Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 18/8/2021

08:53 18/08/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 18/8

TP Thủ Đức phát động phong trào "Nhà trọ 0 đồng" hỗ trợ người khó khăn

Trao đổi với báo Giao thông, UBND TP Thủ Đức cho biết, thời gian qua, nhiều khu trọ phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức đồng loạt miễn giảm giá thuê trọ cho người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tại phường Hiệp Phú, nhiều chủ giảm giá cho người thuê trọ số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/phòng/tháng. Trong đó, có 8 khu trọ hưởng ứng chương trình vận động “Nhà trọ 0 đồng” trên địa bàn phường này.

Chị Trần Thị Phương Dung (áo đỏ) chủ nhà trọ tiêu biểu hưởng ứng chương trình vận động "Nhà trọ 0 đồng"
Chị Trần Thị Phương Dung (áo đỏ) chủ nhà trọ tiêu biểu hưởng ứng chương trình vận động "Nhà trọ 0 đồng"

Tiêu biểu cho chương trình vận động “Nhà trọ 0 đồng”, chị Trần Thị Phương Dung, ngụ 9/13A đường 898, tổ 4 khu phố 4, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức là chủ 23 phòng trọ chia sẻ: “Trong tháng 6, 7 tôi đã giảm 50% tiền thuê trọ, giá thuê trọ 2 triệu đồng/tháng. Riêng trong tháng 8 đã miễn tiền thuê trọ cho những hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ là 92 triệu đồng”.

Để biểu dương tinh thần nghĩa cử cao đẹp của chị Dung, chính quyền TP Thủ Đức đã đến động viên và tặng giấy khen. Đồng thời, phát động rộng rãi chương trình “Nhà trọ 0 đồng” nhằm chia sẻ với những người lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Lập tổ 19 chuyên gia tư vấn điều trị để giảm tử vong đối với F0

Theo báo Pháp Luật TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP đã ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 của TP.

Tổ chuyên gia có 19 thành viên, Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng được phân công làm Tổ trưởng. Ba Tổ phó là ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP; Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phạm Thị Ngọc Thảo; Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 18/8/2021 - Ảnh 1

Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia là tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP và Sở Y tế trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Đồng thời, tham mưu xây dựng mô hình phòng chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn cụ thể.

Tổ chuyên gia cũng được yêu cầu xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà; tổ chức hội chẩn, tư vấn từ xa và huấn luyện về cách sử dụng trang thiết bị và các phương pháp hỗ trợ hô hấp trong điều trị COVID-19. Từ đó, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho người mắc COVID-19 ở các tầng điều trị (đặc biệt là các bệnh viện tầng 3).

Cập nhật mới toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà

Chiều tối 17/8, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã ký văn bản cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" (phiên bản 1.3). Thông tin từ báo Người Lao Động.

Theo đó, trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bùng phát với nhiều trường hợp chuyển nặng tại nhà như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo có thể sử dụng các thuốc điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm hạn chế tỷ lệ chuyển nặng tại nhà. Ngoài ra, TP đã lập các Trạm đo SpO2 và thở ôxy tại các khu phố và tổ dân phố để hỗ trợ cho người F0 thở ôxy trong khi Tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ.

Thuốc Molnupiravir đưa vào điều trị
Thuốc Molnupiravir đưa vào điều trị

Hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà (dành cho người lớn):

1. Molnupiravir 400mm uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên, uống 5 ngày liên tục.

2. Paracetamol 500mg uống 1 viên khi sốt trên 38 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt.

3. Các loại vitamin (đa sinh tố, vitamin C) uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên.

Nếu ông/bà có cảm giác khó thở hoặc đo SpO2 dưới 95% nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hỗ trợ, ông bà có thể uống thêm các thuốc sau:

4. Dexamethasone 0,5mg uống ngày 1 lần, sáng 12 viên sau khi ăn (tương đương 6mg/ngày).

Hoặc: Methylprednisolone 16mm uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên sau khi ăn.

Hoặc: Prednisolone 5mg uống ngày 1 lần, sáng 8 viên sau khi ăn (tương đương 40mg/ngày).

5. Rivaroxaban 10mg, uống ngày 1 lần, sáng 1 viên.

Hoặc: Apixaban 2,5mg uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên.

Hoặc: Dabigatran 110mg uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên.

Lưu ý, toa thuốc chỉ sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. Thuốc số 1 là thuốc có kiểm soát, được cung cấp theo chương trình của Bộ Y tế.

Riêng thuốc số 4 và thuốc số 5 không sử dụng trong các trường hợp: Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu.

Đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh lý nền, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng toa thuốc này.

Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thuốc này trong điều trị Covid-19 nhằm đóng góp vào kho dữ liệu khoa học của ngành, làm căn cứ để kiến nghị Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế bổ sung vào hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong thời gian tới.

Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người nghèo 28.000 tỉ ngân sách và 142.000 tấn gạo

Báo Tuổi Trẻ cho hay, UBND TP vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, để người dân, lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TPHCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách cho TP với số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.

Người nghèo TP.HCM trong các khu nhà trọ đang cần được hỗ trợ khẩn cấp không chỉ về thực phẩm mà còn về chi phí thuê trọ - Ảnh: VŨ THỦY
Người nghèo TP.HCM trong các khu nhà trọ đang cần được hỗ trợ khẩn cấp không chỉ về thực phẩm mà còn về chi phí thuê trọ - Ảnh: VŨ THỦY

Số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Cụ thể, mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15 kg/người.

4 quận, huyện hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi

Báo Thanh Niên đưa tin, sáng 17/8, Sở Y tế TP cho biết đã có 4 quận, huyện gồm quận 5, quận 11, quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi.

Như vậy, trong đợt 5 tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ ngày 22/7 đến hết ngày 16/8, TP đã tiêm vắc xin cho 3,7 triệu người, tất cả đều an toàn. Riêng 4 ngày qua, từ ngày 13/8 đến ngày 16/8, có 282.576 người tiêm vắc xin COVID-19 Vero Cell của Sinopharm.

TPHCM minh bạch trong tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm. ẢNH: DUY TÍNH
TPHCM minh bạch trong tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm. ẢNH: DUY TÍNH

Cũng trong ngày 16/8, Hệ thống tiêm chủng vắc xin (VNVC) bàn giao hơn 1,1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho Viện Pasteur TP theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đây là lần giao vắc xin COVID-19 thứ 8 thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của VNVC với AstraZeneca từ tháng 11/2020.

Bưu điện TPHCM vẫn chuyển phát hồ sơ xét tuyển khi thực hiện Chỉ thị 16

Tin từ báo SGGP, nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển phát hồ sơ xét tuyển của thí sinh gửi đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành trên cả nước, Bưu điện TP đã tổ chức lại công tác phục vụ tại các điểm bưu cục.

Theo đó, Bưu điện TP sẽ cung cấp dịch vụ nhận hồ sơ xét tuyển tại tất cả các điểm bưu cục đang có mở cửa hoạt động trên toàn địa bàn các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đối với nhu cầu chuyển phát giấy báo thi, giấy thông báo trúng tuyển, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ của học sinh khối lớp 12, Bưu điện TP đã phối hợp với Sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn để tiếp nhận và chuyển phát đến địa chỉ của học sinh. Đồng thời, bưu điện cũng đang phối hợp với các trường THCS để chuyển phát hồ sơ đăng ký nhập học vào lớp 10 cho các học sinh có nhu cầu.

Bưu điện TP cung cấp số điện thoại đường dây nóng 028 39 247 247 để người dân có thể liên hệ và được hướng dẫn sử dụng dịch vụ.

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bưu điện TPHCM vẫn duy trì dịch vụ hành chính công - nhận và phát trả hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bưu điện TPHCM vẫn duy trì dịch vụ hành chính công - nhận và phát trả hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hoàn thành tuyển dụng giáo viên sớm nhất vào đầu tháng 11/2021

Cũng trên báo SGGP, ngày 17/8, Sở GD-ĐT TP đã có thông báo về việc tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT gồm trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó cấp học cao nhất là THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2021-2022.

Theo đó, sau khi tổng hợp nhu cầu tuyển dụng, Sở GD-ĐT dự kiến tuyển dụng 441 người làm việc, trong đó 392 vị trí giáo viên và 49 vị trí cho các chức danh thủ quỹ, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, nhân viên thiết bị, thí nghiệm, công nghệ thông tin, thư viện và văn thư để bổ sung đội ngũ cho các trường THPT và các đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp thực hiện tuyển dụng.

Ứng viên tham gia dự tuyển viên chức ngành giáo dục năm học 2019-2020
Ứng viên tham gia dự tuyển viên chức ngành giáo dục năm học 2019-2020

Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Những trường hợp được tuyển chọn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ năng lực theo yêu cầu của vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển.

Sở GD-ĐT lưu ý, ngành giáo dục sẽ không tiếp nhận bổ sung đối tượng ưu tiên sau khi Sở công nhận kết quả tuyển dụng.

Lan tỏa phong trào bảo vệ “vùng xanh”

Những ngày này, cùng với việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền và người dân TPHCM đang cùng nhau nỗ lực mở rộng và bảo vệ “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19.

Ghi nhận của VOV.vn, từ khi khu phố 3, Phường 5, quận Gò Vấp đăng ký triển khai xây dựng “Khu phố an toàn”, người dân sinh sống ở đây cảm thấy an tâm hơn với việc kiểm soát, phòng dịch COVID-19 của khu phố mình. Bởi 11 tuyến hẻm trong khu phố được thiết lập chốt chặn 2 đầu, luôn có lực lượng tình nguyện viên túc trực, bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt, tuyệt đối không cho người lạ, shipper vào khu dân cư.

Cũng tại quận Gò Vấp, phường 3 từng là tâm dịch lớn và phức tạp nhất của TP.HCM, với nơi khởi phát là điểm nhóm truyền giáo Phục hưng. Sau hơn 2 tháng nỗ lực, quyết tâm dập dịch của cả hệ thống chính trị, hiện trên địa bàn phường này không còn khu phong tỏa, không phát sinh thêm các trường hợp F0, F1 trong cộng đồng. Hơn nơi nào hết, người dân ở đây thấu hiểu sự khó khăn, bất tiện và cả nguy hiểm do dịch bệnh gây ra. Người dân đã chủ động thiết lập những “thành trì”, quyết tâm bảo vệ những thành quả chống dịch của địa phương mà cụ thể là bảo vệ "vùng xanh", vùng không có ca nhiễm cộng đồng.

Ông Ngô Xuân Bình - Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp cho biết, thời gian qua, các lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” hoạt động rất hiệu quả, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân. Hiện phường vẫn đang nỗ lực triển khai tiêm chủng, tiến tới mục tiêu “xanh hóa” 17 khu phố trên bản đồ COVID-19.

Các mô hình tự quản “vùng xanh” của nhân dân đang cho thấy hiệu quả bước đầu trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong ảnh là chốt tự quản trên đường 36, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức.
Các mô hình tự quản “vùng xanh” của nhân dân đang cho thấy hiệu quả bước đầu trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong ảnh là chốt tự quản trên đường 36, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức.

Tại TP Thủ Đức, hơn 600 mô hình “Khu phố/Tổ dân phố an toàn, không còn COVID-19” cũng được các phường rà soát, thiết lập được nhiều khu vực an toàn vững chắc, từng bước làm sạch các ổ dịch, khu phong tỏa trên địa bàn. Để chiến dịch “bảo vệ vùng xanh” đi vào thực chất, Công an TP. Thủ Đức đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu củng cố hoặc dỡ bỏ các chốt vùng xanh làm sơ sài, không có người trực gác, không có tác dụng như mục đích, yêu cầu đặt ra.

Đồng thời, UBND các phường cũng ban hành quy chế hoạt động, nội quy cụ thể tại các chốt, thành lập tổ tự quản và bố trí tình nguyện viên trực chốt. Song yếu tố cốt lõi vẫn là sự hưởng ứng, đồng sức, đồng lòng của người dân, biến chiến dịch trở thành phong trào thi đua rộng khắp.

Người dân phường Tân Phú, TP. Thủ Đức tình nguyện tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”.
Người dân phường Tân Phú, TP. Thủ Đức tình nguyện tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”.

Tận dụng thời gian “vàng” - thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các “vùng đỏ” trên bản đồ dịch bệnh COVID-19 của TP đang xanh hóa và mở rộng dần. “Bảo vệ vùng xanh” đang là khẩu hiệu, là phong trào mà chính quyền và nhân dân TP.HCM chung sức, nỗ lực thực hiện để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục