Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 18/8/2022

09:53 18/08/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 18/8:

Thí điểm thành lập Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc tại TP.HCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Báo SGGP cho biết, văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị TP tiếp tục tập trung triển khai các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, nhân lực và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, lưu ý không để xảy ra “dịch chồng dịch”; tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định…

Cùng với đó, TP.HCM triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022...

Đặc biệt, Thủ tướng cho phép thí điểm thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND TP để đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại TP.HCM.

TP.HCM kiến nghị mỗi phường thêm 2 công chức, mỗi 15.000 dân được thêm 1 công chức

Theo báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn báo cáo vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 131 năm 2020 của Quốc hội và Nghị định 33 năm 2021 của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Trong đó, nêu và kiến nghị "gỡ" một số vướng mắc về bố trí biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường.

Người dân làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Q.ĐỊNH
Người dân làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Q.ĐỊNH

UBND TP nhận định, qua 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại 249 phường, việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường hiện nay chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương trên địa bàn.

Từ đó, TP kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng số lượng công chức làm việc tại phường từ bình quân 15 người/phường thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống. Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức.

Truy tìm phương tiện tông hư nhịp chính cầu Bình Phước 1

Sở Giao thông vận tải vừa kiến nghị UBND TP chỉ đạo Công an TP tiến hành điều tra việc một chiếc tàu va vào cầu Bình Phước 1, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Công nhân công trình hướng dẫn, điều tiết giao thông trên cầu. Ảnh: LƯU DUYÊN
Công nhân công trình hướng dẫn, điều tiết giao thông trên cầu. Ảnh: LƯU DUYÊN

Liên quan đến sự cố này, hiện Sở Giao thông vận tải đã trực tiếp đến hiện trường để xem xét và chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai phương án điều tiết giao thông; tạm thời không cho phép các phương tiện xe tải và xe khách trên 16 chỗ đi qua cầu để phục vụ công tác điều tra và xử lý sự cố.

Theo báo Tuổi Trẻ, hiện vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể và chưa bắt được phương tiện gây ra sự cố. Sự cố cầu hư hại được phát hiện vào khoảng 16h30 ngày 8/8. Theo đánh giá sơ bộ, dầm biên nhịp chính (phía hạ lưu) của cầu Bình Phước 1 bị va chạm làm cong vênh và hư hại một số khu vực xung quanh.

TPHCM công bố nền tảng dữ liệu tài nguyên và môi trường trực tuyến

VietNamNet đưa tin, chiều qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tổ chức công bố “Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường” nhằm phục vụ các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định đã ban hành.

Giao diện của Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM.
Giao diện của Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM.

Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM được Sở Tài nguyên - Môi trường hoàn thành xây dựng vào năm 2021 và trải qua quá trình thử nghiệm với website: https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn.

Nền tảng này được hình thành từ Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên và môi trường để phục vụ các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay, nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường đã công bố và cung cấp kênh chia sẻ dữ liệu không gian địa lý cho gần 450 tập dữ liệu thông qua các giao tiếp mở, chuẩn mở quốc tế và theo quy định của Nhà nước. Thông qua nền tảng này, các tổ chức, cá nhân có thể hiểu rõ được dữ liệu và cách thức tiếp cận để tạo ra các ứng dụng phục vụ lợi ích cộng đồng trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau.

Công an TP hứa tiếp thu kiến nghị “không thu sổ hộ khẩu”

Thông tin trên báo SGGP, hôm qua, Công an TPHCM tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC của đơn vị với doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Công an TPHCM đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân về TTHC. Ảnh: CHÍ THẠCH
Công an TPHCM đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân về TTHC. Ảnh: CHÍ THẠCH

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức, người dân đặt câu hỏi về nhiều lĩnh vực như: quản lý xuất nhập cảnh; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý CCCD; PCCC&CNCH… Một số người dân có ý kiến việc thu hồi sổ hộ khẩu là không cần thiết, gây xáo trộn, khó khăn.

Đại diện Công an TP cho biết, đơn vị đang chờ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể. Nếu tới thời điểm buộc phải thu thì đơn vị sẽ phải thu.

Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ thêm, dù vậy, với kiến nghị sổ hộ khẩu hết hạn không cần thu hồi, để cho người dân giữ làm kỷ niệm, đơn vị sẽ tiếp thu và có ý kiến, kiến nghị với Bộ Công an, để có hướng dẫn nhằm làm sao thuận lợi nhất cho người dân.

“Bội thu” thí sinh xét tuyển, trường nghề vẫn thấp thỏm

Báo Pháp luật cho hay, hiện nay, công tác tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 đang trong giai đoạn cao điểm xét tuyển, khiến việc tuyển sinh ở nhiều trường nghề bị ảnh hưởng không nhỏ. Có những trường đã gần kết thúc tuyển sinh với số thí sinh “rủng rỉnh” nhưng vẫn phải thấp thỏm chờ số lượng thí sinh đi học chính thức.

Phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng năm 2022.Ảnh: XUÂN THỊNH
Phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng năm 2022.Ảnh: XUÂN THỊNH

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, Hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc cho biết, đến nay trường đã có khoảng 4.000 thí sinh xác nhận nhập học thông qua xét học bạ. Trong đó, hơn 50% em học hệ CĐ, còn lại là trung cấp sau THCS. Theo ông Lộc, năm nay chỉ tiêu hệ ĐH tăng và các trường chủ yếu xét học bạ nên đến nay thí sinh vẫn có nhiều cơ hội lựa chọn vào ĐH. Do đó, dù số thí sinh tham gia xét tuyển vào trường đến khoảng 10.000 em nhưng số chắc chắn nhập học lại chỉ đạt hơn 1/3.

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, mặc dù kết quả xét tuyển ở các phương thức gần như cao nhất trong hệ thống trường nghề tại TPHCM nhưng đến nay trường vẫn đang hồi hộp chờ đợi, chưa thực sự yên tâm. Theo Hiệu trưởng Lê Đình Kha, thời điểm này thí sinh đã hoàn tất thủ tục nhập học vào trường, ở những ngành hot đã đạt 100%. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng thí sinh chần chừ, chưa xác nhận nhập học nên trường đang tiếp tục xét tuyển bổ sung cho chín ngành/nghề khác.

Trao 250 triệu đồng hỗ trợ trẻ mồ côi trên địa bàn quận 3

Chiều qua, chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên đã đến với 50 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn quận 3, trao mỗi cháu 5 triệu đồng.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn trao quà cho trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn Q.3.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn trao quà cho trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn Q.3.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, gần tròn 1 năm trước, quận 3 nói riêng và cả TPHCM trải qua đại dịch lịch sử, để lại bao mất mát, đau thương, đặc biệt là để lại nhiều trẻ em bơ vơ, mất đi nguồn nuôi dưỡng.

Tháng 9/2021, Báo Thanh Niên phát động chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, kêu gọi bạn đọc cùng chung tay giúp đỡ trẻ mồ côi và may mắn khi hàng ngàn bạn đọc trong và ngoài nước đã nhiệt tình ủng hộ. Đến nay, chương trình đã tiếp cận gần 2.000 trẻ mồ côi để trao tiền hỗ trợ khẩn cấp và bảo trợ lâu dài cho hơn 200 trẻ.

Chăm lo Tết Quý Mão 2023 sẽ lan tỏa đến từng công đoàn cơ sở

Thông tin trên báo Lao động, LĐLĐ TPHCM vừa lên kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão năm 2023 cho đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Theo đó, bên cạnh đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chăm lo còn có thêm những đoàn viên có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - tặng quà cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở quận Bình Tân dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Nam Dương
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - tặng quà cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở quận Bình Tân dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Nam Dương

Ngoài các chương trình truyền thống, các cấp công đoàn TP sẽ tổ chức Tết cho những công nhân ở trọ không có điều kiện về quê ăn Tết, tổ chức Chương trình “Công nhân vui Tết cùng thành phố”, “Phiên chợ nghĩa tình - Xuân yêu thương”, “Tết sum vầy, Xuân tri ân”…

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết, với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”, việc chăm lo Tết sẽ lan tỏa đến từng công đoàn cơ sở.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục