TP. Hồ Chí Minh: Nhiều chương trình chào mừng đại hội Đảng các cấp
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin: Ngày 17/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố (TP) phối hợp UBND quận Bình Thạnh tổ chức chương trình ký kết phối hợp thực hiện các công trình thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, phát động tổng vệ sinh môi trường và Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2020 trên địa bàn quận.
Tại chương trình, hai đơn vị ký kết các nội dung quan trọng như thực hiện các chỉ tiêu đợt thi đua 200 ngày, trọng tâm là việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU về Cuộc vận động “Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; tổ chức các hoạt động chuyên đề nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các ngành, các giới và người dân cùng tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động về công tác bảo vệ môi trường; thực hiện các nội dung an sinh xã hội, hỗ trợ cho các diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trao bảng tượng trưng hỗ trợ 200 triệu để xây dựng, sửa chữa nhà tình thương và tặng phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Bình Thạnh.
*Cùng ngày, Thành đoàn TP phối hợp UBND quận Phú Nhuận tổ chức chương trình ký kết phối hợp thực hiện các công trình thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và phát động tổng vệ sinh môi trường và Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2020 trên địa bàn quận.
Cũng thời gian trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP phối hợp UBND quận Gò Vấp tổ chức chương trình ký kết phối hợp thực hiện các công trình thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, với các nội dung như: Tập trung xây dựng và duy trì các tuyến đường đạt tiêu chí “tuyến đường văn minh, mỹ quan đô thị”; tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị; xóa quảng cáo rao vặt; xây dựng hàng rào xanh, trồng cây xanh, trồng hoa, cây bóng mát; điện chiếu sáng; cải tạo khu đất trống thành công viên tại một số khu dân cư điển hình.
Tháng 12/2020, nâng cấp xong đường băng Tân Sơn Nhất
Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thông tin từ báo Người Lao Động, theo thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến về công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, để đẩy nhanh tiến độ Bộ GT-VT sẽ là chủ đầu tư của hai dự án này.
Bộ trưởng Bộ GT-VT giao Ban quản lý dự án Thăng Long tổ chức dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng HKQT Nội Bài; Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) tổ chức quản lý dự án với hạng mục tương tự tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Riêng đối với đường cất hạ cánh 25R/07L Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác trong tháng 12/2020.
Trường mầm non sẵn sàng đón trẻ trở lại
Hôm nay 18/5, các trường mầm non trên địa bàn TP bắt đầu đón trẻ đi học trở lại. Theo kế hoạch của UBND TP, học sinh khối lá (5 tuổi) bắt đầu đi học lại từ hôm nay, 2 khối mầm (3 tuổi) và chồi (4 tuổi) sẽ đi học từ đầu tuần sau (25/5); riêng các lớp nhà trẻ đón học sinh từ ngày 1/6.
Theo ghi nhận của báo Sài Gòn Giải Phóng, không chờ đến sát ngày học sinh khối lá đi học trở lại, trong suốt tuần qua, Trường Mầm non 3 (quận 3) đã tổ chức nhiều đợt phun thuốc khử khuẩn, tập trung giáo viên tất cả khối lớp vào trường tổng vệ sinh, làm sạch trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để chuẩn bị đón các em.
Trường Mầm non 1 (quận 5) sẽ cho mỗi lớp tự tổ chức các hoạt động chào đón như múa hát văn nghệ, biểu diễn kịch rối, kể chuyện… nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh trong ngày đầu trở lại trường và đảm bảo quy định không tập trung đông học sinh ở sân trường.
Trong 3 tháng trẻ nghỉ ở nhà vì dịch bệnh, học sinh của Trường Mầm non Hương Sen (quận Bình Tân) vẫn thường xuyên được kết nối với cô giáo thông qua các đoạn video clip các cô tự quay rồi gửi cho phụ huynh, trong đó hướng dẫn con cách rửa tay, vắt nước cam, giữ gìn sức khỏe, hoặc kể một số mẫu chuyện vui, dạy con bài hát mới.
Giáo viên Trường Mầm non Hoàng Yến (quận Gò Vấp) làm vệ sinh trường lớp vào sáng 14-5 để chuẩn bị đón học sinh quay lại trường
Ở nhiều trường, trong ngày đầu tiên học sinh khối lá đi học trở lại, giáo viên mỗi lớp sẽ chủ động xây dựng kế hoạch sinh hoạt với nhiều hoạt động vui chơi nhằm tạo không khí gần gũi, vui tươi. Tập trung nhiều vào các trò chơi vận động nhằm tạo tâm lý thoải mái, giúp học sinh tăng cường vận động, gia tăng sức đề kháng. Có trường bố trí lệch giờ vào học và ra về theo từng khối lớp khi học sinh các khối lớp đi học lại đầy đủ. Một số trường mầm non khác cũng tổ chức chào đón trẻ bằng chú hề phát kẹo và bong bóng, sau đó giáo viên kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn các em rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khô hoặc rửa tay với nước và xà phòng. Giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, múa hát, trong đó lồng ghép các nội dung giáo dục về giữ gìn sức khỏe nhằm giúp trẻ “học mà chơi, chơi mà học”.
Đại diện nhiều trường mầm non cũng cho biết, các trường đã xây dựng thực đơn bán trú với đầy đủ dinh dưỡng, khoa học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp độ tuổi, sử dụng dụng cụ bán trú riêng biệt để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Trong tình hình thời tiết nắng nóng, nhiều trường còn tăng cường cho trẻ uống các loại nước mát, nước trái cây nhằm gia tăng sức đề kháng cho học sinh.
Xã hội hóa bảo tàng thông minh
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, từ tháng 1/2020, Bảo tàng Lịch sử TP bắt đầu đưa vào hoạt động thử nghiệm dự án Giải pháp tương tác bảo tàng thông minh Komorebi ở phòng trưng bày Tượng Phật giáo một số nước châu Á. Khi du khách chuẩn bị bước qua cửa tham quan được quét mã QR trên điện thoại, có phiên bản tiếng Việt và Anh, rồi tương tác trực tiếp với toàn bộ hiện vật về: nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, niên đại, hình ảnh, video… rất sống động.
Du khách trải nghiệm tương tác với thiết bị thông minh tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - Ảnh: QUỲNH TRÂN
Cách đây 2 năm, Hội trường Thống Nhất cũng mở cửa trưng bày chuyên đề Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966. Lần đầu tiên có sự kết hợp giữa đồ họa và công nghệ mới. Các thiết bị do chuyên gia Mỹ tư vấn thiết kế và sử dụng một cách chuyên nghiệp đã giúp chuyển tải những thông điệp và nội dung của trưng bày một cách sinh động, cuốn hút. Người xem bất ngờ với những trải nghiệm không chỉ qua thị giác mà còn qua hệ thống âm thanh vòm, nghe trực tiếp âm thanh sống động của Sài Gòn xưa thời Pháp thuộc. Nhờ kết hợp giữa màn hình trình chiếu và video, du khách như tận mắt chứng kiến thời điểm máy bay ném bom Dinh Độc Lập và khung cảnh đường phố Sài Gòn căng thẳng khi ấy. Nhờ sử dụng tương tác thông minh bằng công nghệ, trung bình mỗi ngày nơi đây thu hút được 500 - 600 khách vào tham quan.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng đã đưa vào hoạt động phòng trưng bày Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM bằng ứng dụng Smart Museum thành công. Tháng 6/2020 sẽ tiếp tục đưa vào khánh thành công trình bảo tàng thông minh tương tác trên công nghệ 3D với nhiều trang thiết bị hiện đại.
Ưu điểm của bảo tàng thông minh là không cần diện tích trưng bày lớn, tiết kiệm được chi phí, thời gian khách tham quan linh hoạt, tư liệu lịch sử trở nên sống động, có sự tương tác cao. Tuy nhiên, hiện chuyên gia giỏi về thiết kế bảo tàng hiện đại đều là người nước ngoài, chi phí bỏ ra thuê rất cao so với mức quy định của luật đầu tư công Việt Nam. Do vậy, để có một bảo tàng thông minh thực sự hiện đại và chuyên nghiệp đúng chuẩn quốc tế rất khó thực hiện. Theo đại diện các bảo tàng, nên sớm có một cơ chế tài chính đặc thù cho ngành, khi sử dụng chuyên gia nước ngoài. Để đỡ nặng gánh cho ngân sách nhà nước, các bảo tàng nên “tự thân vận động” theo hình thức xã hội hóa, vừa giúp đối tác quảng bá thương hiệu đến với du khách từ việc tiếp cận nền tảng công nghệ của bảo tàng, tạo ra nguồn thu ổn định cho loại hình tương tác thông minh.
Đưa tim hiến tặng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh cứu người
Trái tim của một phụ nữ nông dân đã được chuyển từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh để ghép cho một người đang chờ đợi được ghép tim. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một phụ nữ hiến tặng trái tim. Đó là thông tin đầy xúc động được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.
Đoàn bác sĩ được bố trí rời máy bay và sân đỗ trong vòng 2 phút, mang theo trái tim được hiến tặng (đựng trong thùng chuyên dụng đựng tạng màu đỏ) - Ảnh: TTĐPHGMTQG
Chiều muộn ngày 13/5 vừa qua, êkip của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận chuyển trái tim được hiến tặng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để ghép cho người bệnh đang chờ.
Do thời gian bảo quản trái tim kể từ khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến tặng cho đến khi được ghép vào cơ thể người nhận tối đa không quá 6 tiếng, các bác sĩ và hãng vận chuyển đã vô cùng khẩn trương: đặt chỗ cho đoàn y tế và hành lý xách tay là hộp đặc biệt đựng trái tim hiến tặng, bố trí thời gian rời máy bay và sân đỗ chỉ 2 phút, đường ra sân bay và từ sân bay về Bệnh viện Chợ Rẫy đều có xe cảnh sát dẫn đường...
Trên máy bay, hộp đựng trái tim được dùng dây nối dài đai an toàn để đảm bảo an toàn.
Chuyến bay chở theo trái tim hiến tặng đã hạ cánh tại TP lúc 20 giờ 10 phút ngày 13/5 và ngay trong đêm, trái tim được hiến tặng đã đập trở lại trong một lồng ngực mới.
Trong những ngày gần đây đã có khoảng 7 gia đình có người thân chết não đăng ký hiến tặng mô tạng. Ngoài trái tim kể trên được vận chuyển vào TP, còn một người hiến tặng tạng và tạng hiến được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Trong 5 năm qua, đã có 50 chuyến bay vận chuyển mô tạng được hiến tặng từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh, Huế hoặc ngược lại. Theo các bác sĩ, có thể đây là "chuyến bay" đầu tiên của người hiến tặng trái tim hôm 13/5.
Tiếp tục giám sát người ra vào các cơ sở y tế
Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 17/5, Sở Y tế TP đề nghị tất cả bệnh viện (BV) trên địa bàn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 với tinh thần quyết liệt, tự giác từ lãnh đạo BV đến nhân viên y tế và cả giám sát người bệnh, thân nhân người bệnh đến BV.
Sở Y tế TP.HCM đi kiểm tra việc phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân 115 vào ngày 21.4.2020 - ẢNH: DUY TÍNH
Cụ thể, tất cả mọi người vào BV đều phải mang khẩu trang, được đo thân nhiệt từ xa, sát trùng tay và làm tờ khai y tế; BV tổ chức buồng khám sàng lọc; giữ khoảng cách tối thiểu khi bệnh nhân xếp hàng, chờ khám. Sở Y tế khuyến khích các BV ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt, đăng ký khám bệnh theo giờ hẹn trước. Thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người bệnh bị di chứng khó đi lại. Lãnh đạo BV giao ban trực tuyến với các khoa, phòng.
Theo Sở Y tế, việc thực hiện những biện pháp trên không chỉ đảm bảo phòng, chống Covid-19 ở các BV mà còn mang lại lợi ích phòng, chống nhiễm khuẩn, đảm bảo an ninh trật tự ở BV.
Những ngày không quên ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi
Bốn bệnh nhân xuất viện đầu tiên của BV dã chiến Củ Chi tặng hoa cám ơn bác sĩ. Ảnh: NT
Bệnh viện dã chiến Củ Chi là nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều thứ 2 trên cả nước, sau bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Trong những ngày dịch đã lắng xuống, PV báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh trở lại bệnh viện này và có bài viết thuật lại những ký ức của đội ngũ y bác sỹ tại đây. Những bác sỹ, điều dưỡng, y tá đều đã có những ngày tháng không quên trong cuộc đời làm thầy thuốc. Bác sỹ Nguyễn Trần Hoàng Tú – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của BV cho rằng, điều quý giá nhất sau những ngày gian nan chống dịch là nhận được tình cảm quý mến của người dân và bệnh nhân. Bệnh nhân, người cách ly sau khi ra về để lại ở góc kỷ niệm của bệnh viện những lá thư tay, những cuốn sổ nhật ký xinh xắn hay các bức ảnh lưu niệm. Tất cả được đóng khung ở một góc trang trọng và dễ nhìn thấy nhất. Bác sỹ Tú còn kể, người dân xung quanh bệnh viện thấy bác sỹ vất vả, đối mặt hiểm nguy nên thỉnh thoảng tặng những món quà quê như bắp, khoai mì hấp nước dừa thơm lừng.
Một trong những ký ức sâu nhất là các trường hợp bệnh nhân có diễn tiến nặng, có những bệnh nền nguy hiểm. Trong số đó, có một thai phụ được cách ly trong những ngày đầu tiên. Trong quá trình cách ly thai phụ đã có biểu hiện dọa sẩy thai, ngay lập tức các bác sỹ Covid-19 trở thành “bác sỹ sản khoa”.
Các bác sỹ tại Bệnh viện vẫn đang trong tư thế tác chiến mỗi ngày, mỗi giây phút. Hiện bệnh viện dã chiến Củ Chi vẫn đang điều trị cho các bệnh nhân tái dương tính Covid-19.