Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/11/2020

10:52 19/11/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 19/11:

Tuyên dương 161 Nhà giáo trẻ tiêu biểu

Theo báo Pháp Luật TP, tối 18/11, tại nhà Văn hóa Thanh niên, Ban thường vụ Thành đoàn tổ chức Tuyên dương 161 Nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020, nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Tăng hơn so với các năm trước, năm nay, Thành đoàn nhận được 1548 hồ sơ các giáo viên gửi đến từ 71 trường trên địa bàn. Từ đó, chương trình đã chọn tuyên dương 161 nhà giáo trẻ từ bậc mầm non đến đại học tại TP, có thành tích tiêu biểu trong đạo đức, cống hiến và chuyên môn. Trong số đó, có 6 người đã nhận giải thưởng nhà giáo trẻ tiêu biểu trong hơn 4 năm liên tục.

Bà Phan Thị Lệ và bà Phan Thị Thanh Phương trao Nhà giáo trẻ tiêu biểu cho những nhà giáo có trên 4 năm đạt giải liên tục. Ảnh: KHÁNH CHI
Bà Phan Thị Lệ và bà Phan Thị Thanh Phương trao Nhà giáo trẻ tiêu biểu cho những nhà giáo có trên 4 năm đạt giải liên tục. Ảnh: KHÁNH CHI

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP khẳng định, đội ngũ giáo viên TP không chỉ đông về số lượng mà còn thể hiện chất lượng đào tạo thuyết phục, với tính năng động, sáng tạo, chuyên cần và bản lĩnh. Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng về tri thức, đạo đức và nhân cách sống cho nhiều thế hệ học sinh noi theo.

Cuộc vận động Nhà giáo trẻ tiêu biểu là chương trình do Thành đoàn tổ chức từ năm 2008 nhằm phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các giáo viên trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, tích cực tham gia công tác đoàn thể. Đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng giáo viên trẻ rèn luyện trau dồi chuyên môn, đạo đức, góp phần vào sự nghiệp trồng người.

Ra mắt chi nhánh Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TPHCM

Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 18/11, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TPHCM được thành lập và ra mắt tại Dinh Thống Nhất. Chi nhánh này thuộc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, là đơn vị duy nhất được Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cấp quyền.

Chi nhánh có nhiệm vụ phối hợp các cơ quan chức năng để kiểm tra, thanh tra đột xuất hoặc định kỳ việc áp dụng công nghệ chống hàng giả trên sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, qua đó bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TPHCM. Ảnh: VOV
Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TPHCM. Ảnh: VOV

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, nhận định, vấn đề hàng giả, hàng nhái đã và đang “gây nhức nhối” xã hội nhiều năm qua. Nó không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe người dân, mà còn triệt đường phát triển của doanh nghiệp, làm xấu môi trường kinh doanh và kéo lùi sự phát triển kinh tế quốc gia. Đáng lo ngại hơn, tình trạng làm hàng giả, hàng nhái ngày càng được thực hiện tinh vi, gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan chức năng.

Thế nên, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm chống hàng giả, hàng nhái là biện pháp bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và quan trọng hơn bảo vệ nền sản xuất quốc gia.

Dự thảo chỉnh sửa SGK lớp 1 – bộ Cánh Diều: Nhiều góp ý thiết thực

Sau 5 ngày Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM công bố dự thảo chỉnh sửa, bổ sung SGK Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều lên mạng xã hội trước khi Hội đồng thẩm định họp cho ý kiến, nhiều thầy cô giáo đã gửi nhận xét, đánh giá, góp ý thẳng thắn về dự thảo chỉnh sửa.

Đa phần ý kiến ủng hộ sự cầu thị, chỉnh sửa từ nhóm biên soạn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn SGK Tiếng Việt lớp 1 sẽ được chỉnh sửa cụ thể hơn. Ghi nhận trên báo Pháp Luật TP.

Nhiều ý kiến góp ý ủng hộ sự thay đổi của Dự thảo điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều.
Nhiều ý kiến góp ý ủng hộ sự thay đổi của Dự thảo điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều.

Giáo viên Danh Kim Pha, Trường tiểu học và THCS Trần Văn Ơn, xã Bom Bo, Bù Đăng, Bình Phước góp ý: Dự thảo chỉnh sửa nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều đã rất phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với việc dạy học, phân hóa học sinh.

Góp ý với dự thảo chỉnh sửa về việc dùng âm vần, cô Lê Thị Liễu, Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, xã Bàu Hàm 2, Thống Nhất, Đồng Nai cho rằng khi học sinh bắt đầu vào lớp 1 thì âm, chữ, tiếng từ nào cũng đều mới cả. Việc hiểu nghĩa của học sinh lớp 1 cũng thật đơn giản. Vì vậy trong SGK có một vài ngữ liệu có thể phù hợp với vùng này, không phù hợp với vùng kia đó là việc tất yếu (SGK cũ cũng vậy) vì vậy có thể chọn từ cùng nghĩa, gần nghĩa để giải thích cho các cháu nhằm cung cấp thêm vốn từ.

Còn cô giáo Hà Thị Hiền Vân, Trường Tiểu học Xuân Huy, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, góp ý cần sửa độ rộng của một số nét trong quyển Luyện viết. Ví dụ: từ q nối sang u, từ c nối sang o, từ o, ô, ơ nối sang p, từ o, ô, ơ nối sang t..

Một số ý kiến cho rằng, phần học vần nên có một quy trình mẫu nhất định cho mỗi loại bài.

“Tôi thấy môn Tiếng Việt ở phần học chữ nhưng chưa có bài dạy riêng về chữ "ă, â". Trong quá trình dạy học vần học sinh thường xuyên quên và nhầm 2 chữ này. Rất mong các tác giả cho bài riêng về 2 chữ ă, â để học sinh nắm chắc hơn” – giáo viên Trường tiểu học, THCS Thanh Lâm Thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Việc lấy ý kiến cho Dự thảo chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu SGK Cánh Diều vẫn tiếp tục diễn ra cho đến ngày 20/11. Ngày 21/11, Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức thẩm định dự thảo chỉnh sửa, đóng góp ý kiến trước khi có bản chính thức và bổ sung cho các trường.

Mở đợt kiểm tra an toàn giao thông khu vực các cống ngăn triều

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Sở GTVT TP sẽ cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực các công trình cống ngăn triều, thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trên địa bàn TP.

Theo Sở GTVT, quá trình kiểm tra nhằm góp phần phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm gây mất trật tự ATGT đường thủy ở các khu vực đang thi công. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho việc vận tải hàng hóa, hành khách, an toàn ở các hạng mục công trình cống kiểm soát triều đang thi công dở dang trên các tuyến đường thủy.

Ngoài ra, công tác kiểm tra còn nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân bằng đường thủy trong dịp Tết Dương lịch năm 2021, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và trong thời gian thi công các công trình cống kiểm soát triều không bị ảnh hưởng.

Khu vực công trình cống Cây Khô, huyện Nhà Bè - Ảnh: LÊ PHAN
Khu vực công trình cống Cây Khô, huyện Nhà Bè - Ảnh: LÊ PHAN

Dự kiến, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra tại cống ngăn triều Bến Nghé, Phú Xuân, Cầu Kinh, Bà Bướm, Mương Chuối, cổng ngăn triều Tân Thuận, Cây Khô, Phú Định.

Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 18/11 đến 31/12, trong đó chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 18 - 26/11 và đợt 2 từ ngày 9 - 17/12.

Sở GTVT yêu cầu Trung tâm Quản lý đường thủy, Thanh tra Sở GTVT TP, UBND quận - huyện có liên quan phối hợp cùng nhau để đợt kiểm tra hiệu quả. Thanh tra Sở GTVT chủ động kế hoạch kiểm tra đột xuất khi thấy xuất hiện nguy cơ mất ATGT tại khu vực các công trình cống ngăn triều.

Truy tố 3 đối tượng tổ chức cho người nước ngoài lưu trú trái phép

Ngày 18/11, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TPHCM cho biết, đơn vị đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 3 đối tượng tổ chức, môi giới cho hàng chục người Trung Quốc lưu trú trái phép tại hai căn nhà thuộc quận Bình Tân trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở TP. Đà Nẵng vừa qua. Nội dung đăng tải trên Vietnamplus.

Ba bị can gồm Trần Chí Hạo, Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Thành Trung bị truy tố về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 348-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhằm hưởng lợi bất chính, Trần Chí Hạo đã cùng đồng phạm tổ chức, môi giới và chịu trách nhiệm cho 4 người Trung Quốc thuê căn nhà số 67 ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân lưu trú trái phép. Trong khi đó, Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Quang Thắng cũng cùng đồng phạm tổ chức, môi giới và chịu trách nhiệm cho 10 người Trung Quốc thuê nhà số 67 và nhà số 81 ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân để lưu trú trái phép.

Tổng số tiền Trung được hưởng lợi là 8,5 triệu đồng, Thắng hưởng lợi 9 triệu đồng và Hạo hưởng lợi 3 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại diện Viện KSND TP nhấn mạnh hành vi tổ chức, môi giới cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và lưu trú ở TPHCM nhằm thu lợi bất chính trong thời điểm có dịch Covid-19 trong cộng đồng là nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sự ổn định về quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Hành vi này của Trần Chí Hạo, Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Quang Thắng cần phải bị xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung

Khách đi xe đò, tàu lửa, máy bay giảm hơn 40%, mua sắm xe hơi tăng 4,3%

Theo Sở Giao thông vận tải TP, trong 10 tháng đầu năm 2020 sản lượng vận tải hành khách đường bộ ước đạt 400,38 triệu lượt hành khách, giảm 43,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, lượng hành khách đi và đến TP.HCM bằng đường sắt ước đạt 849.022 lượt hành khách giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chỉ có 4.330 chuyến tàu lửa hoạt động, giảm 38% so với năm trước.

Lượng hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 19,3 triệu lượt hành khách, giảm 42,03% so với cùng kỳ. Lượng hành khách đi bằng xe buýt đạt 250,5 triệu lượt, đạt 36, 04 % so với kế hoạch năm. Riêng số lượng hành khách đi bằng đường thủy bị giảm ít hơn, trong 10 tháng đầu năm nay đạt 26,11 triệu lượt khách, giảm 13,58% so với cùng kỳ.

Nhiều người dân ở TP đang làm thủ tục đăng ký hơi, xe gắn máy mới. 10 tháng đầu năm 2020, số lượng xe đăng ký mới tăng bình quân 3,22% so cùng kỳ năm trước - Ảnh: N.V.
Nhiều người dân ở TP đang làm thủ tục đăng ký hơi, xe gắn máy mới. 10 tháng đầu năm 2020, số lượng xe đăng ký mới tăng bình quân 3,22% so cùng kỳ năm trước - Ảnh: N.V.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, một số doanh nghiệp vận tải cho biết, nguyên nhân lượng hành khách giảm mạnh là do tình hình dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là khi bùng phát đợt 2 dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở Đà Nẵng khiến lượng khách đi vui chơi, du lịch cũng giảm mạnh.

Ngược lại, trong 10 tháng đầu năm 2020, nhu cầu của người dân mua sắm ô tô và xe gắn máy vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, mua sắm ô tô tăng 4,36% và xe gắn máy tăng 3,08%. Tính bình quân mỗi ngày có 127 ôtô và 838 xe gắn máy mới lăn bánh trên đường.

Sở GTVT TP đề xuất xây dựng cầu bộ hành ở sân bay Tân Sơn Nhất

Báo Lao Động cho hay, Sở GTVT TP vừa có văn bản gửi Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Hiệp hội taxi TP, Công ty TNHH Grab, Công ty Cổ phần Be Group yêu cầu tăng cường công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Sở GTVT TP, sau khi thực hiện điều chỉnh, phân làn ô tô đón, trả hành khách trong khu vực đường nội bộ của sân bay Tân Sơn Nhất, tình hình giao thông tại đây có cải thiện. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách đón xe, Sở GTVT TP đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với các đơn vị liên quan (trong đó có đơn vị quản lý nhà giữ xe TCP) có hình thức hướng dẫn, tuyên truyền việc bố trí, sắp xếp vị trí đón khách để người dân biết. Bổ sung thêm thang máy (hiện nay chỉ có 2 thang máy) phục vụ hành khách di chuyển lên các khu vực đón xe (các tầng 1, 2, 3) trong tòa nhà TCP.

Làn B sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng sau khi phân luồng. Ảnh: Minh Quân
Làn B sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng sau khi phân luồng. Ảnh: Minh Quân

Đối với khu vực đón khách bố trí tại các tầng của nhà giữ xe TCP: bố trí đủ ghế ngồi; không cho đậu xe tại khu vực tiếp cận để đảm bảo thông thoáng; bố trí thêm các tiện ích tại khu vực đón khách.

Sở GTVT TP đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm túc phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên các đường nội bộ sân bay và phương án bố trí đón trả khách cho các phương tiện kinh doanh vận tải tại sân bay.

Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sớm nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu bộ hành hoặc đường hầm kết nối giữa nhà ga quốc nội và nhà giữ xe TCP để giải quyết giao cắt giữa người đi bộ và dòng xe di chuyển trên các làn A, B, C, D nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ và giảm ùn tắc giao thông.

Đồng hành cùng gia đình bảo vệ, giáo dục trẻ em

Theo Vietnamplus, ngày 18/11, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP phối hợp cùng Tổ chức Planete Enfants & Developpement (PE&D) của Pháp tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn TPHCM”.

Với 2 văn phòng tham vấn trẻ em tại Quận 9 và quận Tân Phú, Dự án đã cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho trẻ như: khám và cung cấp dinh dưỡng cho hơn 7.700 lượt trẻ, hỗ trợ trẻ suy dinh dưỡng định kỳ hàng tháng cho 100 trẻ; tập trung hỗ trợ khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế, giáo dục và dạy nghề, tư vấn, định hướng nghiệp.

Dự án cũng trợ giúp pháp lý, kiểm tra, giám sát, cập nhật và quản lý hồ sơ của trẻ (có tính bảo mật); tổ chức tập huấn cho gần 1.200 cán bộ, cộng tác viên, người chăm sóc về kiến thức pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em, kỹ năng viết dự án và vận động tài trợ, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại tình dục trẻ em, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật tại cộng đồng.

Các thành viên tham gia dự án Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn cho các bà mẹ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các thành viên tham gia dự án Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn cho các bà mẹ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau hai năm triển khai thực hiện tại địa phương, bà Vũ Ngọc Dung, Phó Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú, nhìn nhận, đồng hành với gia đình là một trong những phương pháp tiếp cận hiệu quả khi triển khai các hoạt động an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP đánh giá cao dự án đã góp phần tăng cường nguồn lực, kỹ thuật, mở rộng các nhóm đối tượng và đa dạng hóa các hoạt động trợ giúp.

Cam kết sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để vận hành mô hình giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, bà Julia Levivier - Trưởng đại diện PE&D tại Việt Nam, đề xuất các hình thức hợp tác trong thời gian tới như dự án “Hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới,” dự án Phát triển mầm non “Hỗ trợ trẻ em dưới 5 tuổi”… nhằm mang lại sự hỗ trợ toàn diện cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

Dự án “Hỗ trợ phát triển gia đình trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tại TPHCM” được thực hiện từ tháng 8/2017 đến nay và đã tiến hành việc tiếp xúc gia đình và đồng hành cấp độ 1 cho 816 hộ; tiếp tục đồng hành cấp độ 2 cho 189 hộ có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp.

Đây là dự án nhằm phát huy vai trò công tác xã hội theo phương pháp đồng hành cùng gia đình hướng đến giải quyết những vấn đề khó khăn của các gia đình có trẻ em gặp khó khăn trong cuộc sống; giúp các gia đình chủ động giải quyết hoặc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ hỗ trợ để tự mình vượt qua khó khăn.

Tình trạng “leo lề” khiến nhiều tuyến vỉa hè hư hỏng

Ghi nhận của Báo Lao Động vào chiều 18/11, tại đường Tôn Đức Thắng vào giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng ùn ứ. Do đó, để tiết kiệm thời gian, nhiều người điều khiển xe máy thường chọn “leo lề” để di chuyển trên vỉa hè. Tình trạng này diễn ra liên tục và kéo dài, đến nay một số điểm ở vỉa hè đường Tôn Đức Thắng đã có dấu hiệu xuống cấp, nhiều nơi gạch lát bị nứt vỡ, bong tróc, lồi lõm...

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn gần điểm giao với đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1) và vỉa hè đường 3 tháng 2 (đoạn qua địa bàn Phường 14, Q.10).

Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TPHCM) xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Hữu Huy
Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TPHCM) xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Hữu Huy

Theo Sở GTVT, qua công tác kiểm tra hạ tầng giao thông trên địa bàn TP cho thấy, vỉa hè trên một số quận, huyện thường xuyên bị lấn chiếm để kinh doanh, nhiều trường hợp phương tiện xe 2 bánh lưu thông trên vỉa hè, đặc biệt vào giờ cao điểm khiến gạch lát vỉa hè bị bong tróc, hư hỏng. Giữa tháng 6/2019, Sở GTVT TP đã yêu cầu các quận, huyện tiến hành nâng cấp, sửa chữa vỉa hè để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đó, Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan kịp thời phát hiện các hư hỏng và nhanh chóng có biện pháp khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, nhiều tuyến vỉa hè hư hỏng, xuống cấp ở TP vẫn chưa được khắc phục. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như gây mất an toàn giao thông cho người bộ hành khi lưu thông trên vỉa hè.

Xe máy di chuyển thành hàng trên vỉa hè đường 3 tháng 2 (Quận 10) vào giờ cao điểm chiều 18.11. Ảnh: Hữu Huy
Xe máy di chuyển thành hàng trên vỉa hè đường 3 tháng 2 (Quận 10) vào giờ cao điểm chiều 18.11. Ảnh: Hữu Huy

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục