầu hết các chợ, siêu thị ở địa bàn TP đã mở cửa trở lại.
Tại các chợ như Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1) khá nhộn nhịp. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, rau xanh, thực phẩm tươi sống khá đa dạng, giá cả ổn định, thậm chí một số mặt hàng giá còn thấp hơn so với trước Tết Nguyên đán.
Riêng giá thịt lợn đã giảm 10-20% so với trước Tết và dao động ở mức 120.000-200.000 đồng/kg. Mặc dù giá giảm, nhưng sức mua của người dân với loại thực phẩm này vẫn chưa cao.
Còn tại các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi (Satra Food, Co.op Foood…), lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, giá cả không có nhiều thay đổi. Trong đó, rau xanh, hoa quả, thực phẩm tươi sống được nhân viên siêu thị châm hàng liên tục để phục vụ người dân.
Các quầy dịch vụ khách hàng tại nhiều siêu thị cũng tấp nập trở lại khi đa số khách hàng vẫn chọn hình thức mua bán online. Người dân ở TP đi mua sắm cũng thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đo nhiệt độ… để phòng chống dịch Covid-19.
Hàng quán bắt đầu mở cửa, không quên phòng dịch COVID-19
Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, ngày 17/2 (mùng 6 Tết Tân Sửu) - ngày đầu tiên người dân cả nước đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều quán cà phê, cửa hàng ăn uống... ở TP đã mở cửa khai trương năm mới.
Anh Trần Vũ Tú Anh - Chủ quán cà phê trên đường Hà Huy Tập (quận 7) chia sẻ: "Sáng nay (17/2), quán mở cửa khai trương năm mới. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quán đã trang bị phòng chống dịch như đề nghị đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn... Hi vọng dịch nhanh chóng qua đi để lượng khách hàng sớm quay trở lại như trước đó".
Tương tự, một số cửa hàng ăn uống và quán cà phê trên địa bàn quận 3 cũng đã mở cửa trở lại. Giá cả niêm yết rõ ràng tại cửa hàng khiến người dân yên tâm mua thức ăn, đồ uống.
Cùng với đó, lực lượng chức năng tại phường, quận thường xuyên triển khai công tác nhắc nhở cửa hàng đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn có một số quán còn nghỉ Tết. Các quán này treo biển nghỉ Tết đến mùng 10 hoặc qua rằm mới mở cửa lại. Điều này khiến nhiều khách đến đành lặng lẽ quay về, lựa chọn một cửa hàng khác. Vì vậy, một số cửa hàng mở cửa dịp đầu năm, không tránh khỏi tình trạng đông khách, chưa thực hiện việc giãn cách đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Đường sách Thành phố đạt doanh thu nửa tỉ vào dịp Tết
Báo Pháp Luật TP cho biết, những ngày Tết vừa qua, Đường sách Thành phố là một điểm đến được nhiều người dân TP chọn lựa.
Theo thống kê, lượng khách đến Đường sách cao nhất vào ngày 25, 26 tháng chạp và mùng 3, mùng 4 Tết. Trung bình từ ngày 10 đến 16/2, Đường sách Thành phố đón khoảng 20.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Lượng khách nước ngoài giảm 80% so với Tết năm ngoái. Tổng doanh thu Tết Nguyên đán 2021 của Đường sách Thành phố ước khoảng 500 triệu đồng từ bán sách và các vật phẩm lưu niệm văn hoá, giảm 50% so với Tết năm 2020.
Chương trình Tết của Đường sách Thành phố bắt đầu từ ngày 25 tháng chạp âm lịch với nhiều hoạt động thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Năm nay, Đường sách vẫn duy trì hoạt động Du xuân tri thức - Đón lộc đầu năm với hội sách chủ đề ngày Tết; các chương trình viết thư pháp trên bao lì xì, liễn, postcard về Sài Gòn; viết thư pháp lên dụng cụ bằng tre như ly, bình nước; tranh giấy xoắn, thú vải nỉ; vẽ 12 linh vật bằng gỗ, quilling giấy xoắn...
Phạm pháp hình sự được kéo giảm so với năm 2020
Ngày 17/2, Công an Thành phố đã có thống kê về tình hình đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết . Theo đó, trong 7 ngày nghỉ Tết, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn TP được đảm bảo, không để xảy ra các hoạt động phá hoại, khủng bố và các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Các vấn đề về phạm pháp hình sự, cháy nổ, tai nạn giao thông đều được kéo giảm. Thông tin trên báo Lao động.
Cụ thể, Công an Thành phố ghi nhận 44 vụ phạm pháp hình sự (giảm 16,98% so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), điều tra nhanh 29 vụ, tạm giữ 27 đối tượng; lập hồ sơ xử lý hành chính 7 vụ với 7 đối tượng mua bán, tàng trữ pháo trái phép…; phát hiện 28 vụ đánh bạc, lập hồ sơ xử lý 235 đối tượng.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Thành phố có 2 vụ cháy (giảm 7 vụ với 77,78% so với Tết Nguyên đán 2020), không có người chết, 1 bị thương, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 750.000 đồng.
Trong các ngày Tết, Công an Thành phố đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, cửa ngõ ra vào thành phố và các địa điểm tổ chức lễ hội, các khu vui chơi đảm bảo tình hình giao thông thông suốt, không để xảy ra ùn tắc; kịp thời phát hiện, giải tán 3 vụ với 140 đối tượng tụ tập chạy xe thành đoàn tại các quận 12, Bình Thạnh và Tân Phú.
Lượng khách đặt phòng lưu trú tại Thành phố giảm mạnh
Vietnamplus đưa tin, chiều 17/2, Sở Du lịch TP cho biết, theo số liệu báo cáo của 22/124 khách sạn (từ 3-5 sao hoặc tương đương) trên địa bàn, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 9-17/2), thành phố ghi nhận có khoảng 1.800 khách đặt phòng lưu trú.
Bên cạnh đó, theo báo cáo sơ bộ từ các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu trên địa bàn, lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu giảm mạnh ở hầu hết hành trình du lịch. Trong đó, có thể kể đến chương trình du lịch dành cho khách đoàn doanh nghiệp, khách lẻ, khởi hành theo lịch định sẵn...
Dịch Covid-19 bùng phát vào thời gian cao điểm đặt chương trình du lịch Tết Nguyên đán không chỉ làm giảm sức mua của khách hàng mà còn dẫn đến tình trạng nhiều người muốn hủy/hoãn, hoàn tiền, dời ngày và đổi tuyến tour... Tuy nhiên, xu hướng người dân không về quê ăn Tết đã tạo cơ hội cho chương trình du lịch tại chỗ ở Thành phố hoặc địa điểm không nằm trong vùng dịch. Do đó, một số công ty lữ hành vừa nâng cao biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh chương trình du lịch ngắn ngày, chủ yếu sử dụng phương tiện ôtô, tặng combo khẩu trang y tế và nước rửa tay.
Khoảng 3% người bệnh cần được khám sàng lọc COVID-19 tại các bệnh viện
Theo báo Tuổi Trẻ, trong tổng số 393.560 lượt người bệnh đến khám tại các bệnh viện TP trong 9 ngày vừa qua có 12.983 lượt người thuộc nhóm có nguy cơ cần được phân luồng và khám sàng lọc COVID-19, chiếm 3%.
Đó là kết quả thông báo trên màn hình của ứng dụng thống kê khai báo y tế điện tử do Sở Y tế TP theo dõi người bệnh đã khai báo y tế khi đến khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn TP trong những ngày nghỉ tết vừa qua (từ ngày 8/2 đến nay).
Theo Sở Y tế, điều quan trọng chính là với ứng dụng khai báo điện tử này, việc cập nhật thường xuyên và liên tục các yếu tố dịch tễ cần được khai báo đã được thực hiện một cách thống nhất do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đảm trách. Đồng thời, ứng dụng này phát huy tác dụng khi HCDC liên tục cập nhật yếu tố dịch tễ trên phiếu khai báo, cập nhật này đáp ứng yêu cầu tình hình dịch tễ mới khi truy vết tiếp xúc (F1, F2) đang diễn ra trên địa bàn thành phố.
Với ước tính trung bình có khoảng 3% cần được phân luồng khám sàng lọc nêu trên, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tiếp tục duy trì việc khai thác kỹ yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 và cần bố trí nguồn lực thích hợp cho khu vực khám sàng lọc để đảm bảo chỉ định cách ly và làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo đúng hướng dẫn của HCDC. Đối với các bệnh viện chưa triển khai cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động khai báo y tế điện tử tại đơn vị.
Sau 9 ngày chính thức triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử, đã có 129 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử của Sở Y tế. Trong đó, nhiều bệnh viện chính thức chuyển đổi số hoàn toàn trong công tác khai báo y tế, điển hình như: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Từ Dũ, Nhân dân 115, 175, Thống Nhất, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1, Nhi đồng thành phố, Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Bệnh nhiệt đới, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Tai mũi họng, Thành phố Thủ Đức, quận 2, quận 11…
Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tới năm 2022 sẽ khai thác thương mại
Một thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ cho hay, theo nội dung trong kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và các năm tiếp theo của Ban quản lý đường sắt đô thị TP gửi UBND TP, tuyến metro số 1 tới quý 4/2021 sẽ chạy thử đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình chuẩn bị cho vận hành toàn tuyến. Đồng thời trong thời gian này, chủ đầu tư cũng tổ chức các công việc cần thiết cho công tác vận hành, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiệm thu bàn giao.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết tuyến metro số 1 được đưa ra kế hoạch sẽ vận hành thử toàn tuyến, tiến đến khai thác thương mại trong năm 2022.
Trước đó, tại báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch năm 2021, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho hay năm 2020 do tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài, nhập vật liệu thi công dự án. Một số gói thầu bị ảnh hưởng của dịch dẫn đến chậm so với kế hoạch, điển hình như đoàn tàu metro 1 đầu tiên tới tháng 10/2020 mới có thể nhập khẩu về nước, trễ tới 6 tháng.
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM với tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng. Toàn tuyến dài gần 19,7km, trong đó đi ngầm 2,6km, còn lại là đoạn trên cao. Trước đó, TP kỳ vọng dự án này sẽ đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2021.
Người dân tự giác khai báo y tế trong ngày đầu năm
Theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp Luật TP, trong ngày đầu năm sau nghỉ Tết, nhiều người dân đã tự giác đến Trạm y tế phường để khai báo y tế.
Sau khi được biết nơi mình từng đến có ca bệnh Covid -19 tại xã la Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, bà NTMN (54 tuổi) đã đến Trạm Y tế phường 9, Gò Vấp để khai báo y tế. Tại đây, bà N được nhân viên y tế hướng dẫn điền thông tin cá nhân và kê khai lịch trình cũng như phương tiện vận chuyển. Xong xuôi, bà được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà và nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất nếu có biểu hiện bất thường.
Tương tự, ông TVK (48 tuổi, phường Hiệp Thành, quận 12) cũng chủ động đến trạm y tế phường khai báo y tế sau khi từ ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo, Bình Dương về lại nhà được 8 ngày.
Trong ngày 17/2, phường 9 quận Gò Vấp và xã Trung Chánh huyện Hóc Môn đều tiếp nhận hơn 10 trường hợp cư ngụ trên địa bàn phường chủ động khai báo y tế.
Tại phường Hiệp Thành, quận 12, Trạm y tế phường tiếp nhận bà con tới khai báo y tế từ chiều 16/2. Tới thời điểm này đã có gần 60 trường hợp từng đến những địa phương có ca bệnh COVID-19 đã thực hiện khai báo y tế.
Ông Lê Trường Tồn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành cho biết thông qua thực hiện khai báo y tế, trạm y tế phường phát hiện 1 phụ nữ đã từng đến tỉnh Hải Dương nên nhanh chóng liên hệ Trung tâm Y tế quận 12, mời người này thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Phòng dịch Covid-19, Quận 10 tiếp tục ngưng nhận hồ sơ thêm 1 tuần
Ngày 17/2, các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đã trở lại làm việc, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và tổ chức sau đợt nghỉ Tết. Tuy nhiên, trung tâm hành chính Quận 10 sẽ tiếp tục tạm ngừng nhận hồ sơ và tiếp công dân do từng có ca nhiễm Covid-19 làm việc tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Quận 10 (nằm bên trong trung tâm hành chính quận).
Trao đổi với PV báo Thanh Niên, ông Võ Văn Tiến, Chánh văn phòng UBND Quận 10 cho biết nhằm đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, quận sẽ ngừng tiếp nhận hồ sơ và tiếp công dân thêm một tuần. Trung tâm hành chính Quận 10 ngừng nhận hồ sơ và tiếp công dân từ chiều 8/2 nên sẽ giải quyết hồ sơ như bình thường vào ngày 22/2.
Thay vào đó, quận chuyển sang giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. “Đối với những thủ tục chưa áp dụng dịch vụ công trực tuyến thì quận sẽ bố trí cán bộ giải thích cho người dân hiểu và thông cảm. Riêng với những trường hợp thật sự cấp bách, cần thiết thì quận vẫn sẽ linh động giải quyết nhưng sẽ rất hạn hữu”, ông Tiến cho biết.
Về công tác phòng dịch Covid-19, ông Tiến cho biết quận tiếp tục tẩy trùng, sát khuẩn toàn bộ khu hành chính của quận thêm một lần, kể từ ngày 17/2, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong trung tâm hành chính vẫn làm việc bình thường.
Hội Nhà văn TP công bố giải thưởng năm 2020 và danh sách hội viên mới
Báo Thanh Niên cho biết, sáng ngày 19/2, Hội Nhà văn TP sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng văn học hằng năm cho các tác giả đoạt giải năm 2020 và kết nạp hội viên mới tại số 81 đường Trần Quốc Thảo, Quận 3.
Giải thưởng của Hội Nhà văn TP năm 2020 được trao cho các tác giả: Nhà văn Xuân Phượng – tác phẩm: Gánh gánh Gồng gồng; tác giả Bùi Quang Lâm – tác phẩm: Đất K; tác giả Cao Xuân Sơn – tác phẩm: Bấm chân qua tuổi dại khờ.
Tặng thưởng Hội Nhà văn TP năm 2020 dành cho các tác giả: Huỳnh Dũng Nhân – tác phẩm: Chúng tôi – một thời mũ rơm mũ cối; Vũ Văn Song Toàn – tác phẩm: Đoản khúc chiều phù dung; Trần Hoài Anh – tác phẩm: Đi tìm mỹ cảm văn chương.
Trước đó, Đại hội Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức rất thành công và chính thức ra mắt Ban chấp hành (BCH) khóa 8 với 10 thành viên do nhà văn Bích Ngân làm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch là nhà văn Bùi Anh Tấn và Trầm Hương.
Do bị ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, Hội Nhà văn TP.HCM không tổ chức buổi lễ tổng kết và họp mặt với toàn thể hội viên như hằng năm, mà chỉ tổ chức buổi lễ kết nạp hội viên và trao giải thưởng văn học năm 2020 trong phạm vi hẹp, hạn chế số người tham dự.
Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)